• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tâm sự với nghề Điều dưỡng

Chúng ta thường nghe câu nói “Nhất Y - Nhì Dược”. Bởi vì ngành Y là ngành gắn liền với sức khỏe và tính mạng của con người. Những con người ngành y còn được mệnh danh là “những thiên thần áo trắng”. Và từ câu nói đấy tôi đã có mơ ước là trở thành điều dưỡng, đơn giản vì tôi thấy các cô, chú ngành y  tế mặc bộ quần áo blouse trắng khoác trên vai chiếc ống nghe rất giản dị, thanh cao, rất ngưỡng mộ vì họ đã mang lại niềm tin và sự sống cho những người bệnh.

Lớn lên tôi đã cố gắng học tập thật tốt để trở thành một sinh viên ngành y, và ngày đó cũng đã đến với tôi bao nhiêu hoài bão, khó khăn và vất vả ở phía trước. Có những bạn phải từ bỏ ước mơ giữa chừng vì cứ thấy máu là đầu óc quay cuồng rồi ngất xỉu, cầm đến bơm tiêm là run bần bật, cứ sợ mình sẽ làm cho những người bệnh phải chịu thêm đau đớn. Và rồi cứ mỗi lần đến cuối kỳ thi tôi lại bị ám ảnh nhất là cuộc thi chạy trạm (OSPE), hết 5 phút là chuông reo lên réo rắt làm chúng tôi ai nấy cũng run và lo lắng. Nhưng rồi tất cả mọi khó khăn đều qua đi, chúng tôi đều được cầm trên tay bằng Điều dưỡng đa khoa. Đó là nhờ sự dìu dắt, giúp đỡ của các thầy cô, bạn bè.

 

Thấm thoắt gần 20 năm trong nghề tôi mới thấy thật sự thẩm thấu cái nghề Điều dưỡng thật vất vả, có nhiều lúc mệt mỏi, thời gian ở trên bệnh viện, ở bên bệnh nhân nhiều hơn ở nhà, nó không đơn giản như cái nhìn của tôi thủa nhỏ. Nhưng nghề nào cũng vậy, nó tuyệt vời hay nhàm chán đều do mình cảm nhận. Còn riêng với tôi cho tới lúc này tôi luôn tự hào về nghề của mình là một cô gái điều dưỡng. Khi đã chọn con đường này đòi hỏi chúng ta phải yêu nghề, phải chia sẻ, động viên người bệnh những lúc họ đau đớn và điều quan trọng là chúng ta phải hòa nhã, thân thiện để tạo niềm tin yêu cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề có lương tâm nghề nghiệp còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người bệnh.

Một kỷ niệm khó quên khi tôi về làm việc tại khoa Ngoại đó là bệnh nhân tai nạn bị chấn thương ở chân, đi lại khó khăn, không có người nhà, giấy tờ thì mất hết, bệnh nhân bị Alzheimer nên không biết gọi cho ai. Thế là hàng ngày mấy chị em điều dưỡng trong khoa thay nhau chăm sóc, góp tiền mua thực phẩm từ bữa ăn, nước uống, tắm giặt, quần áo …cho bệnh nhân. Và rồi cuối cùng cũng tìm được người nhà cho bệnh nhân qua mạng xã hội, trước khi ra về bác ấy cứ nhìn chúng tôi như không muốn rời xa, làm chúng tôi ai nấy cũng rưng rưng nước mắt vì tình cảm đã quá gắn kết sau hai tuần chăm sóc, điều trị. Chúng tôi nhận được sự cảm ơn chân thành từ gia đình bệnh nhân, điều làm chúng tôi vui và hạnh phúc là tình người gắn kết giữa những con người chưa hề quen biết, nay lại không muốn rời xa, chúng tôi tự hào về điều đó.

 

Một câu chuyện nữa khi tôi làm điều dưỡng dụng cụ phòng mổ. 2h sáng điện thoại đổ chuông đầu dây bên kia của chị hộ lý giọng rất hốt hoảng “em ơi, mổ cấp cứu, suy thai lên gấp”. Tôi bật dậy như lò xo vội vàng thay quần áo, chồng tôi thì mở cửa, dắt xe, tôi lao nhanh như một cơn gió tới bệnh viện trong đêm mưa, sấm chớp đùng đùng của tháng 9 và sau ít phút chúng tôi đều có mặt tại phòng mổ. Đó là bệnh nhân nữ 35 tuổi sinh con thứ 4 suy thai, tiền sản giật. Bệnh nhân mới vào được bác sỹ thăm khám, hội chẩn gọi kíp mổ luôn, làm xét nghiệm, điện tim cấp cứu…Sau 10 phút rạch bụng lấy con ra em bé không khóc, tím tái, các bác sỹ, nữ hộ sinh tích cực hồi sức, gây mê hút nhớt, ép tim, bóp bóng, kích thích, cả phòng mổ như nín thở, lo lắng và rồi mọi người vỡ òa trong sung sướng khi nghe em bé cất tiếng khóc chào đời. Sau 5 phút cấp cứu tích cực, ánh mắt ai cũng vui mừng khôn xiết và thở phào nhẹ nhõm vì cứu được cả hai mẹ con. Nếu như chậm chút nữa thôi thì mọi chuyện đã quá muộn, hậu quả sẽ khôn lường… Vì người bệnh chúng tôi sẵn sàng chấp nhận khó khăn, rủi ro đến với mình, miễn là người bệnh được an toàn.

 

Có những khi chúng tôi phải đứng suốt đêm trong phòng mổ vì có nhiều ca mổ cấp cứu. Chúng tôi làm việc như những con sóc, nào là đo huyết áp, phát thuốc cho bệnh nhân, tiêm truyền, thay băng…có những đêm trực hầu như thức trắng vì bệnh nhân cấp cứu, hậu phẫu, bệnh nhân tai nạn… Nhiều lúc nghĩ không biết mình có đủ sức và can đảm để bước tiếp không? Nhưng rồi người luôn đồng hành, tiếp sức, giúp đỡ và an ủi tôi mỗi khi tôi mệt mỏi, yếu đuối đó chính là chồng tôi và gia đình. Anh luôn là hậu phương vững chắc chăm lo con cái ở nhà cho tôi yên tâm công việc mặc dù công việc của anh cũng rất bận rộn, anh thay tôi làm công việc của một người mẹ, đưa đón con đi học, nội trợ, tắm, rửa và cho con ăn, hát ru con ngủ mỗi đêm tôi đi trực…anh làm tất cả điều đó bằng cả tình thương yêu dành cho vợ, con mà không một lời than vãn, rằng vợ mình thế này, thế kia. Anh rất thấu hiểu và thông cảm cho công việc điều dưỡng trực đêm hôm như chúng tôi, mất ăn, mất ngủ, mắt thì thâm quầng sau mỗi đêm trực. Chính vì vậy tôi lại càng phải cố gắng hết mình, làm việc hăng say, tích cực để hoàn thành xuất sắc mọi công việc mà cấp trên giao phó, không phụ lòng của gia đình, chồng con dành cho mình.

 

Tôi còn nhớ có đêm con sốt cao 40 độ, người rét run, chồng tôi hốt hoảng gọi điện hỏi tôi phải làm sao, cho con uống thuốc gì, tôi bảo anh bình tĩnh, rồi chỉ dẫn anh cho con uống thuốc hạ sốt, chườm ấm cho con rồi dần dần con sẽ đỡ. Cả đêm đó tôi không sao chợp mắt được, tôi thương con ốm đau không có mẹ bên cạnh chăm sóc, dỗ dành, thương chồng phải thức đêm trông con thay vợ. Tôi mong trời mau sáng để bàn giao kíp trực chạy về đến bên con. Theo thời gian anh đã quen dần cái cảnh chăm sóc con ốm không có vợ bên cạnh nữa và đó cũng là nỗi niềm chung của tất cả các ông chồng có vợ là điều dưỡng như tôi.

 

Rồi đại dịch Covid-19 hoành hành có nhiều diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi không hề run sợ, chúng tôi vẫn phải tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, đo thân nhiệt, hướng dẫn bệnh nhân cách rửa tay, đeo khẩu trang, tiếp xúc giữ khoảng cách, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà các biện pháp phòng dịch. Còn về phía chúng tôi, ai cũng có ý thức phòng dịch không chỉ cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Dịch bệnh Covid -19 được ngăn chặn, kiểm soát ở Việt Nam, đó là cả quá trình nổ lực không biết mệt mọi và sự hy sinh thầm lặng của những “chiến binh áo trắng” trên cả nước. Những điều dưỡng, nữ hộ sinh ở tuyến đầu chống dịch họ phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục tất cả vì chiến thắng đại dịch.

 

Còn nhiều câu chuyện về những bệnh nhân khó tính, hay cáu gắt, tự cho mình là “thượng đế”. Nhưng sau vài ngày nằm điều trị nhờ sự tận tình, chăm sóc tạo niềm tin cho người bệnh, người điều dưỡng đã làm thay đổi thái độ của những “khách hàng” khó tính. Rồi khi ra viện bệnh nhân và người nhà đã thấu hiểu và biết ơn những người điều dưỡng đã ngày đêm không ngại khó khăn chăm sóc bằng những bức thư, những bài thơ hay ca ngợi về khoa phòng và các cô điều dưỡng, những món quà quê của vườn nhà gửi đến khoa phòng. Chừng đó thôi cũng đã đủ làm chúng tôi ấm lòng, vững tin hơn, yêu nghề hơn.

 

Chúng tôi rất vui vì điều đó, chúng tôi làm tất cả điều đó chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất: “Tất cả vì sức khỏe người bệnh.” Mỗi khi mệt mỏi tôi và các bạn đồng nghiệp của mình lại nhớ về những kỷ niệm mà chúng tôi thấy hạnh phúc, thấy tự hào để lại bước tiếp.

 

Ai theo nghề điều dưỡng phải biết chấp nhận hy sinh và thật sự can đảm bởi áp lực công việc không nói lên lời. Khi đã lựa chọn công việc cao quý này thì phải chấp nhận thiệt thòi cá nhân. Phải thật sự yêu nghề có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng hết nhu cầu của nghề mình chọn. Nghề nào đi nữa cũng cần phải có chữ “Tâm” thật sự. Nếu cho tôi được lựa chọn một lần nữa, tôi cũng sẽ lựa chọn nghề điều dưỡng và tôi rất tự hào và hạnh phúc với cái nghề mà mình đã lựa chọn. Tôi tự hào vì mình là người Điều dưỡng Việt Nam”./.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Thanh

Trung tâm y tế thị xã Hồng Lĩnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 822
Tháng 04 : 196.648
Năm 2024 : 693.867
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.492.381