• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tôi đã sống với nghề Điều dưỡng như thế!

Làm nghề nào chiêm bao nghề đấy” – Câu thành ngữ trong cuộc sống đã giúp tôi thấm thía sâu sắc về công việc mình đã, đang và sẽ dành trọn tâm huyết suốt cả cuộc đời: Công việc của một người Điều dưỡng! Với 30 năm trong nghề,   thời gian đã đủ để tôi trải nghiệm với công việc, với bao cung bậc cảm xúc, từng bước trưởng thành trong nghề, càng yêu nghề và tự hào hơn với công việc của mình.

Năm 1990, tôi được tổ chức phân công về công tác tại khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên làm điều dưỡng dụng cụ phòng mổ. Bao lo lắng, bỡ ngỡ buổi đầu nhanh đã qua nhanh nhờ sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các anh chị đi trước. Tôi dần quen với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 30 năm trong nghề, tôi có cơ hội được làm việc ở nhiều khoa trong bệnh viện, từ khoa ngoại, cấp cứu, nhi, đến khoa khám bệnh, rồi cơ duyên lại đưa tôi về với khoa ngoại làm Điều dưỡng trưởng khoa từ năm 2009 đến nay. May mắn được làm việc với nhiều đồng nghiệp ở các khoa, tôi học hỏi, trau dồi thêm từng ngày. Cùng với lòng yêu nghề, thương người, tôi có một “vốn liếng” khá vững vàng để làm tốt công tác của một điều dưỡng viên.

Điều dưỡng viên là một nghề khá vất vả, song không phải ai cũng thấu hiểu. Đây cũng là sự trăn trở của tôi và đồng nghiệp, phải làm sao để thay đổi? Bản thân luôn tâm niệm phải sống và hành nghề với sự tận tâm với người bệnh, tận tụy trong công việc, phấn đấu, trau dồi chuyên môn. Và rồi “chưa ai hiểu người đời/người bệnh sẽ hiểu”, những cố gắng không mệt mỏi của tôi đã được người bệnh, đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.

Dấu mốc lớn trong cuộc đời làm nghề điều dưỡng của tôi là năm 2007, tôi được tham gia lớp Nghiên cứu khoa học điều dưỡng do Sở Y tế và Hội Điều dưỡng tổ chức. Tại đây, tôi đã được truyền cảm hứng về nghiên cứu khoa học – giải pháp sáng kiến, điều mà trước đó tôi không nghĩ tới là điều dưỡng cũng có thể làm được đề tài nghiên cứu khoa học. Bằng đam mê, ngoài công việc chuyên môn, quản lý hàng ngày, tôi đã giành thời gian để nghiên cứu, cải tiến công việc, quy trình điều dưỡng với sự hăng say. Có nhiều đề tài/sáng kiến được Sở Y tế Hà Tĩnh công nhận đề tài cấp cơ sở và đạt giải cao ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp Huyện, cấp Tỉnh được áp dụng vào thực tế thực sự là động lực của bản thân tôi.

Hành trình cuộc đời gắn với nghề điều dưỡng đã mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc và biết bao kỷ niệm. Những cảm xúc ấy, những kỷ niệm ấy bồi đắp tâm hồn tôi và mang đến cho tôi thật nhiều năng lượng tích cực. Trong đó, có một kỷ niệm đã in đậm trong tôi và mang đến cho tôi niềm tự hào. Đó là khi tôi làm ở khoa Hồi sức cấp cứu có một bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, không có người thân chăm sóc. Chúng tôi đã tận tình điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng  cho bệnh nhân. Sau hơn hai tháng, bệnh nhân ổn định, đi lại được, cả khoa mừng rơi nước mắt. Hồi ấy, có cô bé cũng bị ốm nằm điều trị cùng phòng với bệnh nhân đó. Gần hai tuần cháu điều trị tại khoa cũng là thời gian cháu tận mắt chứng kiến chúng tôi chăm sóc cho bệnh nhân liệt nửa người ở giai đoạn khó khăn nhất. Một hôm, khi tôi đang xoa bóp cho bệnh nhân, cháu hỏi tôi: “Dì ơi! chắc dì phải yêu nghề, thương người lắm dì mới làm được như  vậy nhỉ”!. Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi gặp lại cô bé ấy về thực tập tại bệnh viện, qua câu chuyện tôi mới biết đó là bệnh nhân năm xưa. Cháu chia sẻ: “Cháu chứng kiến và cảm nhận sự chăm sóc của dì đối với bệnh nhân, được nghe nhiều bệnh nhân trò chuyện về dì và các y bác sĩ với sự tin yêu, quý mến” nên cháu theo học nghề Điều dưỡng. Giờ đây, em ấy đã là đồng nghiệp với tôi, một điều dưỡng viên còn trẻ, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, được bệnh nhân quý mến. Nhìn em, tôi như thấy hình ảnh của mình năm xưa.

Đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác - những điều bình dị khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc về mình! Hạnh phúc về Nghề! Con gái tôi cũng nối nghiệp của mẹ đã tốt nghiệp bác sĩ của Đại học Y Hà Nội…..Và vừa mới đây thôi, sau cuộc thi ảnh “Nét đẹp người điều dưỡng Hà Tĩnh” trên trang “Sức khỏe người Hà Tĩnh”, tôi đi đâu cũng có người hỏi thăm, động viên, chia sẽ và chúc mừng. Có những ý kiến bình luận trên trang Sức khỏe người Hà Tĩnh rất cảm động, là nguồn động viên không chỉ bản thân tôi mà còn là nguồn động lực để các em điều dưỡng trẻ phấn đấu và cống hiến. Chúng tôi nhận thấy cuộc thi có sức lan tỏa rất lớn, llà cơ hội quý báu để xã hội hiểu và chia sẽ với công việc của ngành Y và của Nghề Điều dưỡng. Tôi thật xúc động và thêm yêu công việc của mình.

Đã 30 năm trong nghề điều dưỡng - Những “mùa quả ngọt” cứ thế dần đến với tôi: Niềm vui của người bệnh khi ra viện; sự thấu hiểu, động viên từ người bệnh và gia đình họ; sự ghi nhận về vai trò, nhiệm vụ công tác điều dưỡng của các cấp, những tấm bằng khen, danh hiệu thi đua cấp ghi nhận những đóng góp của bản thân trong công việc thầm lặng của người điều dưỡng…Tất cả lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh, tình yêu để tôi sống trọn với cái nghiệp của đời mình.

53 tuổi đời, 30 tuổi nghề - nhìn lại hành trình ấy, tôi thực sự tự hào vì mình là một điều dưỡng viên, tôi thực sự tự hào vì nghề điều dưỡng tuy thầm lặng nhưng cũng vô cùng cao quý vì đã giúp đỡ được nhiều người bệnh. Và tôi tin có nhiều người cùng chung suy nghĩ như tôi!

Tự đáy lòng mình, chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm của Sở Y tế Hà Tĩnh, Hội Điều dưỡng đã là nguồn động viên để chúng tôi phấn đấu và cống hiến vì công việc điều dưỡng, vì sự hài lòng của người dân.

Điều dưỡng Hoàng Thúy Anh

Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 210
Tháng 03 : 173.305
Năm 2024 : 475.375
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.273.889