Lịch sử ngành Y tế Hà Tĩnh có từ ngày đất nước khai sinh. Trong suốt 70 năm trưởng thành, đi lên cùng đất nước, đội ngũ những người làm công tác y tế đã bước qua một chặng đường đầy thử thách cam go, nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân pháp những người làm công tác y tế ở Hà Tĩnh đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của bậc đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, không ngại khó khăn gian khổ hết lòng phục vụ nhân dân.
Sau khi hoà bình được lập lại, thực hiện hiện lời dạy của Bác tập thể cán bộ ngành Y tế đã đồng cam, cộng khổ, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ngành cũng đã tập trung nhân tài, vật lực hết lòng, hết sức phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh hợp nhất. Chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của đất nước sau chiến tranh, những những người làm công tác y tế đã đoàn kết bên nhau tập hợp dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát dịch bệnh , bảo vệ môi sinh, môi trường vì sức khỏe của cộng đồng.
Tháng 9 năm 1991 trước yêu cầu của công cuộc đổi mới tỉnh Hà Tĩnh được tái lập trong điều kiện cơ sở hạ tầng , vật chất kỷ thật của ngành y tế xuống cấp nghiêm trọng, công tác khám chữa bệnh hết sức bất cập. Bám sát nhiệm vụ được giao ngành Y tế Hà Tĩnh vừa củng cố tổ chức, tập hợp lực lượng gắn với nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công nhân viên chức vừa tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, tranh thủ sự giúp đỡ của TW, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mua sắm trang thiết bị từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hơn hai mươi năm qua, kể từ ngày chia tách tỉnh, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát đúng của cấp ủy chính quyền các cấp , sự năng động sáng tạo và tinh thần làm việc hết mình của toàn ngành đên nay công tác y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đã thu được những kết qủa rất đáng trân trọng.
Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố và phát triển. Trang thiết bị kỹ thuật đều được đầu tư theo hướng chuẩn hóa; chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Trình độ tay nghề chuyên môn từng bước được cải tiến; đạo đức người Thầy thuốc, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có nhiều tiến bộ.
Toàn ngành hiện có 6 Bệnh viện tuyến tỉnh; 2 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 5 Trung tâm, Chi cục tuyến tỉnh; 13 Trung tâm Y tế (Thuộc UBND huyện); 216 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (Thuộc phòng y tế huyện)
Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Thời gian qua, ngành đã xác định và tập trung thực nhiệm 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, y tế dự phòng và DS-KHHGĐ; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo Đề án 3713; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hành nghề y - dược ngoài công lập.
Trong công tác dự phòng, ngành luôn chú trọng công tác phòng bệnh là chính, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giám sát dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng các dịch bệnh nguy hiểm, thường gặp đã thanh toán được bệnh phong, bại liệt; khống chế được dịch tả, thương hàn, bạch hầu… Ngành đã có kế hoạch chủ động ngăn ngừa kịp thời các dịch bệnh mới phát sinh nguy hiểm như cúm AH5N1, cúm AH7N9…
Trong công tác khám chữa bệnh, ngành đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện xây dựng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y đức ở các tuyến, đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nội dung xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế Hà Tĩnh “3 xây, 3 chống, 3 biết”.
Nhiều kỹ thuật mới được triển khai tại các tuyến. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có các kỹ thuật như: Bơm thuốc Surfactant trong điều trị trẻ sơ sinh non tháng; thay máu trẻ sơ sinh; phẫu thuật nội soi trong các lĩnh vực sản, ngoại khoa, chấn thương; thay khớp háng; mổ sọ não; dẫn lưu não thất; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng tim; thực hiện các kỹ thuật chuyên ngành Ung bướu... Tuyến huyện đã có 9/12 Bệnh viện thực hiện được phẫu thuật nội soi. Đặc biệt, ngành đã mời Bác sỹ Hoàng Anh Dũng – chuyên gia ghép tạng hàng đầu Bỉ và Châu Âu về trực tiếp phẫu thuật và chuyển giao các kỹ thuật mới cho bệnh viện các tuyến.
Cùng với sự trưởng thành của các Bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm tuyến tỉnh như: Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Dân số, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm .... hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao vị thế của ngành y tế trong đời sống xã hội.
Song song với công tác điều trị, ngành Y tế tỉnh nhà đã không ngừng nâng cao chất lượng trong hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị, xây dựng phác đồ điều trị và danh mục thuốc, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra giá thuốc của các đơn vị sản xuất và kinh doanh trên địa bàn, chỉ đạo ngành dược cung ứng thường xuyên và đủ thuốc thiết yếu có chất lượng đến nguời dân .Các dự án chương trình mục tiêu quốc gia được duy trì đạt và vượt chỉ tiêu.