• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhật ký của một nam Điều dưỡng

Vào những ngày đầu tháng 7 năm 2014, cũng như mọi ngày tôi đến viện giữa cái nắng cháy da cùng gió lào khô khốc của miền trung khắc nghiệt. Khi vào khoa đi qua phòng cấp cứu, theo thói quen tôi nhìn vào thì thấy kíp trực đang cấp cứu cho một bệnh nhân.

Tôi bước vào để nắm tình hình thì thấy một người phụ nữ nằm bất động xung quanh là các y bác sĩ đang tích cực cấp cứu với hy vọng níu giữ mạng sống mong manh cho bệnh nhân. Phía cuối phòng đập vào mắt tôi là một em bé xinh xắn với đôi mắt to tròn ngồi lọt giữa rất nhiều hành lý. Theo cảm nhận của một người điều dưỡng, tôi biết đây chắc chắn là con của người phụ nữ đang cấp cứu  kia, tôi liền tiến tới và nhanh chóng dẫn cô bé ra khỏi phòng. Hai chú cháu vừa đi dạo, tôi cố gắng nói chuyện thật nhiều để làm quen và cái quan trọng là để cháu quên đi những gì mà cháu vừa nhìn thấy. Dẫn cháu đi hết khuôn viên trong bệnh viện tôi đã biết được hai mẹ cháu ở trong nam về quê ngoài Nghệ An để chữa bệnh cho mẹ. 

Đi trên tàu mẹ cháu bị ngất xỉu nên được nhân viên trên tàu đưa đến đây. Nghe đến đây trong đầu tôi đã hình dung ra được những gì đã xảy ra trong toa tàu định mệnh đó. Một cô bé đang vô tư nằm cạnh mẹ, miệng bi bô những câu chuyện không có bắt đầu và cũng không có kết thúc, mà đâu biết rằng thần chết đang âm thầm mang mẹ cháu rời xa mãi mãi. Cháu luôn ước mơ được đến trường nhưng mẹ cháu hứa lúc nào có tiền mẹ sẽ cho con đi học giống các bạn ở cùng xóm trọ. Tôi thầm nghĩ giờ phải làm sao đây để có thể giúp cho tâm hồn trong sáng kia bớt đi phần nào tổn thương và khó khăn đang chờ đợi phía trước. Mua cho cháu những đồ chơi cháu thích với đồng lương ít ỏi của mình, dẫn cháu đi đến các khoa phòng xin ủng hộ của những người có lòng hảo tâm. Thấy hoàn cảnh của cháu ai cũng ủng hộ người ít, người nhiều với đôi mắt ngấn lên hai hàng lệ. Khoảng hai tiếng sau tôi dẫn cháu trở lại khoa cấp cứu thì không thấy mẹ cháu đâu nữa cả, cháu liền đòi chú dẫn tới phòng mẹ cháu. Tim tôi như thắt lại, sống mũi cay xè vì tôi biết rằng phòng mẹ cháu nằm giờ này là một căn phòng lạnh lẽo với một ít khói hương mà bác quản lý nhà đại thể vừa thắp cho người đã mất. Tôi cố gắng động viên, an ủi để cháu quên đi câu hỏi vừa rồi và mong sao cho gia đình cháu bé đến thật nhanh. Đến cuối ngày thì gia đình cũng đã đến, tôi yên tâm giao bé lại và muốn chạy về nhà thật nhanh để được ôm cô con gái của mình trạc tuổi cháu bé thật lâu, cảm nhận hết sự thiêng liêng của tình mẫu tử, tình cha con.

 

Việc làm hôm đó của tôi rất nhỏ bé nhưng đã làm cho tôi hiểu ra nhiều điều. Ngoài việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, người điều dưỡng chúng ta cần phải biết chia sẻ, đồng cảm với những tổn thương, mất mát của người nhà người bệnh. Hãy xem nỗi đau của người bệnh như chính nỗi đau của mình, biết thông cảm và sẻ chia thì con người sẽ tới gần nhau hơn và cùng nhau vượt qua tất cả. Làm được những điều đó xã hội sẽ càng thêm tôn vinh, quý trọng sự hy sinh thầm lặng của anh chị em chúng ta xứng đáng với lời Bác Hồ đã dạy: “Lương y phải như từ mẫu”./.

Điều dưỡng Lê Việt Văn

Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.638
Tháng 04 : 115.464
Năm 2024 : 612.683
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.411.197