• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh nhân của tôi

Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên ngồi trên giảng đường đại học, thầy giáo phụ trách đã gọi tôi đứng dậy và hỏi: Tại sao em chọn ngành Phục hồi chức năng?. Tôi đã “đứng hình” mất 5s vì câu hỏi tưởng chừng như đơn giản đó. Thưa thầy. Em… cũng không biết nữa. Tôi ậm ừ. Cả lớp cười phá lên, mặt tôi lúc đó nóng ran, đỏ ửng không khác gì quả gấc chín. Xấu hổ thật, nhưng đó là câu trả lời thật lòng nhất của tôi lúc bấy giờ!

Đến hôm nay, nếu có gặp lại câu hỏi ấy lần nữa, tôi đã có thể tự tin trả lời rằng: “Tôi chọn Phục hồi chức năng vì tôi yêu nó. Tôi đam mê, tôi khao khát được mang đến những tia hy vọng cho người bệnh. Và tôi tự hào khi mình là một kỹ thuật viên Phục hồi chức năng.”

Sau khi ra trường, tôi may mắn được về làm việc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh. Tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, chứng kiến nhiều hoàn cảnh. Có những hoàn cảnh mà nếu dùng từ “éo le’ cũng không thể lột tả hết được những khó khăn mà họ đã phải trải qua. Những tấm thân gầy guộc, những nếp da nhăn nheo, những bước đi yếu ớt... Tất cả họ đang phải gồng mình chiến đấu, để vượt lên cái mà họ gọi là “số phận”.

Bệnh nhân tôi ngộ lắm! Họ kể về cuộc đời của mình, người nghe thì khóc mà họ vẫn cứ tươi cười. Đơn giản vì một lẽ “Khóc hết nước mắt rồi cô ạ!”. Tôi ngậm ngùi!.

Bệnh nhân của tôi “tệ” lắm! Có những anh thanh niên cường tráng 25 - 30 tuổi, là lao động chính, là trụ cột gia đình. Ấy vậy mà các anh như bị “gục ngã”, ngồi đấy để cha già đẩy xe lăn, để mẹ già dắt tay tập đi từng bước, để vợ phải gánh gồng vất vả, để con thơ phải buồn bã khi nhìn thấy cha. “Tệ” lắm các anh ạ! Số phận trớ trêu, nghiệt ngã quá phải không anh? Nhìn thấy cảnh người cha lưng còng tóc bạc vừa động viên, vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi cho con trai khi đang tập luyện. Tôi nghẹn ngào!

Bệnh nhân tôi thương lắm! Có những em bé đáng yêu đến tuổi chập chững nhưng lại chẳng chịu bước đi, có những thiên thần nhỏ bé đến tuổi bập bẹ mà lại chẳng chịu cất lời gọi mẹ cha, gọi ông bà. Nhưng sao các con vẫn tươi cười hồn nhiên thế? Các con có biết rằng các con rất thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, rằng khiếm khuyết mà các con đang mắc phải nó trầm trọng đến nhường nào? Nhìn những nụ cười ngây thơ ấy, lòng tôi thắt lại.

Bệnh nhân tôi mạnh mẽ lắm! Có những lúc tập xong mồ hôi nhẫy nhụa, có khi phải chịu những cơn đau mà họ ví đau hơn “trở dạ”, cũng không ít lần có cả những giọt nước mắt lăn dài trên má. Vậy mà họ bảo ngày nào cũng chỉ mong được tập để bệnh chóng lành. “Chúng tôi tin tưởng ở các anh chị bệnh viện, đau như nào chúng tôi cũng chịu hết.”  Tôi vui!

Bệnh nhân của tôi vui lắm! Có nhiều bác tâm sự: “Bác thích ở bệnh viện hơn ở nhà”. Lạ thế chứ! Hỏi ra mới biết, bác bảo ở đây được chăm sóc y tế chu đáo, các bác sỹ vui tính, thân thiện, ân cần như con cháu. Lại có các ông, bà bầu bạn chuyện trò, thi thoảng được hát hò giao lưu văn nghệ cùng các cháu, khoản cắt tóc của các cô chú cán bộ của bệnh viện thì miễn chê, cắt đẹp lại miễn phí. Kể xong, bác thả một tràng cười sảng khoái, ánh mắt lay láy niềm xúc động. Tôi hạnh phúc!

Là kỹ thuật viên phục hồi chức năng, sau những giờ lao động tập luyện cho bệnh nhân, đôi chân chúng tôi rã rời, đôi tay mỏi nhừ, bộ blouse trắng thấm đẫm mồ hôi, nhưng đổi lại, tôi hạnh phúc khi nhìn bệnh nhân của mình chập chững bước đi, bập bẹ cất được tiếng gọi mẹ, gọi cô…  Mỗi bệnh nhân được khỏe mạnh, hồi phục, hòa nhập với cộng đồng là nguồn động viên để tôi cống hiến sức lực mình hơn nữa. Tự hứa với bản thân, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, vì nụ cười của bệnh nhân, cũng là nụ cười của chúng tôi – Kỹ thuật viên phục hồi chức năng!

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nga.

Khoa Vật lý trị liệu - Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 448
Tháng 01 : 78.992
Năm 2025 : 78.992
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 11.906.276