• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tâm sự với nghề Điều dưỡng

Ngày xưa lúc chọn ngành cho tương lai sau này, tôi không nghĩ rằng mình sẽ đi theo ngành Y và đặc biệt hơn là nghề Điều dưỡng. Thế nhưng sau những lần ốm đau của người thân, phải đi điều trị kéo dài tại các bệnh viện tôi thấy mình cần phải làm gì đó khi thời khắc năm cuối trung học phổ thông đang cận kề và rồi tôi đã quyết định thi vào ngành Điều dưỡng để sau này được chăm sóc cho những người thân yêu của mình và cho mọi người.

Nếu hạnh phúc của mọi người là được mua một bộ đồ mình thích, được đi du lịch cùng người mình yêu, được nhận một món quà bất ngờ, thì đối với tôi, hạnh phúc đơn giản là được khoác lên mình chiếc áo Blouse mỗi ngày. Giờ đây chiếc áo ấy đã theo tôi gần mười lăm năm qua, đã cùng tôi chứng kiến biết bao niềm vui hạnh phúc cũng như những nỗi buồn mà tôi không thể nào quên. Để từ đó tôi lấy làm động lực trong công việc, chăm sóc các bệnh Nhi được tốt hơn. Khoa Nhi nơi tôi làm việc, tuy lúc nào cũng ồn ào với những tiếng khóc thét của các em bé khi đến giờ tiêm truyền, uống thuốc; những khuôn mặt sợ hãi khi thấy nhân viên y tế mặc áo choàng trắng đi khám, đi buồng. Nhưng những ngày trôi qua, tình cảm giữa chúng tôi với bệnh nhi lại được gần gũi hơn, những nụ cười hồn nhiên, những câu chào hỏi ríu rít của trẻ thơ, những câu cảm ơn chân thành trước khi ra viện của gia đình các cháu làm tôi vui mừng khôn xiết, thế là mình đã góp phần nhỏ bé vào niềm vui của gia đình người bệnh.

Sau sáu năm làm việc vì sự đam mê nghề Điều dưỡng, vì tình yêu thương con trẻ thế tôi được cử đi học lớp “Chăm sóc, nuôi dưỡng sơ sinh non yếu”, kể từ đó đến nay tôi gắn bó với Đơn nguyên sơ sinh của Khoa Nhi – BVĐK huyện Đức Thọ với biết bao kỷ niệm. Tôi còn nhớ một ca trực vào tháng 7/2017, hôm đó là ngày chủ nhật có trẻ sơ sinh non yếu khoảng 34- 35 tuần tuổi, trẻ nằm thở o xy theo dõi trong lồng ấp đột nhiên xuất hiện tím tái toàn thân, sau 30 phút tôi và Bác sỹ trực nhanh chóng tiến hành các bước xử trí, trẻ dần ổn định và được chuyển tuyến tuyến trên với chẩn đoán theo dõi tim bẩm sinh. Sau khi bệnh nhân được chuyển đi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và may mắn thay là không có sự cố gì xẩy ra trong phiên trực để phải day dứt. Tôi đã làm hết khả năng của mình và trong khi cấp cứu trong lòng tôi luôn cầu mong cho trẻ hãy tỉnh lại. Điều kỳ diệu đã xẩy ra trong tích tắc, tiếng khóc của trẻ thốt lên xua đi nỗi lo lắng, phiền muộn của tất cả mọi người trong đó có cả tôi. Đó thật sự là một ca trực thật đặc biệt chứa đầy sự lo lắng và một chút sợ hãi, và cuối cùng là niềm vui đến vỡ òa của tất cả mọi người. Kể từ đó đến nay trong công việc tôi luôn chủ động theo dõi sát người bệnh đặc biệt là sơ sinh để có thể phát hiện tình trạng bệnh kịp thời xử trí, bởi may mắn không đến lần hai.

Mỗi ngày đi làm, trong tôi lại rực một ngọn lửa bùng cháy, đó là ngọn lửa của sự đam mê, lòng khát khao được cống hiến cho xã hội, được chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Cũng chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng niềm tin trong tôi, niềm tin vào ngày mai sẽ tươi sáng hơn. Có niềm vui nào hơn khi được thấy những người bệnh nhi của mình ngày càng khỏe mạnh. Rồi từ lúc nào, chính nụ cười, sự tiến triển của bệnh nhân trở thành niềm vui của tôi, trở thành động lực để tôi tiếp bước trên con đường này. Có lẽ đối với những người Điều dưỡng chúng tôi, việc buồn nhất là phải giải thích cho gia đình người bệnh chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị tiếp chỉ vì bệnh viện chúng tôi là bệnh viện tuyến huyện chưa có đầy đủ trang thiết bị y tế giúp chẩn đoán và điều trị bệnh. Ở khoa chúng tôi có Bác sỹ giỏi và đội ngũ Điều dưỡng nhiều kinh nghiệm, với tình yêu thương trẻ chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; khẩu hiệu của khoa chúng tôi là: “Điều trị bằng trái tim, chăm sóc bằng tấm lòng”.

Biểu tượng của nghề Điều dưỡng là ngọn đèn đang rực cháy thì người điều dưỡng chính là ngọn lửa soi sáng và sưởi ấm cho tâm hồn những người bệnh. Được khoác chiếc Blouse trên người, tôi cảm thấy tự hào về bản thân, về nghề điều dưỡng của mình và về những gì mình đã làm cho cuộc đời, từ đấy tôi lại nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa để giảm bớt nỗi đau của người bệnh với lòng mong mỏi không một ai bị bỏ lại phía sau./.

Điều dưỡng Phan Mai Hiên

Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 381
Tháng 01 : 78.925
Năm 2025 : 78.925
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 11.906.209