• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điều dưỡng khoa nhi – Như bàn tay mẹ

"Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người,

           Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức".

 (Hải Thượng Lãn Ông).

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn vất vả nên để được đi học và lựa chọn nghề nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và phù hợp với mình là điều không đơn giản. Cha tôi, là cán bộ địa chất nghỉ hưu sớm vì mất sức lao động, mẹ là một bệnh binh với nguồn trợ cấp ít ỏi nên mọi khó khăn chồng chất khó khăn vì đau ốm, hầu như đến viện, đến trạm y tế quanh năm. Nhận thức được sức khỏe là điều quan trọng nhất đối với mỗi người, đặc biệt là bố mẹ tôi, nên tôi đã chọn nghề điều dưỡng. Tôi càng trân quý nghề của mình hơn khi cha tôi nói với tôi rằng “Học điều dưỡng chính là học cách điều trị tâm hồn bệnh nhân”. Đó chính là động lực để tôi cố gắng học hỏi và tận tuỵ hơn với công việc.

Nhớ lúc mới vào trường, có rất nhiều khó khăn trong môi trường mới. Tôi không hiểu cũng như không cảm nhận được ngành Điều dưỡng là gì, tôi cảm thấy thất vọng khi có người chê ngành tôi học vì thế tôi rất ngại khi có ai hỏi tôi học ngành gì. Nhưng đến khi đi thực tập ở bệnh viện, mọi suy nghĩ trong tôi đã khác. Tôi thấy rất vui, hạnh phúc khi giúp được những người bệnh cho dù những việc thật nhỏ nhoi, rồi chợt thấy khóe mắt mình cay cay khi nhìn người bệnh đau đớn. Tôi thương những bác bệnh nhân trạc tuổi cha mẹ tôi, họ rất lam lũ và khổ cực. Tôi cảm thấy vui và có quyết tâm hơn khi đến bệnh viện thực tập. Thời gian cứ thế trôi qua, và giờ tôi đã là một điều dưỡng viên với gần 20 năm công tác.​​

Hai mươi năm, quãng thời gian đủ dài để một mái đầu xanh ngả bạc, đủ để chiêm nghiệm, say mê với nghề mình đã chọn. Với tôi, việc chăm sóc bệnh nhân không chỉ là phát thuốc, thay băng hay cẩn trọng với từng mũi tiêm truyền… mà chính là tâm sự với họ, giải thích cho họ những lo lắng; động viên, khích lệ họ tiếp tục cố gắng để chống lại bệnh tật, cùng với họ vẽ ra bức tranh tương lai sau khi họ lành bệnh ... tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc công việc của mình. Tôi thấy yêu nghề mình đã chọn và tin rằng sự lựa chọn của mình không chỉ là ngẫu nhiên mà là cả quá trình, là yêu thương, ân cần tôi muốn gửi gắm qua những công việc hàng ngày với bệnh nhân.

Người đời luôn ví Điều dưỡng là "nghề làm dâu trăm họ", bởi đối tượng phục vụ chính là người bệnh và người nhà của họ rất đa dạng, từ người có thu nhập cao đến người có thể còn phải lo từng bữa ăn, từ người có trình độ học vấn cao đến người còn mù chữ, từ thai nhi còn trong bụng mẹ đến cụ già trăm tuổi; từ bệnh tình đến tính cách, suy nghĩ, thái độ mỗi người mỗi khác, vì vậy để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn không phải là chuyện dễ. Làm nghề điều dưỡng, ngoài tình yêu nghề, phải có kiến thức vững vàng, luôn cầu thị, có lương tâm nghề nghiệp, biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thật sự thì không ai chọn nghề này và chắc chắn sẽ không thành công.

Tôi không thể quên ngày có quyết định về nhận công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, từ đây, tôi đã nhận thức được rằng bước đường phía trước của tôi còn nhiều vất vả và thử thách, đòi hỏi bản thân phải có lập trường vững vàng, học hỏi, tiếp thu, nắm bắt nhanh công việc của một điều dưỡng mới vào nghề đứng trước những bệnh nhân sống chết tính bằng phút bằng giây. Ở đây, tôi đã tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh nhưng có một trường hợp để lại trong tôi sự xúc động sâu sắc bao nhiêu năm nay vẫn không thể quên. Đó là bệnh nhân 5 tuổi (chị) và bệnh nhân 3 tuổi (em) đã tử vong do ăn phải gói mì tôm có tẩm bã thuốc chuột. Buổi sáng, bệnh nhân chị tử vong đã rất thương tâm nên chúng tôi dành hết quyết tâm cứu chữa cho bệnh nhân em 3 tuổi nhưng do ngộ độc quá nặng và sức yếu nên sau đó cũng tử vong. Tôi đã không kìm được nước mắt và dường như không còn bình tĩnh để tiếp tục công việc (thời gian đó tôi cũng đang nuôi con 10 tháng tuổi). Nhưng rồi chị đồng nghiệp đã vỗ vai và nói với tôi rằng: "Cố lên em ạ!", lời động viên đã kịp thời thức tỉnh, tiếp sức cho tôi. Tôi nhận ra chặng đường phía trước còn rất gian nan nhưng sẽ quyết tâm không bao giờ chùn bước. Tôi nguyện với lòng mình phải luôn giữ được chữ Tâm, không được vì bất cứ lí do gì mà đánh mất nó. Tôi luôn dặn lòng mình phải phấn đấu để những ước mơ trở thành hiện thực, trở thành một điều dưỡng tận tâm trong công việc, coi nỗi đau của người bệnh cũng như nỗi đau của mình, cởi mở chia sẻ, giúp đỡ động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.

Gắn bó với khoa Hồi sức cấp cứu 4 năm, tôi lại được điều động sang làm việc tại khoa Nhi cho đến bây giờ. Ở đây tôi càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, vì điều dưỡng chúng tôi như người mẹ thứ hai chăm sóc các con khi bị ốm,môi trường làm việc cũng nhiều trăn trở, khó khăn và áp lực do bệnh nhân là trẻ nhỏ. Đang chăm sóc bé này thì tai, mắt và linh cảm nghề nghiệp vẫn phải trông chừng những bé khác, vì trẻ sơ sinh có thể bị ngưng thở hoặc sặc sữa bất kì lúc nào. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không biết nói, là người điều dưỡng chăm sóc các bé hằng ngày, nên chúng tôi phải nắm rõ tình trạng sức khỏe của các bé một cách tỉ mỉ báo cáo với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp. Mỗi bệnh nhi đến với khoa tôi có mỗi đặc thù bệnh tình riêng, khóc thế nào? ho ra sao? dấu hiệu co giật hay tím tái...hầu như người điều dưỡng như tôi mỗi ca làm, mỗi đêm trực đều phải để ý. Quặn lòng đau xót khi các bé bị bỏ rơi, khi các bé mới non trẻ đã mang những mầm bệnh quái ác như ung thư, bại não, một số bệnh đã cướp đi quyền được sống, được học tập vui chơi và những nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ của con trẻ. Và cũng có rất nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi các bé trong khoa được khỏe mạnh, ra viện vì các bé ấy như chính con của mình.

Tuổi nghề càng nhiều thì nặng lòng với nghiệp càng lớn. Nếu có ai hỏi liệu có hối hận khi chọn nghề điều dưỡng không? Tôi sẽ tự tin nói rằng đó là nghề cao quí. Con đường tôi chọn tuy còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng nỗ lực phấn đấu vì nghề nghiệp mà mình đã chọn. Tôi luôn tin tưởng và tự hào về điều đó./.

Điều dưỡng Trần Lệ Xuân

Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.794
Tháng 03 : 182.889
Năm 2024 : 484.959
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.283.473