• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghề Điều dưỡng – Tình yêu của tôi

Tôi sinh ra ở vùng quê Thạch Lạc, là con thứ 2 trong gia đình nghèo. Tuổi thơ tôi lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Tôi trở thành một người Điều dưỡng như một lẽ thường tình, đúng là nghề đã chọn tôi khi tôi chỉ biết mình chọn nghề vì yêu màu áo trắng. Sau 36 năm trong nghề tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên, dù có lúc tưởng chừng như gục ngã, để hôm nay tôi biết rằng yêu thương này là mãi mãi, tình yêu nghề của tôi là mãi mãi.

Hôm nay, trong đêm trực, sau khi hoàn thành các công việc, tất cả bệnh nhân cũng đã ngủ yên, không còn nghe tiếng rên, tiếng thở dài. Tôi lần giở từng ký ức đã qua, 36 năm gắn bó với nghề, cứ mải miết sống, làm việc, cống hiến. Nước mắt rơi làm nhòe trang giấy

 

Tôi không thể quên những tháng ngày nhọc nhằn khi vừa lập gia đình, sinh con. Bố mẹ hai bên gia đình đều nông dân nghèo, chồng tôi cũng làm nông. Hồi đó cũng có lời vào tiếng ra khi tôi là viên chức nhà nước, nào là “chồng thì đầu tắt mặt tối, áo quần lấm lem, vợ thì áo quần rủng rỉnh”, hay là “sao mà trực suốt ngày như thế, chưa biết chừng…”. Chồng tôi là người tuy hiểu biết, thương vợ con nhưng cũng có đôi lần đi uống rượu cùng bạn bè, bị trêu đùa, kích động về nhà lại những lời chì chiết. Một thời gian dài, nổi buồn của tôi không biết tỏ cùng ai, chỉ biết tự động viên cần phải cố gắng để làm tròn “việc nước, việc nhà”. Thời đó, nghỉ sinh chỉ được 4 tháng. Hết nghỉ sinh lại vào guồng quay công việc. Càng vất vả hơn khi con được 6 tháng tuổi, mẹ lại phải trực đêm, tối đến ba mẹ con lại rồng rắn lên trạm y tế, mỗi tuần 2-3 phiên trực, nhiều đêm thức trắng khi bệnh nhân vào phải xử lý chuyên môn, khi thì con quấy khóc. Hồi tưởng về một thời đèn dầu, gió mưa dầm dề rét buốt vừa ru con ngủ vừa khóc…lại thấy tự hào vì mình đã cố gắng để vượt qua. Làm nghề điều dưỡng tôi đã tận tình giúp đỡ được rất nhiều người trong họ hàng, xóm giềng khi bị ốm đau, bệnh tật, vì vậy nhiều người cũng đã đã hiểu và cư xử chân tình.

 

Sau hơn 30 năm chung sống, các con đã trưởng thành, tôi lại được chuyển lên công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà, tuy quãng đường có xa hơn, nhưng những vất vả năm xưa đã lùi xa, Chồng tôi ngày càng hiểu và trân trọng về công việc của tôi, vui vẻ, xen lẫn sự tự hào hơn khi ai đó hỏi vợ làm nghề gì? Vợ tôi là một điều dưỡng viên!

 

Trong ngần ấy năm công tác, tôi đã học được rằng, khi cho đi bằng trái tim thì chúng ta cũng sẽ nhận được bằng tấm lòng. Tôi còn nhớ mãimột bệnh nhân nữ trạc tuổi tôi, do bế tắc trong cuộc sống gia đình nên uống thuốc trừ sâu để tìm đến cái chết, được phát hiện đưa vào viện. Bằng những nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, bệnh nhân đã được cứu sống. Tuy nhiên khi tỉnh lại, chị lại tuyệt thực, chống đối…Tôi đã gần gũi chăm sóc, an ủi, động viên, tâm sự giúp chị tháo gỡ vướng mắc tâm tư như hai người bạn, để giúp chị vượt lên hoàn cảnh sống tiếp, vững vàng hơn. Việc tôi làm cũng như bao nữ điều dưỡng sẽ làm nhưng trên hết là tình cảm người với người, là hy sinh thầm lặng đem lại hạnh phúc, nụ cười cho bao gia đình người bệnh, điều này mới thật sự ý nghĩa.

 

Càng về khuya, càng khiến con người ta yếu đuối và cảm xúc hơn chăng? Tôi vốn dĩ là một người phụ nữ mạnh mẽ, có phần khô khan mà nay lại đong đầy tâm sự, ngẫm về đời, ngẫm về nghề lại thấy rưng rưng cảm xúc. Ba mươi sáu năm gắn bó với nghề, với những người đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng nhau đi qua biết bao nhiêu kỷ niệm. Vui khi thấy người bệnh được khỏe mạnh, ra viện, nhưng cũng biết bao lần nước mắt chảy vào trong khi gặp những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh éo le, mắc bệnh hiểm nghèo và …cả những khi đẩy băng ca đưa thi thể bệnh nhân xuống nhà đại thể…

 

Chỉ còn 1 năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, sẽ trở thành một bà nông dân thực thụ với mảnh vườn và đám ruộng ở quê. Bồi hồi gửi gắm đến những điều dưỡng trẻ đôi dòng tâm sự, làm bất cứ nghề nào cũng cần chữ “TÂM”, nhưng với nghề điều dưỡng lại cần thiết hơn nữa, hãy luôn sống hết mình vì nghề, coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân, hãy là người can đảm, chấp nhận hy sinh, dấn thân vào nghề Điều dưỡng là chấp nhận cả những khó khăn, áp lực, thách thức. Để rồi mai đây, khi nhìn lại thấy mình HẠNH PHÚC THỰC SỰ VÌ BIẾT SỐNG VÀ LÀM VIỆC TRỌN VẸN VỚI NGƯỜI BỆNH, VỚI NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG!

 

Xin được mượn mấy dòng thơ để chốt cho một đêm trải lòng với nhiều cung bậc cảm xúc về nghề Điều dưỡng. Cảm ơn đời đã cho tôi một tình yêu, sức mạnh để đến bây giờ tôi được trọn tin yêu với màu áo trắng cao quý của nghề Điều dưỡng.

Rồi từng ngày ta thấy yêu hơn

Bởi Điều dưỡng đời không thể thiếu

Chưa ai hiểu, người đời sẽ hiểu

Càng yêu nghề tha thiết Điều Dưỡng ơi!

                                                                                Đêm,10/07/2020

 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh

Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.661
Tháng 04 : 131.752
Năm 2024 : 628.971
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.427.485