• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghề Điều dưỡng tôi yêu

Hồi còn nhỏ theo mẹ đi trực đêm để giữ em, nhìn thấy mẹ chăm sóc các ông, bà, các em nhỏ bị bệnh, nghe tiếng rên rỉ của họ mà lòng tôi xót xa đến lạ kỳ. Bỗng nhiên ý tưởng lớn lên mình sẽ nối nghiệp mẹ để góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cứu ngừơi, xoa dịu đi nỗi đau của những người bệnh, ý nghĩ đó luôn nhen nhóm trong tôi. Thời gian thấm thoát thoi đưa với sự quyết tâm của mình tôi nộp đơn dự thi vào trường Trung cấp Y tế Nghệ An, chương trình đào tạo y sĩ đa khoa. Khi cầm giấy báo trúng tuyển trong tay tôi mừng lắm, mừng vì cuối cùng mình cũng đã đạt được ước mơ.

Tốt nghiệp ra trường tôi được về nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu chập chững bước vào nghề, tuy kiến thức non nớt, kỹ năng lâm sàng còn vụng về nhưng được sự dìu dắt của các anh chị đồng nghiệp dần dần tôi học được những kinh nghiệm, những kỹ năng cho riêng mình. Với những đam mê cống hiến, tôi tiếp tục phấn đấu muốn trở thành một bác sĩ nhưng do hoàn cảnh gia đình tôi không thể học lên bác sĩ với chương trình đào tạo 4 năm liên tục, nên tôi đã học chuyển đổi chứng chỉ điều dưỡng và đi học đại học điều dưỡng hệ vừa học vừa làm, gắn bó với nghề Điều dưỡng với ý nghĩ là “nghề đã chọn mình”!.

 

Tôi đã xác định chọn nghề Điều dưỡng là chọn một cái nghiệp cho cả cuộc đời, đó là phục vụ người bệnh, là sự chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần, nhìn những gương mặt người bệnh khi họ đau đớn, vật vã, bi quan, lo lắng, nghe họ rên la, tôi vô cùng đồng cảm như chính mình có vết thương đang rỉ máu để sẻ chia, động viên, an ủi; khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc tôi luôn phải nhẹ nhàng giảm đau tối đa nhất có thể cho người bệnh để giúp họ phần nào vơi đi sự đau đớn.

Bao nhiêu năm đã qua, tôi vẫn không thể nào quên tiếng kêu khóc xé lòng của một người mẹ bên giường bệnh của người con bị ung thư máu giai đoạn cuối. Sự sống chỉ có thể đếm từng ngày, nhìn em bé xanh xao, vàng vọt với ánh mắt ngây thơ trong sáng như cầu cứu, tôi thấy mình bất lực trước tử thần, nước mắt cứ trào ra. Tôi thầm nghĩ có lẽ số phận đưa đẩy mình vào nghề này là phải chứng kiến những khổ đau của kiếp người.

 

Nghề Điều dưỡng với bao vất vả, gian truân đòi hỏi phải có đức tính chịu khó, hy sinh, tỷ mỉ, và lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết, phải dành nhiều thời gian để ở bên người bệnh, chăm sóc họ một cách tốt nhất. Nếu lơ đãng một vài giây cũng có thể làm cho tình trạng người bệnh trở nên xấu hơn. Người điều dưỡng vì vậy mà cũng phải chịu áp lực nhiều hơn, không chỉ chăm sóc tận tình, theo dõi sát sao mà phải biết lắng nghe, chia sẻ cùng người bệnh để giúp họ vượt qua đau đớn về thể chất và giải tỏa những tâm lý tiêu cực. Thế nên không có sự yêu thương con người, yêu nghề thật sự thì khó mà theo đuổi nghề này.

 

Bản thân tôi gần 20 năm làm tại Khoa Cấp cứu- Nhi, với muôn vàn khó khăn thử thách là nơi người bệnh phải đấu tranh, giành giật giữa sự sống và cái chết, nơi nhận rõ quy luật “ Sinh – lão – bệnh – tử”. Ở đây, tôi đã chứng kiến được tình người sâu đậm. Đội ngũ điều dưỡng đã quan tâm, chăm sóc người bệnh hàng ngày, động viên an ủi, cho người bệnh uống từng viên thuốc, nhẹ nhàng trong từng mũi tiêm… Và, cũng ở đây tôi đã thấy những giọt nước mắt hạnh phúc hay nụ cười của người bệnh khi được khỏe mạnh, hồi phục.Đó là hạnh phúc và cũng là nguồn động viên để tôi cống hiến nhiều hơn nữa.

 

Thấm thoát cũng đã 29 năm khoác trên mình chiếc áo blouse, có 15 năm làm điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Nhi và bây giờ được giao nhiệm vụ là Trưởng phòng Điều dưỡng, tôi tự hào vì đã chọn đúng nghề nghiệp. Chẳng nhàn rỗi, không có thu nhập cao nhưng đầy ắp tình người. 29 năm trong nghề điều dưỡng cũng là quãng thời gian tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, có va vấp để trưởng thành và yêu nghề hơn. Tôi muốn nhắn nhủ với đồng nghiệp, các bạn trẻ của Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân và các bạn đồng nghiệp rằng: Nghề Điều dưỡng cần lắm sự yêu nghề, cần lắm sự đồng cảm, thấu hiểu và lòng nhân ái, phải có tinh thần “thép” để vượt qua những gian nan, vất vả trong lúc hành nghề, phải biết chắt lọc từ những niềm vui của người bệnh khi họ chiến thắng bệnh tật để làm động lực cho bản thân trong bước đường nghề nghiệp.

 

Điều dưỡng vất vả khó nhọc là thế nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc và mong muốn đóng góp sức mình cho ngành Ytế, bản thân tôi thấy là mình đã đi đúng hướng và luôn tự hào vì mình là một Điều dưỡng./.

Điều dưỡng Trần Thị Tuyết Mai

Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.073
Tháng 04 : 181.325
Năm 2024 : 678.544
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.477.058