Câu chuyện nghề của tôi
Vậy là thấm thoắt đã hơn 16 năm gắn bó với nghề Điều dưỡng, nhưng bây giờ tôi mới có cơ hội để viết lên những dòng tâm sự của mình chia sẻ cùng mọi người để họ hiểu về nghề Điều dưỡng và con đường mà tôi đã chọn.
Cha tôi là một bệnh binh, được về nghỉ theo chế độ mất sức; mẹ là giáo viên. Kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn. Đồng lương ít ỏi của cha mẹ không đủ để chu cấp cho anh chị em tôi ăn học và lo tiền thuốc cho cha khi vết thương tái phát. Các anh, chị sau khi ra trường, mỗi người đều chọn con đường đi riêng nhưng đối với tôi cơ duyên lại gắn bó nghề Điều dưỡng đến tận bây giờ.
Sau khi học xong, tôi tình nguyện lên nhận công tác tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - nơi biên cương mà trước đây tôi chỉ được nghe qua những bài giảng. Cảm giác trong tôi thật khó tả, hạnh phúc có, lo lắng thì muôn vàn,… Giờ ngẫm lại vẫn thấy mình đã chọn đúng con đường trong cuộc đời và sự nghiệp.
Những ngày công tác tại Trung tâm Y tế Mường Tè thiếu thốn trăm bề, nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm không thể nào phai mờ trong ký ức. Hồi đó, cơ sở hạ tầng, điều kiện ăn ở, làm việc thiếu thốn; điện sinh hoạt chưa có, cả bệnh viện chỉ có một cái điện thoại bàn, thông tin liên lạc gặp rất nhiều khó khăn. Đêm trực, chỉ có chiếc đèn dầu làm bạn, nhiều lúc bị gió lùa, đèn tắt, những trận mưa rừng tạt ướt không có chổ trú chân, nhưng chúng tôi vẫn chăm sóc theo dõi cụ thể từng diễn biến sức khỏe của người bệnh chu đáo nhất có thể. Khi có bệnh nhân nặng phải chuyển viện lại càng khó khăn hơn vì đường ra bệnh viện tỉnh quanh co, đèo dốc, sạt lở, tôi và đồng nghiệp có thể bỏ mạng bên bờ vực thẳm bất cứ lúc nào. Đồng lương thì ít ỏi không đủ chi tiêu hàng ngày cho cá nhân. Nhiều lúc ngơ ngác vì không hiểu tiếng địa phương của người bệnh; Rồi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân, bạn bè,… thường xuyên ùa về.
Trong thời gian công tác tại Trung tâm Y tế Mường Tè cũng đã có những lúc tôi chán nản, muốn bỏ nghề vì công việc, điều kiện sinh hoạt vất vả, khó khăn, trong khi nghề Điều dưỡng chưa được xã coi trọng, đôi lúc còn bị phân biệt đối xử.. Nhưng rồi vượt lên tất cả là những lời động viên an ủi của đồng nghiệp; những lời cảm ơn chân thành mộc mạc của người bệnh khi qua cơn nguy kịch, khi được ra viện; những giọt nước mắt hạnh phúc của những người cha, người mẹ khi con mình được cứu sống; niềm hạnh phúc tột đỉnh của chúng tôi khi cấp cứu thành công những ca bệnh nặng; những lời cảm ơn chưa rõ tiếng của đồng bào accs dân tộc; những ánh mắt thân thiện, những bó rau, mớ khoai làm quà cảm ơn sau khi khỏi bệnh;…tất cả đã thắp lửa trong trái tim của những người thầy thuốc chúng tôi. Đó là sợi dây vô hình để gắn bó tôi với nghề đã chọn.
Sau này do bố mẹ già yếu và vết thương cũ của bố tôi thường xuyên tái phát, tôi được điều chuyển về quê nhà là BVĐK thị xã Kỳ Anh để công tác. Trên cương vị mới, tôi vẫn luôn ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn tự hào mình là người làm nghề Điều dưỡng. Với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, tôi tự nguyện với lòng mình tiếp tục công việc với lòng yêu nghề, tình thương và trách nhiệm với bệnh nhân, tiếp tục nỗ lực, cống hiến để góp một phần nhỏ bé của mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh./.
Điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng
Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh