• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phòng ngộ độc khí CO trong mùa lạnh

Việc đốt than củi, than tổ ong sưởi ấm luôn tiềm ẩn rủi ro ngộ độc khí than (khí CO), ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là gây tử vong. Tại Hà Tĩnh, trong những năm qua đã xẩy ra nhiều trường hợp hết sức nguy hiểm và đáng tiếc.

Nguy hiểm rình rập

Trong nhiều năm trở lại đây, rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra do ngộ độc khí than, thậm chí đã có trường hợp tử vong do ngộ độc khí than này.Vào tháng 12/2019, Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 2 bệnh nhân trong một gia đình bị ngộ độc khí CO do đóng kín phòng để sưởi ấm.

Bệnh nhân là anh Trần Văn T (31 tuổi) và chị Nguyễn Thị H. (30 tuổi) trú tại xã Hồng lộc (huyện Lộc Hà) được người thân phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, tím tái khi nằm trong phòng kín với nhiều khí CO từ bếp than đặt ở dưới gầm giường. Hai bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh. Rất may sau đó cả hai đều qua cơn nguy kịch và không để lại ảnh hưởng gì.

Cũng trong năm 2019 trường hợp đáng buồn nhất là cháu bé mới 4 ngày tuổi ở huyện Lộc Hà đã tử vong vì ngộ độc khí Co do người nhà dùng than củi để sưởi ấm...Và gần đây nhất là vào tháng 11/2020, Trạm Y tế xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) tiếp nhận 4 bệnh nhân trong một gia đình, gồm: bà Mai Thị H (SN 1966), anh Bùi Văn C (SN 1995), chị Bùi Thị V (SN 1996) và cháu Bùi Thị X, mới sinh 2 được ngày tuổi. Các bệnh nhân sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh để nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc khí than. Sau hai ngày điều trị anh C và bà V vẫn trong tình trạng hôn mê sâu nên đã được chuyển ra Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để điều trị và sau hai ngày điều trị, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Bệnh nhân bị ngộ độc khí CO điều trị tại Khoa cấp cứu chống độc - BVĐK tỉnh

May mắn điều trị khỏi, Chị Bùi Thị V kể lại: “ Vì mới sinh em bé nên gia đình đốt than củi để hơ sưởi theo phong tục dành cho phụ nữ mới sinh. Không hiểu do diện tích phòng hẹp, lại đóng kín cửa để tránh gió hay do khí độc có từ trong than củi mà xảy ra sự việc trên, vì trước đó gia đình cũng đã chuẩn bị củi rất cẩn thận”.

Không chỉ những vụ việc trên mà ngay tại các huyện như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Can Lộc... cũng ghi nhận các trường hợp tương tự.

Qua những vụ việc diễn ở trên cho thấy, các trường hợp ngộ độc khí than thường là bà mẹ sau sinh, trẻ nhỏ và những người già vì những người này hoặc là dùng than củi để sưởi ấm vào mùa lạnh hoặc là dùng than củi để hơ, sưởi sau khi sinh.Với tâm lý chủ quan cộng với thiếu kiến thức sử dụng khí đốt nên đã xảy ra nhiều hậu quả thương tâm.

Hiểm họa khôn lường

ThS.BS Nguyễn Xuân Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK Hà Tĩnh khuyến cáo “Sản phụ sau sinh, người già và trẻ nhỏ nhất là về mùa đông, cần giữ ấm nhưng không nên hơ, sưởi bằng than nóng, nhất là trong diện tích phòng hẹp mà lại đóng kín cửa. Vì có thể gây ra một số hậu quả như không điều tiết được than gây cháy, bỏng hoặc khi đốt than sẽ sản sinh ra nhiều khi CO mà lại không thoát ra ngoài được, hậu quả là gây ngộ độc cho mẹ, bé và người thân. Khi cần sưởi ấm có thể che chắn kín phòng ngh, mặc thêm áo ấm và ăn, uống đủ chất cũng là một cách đơn giản mà lại hiệu quả trong việc phòng, chống rét”.

Bệnh nhân bị ngộ độc khí CO rất nhiều người cao tuổi và diễn biến rất nặng

BSCKI. Nguyễn Bá Trọng Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK Hà Tĩnh cho biết: "Việc sử dụng thiết bị đốt cháy nhiên liệu trong phòng kín như: máy phát điện, bếp than, lò than… sẽ tiêu thụ oxy rất nhanh, đồng thời sinh ra khí CO2 và CO. Khí CO2 gây ngạt thở còn CO gây ngộ độc, cả 2 khí tạo thành một hỗn hợp nguy hiểm. Trong thời gian rất ngắn, người ở trong phòng kín sẽ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và rơi vào hôn mê, nguy hiểm.Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào"

Cũng theo bác sỹ Trọng, khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.

Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi. Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.

Huy Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.273
Tháng 04 : 187.525
Năm 2024 : 684.744
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.483.258