• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người điều dưỡng không ngại khó khăn trong công tác phòng, chống COVID-19

“Chuyện đi chi viện chống dịch tại miền Nam thì rất nhiều. Chuyện vui có, buồn có, hồi hộp có và cả hân hoan cũng có. Nhưng tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, bởi thời gian gần hai tháng qua là một cuộc hành trình khó tả, có sự vội vã và gấp gáp, lúc lại chậm rãi hồi hộp khi đứng bên những bệnh nhân cùng những chiếc máy thở chỉ phát ra từng tiếng bíp bíp đều đặn mỗi ngày…” Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Quyết, Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tâm sự về gần 40 ngày cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.

Đoàn cán bộ Y tế Hà Tĩnh lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Bình Dương

 

Ngày 25/7, điều dưỡng Nguyễn Quyết (37 tuổi) và 30 y bác sỹ của Ngành Y tế Hà Tĩnh lên đường vào chi viện chống dịch tại Ký túc xá Đại học Quốc Gia, TP Dĩ An, đây là cơ sở thu dung, điều trị cho khoảng 2.500 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, nguy kịch và bệnh nhân không triệu chứng. Trước đó, điều dưỡng Nguyễn Quyết cũng đã có đợt chi viện 21 ngày tại huyện Kỳ Anh  khi địa phương này có mắc một số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Sau 21 ngày, với sự tận tâm của một người điều dưỡng cộng với sự năng động, sáng tạo không ngại khó trong công việc, điều dưỡng Nguyễn Quyết đã vinh dự được UBND huyện Kỳ Anh tặng giấy khen để ghi nhận những công lao và đóng góp của anh trong công tác chăm sóc, điều trị và khống chế thành công dịch bệnh.

Với kinh nghiệm đã từng trải qua quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, Điều dưỡng Nguyễn Quyết đã được đoàn tín nhiệm làm Trưởng nhóm phụ trách khu điều trị hơn 2.000 F0 tại Bình Dương. Anh trải lòng: “Chúng tôi bước vào cuộc chiến khi số lượng ca bệnh mới mỗi ngày ở Bình Dương lên tới gần 6.000 người trong điều kiện bệnh viện quá tải trầm trọng. Quá trình điều trị, số bệnh nhân có triệu chứng diễn biến bệnh nặng tăng lên rất nhanh nên áp lực công việc hết sức nặng nề. Thế nhưng, bằng tất cả tinh thần tình nguyện, chấp nhận hy sinh, anh em vẫn động viên nhau làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”.

Những ngày đầu khi đối diện với nhiều ca bệnh nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, mỗi kíp trực chỉ có từ 3 – 4 cán bộ  nhưng lại phải liên tục theo dõi và chăm sóc cho từ 40 - 60 bệnh nhân diễn biến nặng. Cường độ làm việc của mỗi ca trực gần như suốt ngày nên ai nấy đều cảm thấy rất mệt mỏi nhất là trước sự khắc nghiệt của dịch bệnh và trước bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió, nhưng vì tính mạng của người bệnh cũng như trách nhiệm của một nhân viên y tế nên mọi người đều tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực từng giây, từng phút và không bao giờ chùn bước để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh.

Nhớ về những ngày tham gia chi viện tại phương Nam, Điều dưỡng Nguyễn Quyết chia sẻ: “Đó dường như là một khoảng thời gian mà với tôi cảm xúc lẫn lộn, khó diễn tả bằng lời. Chỉ biết rằng, đi qua những ngày tháng ấy, chúng tôi luôn tâm niệm phải cố gắng, nỗ lực cao nhất để làm sao không có những cảnh chia ly, những câu chuyện buồn đau do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như cầu mong đại dịch sớm qua đi để người dân được trở lại với cuộc sống bình thường vốn có…”.

Điều dưỡng Nguyễn Quyết cùng cán bộ trong đoàn Hà Tĩnh nghiên cứu hồ sơ bệnh án tại Bình Dương.

 

Anh nhớ lại, “có ca bệnh mắc COVID-19 người Nghệ An đang mang bầu khoảng 6 – 7 tháng chuyển biến xấu và khó thở trong đêm tại khu điều trị, khi đó các y, bác sỹ của Hà Tĩnh trong ca trực đã tức tốc chạy lên tầng 6, nơi bệnh nhân nằm điều trị để nắm bắt tình hình. Nhận thấy người bệnh có diễn biến xấu, lại thiếu oxy để thở nhưng với kinh nghiệm cấp cứu cũng như cảm quan của một điều dưỡng, điều dưỡng Quyết và các cộng sự đã tiến hành sơ cứu tại chổ, xoa bóp cho bệnh nhân, đồng thời kêu gọi tăng cường oxy nên sau một hồi sơ cứu bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Mọi người thở phào, ai nấy đều vui mừng vì nhờ sự khẩn trương, không ngại khó khăn của các điều dưỡng mà người bệnh đã được trở về trước lưởi hái của tử thần”.

Sau gần 40 ngày tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại Bình Dương, ngày 02/9/2021 đoàn thầy thuốc gồm 30 nhân viên y tế của Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về địa phương đúng ngày Quốc khánh của nước nhà. Với họ, khoảng thời gian tại Bình Dương là một cuốn hồi ký khó quên trong suốt quãng đời còn lại. Để ghi nhận những công lao và đóng góp của điều dưỡng Nguyễn Quyết trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhà, anh đã vinh dự được UBND tỉnh Bình Dương trao tặng Bằng khen cho những cống hiến của anh và vinh dự hơn nữa là sau chuyến công tác tại tỉnh Bình Dương điều dưỡng Quyết đã được TƯ Hội LHTN Việt Nam trao tặng giải thưởng “Tôi yêu tổ quốc tôi”, đây là giải thưởng dành cho những người trẻ tuổi có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Hội phát động.

và trở về với nhiệm vụ hàng ngày tại Khoa Phục Hồi chức năng sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Bình Dương

 

ThS. BS Phan Thị Thu Hà, Trưởng khoa Phục Hồi chức năng - BV Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: “đồng chí Nguyễn Quyết là điều dưỡng Trưởng của Khoa, là một người trẻ tuổi nhưng rất thông minh và đầy nhiệt huyết, không ngại khó khăn trong mọi công việc, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ của Khoa cũng như của BV. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn con còn nhỏ lại sinh đôi, bố mẹ thì ở xa nhưng Quyết luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, phân công công việc tại khoa một cách khoa học. Tận tình giúp đỡ đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong các đợt tình nguyện, Quyết luôn là người đăng ký đầu tiên và luôn xung phong, đi đầu trong những nhiệm vụ khó khăn nhất”.

Để góp một phần công sức trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, những cán bộ ngành y tế đã phải gác lại những nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả tại quê nhà để chấp nhận những hy sinh, gian khổ lên đường vào các tỉnh miền Nam tham gia cùng đội ngũ phòng chống dịch bệnh của cả nước. Hằng ngày, dù phải đối mặt với những hiểm nguy nhưng họ vẫn quyết tâm vượt lên trên tất cả, cho đi sức trẻ, tinh thần, sự nhiệt huyết với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất để cuộc sống của người dân sớm trở về bình thường như trước.

Huy Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.374
Tháng 11 : 137.855
Năm 2024 : 2.719.357
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.517.871