Điều dưỡng, nghề của trái tim - Chuyện kể từ tâm dịch Bình Dương
Lúc này đây, khi chúng tôi cùng đội ngũ điều dưỡng, đoàn công tác Hà Tĩnh ôn lại những ngày tình nguyện đặc biệt, thì Bình Dương đã trở lại nhịp sống mới. Những ngày khốc liệt với muôn vàn gian khó, hi sinh đang gửi gắm thông điệp về khát vọng sống, về tình yêu thương của những lương y trong cuộc đua giành giữ sự sống của bệnh nhân nơi tâm dịch.
42 điều dưỡng, kỹ thuật viên cả hai đoàn công tác của ngành Y tế Hà Tĩnh tình nguyện vào Bình Dương đều nhận trọng trách chủ trì tại các khu điều trị với hàng ngàn F0, Điều dưỡng Nguyễn Quyết - Trưởng nhóm phụ trách khu điều trị hơn 2.000 F0 đoàn số 1, tại Ký túc xá Đại học quốc gia Thành phố Dĩ An, Bình Dương trải lòng: “Chúng tôi bước vào cuộc chiến khi số lượng ca bệnh mới mỗi ngày ở Bình Dương lên tới gần 6 ngàn người trong điều kiện bệnh viện quá tải trầm trọng. Quá trình điều trị, số bệnh nhân có triệu chứng diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh nên áp lực công việc hết sức nặng nề. Thế nhưng bằng tất cả tinh thần tình nguyện, chấp nhận hi sinh, anh em vẫn động viên nhau làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”.
Cùng bệnh nhân giữ từng hơi thở để nuôi mầm sống, đó là điều mà các điều dưỡng Hà Tĩnh tăng cường ở Bình Dương đau đáu trong những ngày chiến đấu với giặc dịch, Điều dưỡng Nguyễn Văn Huấn, Phụ trách khối Điều dưỡng, đoàn số 2 kể: Đoàn nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân F0 ở Bệnh viện dã chiến số 6, huyện Bàu Bàng trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, trước mắt chỉ có nhà xưởng, giường, chiếu, quạt…6h30 đoàn nhận nhiệm vụ, thì 7h đã tiếp nhận bệnh nhân F0. Ngày đầu tiếp nhận 400 đến 500 F0, sang ngày thứ 2 số F0 đã tăng lên 1.700 người và những ngày tiếp theo tăng dần lên đến hơn 3.000 người. Trong “trận chiến” này, mọi nỗ lực đều được tính bằng phút, bằng giây, do vậy đội ngũ điều dưỡng không quản khó khăn, vừa hỗ trợ bác sĩ về điều trị, vừa chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân từ ăn uống, thuốc men và động viên tinh thần…”.
Những ngày sống cùng hàng ngàn F0, cận kề chăm sóc hàng trăm bệnh nhân nặng, với các y, bác sỹ, vượt lên trên tất cả nỗi lo lắng, ám ảnh và không ít những vất vả, hiểm nguy, đó là những kỷ niệm nghề theo suốt cuộc đời.
Thạc sỹ xét nghiệm Hà Huy Hoàng Quân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nhóm trưởng xét nghiệm Đoàn công tác số 1 cho biết, 3 anh em nhận nhiệm vụ ở Khoa xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Thuận An khi lực lượng cán bộ khoa thiếu hụt, trong khi đó mỗi ngày đảm nhận xét nghiệm hơn 1.500 mẫu. “Tỷ lệ mẫu có kết quả dương tính chiếm 90%; nhiều người trong khoa bị phơi nhiễm nên mọi người không tránh khỏi lo lắng, áp lực. Thế nhưng trước một khối lượng công việc quá lớn rất cần sự hi sinh, chung sức và anh em chúng tôi đã tự hứa với mình phải cố gắng hết sức vì sức khỏe của đồng bào. Kết thúc 1 tháng tăng cường hỗ trợ tỉnh bạn theo chương trình, nhưng chúng tôi đã quyết định cùng tình nguyện ở lại 15 ngày nữa để chia lửa với đồng nghiệp nơi vùng tâm dịch”- Hoàng Quân chia sẻ.
Điều dưỡng Phạm Thanh Hội, (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) kể, tình nguyện nhận nhiệm vụ ở khu bệnh nhân nặng, tôi và bác sỹ Nguyễn Đình Khôi, (BVĐK Lộc Hà) đã có những ngày tháng thực sự hi sinh.“Khu bệnh nhân cấp cứu thường xuyên có 60 người bệnh nặng, hầu hết không có người nhà chăm sóc. Toàn khu chỉ có 6 bác sỹ, điều dưỡng, chia thành 2 kíp thay nhau vừa điều trị vừa phục vụ. Chúng tôi phân công nhau phát thuốc, tiêm, cung cấp ô xy liên tục, theo dõi sát bệnh nhân và chăm sóc từng bữa ăn và thậm chí vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Trong hoàn cảnh này, các y, bác sỹ chính là điểm tựa duy nhất cho mỗi bệnh nhân với tất cả niềm hi vọng. Nhiều bệnh nhân khi được thoát khỏi “cửa tử” đã thiết tha được nhìn thấy mặt các y bác sỹ một lần để nhớ những tháng ngày không thể nào quên”. Điều dưỡng Phạm Thanh Hội chia sẻ.
Còn với Điều dưỡng Trần Thị Thuận - Trung tâm Y tế huyện Can Lộc, những ngày tình nguyện quên mình nơi vùng tâm dịch, không chỉ vì trách nhiệm của người thầy thuốc đối với sức khỏe của người bệnh, mà đó còn là tình thương đối với những hoàn cảnh éo le khi không may bị nhiễm virus SARS CoV-2. “Tôi đã không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ mất đi bố, mẹ bởi dịch COVID-19; cảnh đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi vào viện cùng bố nhưng bố bị trở nặng và phải chuyển lên tuyến trên, để lại cháu cách ly một mình… Vì vậy, bao nhiêu tình cảm chúng tôi đều dành cho các cháu; từ ăn uống, chăm sóc đến thuốc men, giấc ngủ, chúng tôi luôn chu đáo để các cháu bớt thiệt thòi” - Điều dưỡng Trần Thị Thuận trải lòng.
Trong 2 chuyến công tác đặc biệt, nhiều cán bộ điều dưỡng Hà Tĩnh đã bị phơi nhiễm. Nhưng quên đi sự an nguy của bản thân, họ chỉ sợ, nếu mình phải dừng bước và không thể tham gia cuộc chiến chống dịch, sẽ khiến anh em đồng nghiệp vất vả hơn; công việc cũng sẽ nặng nề hơn. Điều dưỡng Trịnh Ngọc Hoàng (BV Đa khoa TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Làm trong môi trường vi rút đậm đặc, rất dễ bị phơi nhiễm, nhưng phải cố gắng hết mình để giúp người bệnh. Với triệu chứng nhẹ nên vừa điều trị, vừa chăm sóc bệnh nhân”.
Những ngày ở vùng tâm dịch đầy ám ảnh nhưng cũng đọng lại những dấu ấn không thể quên từ sự chung tay đấu tranh giành giật sự sống nhiều khi rất mong manh của bệnh nhân; những giọt nước mắt vui sướng mỗi khi có bệnh nhân được khỏi bệnh, trở về. Và đọng lại tất cả là những khát vọng sống và thông điệp của tình yêu từ tâm dịch.
“Những điều dưỡng, kỹ thuật viên xung phong vào tâm dịch Bình Dương để “chia lửa” cho tỉnh bạn. Họ đã hy sinh những quyền lợi cá nhân, không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm. Chính thời gian tham gia cứu chữa bệnh nhân tại tâm dịch Bình Dương đã giúp đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây sẽ là những nguồn nhân lực quý giá cho các cơ sở y tế trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19”, Thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội điều dưỡng Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Thủy Loan