• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 26/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: - Cục pin trong mũi bế gái 4 tuổi; Mặt biến dạng sau 2 tuần làm đẹp tại spa người quen; Bình Dương thông tin về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vừa phát hiện; Người mất ngủ thường xuyên có nguy cơ trầm cảm cao gấp 4 lần người ngủ bình thường; Dùng rượu thuốc ở spa, mặt chi chít mụn mủ; Việt Nam là một trong 7 nước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72; Dược liệu gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị;

Cục pin trong mũi bé gái 4 tuổi

Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu (BV) mới phẫu thuật lấy ra một cục pin có đường kính 15mm bên trong mũi bé gái 4 tuổi ở Sóc Trăng.

Bệnh nhân (ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng sốt cao, chảy máu và mủ mũi bên phải. Trước khi nhập viện, mũi bé có chảy dịch nhầy màu đen, mặc dù có uống thuốc nhưng không giảm. Sáng ngày 22/9 bé sốt cao, đau nhức mũi kèm theo chảy dịch, nên gia đình đưa đến BV điều trị.

Qua thăm khám, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, một dị vật cản quang nằm trong hốc mũi bên phải của bé. Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng phối hợp với bác sĩ phẫu thuật gây mê hồi sức, khẩn trương đưa bệnh nhi vào phòng mổ để tiến hành lấy dị vật khẩn cấp bằng phương pháp nội soi gây mê tĩnh mạch. Chỉ trong vòng 10 phút các bác sĩ đã thành công lấy dị vật mũi là cục pin có đường kính 15mm. Quan sát cho thấy, vách ngăn bên phải bị thủng, liền tiến hành hút dịch nhầy đục, cầm máu khoang mũi.

BS.CKI Nguyễn Hồng Trứ, Trưởng Phòng khám Tai - Mũi - Họng của BV cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốt cao, chảy máu và mủ ở mũi bên phải, được biết 2 ngày trước đó cục pin đã nằm sâu trong mũi bé, gây thủng vách ngăn mũi, việc nhìn bằng mắt thường hoặc soi đèn lấy dị vật rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu mũi nhiều, khó cầm, cho nên chúng tôi đã tiến hành nội soi gây mê tĩnh mạch để kiểm soát an toàn cho bé. Khi dị vật pin được lấy ra đã cháy khét gần 80%, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Sau thủ thuật bé tỉnh, hết sốt, không đau, không còn chảy dịch mũi”.

Cũng thời gian qua, BV đã cấp cứu một số trường hợp trẻ mắc dị vật pin ở mũi, tai, nuốt vào miệng,… BS Trứ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý lựa chọn đồ chơi phù hợp ở độ tuổi cho trẻ tránh những món đồ nhỏ, dễ tháo, dễ nuốt. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vùng tai, mũi, miệng,... của trẻ thì phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và xử trí kịp thời. (Pháp Luật)

 

Mặt biến dạng sau 2 tuần làm đẹp tại spa người quen

Tin tưởng spa gần nhà, nữ sinh 22 tuổi đã chi 4 triệu đồng để điều trị mụn viêm, mụn ẩn nhưng chỉ sau đó 2 tuần cô phải 'cầu cứu' bác sĩ vì khuôn mặt biến dạng, đau rát.

Thạc sĩ, BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết vừa tiếp trường hợp nữ sinh H.P.N 22 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến thăm khám trong tình trạng da mặt mụn mủ, mụn viêm xuất hiện dày đặc, da mặt tổn thương, bong tróc và sưng đỏ.

Nữ sinh này cho biết cách đây 1 tháng cô chỉ xuất hiện vài tổn thương mụn viêm, mụn ẩn ở trán, má. Vì nghĩ với tổn thương nhỏ chỉ cần điều trị ở spa là sẽ khỏi nên qua tìm hiểu trên mạng, cô quyết định điều trị ở spa gần nhà chỗ người quen.

Chi phí điều trị là 4 triệu đồng và được cơ sở trên ký cam kết hết mụn, không gây kích ứng. Tuy nhiên, theo N. toàn bộ mỹ phẩm, thuốc uống của spa này đều bị xé nhãn, không nhận diện được sản phẩm.

“Sau khi được nhân viên bôi thuốc, em ngửi thấy mùi giống như rượu thuốc xông thẳng lên mũi. Em lo sợ có hỏi lại thì nhân viên bảo bôi thuốc này yên tâm đảm bảo 1 tháng sau da sẽ đẹp trở lại ko tì vết”, N. kể lại.

Một tuần sau, N. nổi nhiều mụn viêm, mụn mủ, da mặt căng đau rát…. Ban đầu N. nghĩ là tác dụng phụ của thuốc nên vẫn cố chịu đựng. Nhưng sau khoảng 2 tuần N. thấy mặt sưng đỏ, đau, bong tróc, da mặt xuất hiện rất nhiều mụn mủ, mụn bọc thì mới hốt hoảng đi khám trực tiếp với bác sĩ Tiến Thành.

Thăm khám cho trường hợp trên, bác sĩ Thành chuẩn đoán bệnh nhân bị trứng cá mức độ nặng - Viêm da tiếp xúc dị ứng.

“Trứng cá là bệnh thông thường, có thể gặp ở nhiều độ tuổi… Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng, có thể tiến triển kéo dài trong nhiều năm có thể để lại những biến chứng vĩnh viễn như sẹo thâm, sẹo lõm, sẹo lồi ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý và sự tự tin của người bệnh”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Bên cạnh đó, vị bác sĩ cho biết, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo không nên bôi bất kì loại rượu nào lên vùng da mặt vì rượu chứa cồn. Có một số loại rượu chứa nồng độ cồn cao sẽ gây ra những kích ứng, dị ứng cho vùng da được bôi rượu, đặc biệt là những vùng da nhạy cảm,da sẽ bị bong tróc, nổi mẩn…

Hơn nữa, với những loại rượu ngâm rễ cây, cây thuốc cũng dễ gây kích ứng nếu người sử dụng không xác định được loại rễ cây ấy là loại rễ cây gì, có khả năng gây dị ứng cho mình hay không. Vì cơ thể mỗi người sẽ có sự phản ứng, dị ứng với các chất khác nhau.

Theo bác sĩ Thành, biểu hiện cúa dị ứng rất đa dạng như đỏ da, ngứa, bong tróc, bùng phát trứng cá, mụn bọc, mụn mủ… thậm chí phản vệ, khó thở... Do đó, người bệnh nên cân nhắc trước khi sử dụng các sản phẩm điều trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh gặp phải những rắc rối không mong muốn cho sức khỏe.

“Tốt nhất, nếu mắc các bệnh về da liễu, người bệnh cần đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để chữa trị. Không nên tự ý chữa bệnh bằng các loại thuốc tự chế hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Thành nói. (Gia đình Việt Nam)

 

Bình Dương thông tin về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vừa phát hiện

Bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tại tỉnh Bình Dương vừa được ghi nhận là bạn gái của ca bệnh thường trú tại huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).

Tối 25/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông báo về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn.

Theo đó, bệnh nhân là nữ, tên là N.K.L (22 tuổi, trú tại huyện Bắc Tân Uyên). Bệnh nhân L có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước đó ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Trước đó vào đêm 23/9, sau khi nhận được tin báo từ Viện Pasteur TPHCM, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn công tác do bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn xuống thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên xử lý ca bệnh, điều tra, giám sát, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường xung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân, tránh lây lan trong cộng đồng.

Kết quả điều tra dịch tễ ghi nhận quá trình di chuyển của bệnh nhân như sau: Từ ngày 2/9 đến 13/9, bệnh nhân ở tại nhà trọ (khu phố Cổng Xanh, thị trấn Tân Bình), không tiếp xúc với ai.

Lúc 12h ngày 13/9, bạn trai của chị L là anh L.V.T (thường trú tại huyện Xuân Lộc, đang làm việc tại TPHCM, được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ) có đến phòng trọ và có quan hệ với chị L. Sau đó vào lúc 14h cùng ngày, bạn trai chị L quay về TPHCM. Từ ngày 14/9 đến 17/9, bệnh nhân L ở tại nhà trọ, không tiếp xúc với ai.

Đến 13h30 ngày 18/9, bệnh nhân L cùng bạn trai đến khám bệnh tại phòng khám Đa khoa Uyên Uyên. Tại phòng khám, cả hai chỉ tiếp xúc với bác sĩ khám. Trong khoảng thời gian cả hai bệnh nhân mắc bệnh có mặt, phòng khám này không có bệnh nhân đến khám.

Sau khi khám xong, bệnh nhân L cùng bạn trai quay về nhà trọ, không tiếp xúc với ai. Bạn trai của chị L sau đó quay về TPHCM.

Từ ngày 19/9 đến 23/9, bệnh nhân L ở tại nhà trọ, không tiếp xúc với ai.

Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết: Hiện nay, ngành y tế đã lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm mẹ và em gái ở cùng nhà trọ. Bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại Khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế TP Tân Uyên.

Theo ông Chín, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức cho người dân và cộng đồng về nguy cơ và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. (Tiền Phong)

 

Người mất ngủ thường xuyên có nguy cơ trầm cảm cao gấp 4 lần người ngủ bình thường

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, khoảng 80% bệnh nhân được phát hiện rối loạn giấc ngủ có liên quan đến căng thẳng trong cuộc sống, người bị mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3,95 lần so với người thường…

Mới đây, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân tên X. (42 tuổi, ở Hải Dương) là giáo viên cấp 2, đến khám vì bị mất ngủ. Gần một năm nay, chị có biểu hiện ngủ ít dần. Khoảng 3 tháng gần đây, tình trạng này càng nặng hơn, mỗi đêm chị chỉ ngủ được 2-3 tiếng, khó vào giấc ngủ hơn, ngủ chập chờn.

Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến chị mệt mỏi nhiều, đau đầu, khó tập trung vào công việc hơn, hay lơ đãng, dễ nổi cáu, ăn kém ngon miệng, sụt mất 2 kg trong 2 tháng. Nhiều lần học sinh hỏi bài nhưng chị không chú ý…

Càng ngày tình trạng mất ngủ càng nghiêm trọng hơn, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng làm chị tỉnh giấc và không ngủ lại được. Chị không dám ngủ chung giường với chồng vì anh ngủ ngáy…

Chị đã thử áp dụng nhiều cách như mua trà thảo dược về uống, đi khám ở cơ sở y tế tuyến dưới… nhưng giấc ngủ cũng không mấy cải thiện. Khi đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, chị Xuân được chẩn đoán bị mất ngủ không thực tổn, phải vào viện điều trị nội trú.

Bác sĩ Phạm Công Huân, Phòng M8 – Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, sau 7 ngày được cho dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân đã có cải thiện tốt.

Thông tin đến báo chí, bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng M8 - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.

Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson... Ngoài ra, có một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các chất kích thích.

Qua thực tế theo dõi tại viện, những năm gần đây, có khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó, 5% - 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.

Bác sĩ Đoàn Thị Huệ khẳng định, mất ngủ có mối liên quan chặt chẽ với trầm cảm, lo âu. Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, 35% bệnh nhân đến khám vì rối loạn mất ngủ có 1 rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc.

“Mất ngủ là yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, gấp 3,95 lần so với không có mất ngủ” – bác sĩ Huệ thông tin, đồng thời cho biết các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mất ngủ cần xác định phải điều trị lâu dài, như một bệnh mãn tính. Còn nếu nó là triệu chứng của các bệnh khác thì phải điều trị bệnh gốc.

Để cải thiện tình trạng mất ngủ, các bác sĩ khuyến cáo 10 biện pháp:

- Buổi trưa không nên ngủ quá 30 phút.

- Tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định.

- Chỉ sử dụng giường cho việc ngủ, tránh ăn uống, làm việc, xem tivi, điện thoại trên giường.

- Buổi tối không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước khi ngủ 3 tiếng.

- Tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ chiên rán vì dễ dẫn đến đầy bụng khó tiêu.

- Tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, trà.

- Tránh ánh sáng xanh từ tivi, điện thoại vì có thể làm mất ngủ.

- Cố gắng giảm áp lực căng thẳng, thực hành các hoạt động giúp thư giãn trước giờ đi ngủ như bài tập thở, thiền.

- Thể dục thường xuyên hằng ngày cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

- Bệnh nhân nên đi khám nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.(An ninh thủ đô)

 

Dùng rượu thuốc ở spa, mặt chi chít mụn mủ

Tìm đến spa quen để trị mụn, cô gái được bôi một loại rượu thuốc cộng lăn kim khiến mặt sưng viêm chi chít mụn mủ.

Hà Anh, 22 tuổi đến thăm khám da liễu trong tình trạng da mặt mụn mủ, mụn viêm xuất hiện dày đặc, da mặt tổn thương, bong tróc và sưng đỏ sau điều trị mụn tại một spa gần nhà.

Cô gái trẻ cho biết, cách đây 1 tháng, mặt xuất hiện vài tổn thương mụn viêm, mụn ẩn ở trán, má. Nghĩ chỉ bị một hai nốt mụn nên cô đến spa gần nhà để nặn và điều trị. Hà Anh được spa ký cam kết sẽ chữa hết mụn, không gây kích ứng với chi phí 4 triệu đồng.

Sau khi đồng ý, nữ sinh được nhân viên sử dụng phương pháp lăn kim và bôi các sản phẩm màu nâu đen với nhãn "serum trị mụn” để xử lý các nốt mụn cho cô.

“Lúc bôi xong em ngửi thấy mùi giống như rượu thuốc xông thẳng lên mũi. Em lo sợ hỏi lại thì nhân viên bảo bôi thuốc này yên tâm đảm bảo 1 tháng sau da sẽ đẹp trở lại ko tì vết", nữ sinh kể lại và cho biết toàn bộ mỹ phẩm, thuốc uống của spa này đều bị xé nhãn, không nhận diện được sản phẩm.

Sau 1 tuần làm thủ thuật lăn kim và bôi thuốc, Hà Anh nổi nhiều mụn viêm, mụn mủ, da mặt căng đau rát. Ban đầu cô gái nghĩ do tác dụng phụ của thuốc nên vẫn cố chịu đựng. Sau khoảng 2 tuần tình trạng da không diễn biến tốt hơn mà ngược lại thấy mặt sưng đỏ, đau, bong tróc, da mặt xuất hiện rất nhiều mụn mủ, mụn bọc, cô gái mới hốt hoảng đi khám.

Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên hội da liễu Việt Nam cho biết, nữ sinh bị viêm da kích ứng do sử dụng rượu thuốc điều trị mụn không đúng cách.

Hiện nay nhiều chị em do tin tưởng vào các spa, sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó có rượu thuốc khiến các bệnh về da ngày càng nặng.

Bác sĩ Thành khuyến cáo không nên bôi bất kì loại rượu nào lên vùng da mặt, vì rượu chứa cồn. Một số loại rượu chứa nồng độ cồn cao, sẽ gây ra những kích ứng, dị ứng cho vùng da được bôi rượu, đặc biệt là những vùng da nhạy cảm, da sẽ bị bong tróc, nổi mẩn.

Hơn nữa, với những loại rượu ngâm rễ cây, cây thuốc cũng dễ gây kích ứng nếu người sử dụng không xác định được loại rễ cây ấy là loại rễ cây gì, có khả năng gây dị ứng cho mình hay không. Vì cơ thể mỗi người sẽ có sự phản ứng, dị ứng với các chất khác nhau.

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng từ những trường hợp chỉ có biểu hiện trên đỏ da, ngứa, bong tróc, bùng phát trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, nhưng cũng có thể biểu hiện toàn thân như phản vệ, khó thở. Người bệnh nên cân nhắc trước khi sử dụng các sản phẩm điều trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh gặp phải những rắc rối không mong muốn cho sức khỏe.

Tốt nhất, nếu mắc các bệnh về da liễu, bạn cần đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để chữa trị. Không nên tự ý chữa bệnh bằng các loại thuốc tự chế hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (News)

 

Việt Nam là một trong 7 nước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72

Việt Nam ưu tiên phát triển vaccine mới phòng ngừa lao và hiện là một trong bảy quốc gia tích cực tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72.

Ngày 20/9, tại Thành phố New York, Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức cuộc họp Chiến lược cấp cao về việc thành lập Hội đồng Thúc đẩy tiến trình Phát triển vaccine phòng ngừa lao của WHO.

Cuộc họp quy tụ sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, Pháp, Nam Phi, Hoa Kỳ và Pakistan, cũng như sự hiện diện của các nhà lãnh đạo quốc tế từ Quỹ Bill and Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust, Ngân hàng Thế giới, Nhóm Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Quỹ Toàn cầu, Liên minh vaccine Gavi, Unitaid và Stop TB Partnership.

Đoàn đại biểu của Việt Nam tại Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dẫn đầu, cùng các thành viên đại diện Lãnh đạo Ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia.

Mở đầu cuộc họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Diễn đàn này hoạt động với mục đích mở rộng việc phát triển và thử nghiệm các phương án vaccine, thu hẹp khoảng cách tài chính và thiết lập các lộ trình tiếp cận vaccine cho tất cả mọi người với giá cả phải chăng.

Với hiệu lực bảo vệ của vaccine lao mới, WHO ước tính, trong 25 năm tới, loại vaccine này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu. Điều này góp phần giảm nhu cầu điều trị bằng kháng sinh và tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, phần lớn trong số đó là hộ nghèo và thuộc nhóm đối tượng yếu thế”.

Phát biểu thay mặt Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Tiến sĩ - Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam ưu tiên phát triển các vaccine mới phòng ngừa bệnh lao và hiện nay là một trong bảy quốc gia tích cực tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72.

Tiến sĩ Lượng cũng tuyên bố cam kết của Việt Nam trong việc tiên phong tham gia các nỗ lực thực hiện nghiên cứu và phát triển vaccine.

Đồng thời, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh sự chủ động của Việt Nam trong triển khai và chia sẻ các chiến lược truyền thông và khuyến khích phân phối vaccine hiệu quả.

Bên cạnh việc ra mắt Hội đồng Thúc đẩy Tiến trình Phát triển vaccine phòng ngừa lao, sự kiện này cũng là dịp để Tổ chức Y tế Thế giới thúc đẩy các cam kết và đầu tư quốc tế cho phát triển các loại vaccine mới để ngăn ngừa bệnh lao.

Cuộc họp bao gồm hai phiên thảo luận về kinh nghiệm và kỳ vọng của các quốc gia đối với Hội đồng mới thành lập, cũng như những đóng góp và quan tâm từ các tổ chức quốc tế có quy mô lớn.

Cuộc họp đã kết thúc với những thông điệp đầy hy vọng, cho thấy lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vaccine, mở ra cơ hội mới trong cuộc chiến chống lại bệnh lao. Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng sau sự kiện này, tất cả các bên liên quan cần tôn trọng và thực hiện cam kết của họ, để cùng nhau xây dựng một thế giới không bệnh lao. (News)

 

Dược liệu gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị

Phát triển dược liệu gắn với chế biến sâu giúp nâng cao giá trị thành phẩm, đồng thời chủ động đầu ra cho các vùng trồng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu

Theo thống kê, Lào Cai hiện có tổng diện tích cây dược liệu chính khoảng hơn 3.550 ha, trong đó có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, địa bàn có nhiều loài dược liệu quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược, như: Sâm Hoàng Liên, bình vôi, tam thất hoang, chè dây, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa, đỗ trọng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lào Cai nông thôn đã đánh giá thực trạng phát triển ngành hàng dược liệu tại Lào Cai. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính gồm: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.

Với nhiều lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, tỉnh Lào Cai là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đăt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp Lào Cai.

Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phát triển dược liệu gắn với chế biến sâu

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển vùng trồng dược liệu, nhưn việc hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu khiến giá trị từ việc trồng cây dược liệu mạng lại hiện còn ở mức thấp.

Thực trạng cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dược liệu trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; khâu sản xuất giống còn yếu, chưa ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống cây dược liệu, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất; sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động.

Do đó, đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nên không ổn định; chưa tập trung sản xuất các loại cây dược liệu đầu vị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến sâu; liên kết trong sản xuất cây dược liệu thực hiện chưa tốt, thiếu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm có năng lực đủ lớn để hình thành liên kết bền vững…

Nhận thức được thực trạng trên, hiệ tỉnh Lào Cai tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến bảo quản, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn GMP tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung. Trong đó, phát triển thêm ít nhất 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2-3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3-5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao...

Qua đó, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. (Báo sức khỏe và đời sống)

Thanh Loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.666
Tháng 05 : 125.494
Năm 2024 : 844.793
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.643.307