• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 21/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự Hội nghị cấp cao về chấm dứt AIDS của Liên hợp quốc; Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu: Bộ Y tế nói gì; Vào vùng nóng...; Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch, nhiều người phải cấp cứu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự Hội nghị cấp cao về chấm dứt AIDS của Liên hợp quốc

Tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, sáng 20/9 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Đào Hồng Lan đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao về chấm dứt AIDS của Liên hợp quốc. Hội nghị này diễn ra bên lề Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78.

Trong các ngày từ 19-23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ. Là thành viên của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Đào Hồng Lan đã có nhiều hoạt động bên lề Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78.

Trong phát biểu trước hàng trăm đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia dự Hội nghị cấp cao về chấm dứt AIDS của Liên hợp quốc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi lời chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã trao cho Việt Nam cơ hội được phát biểu trước toàn thể cộng đồng quốc tế tại Hội nghị quan trọng này. Chính phủ Việt Nam chúc mừng các quốc gia đã đạt được mục tiêu 95-95-95 và đang gần đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi lời cảm ơn các tổ chức quốc tế UNAIDS, WHO, các nhà tài trợ PEPFAR, Quỹ toàn cầu đã hỗ trợ cho Việt Nam thời gian qua trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế Việt Nam gửi lời cảm ơn các nước đã chia sẻ bài học kinh nghiêm hay và hợp tác để đạt được thành công này và chấm dứt đại dịch AIDS toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Việt Nam trải qua hơn 30 năm ứng phó với đại dịch HIV với biết bao thăng trầm, cảm xúc bởi khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước.

"Hiện nay, Việt Nam có gần 250.000 người nhiễm HIV. Sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu như không có sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị thì bây giờ Việt Nam đã có gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trong phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ, Việt Nam tin rằng dịch bệnh HIV/AIDS chắc chắn được chấm dứt nếu có sự quan tâm đầy đủ và hành động quyết liệt của các quốc gia NGAY VÀ LUÔN bây giờ (now action). Sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao và thành viên chính phủ của các nước tham dự hội nghị ngày hôm nay đã thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ để chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS và cần hành động:

Thông tin với các đại biểu quốc tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam thể hiện sự quyết tâm và cam kết ứng phó với dịch HIV/AIDS.

"Chúng tôi hiểu rằng bất cứ sự lơ là nào trong phòng, chống dịch, hoặc sự thiếu hụt nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với HIV đều có thể gây nguy cơ dịch bệnh quay lại bất cứ lúc nào và phá hủy thành quả phòng, chống HIV/AIDS hơn 40 năm qua. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hành động NGAY VÀ LUÔN bây giờ"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Cũng tại hội nghị bên lề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi song phương, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động liên quan đến nâng cao chăm sóc sức khoẻ, thúc đẩy hợp tác y tế và phòng chống dịch bệnh... (Theo Báo SK&ĐS)

 

Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu: Bộ Y tế nói gì

Theo Bộ Y tế, vừa qua một số nơi khan hiếm máu do không có vật tư (túi đựng máu). Việc mua sắm đảm bảo loại vật tư y tế này do các địa phương thực hiện.

Về triển khai đấu thầu mua sắm trong y tế, Bộ Y tế lưu ý thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị cần triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp về lựa chọn nhà thầu.

Cụ thể, các đơn vị khi nhận hàng hóa nhập khẩu là trang thiết bị, vật tư y  tế, sinh phẩm... từ nhà thầu phải bảo đảm đúng danh mục, chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, năm sản xuất, model, serial. Ngoài ra, có kèm theo tài liệu hợp pháp theo các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, hồ sơ mời thầu và theo hợp đồng được ký kết giữa các bên để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu (như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q), tờ khai hải quan, phiếu đóng gói (packing list), hóa đơn chứng từ, vận đơn, giấy chứng nhận phân tích (COA - Certificate of analysis)...

Bộ Y tế cũng lưu ý mua sắm đấu thầu cần chuẩn hóa chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu; chủ động khẩn trương xác định các dự án, gói thầu được hưởng cơ chế đặc thù để thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định...

PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết vừa qua viện vẫn định kỳ chuyển máu đến Cần Thơ, Tây nguyên… Như vậy, không chỉ nhu cầu về máu điều trị mà về túi đựng máu cũng tăng lên nhiều so với mức thông thường của viện. "Thực tế là không thiếu người hiến máu nhưng để tiếp nhận được máu hiến thì phải có túi đựng máu. Viện cũng thực hiện đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành, tuân thủ các điều kiện đảm bảo về minh bạch, chất lượng... chứ không có các cách riêng nào khác", ông Thanh cho biết.

Theo lãnh đạo Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TP.HCM, hiện nay TP.HCM không thiếu máu. Ngân hàng máu trữ lượng vẫn duy trì như cũ, khoảng trên 8.000 túi máu. Được sự hỗ trợ của UBND TP.HCM và Sở Y tế, thời điểm hiện nay BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM cũng không thiếu vật tư lấy máu, các hoạt động đấu thầu và trang thiết bị y tế được đảm bảo.

Trước tình hình các BV ở miền Tây đang thiếu máu trầm trọng, từ sau Tết Nguyên đán 2023, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã hỗ trợ cho BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ mỗi tuần từ 500 - 700 túi máu. Đây là lượng máu BV chủ động giảm từ lượng máu dự trữ của BV, để cùng cả nước chung tay hỗ trợ cho các BV ở miền Tây đang thiếu máu diện rộng.

Trong khi đó, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho hay hiện nay ngân hàng máu của BV đáp ứng đầy đủ máu và còn có thể cung cấp cho các BV khác trên địa bàn và trong khu vực. Theo TS-BS Lê Đức Nhân, vật liệu lấy máu như túi lấy máu, chế phẩm phân tích, xét nghiệm máu… được Sở Y tế Đà Nẵng mua sắm đầy đủ thông qua các gói thầu trước đây. "Nếu đủ sinh phẩm, vật tư lấy, đựng máu… thì không xảy ra tình trạng thiếu máu cứu người bệnh. Việc mua sắm tập trung từ Sở Y tế TP.Đà Nẵng được thực hiện thông qua gói thầu cung ứng cách đây 1 năm nên không xảy ra thiếu hụt vật tư, sinh phẩm cho việc lấy máu. Hiện nay các gói thầu theo quy định mới đã hình thành và sẽ "gối đầu" lên gói thầu cũ nên không có tình trạng thiếu hụt. Việc đấu thầu tập trung hàng hóa cho công tác lấy máu được Sở Y tế thực hiện tốt nên có thể đảm bảo cho công tác lấy máu trong thời gian tới", BS Nhân nói.

Tại một số tỉnh như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, nhờ có lực lượng tình nguyện viên hiến máu đông đảo nên không xảy ra tình trạng thiếu máu, kể cả máu hiếm (Thanh niên, trang 2).

 

Vào vùng nóng...

Những đôi mắt đờ đẫn, ánh nhìn vô định, làn da tái mét và cả những chấm xuất huyết đỏ lừ trên cơ thể người bệnh như minh chứng cho sức tàn phá khốc liệt của căn bệnh chưa có vắc xin dự phòng này.

Không còn chu kì 3-5 năm một lần bùng dịch, sốt xuất huyết (SXH) đang đi trái với quy luật của nó. Hai năm liên tiếp loại virus bé nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy liên tiếp gây “bão”. Và nạn nhân của nó đang nằm kín giường của những bệnh viện lớn nhất thuộc chuyên ngành truyền nhiễm.

Tôi theo chân PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung Tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đến từng buồng bệnh. Cả trung tâm có 95 giường nhưng có đến 135 bệnh nhân nặng thuộc nhiều loại bệnh nằm điều trị. Trong số đó 45 ca SXH. Mặc dù công việc chuyên môn bận rộn từ việc giao ban chuyên môn, thăm khám tư vấn bệnh nhân, hội chẩn, giảng dạy cho sinh viên, họp hành giải quyết các công việc hành chính,... PGS Cường vẫn chú trọng dành thời gian hằng ngày để đi buồng, nắm chắc bệnh tình tất cả các bệnh nhân nặng để chỉ đạo xử lý kịp thời.
Chỉ riêng hôm qua có tới 16 bệnh nhân SXH nặng nhập viện. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển như con thoi để tiếp đón, sắp xếp giường bệnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ vừa truyền dịch cho bệnh nhân vừa động viên: “Bác cố gắng ăn cháo cho lại sức còn về với bác gái chứ, nằm đây mãi bác gái nhớ thì sao”. Nụ cười dịu dàng của nữ điều dưỡng cùng câu đùa khiến không khí phòng bệnh đỡ trầm lắng. Vừa lúc đó một bệnh nhân mới nhập viện, bác sĩ Nguyễn Hữu Bảng bước vào trao đổi vài câu với Huệ. Lập tức cô gái trẻ nhanh nhẹn mang thêm chăn gối đặt vào giường đang có một bệnh nhân nằm: “Bác thông cảm nhé, Trung tâm ít giường mà bệnh nhân SXH đông quá phải nằm ghép. Hai bác chịu khó nằm chung một giường, có giường trống chúng cháu sẽ thu xếp ngay”.

Vậy nhưng, để có mỗi người bệnh một giường ở thời điểm này quả thực rất khó khi dịch SXH đang bước vào cao trào bùng phát, mỗi ngày số bệnh nhân nhập viện lên đến hàng chục ca và chỉ có tăng chứ không thể giảm. Tôi nhìn những đôi chân đỏ rực như tôm luộc thõng xuống dưới đất, trên da chỗ tiêm truyền chảy máu bầm tím từng mảng, gương mặt mỏi mệt, ngước đôi mắt nhìn từng giọt truyền qua ống dẫn chảy vào cơ thể cảm thấy sự bất lực của những người bệnh trước sức tấn công dữ dội của kẻ thù vô hình.

Giữa tâm bão

11 giờ trưa, PGS.TS Đỗ Duy Cường có cuộc giao ban với toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên thực tập. Tôi ngồi cuối phòng họp nhưng cảm nhận được sức nóng từ những trao đổi của các chiến binh áo trắng. “Cần lưu ý tình trạng bệnh nhân bị cô đặc máu thường xảy ra ngày thứ 4-5 rất dễ bị bỏ qua vì thế sẽ dẫn đến sốc rất nhanh. Đừng để xảy ra sốc vì khi đã sốc rồi thì rất khó điều trị và tử vong là điều rất khó chấp nhận!” - PGS Cường liên tục dặn dò hậu bối là các bác sĩ, học viên, sinh viên. Từng ca bệnh nặng được các bác sĩ đưa ra phân tích, mổ xẻ để có hướng điều trị tốt nhất. Cuộc giao ban chuyên môn căng như dây đàn, bất chợt tôi có cảm giác mình như bị cuốn vào cơn bão SXH, nổi da gà vì những ca bệnh quá nặng được bác sĩ trình bày chi tiết. “Phải làm vậy thì các sinh viên và bác sĩ trẻ mới có thêm kiến thức lâm sàng, mới thêm kinh nghiệm điều trị và thêm những bệnh nhân nặng được cứu sống” - dường như cảm nhận được suy nghĩ của tôi, PGS.TS Đỗ Duy Cường khẽ nói khi chúng tôi cùng bước về phía bệnh phòng sau cuộc giao ban nóng…

Trong hàng trăm ca nhập viện vì SXH từ tháng 8 đến nay có nhiều thai phụ, vì thế nỗi lo càng chất chồng trên gương mặt người thân đi chăm bệnh nhân. H.T.M, đang mang thai ở tuần thứ 30 bị những cơn sốt cao hành hạ. Người chồng lo lắng khôn nguôi. Cảm nhận được tâm trạng của đôi vợ chồng trẻ, bác sĩ Bằng vừa khám cho M vừa trấn an cả hai: “Đừng lo quá, bệnh của vợ em vẫn trong tầm kiểm soát của chúng tôi”. Thoắt cái, anh tới bên giường cạnh đó nói: “Sức khỏe của bác ổn rồi, chiều nay có thể ra viện nhé. Về nhà bồi bổ thêm vì sau khi mắc SXH sẽ mệt đấy. Bác nhớ khám lại theo lịch hẹn”. Câu nói của bác sĩ Bằng bất chợt khiến phòng bệnh rộn ràng. Dù còn mệt, người phụ nữ nằm góc phòng vẫn cất giọng xen lẫn niềm vui: “Thế là thêm một người khỏe lại, rồi lần lượt sẽ đến chúng tôi phải không bác sĩ?”. Câu hỏi mà như trả lời của bà khiến mọi người cùng cười vui, xóa tan bầu không khí u ám, nặng nề trước đó…

Cả Trung tâm có 25 bác sĩ, 70 điều dưỡng với 135 giường bệnh lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Những “thiên thần áo trắng” làm việc không biết mệt mỏi, xuyên trưa, miếng cơm nuốt vội không thấy ngon, khát cũng không kịp uống nước vì bệnh nhân vào liên tục, lại khám, sắp xếp giường bệnh, giải thích cho người nhà bệnh nhân, thực hiện y lệnh điều trị: lấy máu xét nghiệm, truyền dịch, uống thuốc, ghi chép theo dõi hồ sơ bệnh án... Khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện răm rắp từng công đoạn tỉ mỉ, chính xác với tất cả trách nhiệm, sự tận tụy của các y bác sĩ nơi đây. Công việc cuốn mọi người quên thời gian, thay đổi cả nhịp sinh học nhưng hỏi có muốn đổi việc khác nhẹ nhàng hơn không thì tôi chỉ nhận được nụ cười và những cái lắc đầu. “Gắn bó với công việc, coi bệnh nhân như người thân giúp bọn em bớt mệt mỏi”, điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.

Những chiến binh nhí

Ở tầng 2, Khoa Nội tổng quát (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương) cậu bé Tr.K.Tr (6 tuổi) nằm im lìm, phải hỗ trợ thở ô xy. Mới một ngày trước đó, sức khỏe của bé đã có dấu hiệu tốt lên nhưng đột nhiên hôm nay lại xấu đi. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em bước vội vào phòng bệnh. Anh lập tức yêu cầu điều dưỡng dựng cao đầu giường của bệnh nhi. “Trường hợp này diễn biến đột ngột nặng lên là bất thường. Trẻ khó thở là biểu hiện của tràn dịch màng phổi vì vậy phải cho trẻ ngồi dậy để dịch lắng xuống đáy phổi giúp dễ thở hơn”, bác sĩ Hải phân tích cặn kẽ cho một nữ bác sĩ nội trú còn trẻ.

Bước nhanh về một phòng bệnh khác, anh cho tôi gặp cậu bé mới 14 tuổi nhưng nặng 86kg bị SXH. Bệnh nhi bị cô đặc máu nặng, tình trạng tiền sốc rất đột ngột ở ngày thứ 6 của chu kì bệnh. “Người ấm lại rồi đây, con làm bố mẹ sợ quá đấy”, bác sĩ Hải nắm lấy bàn tay cậu bé nói. Mới chỉ tối hôm trước, toàn thân cậu bé lạnh toát, cơ thể vã mồ hôi và bắt đầu khó thở. Rất may bệnh nhi được điều dưỡng phát hiện kịp thời để cấp cứu.

Trong các buồng bệnh, những điều dưỡng liên tục di chuyển để theo dõi chỉ số sinh tồn của trẻ. Khác với mọi năm, mùa dịch này điều đặc biệt bác sĩ Hải nhận thấy là tình trạng trẻ trở nặng từ ngày thứ 3 thay vì thứ 5 như thông thường. Đáng chú ý, tình trạng nặng kéo dài đến ngày thứ 8 hoặc 9 chứ không phải giảm từ ngày thứ 7 như xưa nay vốn thế.

Khúc lặng

Áp lực - vất vả - mệt mỏi là trạng thái bủa vây nhân viên y tế khi mùa dịch đến nhưng nó chỉ cho thấy một phần của những nặng nhọc mà họ phải gánh vác. Tôi từng thấy nét đượm buồn trên gương mặt các bác sĩ, nhân viên y tế khi một bệnh nhân quá nặng phải từ giã cuộc sống. Phút chạnh lòng, bất lực khi không cứu được người bệnh ám ảnh họ. Nhưng vượt lên tất cả, bằng sức mạnh nội sinh, những người khoác áo blouse lại kiên cường chiến đấu dẫu virus vô hình đang khiến lòng người lo lắng, bệnh viện quá tải, bệnh nhân chịu cơn đau thấu xương tủy. Vẫn họ, lặng thầm tận hiến để tiếp tục công việc níu giữ cho đời những phận người trong cơn bạo bệnh. Và tôi hằng tin sự hi sinh cuộc sống riêng tư của họ sẽ được đáp lại bằng nụ cười hạnh phúc và ánh mắt ngập niềm vui của người bệnh trong ngày chào tạm biệt các bác sĩ để trở về sum họp gia đình... Lấp lánh trong mắt cười của người vừa bước qua lằn ranh sinh tử có cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người đã giữ thêm một cuộc đời ở lại với trần gian. Cảm ơn họ- những “lá chắn” cuối cùng vừa mạnh mẽ, vừa bền bỉ và chất chứa yêu thương trước sự hung dữ của cơn giông bão tàn khốc (Tiền phong, trang 15).

Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch, nhiều người phải cấp cứu

Cả nước đã ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết từ đầu năm 2023 đến nay, 23 ca tử vong. Trong những ngày qua, sốt xuất huyết tiếp tục tăng rất cao tại Hà Nội, hơn 2.100 ca mắc/tuần, nhiều người nhập viện do sốc sốt xuất huyết, nguy hiểm tới tính mạng. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, diễn biến khó lường, nên người dân không được chủ quan.

Nếu như cách đây 10 ngày, tại cả 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ có hơn 70 ca sốt xuất huyết điều trị, thì hiện nay đã tăng gấp đôi – 157 ca, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo (sốt xuất huyết chuyển nặng).Tại Khoa Cấp cứu cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh)mỗi ngày khám trên dưới 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyếtDengue nặng.

Một trong những ca nguy kịch đang điều trị phải kể đến nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Sau chiếu chụp, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, kèm theo tình trạng cô đặc máu, giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao, hơn 8.000 đơn vị (thông thường từ 20-40 đơn vị).

Theo gia đình bệnh nhân cho biết, khi phát hiện mắc sốt xuất huyết, chị này đã truyền dịch trong 3 ngày đầu, nhưng cơ thể yếu dần nên được đưa tới bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.

Cũng ở Hoài Đức, sau khi sốt cao 5 ngày, ông N. T. T  (76 tuổi) mới vào nhập viện trong tình trạng đại tiện phân đen nhiều, da nhợt nhạt do mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm còn 2 triệu/mm3. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng, kèm thêmbệnh nền tăng huyết áp, viêm gan B. Các bác sĩ tức tốc truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày. Sau 6 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện.

ThS.BS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Khoa Virus – Ký sinh trùng cho biết, thời gian qua có nhiều ca sốt cao, nặng mới tới viện. Có bệnh nhân ở ngay Đan Phượng (Hà Nội) sốt đến ngày thứ 3 không đi được nữa mới tới bệnh viện. Khi vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh này đã ở tình trạng tràn dịch đa màng, cô đặc máu, tiểu cầu giảm thấp. Hay bệnh nhân 45 tuổi ở Hà Nam chuyển lên trong tình trạng đi tiểu ra máu, tiểu cầu giảm sâu…

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng bệnh nhân khi sốt cao, tự điều trị tại nhà, ra phòng khám tư nhân, hoặc thuê nhân viên y tế đến nhà truyền dịch. “Sau khi sốt cao, đau đầu dữ dội, em gọi bác sĩ tư đến nhà truyền dịch nhưng không đỡ. Sau đó em được các bạn đưa đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm mới biết mình bị sốt xuất huyết”, một nữ bệnh nhân ở Cầu Giấy (Hà Nội) điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hệ lụy của truyền dịch không đúng không giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn. Nếu người bệnh sốt cao trong những ngày đầu, kèm theo rối loạn nước, điện giải… nếu không truyền đúng các loại dịch đó sẽ làm cho rối loạn điện giải càng nặng hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bệnh nhân đến khám và nhập viện vì sốt xuất huyết đều tăng mạnh. Tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) những ngày này luôn kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, phải chuyển bớt bệnh nhân sang khoa khác. Nhiều ca được đưa vào đây trong tình trạng rất nặng. Điển hình là nam thanh niên 30 tuổi (Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai sang vào ngày 12/9. Trước đó, ngày 6/9 nam thanh niên xuất hiện sốt cao, rét run, đau đầu, đau mỏi người, tự mua thuốc giảm sốt về uống nhưng không đỡ. Ngày 9/9, nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengune có dấu hiệu cảnh báo, rối loạn điện giải, được truyền dịch, bù điện giải nhưng bệnh đỡ ít và còn mệt nhiều.

Ngày 10/9, anh này được chuyển đến Trung tâm Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở tăng dần, chảy máu mũi, đi ngoài phân đen và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengune nặng, xuất huyết tiêu hoá. Bệnh nhân ngay lập tức chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực và được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hoá, suy đa tạng được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau 1 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, toan chuyển hoá nặng, sốc tụt huyết áp, bác sĩ giải thích tình trạng cho gia đình. Theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân về Khoa Điều trị tích cực và Chống độc - Bệnh viện 19-8 điều trị trị tiếp.

Ngay khi mới vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, bệnh nhân đã bị ngừng tim, sau khi được cấp cứu ngừng tim, ngay lập tức bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, song do quá nặng, bệnh nhân tử vong ngay trong đêm 12/9 do sốc sốt huyết nặng, xuất huyết đa cơ quan, suy đa tạng (Công an nhân dân, trang 7).

Tổng hợp Tuấn Dũng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.446
Tháng 07 : 19.643
Năm 2024 : 1.158.950
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.464