• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 25/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Xuất hiện ca đậu mùa khỉ chưa xác định được nguồn lây, cần biết 6 khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế; TPHCM phát triển y tế chuyên sâu theo 3 cụm; 12 trẻ mầm non ở Hà Tĩnh nhập viện nghi do ngộ độc; Về hưu và về tuyến y tế cơ sở; Tại sao bệnh nhân da liễu thường mắc thêm triệu chứng tâm thần? Liên tiếp trẻ nguy kịch vì ong đốt

Xuất hiện ca đậu mùa khỉ chưa xác định được nguồn lây, cần biết 6 khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế

Đồng Nai vừa xác nhận ghi nhận ca bệnh dương tính với đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn. Trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh. Ở nước ta theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) này, theo báo cáo điều tra dịch tễ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai đó là bệnh nhân nam, 25 tuổi, thường trú tại xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc.

Theo báo cáo điều tra dịch tễ, bệnh nhân đi làm ở TP.HCM từ chiều 2/9. Ngày 17/9, bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư (chưa rõ địa chỉ) nhưng tình trạng không giảm.

Ngày 22/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM, ghi nhận hết sốt, còn ngứa, thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục. Nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP HCM và cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ.

CDC Đồng Nai đã hướng dẫn các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng khác thường phải báo ngay cho y tế hoặc chính quyền địa phương. CDC Đồng Nai cũng phối hợp với HCDC TP HCM tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của trường hợp bệnh với các đồng nghiệp, người thân xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 17/9 đến nay.

Trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái ở Bình Dương và người này cũng có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Vì vậy, CDC tỉnh Đồng Nai đã chuyển thông tin trường hợp bạn gái bệnh nhân (N.T.L) cho CDC tỉnh Bình Dương để tiến hành xác minh, điều tra, xử lý.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, tại Quyết định số 3044/QĐ-BYT của Bộ Y tế đã bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…  

Đậu mùa khỉ không phải là bệnh mới, ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. 

Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi. 

Thời gian ủ bệnh thường 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa. 

Các triệu chứng thường thấy như là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Tại Việt Nam thời gian qua cũng đã ghi nhận 1 số ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên các ngành chức năng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).

TPHCM phát triển y tế chuyên sâu theo 3 cụm

Ngày 24-9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết vừa có đề xuất gửi UBND TPHCM chấp thuận phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố theo 3 cụm (Cụm y tế trung tâm, Cụm y tế Tân Kiên và Cụm y tế Thủ Đức) khi xây dựng đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Cụm y tế trung tâm gồm các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố, hệ thống bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, Ngân hàng máu. Trường Đại học Y Dược TPHCM chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại cụm trung tâm. Trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, cụm trung tâm vẫn giữ vai trò chủ lực trong đảm trách phát triển y tế chuyên sâu vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố và khu vực phía Nam; đồng thời chịu trách nhiệm hỗ trợ, phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành trong khu vực phía Nam và chia sẻ nguồn lực để phát triển 2 cụm y tế còn lại của thành phố.

Cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) gồm Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Truyền máu - Huyết học và Trung tâm Pháp y đang hoạt động, sắp tới thêm các bệnh viện: Sản phụ khoa, Chấn thương chỉnh hình, Mắt, Bệnh viện đa khoa trực thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm, Ngân hàng máu, Trung tâm Tầm soát bệnh bằng công nghệ cao...

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chịu trách nhiệm chính về đào tạo nhân lực chất lượng cao tại cụm. Cụm y tế Thủ Đức (TP Thủ Đức) gồm các bệnh viện: Ung bướu cơ sở 2, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt, Quân dân y Miền Đông và Bệnh viện TP Thủ Đức.

Hiện nay đã được bổ sung quy hoạch phát triển thêm một số bệnh viện chuyên khoa như sản, mắt, ngoại, tâm thần… và Trung tâm Tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Cụm này còn có Khoa Y của Đại học Quốc gia TPHCM - sẽ được phát triển trở thành Trường Đại học Sức khỏe và định hướng sẽ có một bệnh viện đa khoa hoạt động theo mô hình viện - trường (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

12 trẻ mầm non ở Hà Tĩnh nhập viện nghi do ngộ độc

Ngày 24/9, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Trường Mầm non Ban Mai (TP Hà Tĩnh) xác nhận, hơn 10 học sinh của trường có dấu hiệu đau bụng, nôn ói nghi do ngộ độc phải nhập viện điều trị trong đêm 23/9.

“Trong đêm qua, nhiều em có dấu hiệu nghi ngộ độc nên phụ huynh đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Đến sáng nay qua nắm bắt sức khoẻ các em đã ổn định”, đại diện trường Mầm non Ban Mai cho hay.

Cũng theo trường Mầm non Ban Mai, cơ sở có 75 học sinh ăn bán trú tại trường. Sáng nay, Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh đã về trường kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc.

Theo thông tin ban đầu, tối 23/9, 12 em nhỏ tại thành phố Hà Tĩnh có các biểu hiện như nôn ói, mệt mỏi, đau bụng... Do triệu chứng kéo dài nên các phụ huynh đã đưa con em đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và bệnh viện thành phố Hà Tĩnh để điều trị.

Phía bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho 6 em độ tuổi từ 20-41 tháng tuổi với chẩn đoán đau bụng, buồn nôn .. nghi do ngộ độc thực phẩm.

Sau khi tiếp nhận, các bệnh nhi đã được bù dịch, điện giải và xét nghiệm kiểm tra. Hiện tại các triệu chứng của các bệnh nhi đã đỡ. Có 2 bệnh nhi ổn định sức khỏe, xuất viện, còn các bệnh nhân khác đang được theo dõi.

Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh cũng cho biết, trong đêm 23/9, đã tiếp nhận 6 em nhỏ có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn nghi do ngộ độc. Hiện sức khoẻ các bệnh nhi đã tạm thời ổn định và chờ xuất viện.

Hiện Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh đang làm việc với các bên liên quan để xác minh, điều tra làm rõ (Tiền phong, trang 14).

 

Về hưu và về tuyến y tế cơ sở

Những tưởng sẽ "gác kiếm" sau khi đến tuổi nghỉ hưu, thế nhưng nhiều y bác sĩ lại tiếp tục đảm nhận vai trò chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến y tế cơ sở. Đối với họ, đây cũng là niềm vui tuổi già khi được cống hiến hết mình cho người dân.

Các bác sĩ "phủ sóng" khắp các quận huyện ra sao?

"Còn sức thì còn làm"

Đúng 7h sáng, bác sĩ CKI Nguyễn Văn Khang (65 tuổi) đã có mặt tại trạm y tế phường 6, quận Gò Vấp (TP.HCM) sắp xếp lại bàn làm việc, khoác chiếc áo blouse trắng bắt đầu công việc thăm khám bệnh cho bà con.

Sau hàng chục năm làm việc tại Bệnh viện quận Gò Vấp với vị trí phó khoa nội tổng hợp và phó khoa chẩn đoán hình ảnh, năm 2018 bác sĩ Khang chính thức được nghỉ hưu. Ông tiếp tục được mời ở lại bệnh viện làm việc thêm ba năm.

Khi dịch COVID-19 ập đến, bản thân ông vốn mắc một số bệnh nền, sau khi hỗ trợ công tác chống dịch, ông quyết định nghỉ việc tại bệnh viện để giữ sức khỏe.

"Đầu năm 2023, khi đang nghỉ hưu tôi nhận được lời mời từ trung tâm y tế, lãnh đạo địa phương về thăm khám cho bà con vì sau dịch y bác sĩ trạm y tế thiếu nhiều. Bỏ mặc lời mời của nhiều đơn vị tư nhân với mức lương cao gấp nhiều lần, thấy sức khỏe mình còn tốt, còn khả năng cống hiến cho nhân dân nên tôi đã quyết định hợp đồng về trạm y tế thăm khám cho bà con", bác sĩ Khang nhớ lại.

Gần một năm qua, dựa vào kinh nghiệm khám bệnh hàng chục năm của mình, từ bệnh nặng đến bệnh nhẹ hay cấp cứu, bác sĩ Khang đều khám, tư vấn, giải đáp những thắc mắc về bệnh tình cho bà con kỹ càng.

Nhiều bệnh nhân trong địa bàn phường đã từng được ông thăm khám tại bệnh viện tỏ ra vui mừng khôn xiết, an tâm vì không còn phải vất vả chờ đợi cả ngày đến bệnh viện thăm khám như trước kia mà chỉ cần đến trạm y tế.

Lượng bệnh nhân không quá đông, bác sĩ Khang dành nhiều thời gian để tư vấn kỹ về bệnh tình, giải đáp cho người bệnh những thắc mắc chủ yếu là những bệnh như bệnh mạn tính không lây, viêm họng, tiêu chảy, tăng đường huyết…

"Đối với tôi, mỗi ngày đi làm được gặp gỡ đồng nghiệp và người bệnh coi như là niềm vui tuổi già. Tôi sẽ làm cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa thì thôi", bác sĩ Khang tâm sự.

Bà con khi đến khám tại trạm y tế cũng không còn xa lạ gì với hình ảnh y sĩ Vũ Tiến Dũng (64 tuổi) tận tình thăm khám, điều trị cho người dân tại khoa y học cổ truyền trạm y tế. Sau nhiều năm công tác tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Bệnh viện quận Gò Vấp… năm 2019 y sĩ Dũng đã chính thức nghỉ hưu.

"Tháng 2-2023 tôi được trung tâm y tế quận mời về làm vì lúc đó đông y vẫn còn thiếu y bác sĩ. Thấy bản thân mình còn chút sức khỏe, từng đi bộ đội và được Nhà nước đào tạo tại các trường quân y… bây giờ tôi sẽ tiếp tục cống hiến, còn sức thì còn làm. Chỉ cần người bệnh khỏe là tôi vui", y sĩ Dũng nói.

Các bác sĩ nghỉ hưu "phủ sóng" nhiều quận, huyện

Tháng 4-2022 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết 01 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn. Trong đó, có chính sách thu hút người lao động cao tuổi có chuyên môn tham gia công tác tại trạm y tế.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM mới đây, đến nay đã có 153 người gồm 119 bác sĩ, 34 chuyên môn y tế khác ký kết hợp đồng làm tại các trung tâm y tế, đạt tỉ lệ 35,6% so với nhu cầu (430 người), với kinh phí chi trả là hơn 13 tỉ đồng.

Trong đó, các trung tâm tuyển được số lượng người cao tuổi có chuyên môn y tế cao là Gò Vấp (15 người), Bình Chánh (14 người), Phú Nhuận (13 người)…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Đình Nhẫn - giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân - cho biết sau đại dịch COVID-19, nhân sự một số trạm y tế địa bàn quận có nhiều biến động, thiếu nhiều y bác sĩ.

Khi có nghị quyết 01, đơn vị đã mời gọi, động viên các bác sĩ đã nghỉ hưu từng làm việc tại bệnh viện hoặc tuyến y tế cơ sở tiếp tục hợp đồng để thăm khám cho bệnh nhân. Sau thời gian mời gọi, đã có 3 bác sĩ nghỉ hưu đồng ý tiếp tục cống hiến tại các trạm y tế.

"Nhiều bác sĩ nghỉ hưu còn xung phong tiếp tục ở lại trạm y tế, hiện trung tâm y tế đang xin thêm các bác sĩ về trạm. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm, có thể trực tiếp truyền đạt chuyên môn cho nhân sự trẻ, giúp trạm y tế không còn thiếu bác sĩ", bác sĩ Nhẫn chia sẻ.

Là quận tuyển dụng được nhiều y bác sĩ nghỉ hưu nhất (15 bác sĩ), bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho biết địa phương luôn có chính sách động viên, quan tâm đến đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu.

Đây là lực lượng cốt lõi nếu tiếp tục làm việc tại trạm y tế, giúp các trạm y tế không bao giờ thiếu bác sĩ. Đồng thời, nhân viên trạm y tế dễ dàng chia sẻ công việc với nhau, thậm chí nhiều bác sĩ hy sinh không làm phòng mạch đứng tên giấy phép hoạt động cho trạm y tế.

"Bổ sung lực lượng y bác sĩ về hưu giúp giảm bớt gánh nặng cho y tế cơ sở. Với những bác sĩ này họ có chế độ lương hưu, gia đình ổn định, chỉ mong cống hiến hết mình vì người dân", bác sĩ Hòa cho hay (Tuổi trẻ, trang 14).


Tại sao bệnh nhân da liễu thường mắc thêm triệu chứng tâm thần?

Tỉ lệ mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng ở các bệnh nhân khám da liễu. Họ có thể mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh (nghĩ bị ung thư da, ung thư dạ dày…), được bác sĩ hướng dẫn sang Bệnh viện Tâm thần điều trị. Thông tin được bác sĩ CKII Nguyễn Trúc Quỳnh - khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM - nêu trong báo cáo “Kinh nghiệm nhận diện hoang tưởng nghi bệnh dưới góc nhìn bác sĩ da liễu” tại Hội nghị khoa học da liễu miền Nam năm 2023 chiều 24-9. Với hai trường hợp điển hình mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, sau khi lắng nghe chia sẻ cùng với thăm khám, các bác sĩ đều tư vấn, hướng dẫn đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam 42 tuổi (ngụ Bình Thuận). Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân được chẩn đoán nấm móng và đã điều trị nhiều đợt tại Bệnh viện Da liễu, với kết quả vi nấm soi tươi gần nhất âm tính.

Sau đó, bệnh nhân lại đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM với tâm trạng lo lắng, cho rằng chính nấm móng đã len lỏi vào cơ thể nên gây đau dạ dày và “có lẽ mình bị ung thư dạ dày”, rồi nằng nặc đòi bác sĩ chuyển tuyến sang Bệnh viện Ung bướu để điều trị dạ dày.

Trước đó, bệnh nhân từng được nhập viện hai lần tại Bệnh viện tỉnh Bình Thuận với chẩn đoán trào ngược dạ dày, nội soi dạ dày cho thấy âm tính với HP, viêm xước hang vị nhẹ.

Sau khi lắng nghe lời kể của bệnh nhân và đánh giá vết thương da, bác sĩ cho rằng bệnh nhân có thể mắc hoang tưởng nghi bệnh và giải thích kỹ tình trạng bệnh. Sau đó họ đồng ý khám chuyên khoa tâm thần để tiếp tục điều trị.

Tương tự, một bệnh nhân nữ 56 tuổi được người nhà đưa đến khám, cầu cứu bác sĩ vì nghĩ mình đã mắc bệnh ung thư da.

Khoảng một tháng trước, bệnh nhân nổi đỏ ở mặt nên nghĩ mắc bệnh ung thư và đi thầy bùa phán giải, nhưng sang thương ngày càng lan rộng. Bà tiếp tục đi khám nhiều bệnh viện tư, làm nhiều xét nghiệm và đều có kết quả khẳng định nhiễm trùng da. Tuy nhiên, bà vẫn không tin tưởng, cuối cùng nhập Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Sau thăm khám và đánh giá dựa trên các kết quả sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán loét do nhiễm trùng. Khi bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, bệnh nhân vẫn chưa chấp nhận, cho rằng mình bị ung thư da nên yêu cầu bác sĩ dùng các phương pháp khác.

Nhận thấy cả hai bệnh nhân trên đều có thể mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, các bác sĩ đã tư vấn, hỗ trợ chăm sóc da cho bệnh nhân và tiếp tục hướng dẫn đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.

Bác sĩ Quỳnh cho biết thêm hoang tưởng nghi bệnh là tình trạng người bệnh tin rằng mình đang bị một căn bệnh mặc dù các bằng chứng y khoa đều ngược lại. Tình trạng này hay gặp ở người cao tuổi, phản ánh lứa tuổi này quan tâm nhiều về sức khỏe.

Hoang tưởng nghi bệnh thường liên quan đến bệnh ung thư hoặc bệnh da liễu, hoặc hình dạng của các phần cơ thể, đặc biệt là mũi. Những bệnh nhân có các hoang tưởng thuộc loại sau cùng, đôi khi đòi được phẫu thuật tạo hình. Hoang tưởng nghi bệnh gặp trong các rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt.

"Tỉ lệ mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng ở các bệnh nhân khám da liễu, do đó các bác sĩ cần lưu tâm vấn đề này", bác sĩ Quỳnh kết luận (Tuổi trẻ, trang 14).

Liên tiếp trẻ nguy kịch vì ong đốt

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 3 trường hợp trẻ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vì ong đốt, trong đó, một bé trai 10 tuổi cần hỗ trợ ECMO (tim phổi nhân tạo) và lọc máu do suy đa tạng.

Cụ thể, bé trai B.L. (10 tuổi, Hải Dương) bị ong vò vẽ đốt trên đường đi học, với hơn 100 nốt đốt rải rác khắp cơ thể. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến cơ sở y tế và xử trí truyền dịch, dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục điều trị.

Trẻ vào Khoa Điều trị tích cực nội khoa trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ chức năng cơ quan cho bệnh nhi với các biện pháp như: Thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất. Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, cần duy trì thêm nhiều thuốc trợ tim, vận mạch. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ các chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi. Mặc dù đã được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.

Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận 2 trường hợp trẻ bị ong đốt nguy kịch. Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện cho biết, ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sinh sống tại các vùng nông thôn, miền núi. Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều, có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn khuyến cáo, để tránh hậu quả nghiêm trọng, khi trẻ bị ong đốt, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử trí, nhanh chóng di chuyển trẻ tới khu vực an toàn, tránh bị đốt nhiều hơn. Sau đó có thể thử lấy nhíp gắp vòi chích ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương. Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn. Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút. Trường hợp trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo phù nề lan nhanh hoặc có sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt, cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.

Người dân không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà. Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm để phòng ngừa ong đến làm tổ. Khi đi vào rừng, vào vườn, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ hoặc các loại sữa dưỡng thể có mùi ngọt, do có thể gây thu hút các loài ong. Nên cho trẻ đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi đi ra vườn hoặc khi ở trong rừng để tránh côn trùng đốt. (Báo Đại đoàn kết).

Thanh loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.213
Tháng 05 : 125.041
Năm 2024 : 844.340
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.642.854