• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 20/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Hơn 80.700 ca mắc, 21 ca tử vong do tay chân miệng, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần biết; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa; Rối loạn tâm lý vì áp lực học tập kéo dài; Vụ 9 trẻ mầm non nhập viện: Chưa xác định nguyên nhân cụ thể.

Hơn 80.700 ca mắc, 21 ca tử vong do tay chân miệng, dấu hiệu bệnh chuyển nặng cần biết

Đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 80.700 ca mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, cả số mắc và tử vong đều tăng. Hiện đang là thời gian bắt đầu năm học mới có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân...

Nhiều nguy cơ lây lan tay chân miệng nếu không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân

Trong tuần 36/2023 cả nước ghi nhận 4.324 trường hợp mắc tay chân miệng, 01 tử vong tại Đắk Lắk. So với tuần trước (3.621/0) số mắc tăng 19,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 80.747 trường hợp mắc; 21 tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (47.896/3) số mắc tăng 68,6%, tử vong tăng 18 trường hợp.

Thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch tay chân miệng, đặc biệt vào đầu năm học mới khi trẻ quay lại trường học.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, trước tình hình đánh giá, dự báo về dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và đã gửi cho tất cả các địa phương trên toàn quốc để từ đó các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn (bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành đến các vấn đề chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác).

Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71.

Các chuyên gia cũng cho hay, bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, trong công tác phòng chống dịch ngoài vai trò của ngành y tế cũng cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, và đặc biệt mỗi gia đình, mỗi người dân cùng tham gia.

Đơn cử như với sốt xuất huyết, mỗi tuần mỗi gia đình dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy… để bệnh sốt huyết không có cơ hội bùng phát.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với bệnh tay chân miệng, cần quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng cần biết

Theo ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Tuy nhiên, năm nay Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,….

Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.

Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước.

Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.

Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Các chuyên gia cho hay bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Các bác sĩ khuyến cáo do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm. (Theo Báo SK&ĐS).

 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa

Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa, tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), tỷ lệ phát hiện người dân mắc polyp khá cao, lên tới 21%.

Ngày 20/9, Bệnh viện 19/8 tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa”.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, hội thảo nhằm cập nhật tiến bộ y học trong ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hoá, đồng thời chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật của 2 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước là Tiến sĩ Misawa Masashi , Bệnh viện Showa, Đại học Yokohama, Nhật Bản và Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi, Bệnh viện K đến với các cán bộ y tế công an nhân dân.

“Ứng dụng phần mềm AI trong nội soi đường tiêu hoá giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt. Phần mềm trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào nội soi tiêu hoá, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại trực tràng. Cụ thể, khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%”, Đại tá Hoàng Thanh Tuyền cho biết.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, trong lĩnh vực tiêu hóa, tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như con mắt thứ 3 hỗ trợ bác sĩ, tránh bỏ sót tổn thương. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sĩ phân loại được tổn thương cho người bệnh.

Đặc biệt, hiện tại bác sĩ tiêu hóa tại Việt Nam phải chịu đựng áp lực guồng làm việc rất lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ có bỏ sót tổn thương không.

"AI giúp chúng tôi tăng tỷ lệ bỏ sót polyp đại trực tràng. Trong xu thế phát triển, AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương", bác sĩ Dũng cho hay.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ về kinh nghiệm phát hiện polyp đại tràng tại bệnh viện cho biết, tỷ lệ phát hiện polyp tại Khoa Nội tiêu hóa khá cao, chiếm 21%.

Tại Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, trung bình mỗi ngày khoa thực hiện 80-120 ca nội soi tiêu hóa. Khoảng 60 bệnh nhân nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Mỗi tháng, bệnh viện thực hiện 200 ca phải cắt polyp đại trực tràng.

Theo bác sĩ Dũng, trong quá trình nội soi, với tổn thương dưới 20ml không ác tính xâm nhập, các bác sĩ sẽ xử lý cắt polyp tại lúc nội soi. Đối với tổn thương có kích thước lớn hơn sẽ cân nhắc có cắt bỏ hơn vì các bác sĩ sẽ phải nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn hay không để đưa ra quyết định xử lý tổn thương.

"Cách đây một tuần chúng tôi thực hiện ca cắt polyp lớn cho bệnh nhân nam 60 tuổi, có đau bụng, đi đại tiện ra máu. Trong lúc nội soi, AI đọc ra tổn thương của người bệnh là u ống tuyến và loạn sản cao, cần phải cắt bỏ. Tổn thương được cắt bỏ có kích thước 20ml. Kết quả giải phẫu bệnh phù hợp với chẩn đoán của bác sĩ nội soi và AI là có dấu hiệu tiền ung thư. Sự hỗ trợ của AI rất tuyệt vời không bỏ sót tổn thương cho người bệnh", bác sĩ Dũng nói.

Năm 2022, Bệnh viện 19-8 đã triển khai AI trong chẩn đoán, nội soi tiêu hóa 3 tháng. Năm nay, với sự hỗ trợ của các hãng, bệnh viện tiếp tục đưa công nghệ này vào phục vụ người dân.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, trước đây, polyp đại trực tràng được khuyến cáo cần lưu ý ở người cao tuổi, trên 50. Nhưng hiện nay, số lượng tổn thương ung hóa phát hiện nhiều hơn ở người trẻ nên tại Mỹ khuyến cáo người dân nội soi kiểm soát từ 45 tuổi trở lên, còn Nhật giảm xuống từ 40 tuổi phải tầm soát.

"Trong tương lai, chúng tôi mong muốn AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương, mang lại hiệu quả về mặt chẩn đoán", bác sĩ Dũng bày tỏ. (Theo Báo Nhân dân).

 

Rối loạn tâm lý vì áp lực học tập kéo dài

Tình trạng áp lực học tập, đặc biệt với các em khi chuyển cấp nếu diễn ra lâu dài sẽ khiến trẻ mất đi niềm vui, sự hào hứng khi học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề về rối loạn tâm lý.

M. (học sinh ở Hà Nội) phải đi khám tâm lý tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương do áp lực học tập. M. vốn là một học sinh giỏi, là niềm hy vọng của gia đình, bạn bè, thầy cô và luôn là tấm gương để các bạn noi theo.

Tuy nhiên, từ khi đỗ vào cấp 3 là trường chuyên của tỉnh, em cảm thấy có quá nhiều sự cạnh tranh vì các bạn đều là học sinh giỏi và mức độ khó của chương trình học ngày càng cao. Sợ mình bị rơi xuống nhóm cuối của lớp, bạn bè và bố mẹ nghĩ mình kém cỏi nên M. càng quyết tâm học suốt ngày đêm. Em thức thâu đêm để học, không còn tư tưởng làm việc gì khác, thậm chí không muốn ăn.

Càng ngày M. càng thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, thiếu ngủ và luôn trong tình trạng ngủ không sâu giấc. M. giấu bố mẹ về những suy nghĩ và những biểu hiện của mình nên bố mẹ cho rằng M. vẫn bình thường. Tuy nhiên, gần đây bố mẹ nhận thấy M. ngày càng gầy, giảm cân không rõ lý do nên lo lắng đưa trẻ đi khám.

Tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rối loạn lo âu do liên quan đến những áp lực về học tập.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, áp lực học tập là vấn đề mà bất kỳ học sinh nào đều phải đối mặt đặc biệt là vào thời điểm chuyển cấp. Áp lực học tập cũng có thể xuất phát do đặt nặng thành tích từ phía nhà trường hoặc gia đình.

Ngoài ra, đôi khi chính do bản thân trẻ tự đặt áp lực vì không muốn bản thân thua kém bạn bè hoặc đặt ra những yêu cầu cao hơn so với khả năng của mình.

Tiến sĩ Vinh khuyến cáo, cha mẹ cần để ý dấu hiệu sau để biết con mình có mắc lo âu, stress hay không. Đầu tiên là các dấu hiệu thay đổi về tâm lý như căng thẳng, lo lắng, giảm hứng thú trong học tập, cô lập bản thân và không muốn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Dần dần, trẻ đánh mất niềm vui trong học tập, sợ đi học và không muốn đến trường.

Trẻ có các biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, học kém tập trung, ăn uống kém. Nếu vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm,… hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân.

Để giúp trẻ giảm căng thẳng, áp lực, Tiến sĩ Vinh khuyến cáo, gia đình và nhà trường không nên đặt nặng thành tích học tập quá mức để tránh các áp lực học tập đối với trẻ. Cần đánh giá đúng năng lực của trẻ để đưa ra chương trình học tập và mục tiêu phù hợp, hợp lý.

Gia đình và thầy cô giáo cần gần gũi và lắng nghe trẻ để biết được mong muốn và nguyện vọng về học tập của trẻ.

Ngoài học tập, luôn bảo đảm cho trẻ được có các hoạt động cân bằng, thư giãn như tham gia vui chơi giải trí, chơi thể thao, các hoạt động dã ngoại,..

Khi trẻ có các triệu chứng như trên, gia đình nên chủ động đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. (Theo Báo Nhân dân).

 

Vụ 9 trẻ mầm non nhập viện: Chưa xác định nguyên nhân cụ thể

Để làm rõ nguyên nhân vụ việc 9 trẻ mầm non phải nhập viện sau bữa ăn tại trường, phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đã về địa phương thực nghiệm lấy mẫu phẩm, đánh giá nguyên nhân.

Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, mới đây (15/9), tại điểm trường B, Trường Mầm non Quảng Thịnh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) xảy ra vụ việc hàng loạt trẻ mầm non nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy... khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Cụ thể, vào ngày 15/9, sau khi đón con tan học từ điểm trường khu B (Trường Mầm non xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà) về nhà, đến khoảng 12 giờ đêm cùng ngày một số bé có biểu hiện sốt, đi ngoài.

Đến sáng 17/9, liên tiếp các cháu khác cũng có biểu hiện tương tự và được gia đình đưa vào viện cấp cứu, điều trị.

Theo phụ huynh, những cháu này cùng học chung một lớp mầm non 3- 4 tuổi tại điểm trường khu B.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, huyện Hải Hà đã chỉ đạo các ngành chức năng: Trung tâm Y tế, phòng Y tế, phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu nước, bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC). Các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh điều tra dịch tễ tại xã Quảng Thịnh ngày 19/9.

Từ kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong 2 tuần gần đây, trên địa bàn xã Quảng Thịnh xuất hiện rải rác 20 trường hợp rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy cấp), đau bụng, sốt; các ca bệnh xuất hiện ở các thôn, các nhóm tuổi khác nhau trước khi có 9 học sinh mầm non nói trên nhập viện. Trong đó có trường hợp một bé 22 tháng tuổi (chưa đi học) ở thôn 3 xã Quảng Thịnh có biểu hiện sốt, tiêu chảy vào viện điều trị ngày 18/9 được đưa vào Trung tâm Y tế huyện.

Cũng theo kết quả kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, Trường Mầm non Quảng Thịnh cơ bản thực hiện đầy đủ các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và con người đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện Hải Hà tiếp tục chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, các ngành chức năng và các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ca bệnh rối loạn tiêu hóa; tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Hiện, sức khỏe các em đã ổn định, 4/9 em được xuất viện, 5 bé đang được tiếp tục điều trị, đã hết sốt, dừng tiêu chảy.

Được biết, việc xét nghiệm, kiểm định các mẫu thực phẩm, nguồn nước... thu thập gửi về CDC Quảng Ninh hiện chưa có kết quả chính thức để khẳng định nguyên nhân nào dẫn đến vụ việc trên. (Theo Báo SK&ĐS).

Tổng hợp Tuấn Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.414
Tháng 07 : 19.611
Năm 2024 : 1.158.918
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.432