• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Y tế từ xa- Hiệu quả vượt trội

Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, 6 bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện của Hà Tĩnh đã có sự phát triển vượt bậc về chất lượng khám chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân nặng điều trị hiệu quả ngay tại tỉnh nhà, không phải chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.

Nhiều ca bệnh khó của người dân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lộc Hà được hỗ trợ điều trị chẩn đoán hiệu quả từ các bác sĩ tuyến Trung ương qua y tế từ xa

Bác sĩ Phan Thị Trà Giang, Phó khoa Nội- Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Lộc Hà vẫn nhớ như in ngày chị tiếp nhận khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Hà 68 tuổi, trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà với triệu chứng xuất hiện cơn đau thắt ngực kèm khó thở trước khi vào viện. Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường kèm tăng huyết áp và đã từng được đặt máy tạo nhịp tim.Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, sau khi xử trí bước đầu cho bệnh nhân, BVĐK huyện Lộc Hà đã ngay lập tức xin hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông qua hệ thống y tế từ xa Telehealth. Các bác sĩ của BVĐK Lộc Hà đã trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân... Tại đầu cầu Bệnh viện Đại học y Hà Nội, sau khi nghe các bác sĩ tuyến dưới trình bày những phương pháp đã điều trị, xem các hình ảnh phim chụp, siêu âm, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Nhờ được xử trí ban đầu tốt và hội chẩn từ xa kịp thời, bệnh nhân đã được điều trị và hồi phục tốt. Nếu cách đây khoảng 5-6 năm, những trường hợp như bệnh nhân Hà ở tuyến dưới là không cứu được.

Theo Bác sĩ Dương Hùng Anh - Giám đốc BVĐK Lộc Hà, bệnh viện triển khai hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội bắt đầu từ tháng 6/2020. Đã có 14 bệnh nhân nặng của BVĐK huyện Lộc Hà được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, 100% bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và đặc biệt góp phần phòng chống Covid-19. “Bằng sự chuyên nghiệp và tâm huyết hết mình với nghề, các thầy của BV Đại học Y Hà Nội luôn kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau 1 tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả điều trị. Nếu tình hình bệnh nhân có vấn đề gì chưa ổn sẽ tiếp tục được hội chẩn tiếp. Tuy nhiên 100% bệnh nhân tại bệnh viện Lộc Hà đều tiến triển tốt và ra viện”, Bác sĩ Anh chia sẻ.

Trong năm 2020, Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai hiệu quả hội chẩn trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội, 52 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích, hội chẩn, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Bác sĩ Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: 52 ca bệnh mà các bác sĩ hội chẩn cho BVĐK tỉnh đều là các ca bệnh nặng, khó, có độ phức tạp cao mà các bác sĩ ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và khả năng bệnh nhân phải chuyển tuyến cao. “Mỗi hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có từ 40 - 60 bác sĩ tham gia. Đây là cơ hội tốt cho các bác sĩ của bệnh viện được trao đổi, thảo luận và học hỏi các kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, từ đó tích lũy được cho bản thân những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quý trong hành nghề. Hiệu quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa đối với bệnh viện, đó là phía cán bộ y tế tuyến cơ sở được hỗ trợ về chuyên môn, tự học và bổ sung trực tiếp, thường xuyên từ ca bệnh thực tế. Giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo hài lòng của người bệnh. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh. Người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng”, Giám đốc BVĐK tỉnh chia sẻ thêm.

Thông qua Dự án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, các bệnh viện tuyến trung ương phối hợp với các bệnh viện, Trung tâm y tế  (TTYT) làm vệ tinh tiến hành Hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh từ xa các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể; Chia sẻ hình ảnh Xquang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học - truyền máu, vi sinh, hóa sinh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa các ca mổ cấp cứu... cho bệnh viện, TTYT tuyến dưới. Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo; đồng thời là bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Thông qua y tế từ xa, nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh được hỗ trợ, chẩn đoán điều trị kịp thời

Trong năm 2020, tại Hà Tĩnh đã có 6 bệnh viện (BVĐK tỉnh, BVĐK thành phố, BVĐK thị xã Kỳ Anh, BVĐK huyện Cẩm Xuyên, TTYT huyện Hương Sơn, BVĐK Lộc Hà) tham gia khám chữa bệnh hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện Trung ương như BV Đại học Y Hà Nội, BV Bạch Mai, BV Nhi, BV E… Qua khảo sát thực tế cho thấy, chương trình khám chữa bệnh từ xa vẫn còn gặp một số khó khăn do hạn chế về hạ tầng mạng kết nối, không đồng bộ, chuyển tải hình ảnh còn mang tính thủ công... Để việc khám, chữa bệnh từ xa diễn ra thường xuyên, liên tục, trở thành nề nếp, mang lại hiệu quả cao và có sức lan tỏa lớn, ngành y tế cần tiếp tục ban hành chính sách, các quy chế, cơ chế cụ thể, rõ ràng để triển khai công tác khám, chữa bệnh từ xa. Ðặc biệt, các địa phương cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho các bệnh viện nâng cấp trang thiết bị đồng bộ, chất lượng giúp người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao mà vẫn tiết kiệm thời gian, kinh phí và giải được bài toán giảm tải người bệnh cho bệnh viện tuyến trên. Dự kiến trong quý I/2021, tiếp nối mô hình hội chẩn trực tuyến, một số BV tại Hà Tĩnh đang bắt tay chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phòng khám từ xa-mô hình giúp người dân Hà Tĩnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao từ xa, trực tiếp trao đổi với các chuyên gia đầu ngành tuyến Trung ương ngay tại Hà Tĩnh.

Khánh Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.565
Tháng 05 : 28.425
Năm 2024 : 747.724
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.546.238