Tích cực triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS năm 2016
Đến hẹn lại lên, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào giáo dân, miền núi, xã thuộc quyết định thực hiện các tiêu chí nông thôn mới năm 2016 của tỉnh; xã có mức sinh cao của 167 xã, phường, thị trấn được tổ chức sớm ngay từ những ngày đầu tháng 3. Trong những ngày này, hầu khắp các xã, thị trấn 13 huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các hoạt động diễu hành, treo băng rôn, áp phích, phát tờ rơi tuyên truyền cho lễ ra quân chiến dịch đợt 1 năm 2016. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều người dân.
Xã Quang Lộc, huyện Can Lộc là xã thuần nông, đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ngay từ sáng sớm đã có nhiều chị em phụ nữ đến khám sức khỏe sinh sản tại Trạm Y tế. Tại đây các chị được cán bộ Y tế tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp và nghe truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Trong ngày đầu chiến dịch đã có nhiều chị em được khám, điều trị phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai. Chị Nguyễn Thị Xuân trú tại xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc nhiệt tình chia sẻ: “Chiến dịch là dịp chị em được đến trạm y tế để được khám bệnh, điều trị và phát thuốc miễn phí. Vì thế, chiến dịch giống như ngày hội chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở xã Quang Lộc này vậy.”
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS đợt 1 năm 2016 ở huyện Kỳ Anh đã thu hút được đông đảo chị em phụ nữ trong độ tuổi đến khám, tư vấn và điều trị. Từ đầu tháng 3/2016, huyện Kỳ Anh đã sớm triển khai chiến dịch tại 2 xã Kỳ Lâm và Kỳ Sơn, trong đó số phụ nữ khám phụ khoa 168 người; đặt vòng 32 người, siêu âm 116 người, điều trị phụ khoa 60 người. Riêng trên địa bàn xã Kỳ Sơn số phụ nữ khám phụ khoa 115 người, đặt vòng 25 người, siêu âm 62 người và điều trị phụ khoa 32 người. Các chị em nằm trong độ tuổi sinh đẻ đến trạm y tế xã được trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trung tâm y tế dự phòng huyện và trung tâm dân số huyện trực tiếp khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí. Với mục đích tuyên truyền lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chiến dịch cung cấp cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ nhỏ, tư vấn, cấp thuốc miễn phí để chị em phụ nữ tự biết cách chăm sóc bản thân mình. Không chỉ vậy, đối với cả những phụ nữ đã qua tuổi sinh đẻ cũng được quan tâm tư vấn sức khỏe. Vì thế chiến dịch thu hút khá đông chị em phụ nữ các độ tuổi đến tham gia.
Ông Nguyễn Kiên Quyết, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh phụ trách mảng Dân số- KHHGĐ huyện Kỳ Anh cho biết: Xác định công tác truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ sẽ là các yếu tố quyết định cho thành công của chiến dịch. Vì vậy, những kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động của những lần tổ chức các đợt chiến dịch từ những năm trước, Ban Dân số các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, đài truyền thanh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức như: Băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, sách lật, tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ …Khác với những năm trước đây, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, đôi ngũ cán bộ làm công tác dân số luôn tạo lòng tin và sự an tâm cho chị em, chủ động hướng dẫn và trực tiếp đưa chị em thuộc địa bàn mình quản lý đến Trạm Y tế để được các bác sĩ khám sức khỏe, tư vấn và thực hiện các biện pháp tránh thai miễn phí. Mặc dù chiến dịch đã mang lại những chuyển biến tích cực về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nhân dân nhưng tỉ lệ mắc bệnh phụ khoa, viêm nhiễm đường sinh dục của phụ nữ vẫn còn cao, nhất là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa nơi ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Ông Nguyễn Huy Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh cho biết: Mục tiêu của đợt chiến dịch chăm sóc SKSS là huy động sự tham gia của các ngành, các đoàn thể, sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng về công tác dân số gắn với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào giáo dân, miền núi, xã thuộc quyết định thực hiện các tiêu chí nông thôn mới 2016, xã có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh. Phấn đấu 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ; 60% trở lên số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (triệt sản đạt 60%; đặt DCTC đạt 75%; thuốc tiêm, thuốc cấy đạt 75%).
Có thể khẳng định Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là một trong những giải pháp hữu hiệu trong công tác ổn định dân số đồng thời nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, là nền tảng cần thiết trong việc duy trì mức giảm sinh, cải thiện sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em và nâng cao chất lượng dân số.
Đoàn Loan