• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 15/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Bộ Y tế: Tập trung cứu chữa nạn nhân vụ cháy chung cư mini, chưa thu các khoản phí; 91 người ngộ độc sau ăn bánh mỳ Phượng, Bộ Y tế yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động; 106 người ở Yên Bái bị sốt mò trong một tháng…

Bộ Y tế: Tập trung cứu chữa nạn nhân vụ cháy chung cư mini, chưa thu các khoản phí

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trước mắt tập trung cứu chữa các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình - Thanh Xuân - Hà Nội, chưa thu các khoản phí; quan tâm chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn an tâm điều trị, tiếp đón giải thích giúp đỡ người nhà vượt qua khủng hoảng...

Liên quan đến công tác cấp cứu, điều trị các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình - Thanh Xuân-  Hà Nội đêm khuya 12/9 như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, ngay khi nhận được thông tin của Sở Y tế Hà Nội (qua đường dây nóng) về việc xảy ra vụ cháy chung cư mini 9 tầng tại Khương Hạ quận Thanh Xuân, ngay trong rạng sáng ngày 13/9, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường cùng Sở Y tế điều động lực lượng ứng trực cấp cứu, xe cứu thương của các Bệnh viện trung ương và bệnh viện đa khoa tuyến cuối trực thuộc Sở Y tế Hà Nội để kịp thời cấp cứu người bị nạn.

Sau khi nhận báo cáo nhanh từ các bệnh viện trung ương và Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các các bệnh viện trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.

Trước mắt tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí. Đồng thời cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho cơ quan báo chí, truyền thông, người nhà người bị nạn.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) nhằm bảo đảm công tác cấp cứu thảm họa trước 17h00 hàng ngày

Cùng ngày, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội;  Bệnh viện Bộ/ngành: Bệnh viện 103, Bệnh viện Bưu điện về việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bị tai nạn.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế bày tỏ hoan nghênh các Bệnh viện đã sẵn sàng triển khai công tác cấp cứu kịp thời ngay khi được huy động và đề nghị các Bệnh viện tiếp tục trực chuyên môn theo dõi sát người bị nạn đã tiếp nhận cấp cứu. Tập trung mọi nguồn lực huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện trang thiết bị cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn,cung cấp dinh dưỡng đầy đủ nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.

Trước mắt tập trung cứu chữa, chưa thu các khoản phí; phát huy vai trò của Phòng Công tác xã hội để quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn an tâm điều trị, tiếp đón giải thích giúp đỡ người nhà vượt qua khủng hoảng, .

Cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí, truyền thông tác nghiệp, người nhà người bị nạn tìm kiếm người thân.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện tổng hợp báo cáo cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác cấp cứu... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

91 người ngộ độc sau ăn bánh mỳ Phượng, Bộ Y tế yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam cần chỉ đạo tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở này, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc.

Yêu cầu trên được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra trong công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam liên quan đến vụ việc 91 người đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng.

Tại công văn do Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long ký ban hành, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo các đơn vị tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng.

Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.

Như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin, chiều ngày 13/9, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam xác nhận số lượng bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ bà P. tại Hội An lên đến 91 người. Trong đó, có một số bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc nhẹ, sau khi thăm khám đã cho ra viện. Một số khác đang được các Bệnh viện tích cực theo dõi, giám sát để có phương án điều trị kịp thời.

Trước đó, vào sáng 13/9, Trung tâm Y tế TP. Hội An (Quảng Nam) cho hay, vừa có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát và xử lý vụ "nhiều người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ tại một quán bánh mỳ trên địa bàn thành phố".

Theo đó, vào chiều 12/9, Trung tâm tiếp nhận thông tin 5 người trong một gia đình có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ mua ở quán bà P. (trên đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An) nên thành lập đoàn kiểm tra.

Qua điều tra bước đầu, đoàn ghi nhận ngoài 5 trường hợp có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nói trên còn có nhiều người khác cũng dùng bánh mỳ của tiệm P., sau đó có biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Hiện những bệnh nhân này đang nằm điều trị tại một số bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi tiêu lỏng. Thời gian ăn bánh mì của các bệnh nhân rải rác từ 8 giờ ngày 11/9 đến 20 giờ cùng ngày. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2-16 giờ).

Tiến hành kiểm tra cơ sở bánh mỳ nói trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu quán giữ mẫu thức ăn liên quan và niêm phong, bảo quản mẫu theo quy định để gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Trong thời gian xác định nguyên nhân vụ việc, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ quán mỳ tạm dừng việc kinh doanh để phục vụ công tác điều tra. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)

                   

106 người ở Yên Bái bị sốt mò trong một tháng

CDC Yên Bái cho biết hơn 100 người ở tỉnh này bị sốt mò trong tháng 8, một thiếu nữ tử vong do nhập viện muộn.

Số ca sốt mò trong tháng 8 tăng so với cùng kỳ năm ngoái 57 người. Từ đầu năm đến nay, Yên Bái ghi nhận 290 trường hợp mắc. Trong đó, nữ, 16 tuổi, dân tộc H'Mông, ở huyện Trạm Tấu, tử vong do đến viện muộn. Các triệu chứng của bệnh nhân nặng nề, diễn biến nhanh, kèm biến chứng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu tiêu hóa, qua đời sau một ngày điều trị.

Sốt mò hay còn gọi là bệnh sốt ve mò, sốt rừng. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng hay gặp ở người lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm, song hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng. Sốt mò không lây từ người sang người.

Bệnh do vi khuẩn Rickettsia orientalis (còn gọi Orientia tsutsugamushi) gây nên. Chúng sống ký sinh ở một số loài gặm nhấm, thú nhỏ (chuột, gà) truyền sang người qua vết đốt, thường ở vùng da mềm như nách, bẹn, bộ phận sinh dục, cổ, bụng, vành tai, rốn. Người bệnh thường mắc khi đi làm đồng ruộng, vườn bãi, trang trại chăn nuôi.

Dấu hiệu mắc là sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết, phát ban, vết loét ngoài da đặc trưng do ấu trùng mò đốt, sưng đau hạch ngoại vi gần nơi vết loét. Các chuyên gia nhận định sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định, biểu hiện rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác nên dễ nhầm và bỏ sót bệnh. Đặc biệt, người mắc dễ tử vong khi bệnh vào giai đoạn nặng, biến chứng suy phủ đa tạng, nhưng vẫn không tìm được vết mò đốt để chẩn đoán chính xác. Mặt khác, người dân sinh sống ở vùng sâu, xa, hẻo lánh có tâm lý ngại đến cơ sở y tế, vào viện khi bệnh đã nặng, khó cứu chữa.

Để phòng ngừa, người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống ấu trùng như tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ lúp xúp, mặc quần áo kín, quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng. Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò. (Theo báo Vnexpress)

                                            Thu Hòa (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.446
Tháng 07 : 19.643
Năm 2024 : 1.158.950
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.957.464