Phòng biến chứng đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính biểu hiện bằng tình trạng tăng đường máu mạn tính kéo dài và theo thời gian sẽ gây nên rất nhiều biến chứng cho cơ thể. Đái tháo đường có ba đặc điểm rất nguy hiểm như sau:
Sự âm thầm của bệnh: Đa số các bệnh nhân bị đái tháo đường đều không hoặc có rất ít triệu chứng, và các triệu chứng không đặc hiệu (mỏi mệt, tê tay chân..). Khi đã có triệu chứng như ăn nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều thì bệnh đã ở mức muộn và nặng. Chính đặc điểm âm thầm của bệnh sẽ gây nên tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể và làm cho chúng ta không khám bệnh và điều trị đúng cách. Chỉ có 25% số người đái tháo đường biết mình bị bệnh và 12% số người được điều trị đúng cách.
Là bệnh lý đa biến chứng: Đái tháo đường là bệnh gây nhiều biến chứng nhất cho cơ thể. Có thể nói từ chân tóc cho đến móng chân của người đái tháo đường đều bị ảnh hưởng và nặng dần lên theo thời gian. Bởi vì bất cứ chỗ nào trong cơ thể có máu, đường sẽ theo máu đến và làm rối loạn chuyển hóa, gây nên suy yếu và phá hủy cơ quan được cấp máu. Vì vậy nếu không được điều trị, trong giai đoạn sau của bệnh, bệnh nhân sẽ phải trải qua cuộc sống với chất lượng sống rất thấp vì tất cả các cơ quan quan trọng của cơ thể đều bị tàn phá: suy thận, tai biến mạch não, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh lý thần kinh ngoại vi..
Là bệnh phổ biến: Theo các thống kê mới nhất, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam trung bình là 5,4% dân số (khoảng 5 triệu người, gấp 4 dân số của Hà Tĩnh). Ở Hà Tĩnh, ước tính số người bị mắc bệnh là trên ba mươi ngàn người và đang tiếp tục tăng nhanh.
Nguyên nhân của việc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh chủ yếu là từ thay đổi môi trường sống và chế độ ăn uống: Lối sống ít vận động thể lực, tiêu thụ quá nhiều năng lượng, lạm dụng rượu bia, các stress tinh thầnlà các nhân tố chính làm bệnh đái tháo đường dễ xuất hiện.
Cách phòng tránh bệnh đái tháo đường:
Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống với nhiều chất xơ (như rau xanh, hoa quả với lượng hợp lý) sẽ làm giảm hấp thu quá mức đường vào cơ thể và duy trì được đường máu ổn định. Các chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu) không cần hạn chế tuy nhiên vì chúng cũng sinh năng lượng nên không nên ăn quá nhiều.
Hạn chế đường, chất béo và các sản phẩm chứa tinh bột hấp thu nhanh như xôi, cơm nếp, bánh chưng, các loại miến dong, khoai tây rán, bánh mỳ trắng. Để cung cấp năng lượng cho cơ thể, chúng ta nên ăn các sản phẩm tinh bột truyền thống (gạo ít trắng, gạo giã dối), các loại hạt như hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt lanh.
Có một nguyên tắc ăn uống đối với bệnh tiểu đường: càng ăn thực phẩm ít chế biến, càng có lợi.
Tuy nhiên một chế độ ăn uống kiêng khem quá mức là không tốt, chúng ta vẫn có thể ăn một số thực phẩm ưa thích nhưng cần phải hạn chế lượng đưa vào, và tốt nhất nên ăn kèm với một lượng lớn rau xanh hoặc đạm trước đó vì chúng sẽ làm cạnh tranh hấp thu đường vào máu.
Chế độ luyện tập thể lực: Luyện tập thể lực luôn tốt cho cơ thể, đặc biệt cho người có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh đái tháo đường. Mục đích của luyện tập thể lực là để làm tăng khối lượng cơ và làm giảm mỡ, đặc biệt mỡ vùng bụng. Tăng khối lượng cơ làm tăng khả năng kéo đường từ máu vào cơ để dự trữ dưới dạng không gây độc cho cơ thể. Giảm lượng mỡ bụng sẽ làm giảm ngộ độc mỡ cho gan và tụy, là hai tạng có vai trò quan trọng trong điều hòa đường máu.
Cách phòng tránh và theo dõi biến chứng khi phát hiện tiểu đường:
Khi đã phát hiện mình bị đái tháo đường, cần duy trì chế độ ăn uống và luyện tập như trên, đảm bảo đủ giấc ngủ và cần khám định kỳ tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên ngành Nội Tiết. Vì đái tháo đường là bệnh mạn tính, và để theo dõi phải thử đường máu nhiều lần vì thế người bệnh cần học cách tự chăm sóc, tự kiểm tra đường máu bằng máy đo đường máu cá nhân và học cách tiêm Insulin nếu phải tiêm Insulin theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân đái tháo đường, tốt nhất nên là người điều dưỡng cho chính bản thân mình.
Người bệnh đái tháo đường cần theo dõi các biểu hiện gợi ý các tổn thương cơ quan đích như:
Rối loạn cảm giác đặc biệt ở bàn tay, bàn chân (tê bì, dị cảm: cảm giác như kim châm, nóng rát ngoài da)
Nhìn mờ, nhìn đôi
Phù mặt hoặc chi dưới
Tức ngực, nặng ngực
Tê hoặc yếu nửa người
Người bệnh đái tháo đường cũng cần được kiểm tra để phát hiện các biến chứng bằng cách khám răng và khám mắt định kỳ 6 tháng một lần, làm điện tim đồ, xét nghiệm mỡ máu và nước tiểu 3 tháng một lần.
Về sử dụng thuốc cho người đái tháo đường: Khi đã chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người bệnh cần xác định phải uống thuốc suốt đời. Chỉ một số rất ít các ca bệnh đạt được tạm lui một thời gian khi ngừng thuốc nhưng sau đó sớm hay muộn sẽ lại tái phát và bệnh nhân phải dùng thuốc trở lại. Ngoài ra cần tránh tâm lý ngại tiêm Insulin hoặc cho rằng khi nào tiêm Insulin là bệnh đã nặng hoặc sẽ phụ thuộc Insulin suốt đời.
Ths. Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Đa khoa tỉnh