Điểm báo, ngày 14/11/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Tỷ lệ người Việt mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh; Tháo 'nút thắt' trong đấu thầu thuốc, trung tâm y tế cứu chữa nhiều bệnh nhân; Rét xuất hiện, ca mắc sốt xuất huyết giảm: Chuyên gia cảnh báo; Tỷ lệ người Việt mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh.
Tại Việt Nam hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
7 triệu người Việt mắc đái tháo đường
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...
Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của đái tháo đường. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1.
Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hai người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh đái tháo đường và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.
Số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới cho thấy, tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường
Trên thế giới, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, hơn 90% mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Gần một nửa vẫn chưa được chẩn đoán. Trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng cách áp dụng và duy trì những thói quen sống lành mạnh. Biết được nguy cơ của mình và những việc cần làm là điều quan trọng để hỗ trợ phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 gồm: Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường; Thừa cân; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Không hoạt động thể chất; Tuổi cao; Huyết áp cao; Dân tộc; Giảm dung nạp glucose (tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán bệnh); Tiền sử bệnh đái tháo đường thai kỳ; Dinh dưỡng kém khi mang thai...
Do đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, cần có chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, duy trì cân nặng ở mức bình thường là rất quan trọng vì thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc, đặc biệt là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện các dấu hiệu sớm nhằm khuyến khích mọi người thực hiện những thay đổi cần thiết để trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh.
Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người có vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.
Từ đó, Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 14/11 hàng năm để hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh này và các biến chứng của nó. Theo Pháp luật Việt Nam
Tháo 'nút thắt' trong đấu thầu thuốc, trung tâm y tế cứu chữa nhiều bệnh nhân
Những ngày gần đây, Trung tâm y tế Krông Búk (Đắc Lắk) bệnh nhân đến khám và điều trị đông trở lại. Đây là một trong số ít đơn vị y tế tại tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ được nút thắt trong việc thiếu thuốc và vật tư y tế do vướng công tác đấu thầu.
Đang điều trị bệnh viêm đại tràng trên nền bệnh tiểu đường tại Khoa Nội của TTYT huyện Krông Búk, chị H'Pốc M'Jao (trú tại buôn Adrơng Prong, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắc Lắk ) cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm nay chị phải nằm viện.
Thời gian trước, bệnh trở nặng, chị nhập viện điều trị nhưng vì bệnh viện chưa đủ thuốc nên gặp rất nhiều khó khăn khi nằm viện.
Lần này nhập viện, chị yên tâm hơn vì TTYT Krông Búk đã có đầy đủ thuốc men và vật tư y tế, các y bác sĩ tại đây tận tình chăm sóc bệnh nhân. Điều trị ở đây chị không phải lo lắng nhiều, sức khỏe theo đó cũng hồi phục nhanh hơn.
Ngay cạnh giường bệnh của chị H'Pốc, anh Y Thế Niê (trú tại buôn Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắc Lắk) đang điều trị bệnh viêm phổi cấp.
Anh mắc bệnh đã gần 1 tháng, ban đầu nhập viện ở thị xã Buôn Hồ, rồi xin chuyển về TTYT Krông Búk. Sau 4 ngày điều trị, bệnh của anh đã thuyên giảm rõ rệt. Anh Y Thế chia sẻ: "Ở đây mọi thứ sạch sẽ, bác sĩ tận tình chu đáo lắm, thuốc men đầy đủ nên bản thân người bệnh chúng tôi rất phấn khởi".
Theo bác sĩ Y Păm Ayun - Trưởng khoa Nội, TTYT Krông Búk, Đắc Lắk, 2 tháng trở lại đây, khi Trung tâm đã hoàn thành xong việc đấu thầu thuốc, số lượng bệnh nhân đến khoa tăng đột biến, có ngày quá tải.
Trước đó, Trung tâm gặp khó khăn trong việc cung ứng thuốc trong một vài tháng. Tuy nhiên, sau khi tháo gỡ được 'nút thắt' là thuốc men, vật tư bệnh nhân được khám bệnh, điều trị đầy đủ khiến không những người bệnh mà y, bác sĩ của Trung tâm cũng rất phần khởi.
Trung bình hàng năm, TTYT huyện Krông Búk tiếp nhận và điều trị khoảng 5.700 bệnh nhân. Đợt dịch COVID-19, Trung tâm được trưng dụng để điều trị cho hơn 3.500 bệnh nhân COVID-19 ở các huyện Krông Búk, Buôn Hồ, Krông Năng và Ea H'leo. Sau dịch, cũng như nhiều đơn vị y tế địa phương, Trung tâm hoạt động khó khăn. Mặc dù vậy, với những nỗ lực không ngừng, tháng 9 vừa qua, Krông Búk đã thực hiện thành công các gói thầu thuốc, là một trong số ít đơn vị tại Đắk Lắk gỡ khó được việc thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh.
BS Trần Thuận - Giám đốc TTYT huyện Krông Búk, Đắc Lắk cho biết: Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Trung tâm đã đề các kế hoạch cụ thể.
Chấn chỉnh đội ngũ nhân viên y tế của mình, thứ hai phải nỗ lực tìm nhiều giải pháp cố gắng cung cấp đủ thuốc, vật tư y tế để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó Trung tâm còn thành lập các tổ cộng đồng làm việc với các xã, thôn buôn, vận động người dân khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị. Theo Báo sức khỏe và đời sống
Rét xuất hiện, ca mắc sốt xuất huyết giảm: Chuyên gia cảnh báo
Mặc dù thời tiết lạnh xuất hiện, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ nhưng bác sĩ cho rằng người dân tuyệt đối không được thiếu cảnh giác.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua (từ ngày 3/11 đến hết ngày 9/11) ghi nhận giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao.
Theo đó, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 2.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 60 ca so với tuần trước đó (2.590/0).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là Hà Đông 186 ca, Thanh Oai 185 ca, Đống Đa (164), Quốc Oai (152), Thanh Xuân (139), Bắc Từ Liêm (129) và Chương Mỹ (121).
Số ổ dịch ghi nhận trong tuần là 79 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã; giảm 28 ổ dịch so với tuần trước (107 ổ dịch). Trong đó, Đống Đa 12 ổ dịch; Hai Bà Trưng 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm 7 ổ dịch; Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín 6 ổ dịch; Chương Mỹ, Hoàn Kiếm 4 ổ dịch…
Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 31.013 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó có 4 ca tử vong); bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; tổng số ổ dịch là 1.757, hiện còn 17 ổ dịch chưa kết thúc hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã.
Trước số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng mặc dù sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm do thời tiết chuyển mùa, lạnh nhưng người dân không nên chủ quan.
“Hiện là thời điểm thời tiết không ủng hộ muỗi hoạt động, dịch tự nhiên sẽ giảm và hết. Tuy nhiên, tôi cho rằng người dân không nên lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác không đề phòng sốt xuất huyết”, BS.Thiệu nói.
Theo vị bác sĩ, mặc dù hiện nay thời tiết lạnh hơn, muỗi ít hơn nhưng khi đi ngủ vẫn cần phải mắc màn và thực hiện các biện pháp chống muỗi theo khuyến cáo.
Ngoài ra, không ít trường hợp người mắc sốt xuất huyết thường tự ý truyền dịch tại nhà, BS.Thiệu khuyến cáo người bệnh không tự ý truyền dịch tại nhà.
Giữa tháng 9/2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng. Trong đó, có trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội bị sốt xuất huyết Dengue nhập viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Kết quả chiếu chụp phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều. Trước đó, bệnh nhân truyền dịch trong 3 ngày đầu.
Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao hơn 8000U/L. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, để xác định người bệnh có bị biến chứng cô đặc máu hay không, cần phải vào viện kiểm tra mới có thể biết chính xác.arrow_forward_iosĐọc thêlose
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời.
“Đặc biệt, không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch”, BS.Thiệu chia sẻ.
Theo "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế nêu rõ giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng như: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.
Có thể có các biểu hiện sau:
Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Vật vã, lừ đừ, li bì. Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau. Nôn ói.
Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ).
Xuất huyết ( Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím;
Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu;
Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận)...)
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.
Theo Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Cần xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...) Theo Người đưa tin)
Thu Hòa tổng hợp