Điểm báo, ngày 06/11/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Xuất hiện ca bệnh nhiễm vi khuẩn gây tiêu xương; Bình Phước: Một điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân hành hung; Việt Nam là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á có gen nổi trội về đái tháo đường; Bỏ ngay những cách lấy ráy tai sai lầm này kẻo điếc vĩnh viễn; Bé 10 tuổi đột quỵ khi đang chơi, bố mẹ nhận ra dấu hiệu nguy hiểm nên cứu được con.
Xuất hiện ca bệnh nhiễm vi khuẩn gây tiêu xương
Các bác sĩ Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhi 10 tuổi (ở Tuyên Quang) bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn hiếm gặp.
Người nhà bệnh nhi (BN) cho biết: 6 ngày trước nhập viện, trẻ chơi đá bóng ở sân bùn đất bẩn. 5 ngày trước vào viện, trẻ sốt cao 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay, chân. Gia đình nghĩ trẻ bị thủy đậu, tự mua thuốc bôi nhưng không đỡ. Mụn nước chuyển thành mụn mủ trắng và trẻ sốt cao.
Ngày 11.10, BN được đưa đến Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang khám, được chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết. Sau 3 ngày điều trị bằng kháng sinh kết hợp, BN vẫn sốt cao, xuất hiện tình trạng loét da tại các nốt phỏng, có mủ ở lưng, đầu. BN được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và sau đó được chuyển tới Trung tâm nhi khoa BV Bạch Mai. BN nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39 - 40oC.
Tại Trung tâm nhi khoa, BN được đặt ống nội khí quản và thở máy. Quá trình điều trị, BN bị xuất huyết phổi nhiều, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng, huyết áp tụt, phải sử dụng phối hợp 3 loại kháng sinh và dùng các thuốc vận mạch liều rất cao. Các vết loét nhiều lên, thêm nhiều nốt mới, sốc nhiễm khuẩn rất nặng gần như kháng các phương pháp điều trị thông thường, nguy cơ tử vong cao, được chỉ định lọc máu liên tục.
Kết quả cấy máu phát hiện BN nhiễm vi khuẩn Chromobacterium violaceum và được bác sĩ điều chỉnh thuốc sau khi có kết quả kháng sinh đồ (đánh giá nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh). Hiện sau 3 tuần điều trị, BN có tiến triển rất tốt, tự thở, tiếp xúc tốt, không có di chứng nào về não hay các cơ quan khác, đang được phục hồi chức năng về hô hấp và vận động, dự kiến ra viện trong thời gian sớm.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm nhi khoa, Chromobacterium violaceum là vi khuẩn rất hiếm gặp. Vi khuẩn này thường phân biệt với các vi khuẩn khác trong bùn đất và rất ít trường hợp được báo cáo gây bệnh trẻ em. Theo y văn, vi khuẩn này thường gây tiêu hủy xương, ăn vào các tổ chức của cơ và da gây hoại tử, khó hồi phục. BN nêu trên bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, suy hô hấp do vi khuẩn hiếm gặp này.
TS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo: Chromobacterium violaceum cần phân biệt với Whitmore và các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, viêm da liên cầu… Các tổn thương kiểu này gặp trên rất nhiều bệnh khác nhau, do đó các gia đình không tự ý điều trị tại nhà khi không rõ căn nguyên. (báo Thanh Niên).
Bình Phước: Một điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân hành hung
Người nhà bệnh nhân đã manh động, dùng ghế đuổi đánh điều dưỡng Trương Ngọc Nghĩa, công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, khiến anh bị thương tích ở cánh tay, bàn tay và phần đầu.
Ngày 5/11, Công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an phường Tiến Thành điều tra, làm rõ vụ một điều dưỡng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước bị người nhà bệnh nhân hành hung, gây thương tích.
Nạn nhân là anh Trương Ngọc Nghĩa, cán bộ tiếp nhận thuộc Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước.
Theo anh Nghĩa, khoảng 2 giờ ngày 5/11, anh tiếp nhận bệnh nhân tên Ngô Minh Đức (ngụ thành phố Đồng Xoài) bị thương ở ngón tay của bàn tay phải.
Khi hướng dẫn người nhà bệnh nhân ghi hồ sơ, điều dưỡng Nghĩa đã đề nghị người nhà ghi đúng tuổi theo năm sinh của bệnh nhân nhưng người nhà bệnh nhân viết chưa đúng nên phải viết lại.
Sự việc tưởng như không có gì, tuy nhiên sau đó, một số người nhà bệnh nhân đã manh động, dùng ghế đuổi đánh điều dưỡng Nghĩa khiến anh bị thương tích ở cánh tay, bàn tay và phần đầu.
Theo ghi nhận, tại hiện trường, một chiếc ghế nhựa bị gãy chân, một số ghế ngồi làm việc bị ngã đổ.
Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, cho biết sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an trích xuất camera tại bệnh viện, trấn an các bác sỹ, điều dưỡng an tâm công tác; đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để điều tra, xử lý.
Hiện tại, sức khỏe của điều dưỡng Nghĩa cơ bản ổn định, nhưng phần đầu đang bị đau, choáng cần phải chụp CT để kiểm tra.
Công an thành phố Đồng Xoài đã khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera và mời những người liên quan lên làm việc để điều tra, làm rõ vụ việc. (Theo TTXVN).
Việt Nam là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á có gen nổi trội về đái tháo đường
Đái tháo đường đang là một trong bốn bệnh không lây nhiễm chính ngày càng gia tăng mối đe doạ với sức khỏẻ cộng đồng. Theo đó, cứ mỗi 10 người trưởng thành trên thế giới sẽ có một người mắc bệnh đái tháo đường.
Thông tin này được chia sẻ tại buổi sinh hoạt "Chung tay chăm sóc bệnh đái tháo đường" được tổ chức sáng ngày 5/11 bởi Liên chi hội đái tháo đường và Nội tiết TPHCM nhằm hưởng ứng Ngày Đái Tháo Đường Thế Giới.
Bệnh đái tháo đường, một căn bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm, đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định bệnh đái tháo đường đang gia tăng mạnh. Nếu bệnh không được kiểm soát có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
ThS.BS Diệp Thị Thanh Bình, phó Chủ tịch của Liên chi hội đái tháo đường và Nội Tiết TPHCM cho biết, hiện nay Việt Nam là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á có gen nổi trội về đái tháo đường. Vậy nên chúng ta cần luôn luôn có ý thức chăm sóc, phát hiện kịp thời căn bệnh giết người thầm lặng bởi những biến chứng cấp tính và mãn tính.
Theo thông tin từ cuộc điều tra dịch tễ của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, năm 1992 TPHCM có 2.2% người mắc đái tháo đường, tại tại Hà Nội là 1.4% và Huế là 0.96%. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng lên rất nhiều. Có khoảng 7.3% bệnh nhân mắc đái tháo đường trên toàn quốc, riêng TPHCM và Hà Nội đã tăng lên 8.3%.
Điều đáng chú ý là mỗi bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường đồng nghĩa với việc có một bệnh nhân khác chưa được phát hiện. Thống kê từ Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) chỉ ra rằng, hơn 90% bệnh nhân đái tháo đường mắc loại đái tháo đường tuýp 2 và gần một nửa bệnh nhân này vẫn chưa được chẩn đoán.
Theo Bác sĩ Bình, trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng của nó có thể được trì hoãn hoặc ngăn ngừa thông qua việc duy trì các thói quen lành mạnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Với những người có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2, việc nhận biết rõ nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Đối với những người đã mắc bệnh, việc tiếp cận thông tin chính xác cùng việc sử dụng thuốc và công cụ hỗ trợ tự chăm sóc nhằm ngăn ngừa các biến chứng là việc cần thiết. (Theo báo SKĐS).
Bỏ ngay những cách lấy ráy tai sai lầm này kẻo điếc vĩnh viễn
Tai là một bộ phận khá nhạy cảm, vì vậy chỉ cần một chút sơ suất nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến thính lực. Sau đây là những cách làm sạch tai sai lầm mà bạn có thể mắc phải.
Ráy tai (hay cerumen), là chất tiết tích tụ thành lớp mỏng trên da ống tai ngoài. Ráy tai ở con người và đa số các động vật có vú. Khoa học chứng minh rằng, ráy tai trong ống tai sẽ trộn lẫn với bụi bẩn, mồ hôi và các tế bào chết. Như vậy, ráy tai sẽ giúp ngăn chặn sự tấn công của nấm, vi khuẩn, côn trùng từ bên ngoài, giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến thính giác của con người.
Về khoa học thì ráy tai có lợi và không cần phải lấy ra. Tuy nhiên ráy tai quá nhiều có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe và hình thành nút ráy tai nên việc vệ sinh tai hợp lý và đúng cách là vấn đề hết sức quan trọng. Những sai lầm cần tránh khi lấy ráy tai
Ngày nào cũng lấy ráy tai
Một trong những sai lầm khi lấy ráy tai phổ biến nhất là ngoáy tai hằng ngày. Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài. Do vậy, bạn không cần thiết phải lấy ráy tai hàng ngày.
Rửa tai quá nhiều
Nếu bạn cho rằng việc làm sạch tai thường xuyên là đúng và cần thiết thì tốt nhất bạn nên xem xét lại ngay bây giờ. Vì thực tế, tai có cơ chế tự làm sạch của chính nó, luôn đảm bảo tai ở trạng thái tốt nhất. Do đó, việc làm sạch quá thường xuyên đôi khi còn dẫn đến tác dụng ngược, vì ráy tai đã bị lấy đi hết. Trong khi tai cũng cần có một ít ráy tai để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và các dị vật bên ngoài. Hãy chỉ ráy tai khi cần thiết như cảm thấy khó chịu, lùng bùng hoặc bị bít tắc lỗ tai bạn nhé.
Dùng bông ráy tai
Việc dùng bông ráy tai đã là thói quen của rất nhiều người vì sự tiện lợi và dễ sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần biết những tác hại mà bông ráy tai có thể mang lại nếu sử dụng quá thường xuyên.
Trong quá trình dùng bông ráy tai, bạn có thể sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng của màng nhĩ hoặc gây ra những tổn thương cho thính giác.
Dùng nến xông tai
Nến xông tai là một cây nến rỗng ruột được làm bằng sáp ong. Có quan niệm cho rằng việc đốt cây nến rỗng ruột sẽ tạo thành một lực hút, qua đó hút ráy tai và chất bẩn trong tai. Tuy nhiên, cách vệ sinh tai này có thể gây bỏng nghiêm trọng bên trong tai.
Các nghiên cứu đã cho thấy dùng nến xông tai không hề có tác dụng làm sạch tai và thậm chí có thể gây tổn thương nặng nề cho tai.
Dùng xi lanh thụt rửa tai
Nếu sử dụng xi lanh để bơm, thụt nước muối vào tai có thể gây viêm nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực từ ống xi lanh có thể khiến tai dễ bị thủng màng nhĩ. Khi đó, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và trải qua đau đớn trước khi lớp màng nhĩ có thể tự lành lại.
Dùng vật nhọn lấy ráy tai
Nhiều người có thói quen dùng đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay… để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai. Điều này có thể gây xước lớp niêm mạc phía trong của tai, gây nhiễm trùng.
Cố ngoáy tai
Đang bị bệnh về tai như viêm tai giữa nếu cố thực hiện hành động này chỉ gây đau đớn, tổn hại đến tai của bạn mà thôi.
Hiện nay, có nhiều phương pháp lấy ráy tai an toàn mà bạn có thể tham khảo như: dùng nước muối sinh lí, nước ấm, hay các dung dịch có bán ngoài thị trường như Hydrogen Peroxide, Glycerin, dầu ô liu, dầu dừa,… Các dung dịch này giúp làm mềm ráy tai đồng thời có thể hạn chế khả năng vi khuẩn xâm nhập vào tai gây ra các bệnh viêm tai. (Theo báo SKĐS).
Bé10 tuổi đột quỵ khi đang chơi, bố mẹ nhận ra dấu hiệu nguy hiểm nên cứu được con
Trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị đột quỵ như vậy chưa từng gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của bệnh nhân.
Ngày 2/11, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay vừa cấp cứu khẩn ngay trong đêm cứu một bé trai bị đột quỵ não.
Cháu Nguyễn N.H. (10 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được người nhà đưa đến bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được. Gia đình cho biết khi đang chơi cùng bé thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó nên đưa đến bệnh viện.
Các bác sĩ tiến hành chụp CT, hội chẩn khẩn. Đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, bệnh nhi vào viện có tình trạng yếu nửa người phải tiến triển đến liệt hoàn toàn và rối loạn tri giác, may mắn duy nhất là gia đình biết thông tin về bệnh đột quỵ nên đưa cháu nhanh chóng đến bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian vàng.
Chính vì vậy các bác sĩ đột quỵ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ “đặc biệt” nhất để can thiệp mạch não, xét nghiệm cận lâm sàng... Đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TP HCM ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi.
Ths.Bs. Phạm Như Thông, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị đột quỵ như vậy chưa từng gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của cháu. May mắn bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã xuất viện và đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện.
Bác sĩ Thông cho biết thêm, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu xảy ra ở người trẻ hoặc trẻ nhỏ, hậu quả có thể rất nặng nề do di chứng cả về thể chất và tinh thần. Đối với những trường hợp bệnh nhi có bất thường về tim mạch hoặc có rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới đột quỵ cần được quan tâm lưu ý hơn.
BS. Thông lưu ý, với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân. Vì vậy, người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ: BE FAST để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ. B (BALANCE): mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt, E (EYESIGHT): mất thị lực 1 phần/hoàn toàn, tầm nhìn bị mờ đột ngột, F (FACE): gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo 1 bên, nhân trung lệch, A (ARM): một bên tay chân yếu, cầm nắm đồ không chắc, S (SPEECH): mất khả năng nói, đột nhiên nói khó, nói ngọng, T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. (Theo báo Tiền phong).
Nhật Thắng tổng hợp