Điểm báo, ngày 09/11/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Ứng dụng AI khai thác bệnh án điện tử; Có trả lại chi phí cho dân khi phải tự mua thuốc?; Việt Nam đã ghi nhận 56 ca đậu mùa khỉ, Bộ Y tế 'nhắc' giám sát, phát hiện sớm người mắc; Kiến đốt khiến một phụ nữ sốc phản vệ nguy kịch; Suýt thủng dạ dày vì thói quen của đa số người Việt; Bộ Y tế đã cấp mới, gia hạn số đăng ký 16.000 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm.
Ứng dụng AI khai thác bệnh án điện tử
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành y tế đang dần trở thành xu hướng, có chức năng bổ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ.
Theo các chuyên gia, với sự hậu thuẫn của AI, ngành y tế sẽ có bước phát triển vượt trội trong hoạt động khám, chẩn đoán bệnh, xác định phác độ điều trị bệnh nhân, quản lý bệnh viện...
Trong lĩnh vực y tế, có thể kể đến dự án “Khai thác bệnh án điện tử với AI” do GS-TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) làm chủ nhiệm.
Dự án được thực hiện tại Đại học Quốc gia TPHCM, giai đoạn 2016-2021 và đưa vào triển khai, ứng dụng tại các bệnh viện từ đầu năm 2019. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, dự án chú trọng sử dụng AI để phát triển các công cụ thu thập, truy xuất dữ liệu, khai thác bệnh án bệnh nhân, sử dụng AI để phân tích dữ liệu y học, xử lý văn bản lâm sàng, chuyển bệnh án điện tử thành dữ liệu chung dưới dạng số và văn bản... từ đó hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân.
Việt Nam hiện có khoảng 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, với khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên. Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, từ năm 2019 đến nay, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh. Trong đó, ứng dụng bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh được bắt buộc triển khai từ tháng 3-2019. Giai đoạn 2024-2028, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước phải triển khai bệnh án điện tử - phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, đạt 20% chỉ tiêu mà Bộ Y tế đề ra. “Bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên phục vụ công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu y học và AI là thành phần cốt lõi để phát triển công cụ cơ bản cho phép khai thác các tính năng của bệnh án điện tử. Mục tiêu của dự án hướng tới việc ứng dụng AI để xây dựng hạ tầng số; trong đó, mọi công dân đều có thể quản lý hồ sơ sức khỏe của mình như tài sản riêng. Ngoài ra, việc kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện còn tạo cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, từ đó góp phần giúp chuyển đổi số trong ngành y tế tại Việt Nam thành công”, GS-TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ. (Theo báo Sài gòn giải phóng).
Có trả lại chi phí cho dân khi phải tự mua thuốc?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. Do đó, việc thanh toán tiền cho các trường hợp phải mua thuốc bên ngoài là "yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết”, tuy nhiên hiện chưa có quy định về vấn đề này.
Chiều 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) dẫn nội dung Văn bản số 2060 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu: Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì còn có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua có thể có dẫn đến các nguy cơ như chất lượng thuốc không bảo đảm, giá cao, cũng như những tranh chấp khi có tai biến.
Tuy nhiên, trong quá trình mà thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.
“Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu liên quan đến nội dung này và thống nhất quan điểm về quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. Đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết”, bà Lan nói song cho biết chưa có quy định về vấn đề này.
Vì vậy, Bộ Y tế cho biết đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư. “Hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế”, bà Lan thông tin.
Ngoài ra để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời đề xuất các cơ chế để nghiên cứu làm sao các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực. (Theo báo Tiền phong).
Việt Nam đã ghi nhận 56 ca đậu mùa khỉ, Bộ Y tế 'nhắc' giám sát, phát hiện sớm người mắc
Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ, khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV. Bộ Y tế đề nghị tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm ca bệnh.
Theo Bộ Y tế, tính đến 31/10, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022.
Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố, trong đó 01 trường hợp tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. Tuổi trung bình là 32 (18-49), hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%); khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP. Hồ Chí Minh.
Tiếp tục thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai các nội dung, cụ thể:
Đẩy mạnh giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị;
Quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh Đậu mùa khỉ.
Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Đồng thời, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe
Kiến đốt khiến một phụ nữ sốc phản vệ nguy kịch
Bệnh nhân đang đi làm thì bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải. Sau đốt khoảng 5 phút, bệnh nhân vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm đi.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, mới đây Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Trịnh T.T. (46 tuổi, trú tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang) trong tình trạng: hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện khoảng 10 phút, bệnh nhân đang đi làm thì bị kiến xoan đốt vào sườn bên phải. Sau đốt khoảng 5 phút, bệnh nhân vã mồ hôi, tím tái, ngất lịm đi...
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nguy kịch và được cấp cứu nhanh chóng, điều trị bằng nhiều biện pháp như: Hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt. Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy.
Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tự thở và tỉnh táo hoàn toàn và đã được xuất viện.
Theo Bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, người dân sau khi tiếp xúc với dị nguyên (là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm: Thuốc, côn trùng, thức ăn và các hóa mỹ phẩm khác…). Trường hợp phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.
Với những trường hợp phản vệ, nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ bị co thắt phế quản gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch dẫn đến tử vong.
Vì vậy, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Kiến đốt, ong đốt, hoặc sau khi ăn các loại thực phẩm, thuốc... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị. (Theo báo Thanh Niên)
Suýt thủng dạ dày vì thói quen của đa số người Việt
Do thói quen sau khi ăn cơm dùng tăm xỉa răng và ngậm tăm xem tivi sau đó do ngủ quên, người đàn ông đã nuốt que tăm nhọn 2 đầu vào dạ dày gây viêm loét.
Ngày 8/11, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đã tiến hành gây mê, nội soi dạ dày để gắp dị vật là chiếc tăm dài hơn 5cm trong dạ dày người đàn ông.
Trước đó, ông L.V.T. (58 tuổi ở xóm Sơn Thịnh, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị đã 3 ngày.
Qua khai thác bệnh sử được biết, ông T. có thói quen ăn cơm xong hay dùng tăm xỉa răng, ngậm tăm xem tivi, rồi ngủ quên nên đã lỡ nuốt que tăm lúc nào không biết.
Qua thăm khám, bác sĩ đã chỉ định cho ông T. nội soi tiêu hoá. Trong quá trình nội soi dạ dày, phát hiện thấy gần môn vị dạ dày có 1 que tăm tre đâm vào thành dạ dày gây viêm loét.
Sau khi phát hiện dị vật, các bác sĩ đã tiến hành gây mê, thực hiện nội soi dạ dày để gắp dị vật là que tăm tre dài khoảng 5 cm nhọn 2 đầu. Rất may, que tăm nhọn chưa đâm thủng dạ dày và đường tiêu hóa của người đàn ông này. Sau nội soi gắp dị vật, hiện ông T. đã được xuất viện.
Việc người dân có thói quen ngậm tăm, dẫn đến nuốt luôn khi nào không hay, thường xuyên xảy ra. Về vấn đề này các bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp nuốt dị vật như thế này nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, dị vật có thể đâm qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng gây chảy máu, viêm phúc mạc, nặng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc do dị vật đường tiêu hóa gây nên, người dân nên bỏ thói quen ngậm tăm và tuyệt đối không nên ngậm tăm khi ngủ. Nếu không may nuốt phải dị vật cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. (Theo báo SKĐS).
Bộ Y tế đã cấp mới, gia hạn số đăng ký 16.000 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm
TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có tổng số gần 12.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Cùng đó Bộ Y tế đã gia hạn, cấp mới 4.087 thuốc theo quy định của Luật Dược...
Để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định công bố Danh mục 163 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 9 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Sáng 7/11, TS Vũ Tuấn Cường cho biết, tổng 9 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80 của Bộ Y tế đến nay là 11.866 (bao gồm 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vaccine sinh phẩm).
Cùng đó, TS Cường thông tin, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc trong nước và nước ngoài có thời hạn 3 năm hoặc 5 năm để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Đến nay đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược 2016. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng cho biết cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.
Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn, cấp mới số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Để đảm bảo thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc. Theo đó, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã ban hành nhiều văn bản dự báo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh chủ động mua sắm, dự trù số lượng, đồng thời chỉ đạo đơn vị nhập khẩu thuốc tăng cường tìm kiếm nguồn cung ứng...
Cùng đó, ưu tiên giải quyết ngay các các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm và thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nguồn cung hạn chế: Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã tập trung hỗ trợ các đơn vị thông tin về nguồn cung của thuốc, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu và thực hiện giải quyết ngay các các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm và thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nguồn cung hạn chế trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra để kịp thời có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chủ động đề xuất và được Tổ chức Y tế thế giới viện trợ một số loại thuốc rất hiếm như: 06 lọ thuốc giải độc Botulinum, 200 lọ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. (Theo báo Tiền phong).
Nhật Thắng tổng hợp