• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 10/11/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế đề xuất 8 bệnh truyền nhiễm nhóm B nào ưu tiên bố trí ngân sách khám, chữa bệnh?; Điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia BHYT được nâng lên mức 100% theo quy định mới; Thủng màng nhĩ vì cây lúa đâm vào tai; Căn bệnh ung thư khiến gần 23.800 ca tử vong mỗi năm, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa....

Bộ Y tế đề xuất 8 bệnh truyền nhiễm nhóm B nào ưu tiên bố trí ngân sách khám, chữa bệnh?

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Thông tư quy định Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất tiêu chí lựa chọn bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) như sau:

1- Tính chất nguy hiểm của bệnh; tỷ lệ tử vong, để lại di chứng cao so với các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B.

2- Chưa có vaccine hoặc khó tiếp cận vaccine.

3- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

4- Quản lý điều trị phức tạp; điều trị dài ngày.

5- Thuốc, vật tư điều trị không sẵn có hoặc phổ biến trên thị trường.

6- Khả năng chi trả của người bệnh đặc biệt đối với bệnh lưu hành ở khu vực có nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khó tiếp cận các dịch vụ y tế.

7- Ảnh hưởng của bệnh đối với xã hội: dịch vụ chăm sóc y tế, nghỉ làm hoặc nghỉ học, sự quan tâm của cộng đồng.

Căn cứ vào Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, các cơ sở y tế có trách nhiệm bố trí nhân lực và đề xuất kinh phí để triển khai thực hiện. (Theo báo SKĐS).

 

Điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia BHYT được nâng lên mức 100% theo quy định mới

Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn, tổ chức thanh toán bổ sung các chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh vượt tổng mức thanh toán từ ngày 01/01/2019 theo quy định; Các đơn vị chức năng và các tỉnh, thành phố tăng cường thanh kiểm tra, phòng chống lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi BHXH Việt Nam; Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành; Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định số 75/2023/NĐ-CP).

Thanh toán bổ sung các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của cơ sở y tế vượt tổng mức

Để triển khai thực hiện Nghị định kịp thời, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện các nội dung cụ thể:

Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai và đôn đốc thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP tới các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người có thẻ BHYT để người dân biết và thực hiện đúng quy định.

Đối với BHXH Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; thực hiện điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia BHYT quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP lên mức hưởng 100% theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP;

Hướng dẫn, tổ chức việc thanh toán bổ sung các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vượt tổng mức thanh toán từ ngày 01/01/2019 theo quy định tại khoản 8 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời tham mưu, hướng dẫn theo thẩm quyền, tập huấn, tổ chức thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP về việc lập, giao dự toán đến BHXH cấp tỉnh và thông báo số dự kiến chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Tăng cường thực hiện công tác giám định và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp nhận, giám định và phản hồi kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT; bảo đảm chính xác, an toàn, bảo mật thông tin và quyền lợi của các bên liên quan;

Chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT về các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, xác minh và điều chỉnh phù hợp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT.

Tăng cường thanh kiểm tra phòng chống hành vi lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT

Đối với các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức rà soát, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT, dược, trang thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, mua sắm, đầu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công để bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, khả thi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh BHYT và công tác giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, phòng chống hành vi lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong khám bệnh, chữa bệnh, mua sắm, đấu thầu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT và các quy định của Nghị định 75/2023/NĐ-CP; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp với BHXH tham mưu cho UBND tỉnh, thành xây dựng, chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách về BHYT phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, hỗ trợ mức đóng BHYT, xác định đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người tham gia BHYT theo quy định của khoản 3 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP nhằm duy trì tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh, thành phố đã đạt được và tiếp tục bao phủ phần dân số chưa tham gia BHYT.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, phòng chống hành vi lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Thực hiện nghiêm các quy định khám bệnh, chữa bệnh BHYT; triệt để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Đối với các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Mua sắm, đầu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan để bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm, khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Chủ động rà soát, ban hành, cập nhật kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH và điều chỉnh phù hợp.

Đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh BHYT, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế. (Theo báo SKĐS).

 

Thủng màng nhĩ vì cây lúa đâm vào tai

Anh T. không may bị cây lúa đâm vào tai khiến tai phải đau nhiều và ù tai, nghe kém. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện người bệnh có lỗ thủng màng nhĩ phải trung tâm và được chỉ định phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ.

Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết, mới đây đơn vị vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi vá nhĩ cho bệnh nhân C.V.T (33 tuổi, trú tại xã Điền Xá, huyện Tiên Yên). Đây cũng là trường hợp phẫu thuật vá nhĩ đầu tiên được thực hiện tại trung tâm y tế.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân cung cấp, trước khi nhập viện 2 ngày, anh T. không may bị cây lúa đâm vào tai khiến tai phải đau nhiều, ù tai, nghe kém. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành thăm khám và phát hiện người bệnh có lỗ thủng màng nhĩ phải trung tâm

Sau khi được làm các xét nghiệm và hội chẩn, bác sĩ đưa ra quyết định phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ cho bệnh nhân.

Kíp phẫu thuật được thực hiện bởi BSCKI Phạm Quang Huy - Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh), BS. Vũ Thị Thùy Linh - Khoa Liên chuyên khoa (Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên) cùng bác sĩ gây mê và kỹ thuật viên. Sau hơn 1 giờ thực hiện, ca phẫu thuật cho bệnh nhân T. diễn ra thành công.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết, đối với trường hợp bệnh nhân T., các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi vá nhĩ. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao vì phẫu trường rất hẹp. 

Trong khi đó, mảnh vá nhĩ được chọn là mảnh ghép tự thân của người bệnh, mảnh ghép không trực tiếp thay thế màng nhĩ mà đóng vai trò là giá đỡ cho đến khi lấp đầy lỗ thủng thì miếng ghép tự rời ra và tự tiêu hủy. (Theo báo Thanh Niên).

 

Căn bệnh ung thư khiến gần 23.800 ca tử vong mỗi năm, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

Chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, tỷ lệ sống qua 5 năm trung bình ở những bệnh nhân ung thư phổi là dưới 20% (18,6%). Một trong những lý do dẫn tới kết quả này là việc chẩn đoán muộn, khi bệnh đã tiến triển khiến việc điều trị khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn.

Thăm khám cho người bệnh ung thư tại Bệnh viện K.

Các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện K nêu rõ, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi thường là do khói thuốc lá. Thậm chí, ngay cả trên thế giới, người ta còn thống kê rằng khói thuốc lá là nguyên nhân của 80% các ca bệnh ung thư phổi. Lý do bởi các chất độc hại có trong khói thuốc sẽ tồn tại khá lâu bên trong phổi của người hít phải. Theo thời gian, các chất độc hại này sẽ làm biến đổi các tế bào trong phổi, dẫn đến căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Một điều quan trọng khác nữa là không chỉ người hút trực tiếp mới có nguy cơ bị mắc, mà ngay cả những người hút gián tiếp (bị hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi, thậm chí còn cao hơn cả những người hút thuốc trực tiếp.
Các chuyên gia Bệnh viện K cho biết, ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi. Thế nhưng do đến viện muộn nên phương pháp ưu tiên nhất mà bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật được là hạn chế lớn, mất đi cơ hội điều trị.

Trước đây, các nốt mờ phổi nhỏ, thường để theo dõi, chưa can thiệp, nhưng nay không nên theo dõi nữa, cần chỉ định phẫu thuật sớm. Chỉ định phẫu thuật ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1, 2 và đầu giai đoạn 3. Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính.

Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh: Điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức, cùng với phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị thì điều trị miễn dịch đã được ứng dụng vào thực hành lâm sàng tại Bệnh viện K trong nhiều năm qua. Đặc biệt mới đây, Bệnh viện K đã ứng dụng Robot vào phẫu thuật ung thư phổi.

Ung thư phổi có phòng ngừa được không?

TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K nhấn mạnh biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu...
"Đặc biệt là với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời"- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.
Do đó, cần lưu ý một số triệu chứng thường gặp của giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi dưới đây:

- Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn.

- Thường xuyên thấy đau ngực.

- Ho ra máu.

- Khó thở, ngạt mũi, khàn giọng.

- Viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại.

- Phù nề vùng mặt và cổ.

- Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân.

- Mệt mỏi.

Để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, các chuyên gia khuyến cáo trước hết cần bỏ thuốc lá bởi thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác;

Cùng đó phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây; Đồng thời thường xuyên rèn luyện, tăng cường sức khoẻ.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc mỗi người phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Với những người có tiền sử hút thuốc lá, các bác sĩ khuyến cáo sau 40 tuổi, sau 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung. (Theo báo SKĐS).

 

Bệnh nhân đột ngột liệt nửa người, bác sĩ phát hiện bệnh rất hiếm gặp

Đột ngột bị liệt nửa người nhưng điều trị không mang lại kết quả khiến nam bệnh nhân phải ngồi xe lăn, tiểu tiện mất kiểm soát. Qua thăm khám và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị dị dạng mạch máu tủy rất hiếm gặp.

Đó là trường hợp bệnh nhân V.V.P (31 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ. Qua khai thác bệnh sử từ phía người bệnh ghi nhận, tháng 7/2023, bệnh nhân có biểu hiện đau lưng, tê 2 chân, tình trạng ngày càng tăng dẫn đến liệt nửa người. Bệnh nhân đã thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả nên quyết định bay từ Hải Dương và Cần Thơ tìm giải pháp cứu chữa.

Ngày 9/11, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S cho biết, qua các kết quả kiểm tra bệnh nhân được chẩn đoán bị dị dạng mạch máu tủy, đây là bệnh lý rất hiếm gặp. Bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp để xử lý ổ dị dạng.

“Sau hơn 2 giờ can thiệp, chúng tôi đã đưa được những ống thông siêu nhỏ đường kính chưa tới 1mm qua động mạch tủy vào tận búi dị dạng vùng tủy ngực và bơm keo gây tắc hoàn toàn búi dị dạng. Trong quá trình can thiệp bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không có cảm thấy đau đớn” – TS.BS Trần Chí Cường cho biết.

Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân bình phục tốt, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng yếu liệt, tự đi lại, tiêu tiểu kiểm soát tốt, có thể quay về với cuộc sống bình thường.

Phân tích chuyên môn của TS.BS Trần Chí Cường chỉ ra, dị dạng mạch máu tủy là căn bệnh bẩm sinh rất hiếm gặp, bệnh thường có diễn tiến âm thầm và có biểu hiện giống các bệnh thông thường của cột sống như đau lưng, tê yếu 2 chân, giảm cảm giác 2 chân. Bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.

Những trường hợp nặng người bệnh sẽ tàn phế liệt 2 chân, tiêu tiểu không tự chủ. Việc chẩn đoán xác định bệnh mạch máu tủy chủ yếu dựa vào MRI có mức từ trường cao tối thiểu 1.5 Tesla và đôi khi cần phải bơm thuốc… Dấu hiệu điển hình trên MRI là các mạch máu giãn ngoằn ngoèo gọi là dấu hiệu “Flow void”.

Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phẫu thuật, phối hợp điều trị nội khoa chống phù tủy kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi đã kiểm soát được khối dị dạng. (Theo báo Tiền Phong).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.134
Tháng 11 : 71.976
Năm 2024 : 2.653.478
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.451.992