• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 07/11/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua; Cả ngàn nhân viên y tế tại TP. HCM nghỉ việc; Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván; Giun dài 10cm sống trong mắt người phụ nữ; Sử dụng kỹ thuật 'ngủ đông' cứu bé suy hô hấp, thiếu máu nặng ngay khi chào đời.

Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Vào viện được 6 giờ, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Sau hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn... Đại diện Viện Y học biển (TP. Hải Phòng) cho cho biết, Khoa Cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc biển của đơn vị vừa điều trị, cứu sống bệnh nhân nữ (60 tuổi) bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ vào kỹ thuật lọc máu liên tục.

Theo đó, trước khi được đưa vào viện cấp cứu, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, đã có biến chứng suy tim và vẫn đang điều trị đều theo đơn. Thời điểm vào viện, bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng kèm theo sốt nhẹ ngày thứ nhất. Tuy nhiên, khi vào viện tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh dù đã được dùng kháng sinh sớm, bù dịch và điện giải.

Sau khi vào viện được 6 giờ, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan (suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm toan máu nặng). Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực bằng truyền dịch, thuốc vận mạch, kháng sinh phổ rộng, nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu (mạch nhanh 150-160 l/p, huyết áp có thời điểm chỉ 60/40 mmHg) dù đã phối hợp với các thuốc vận mạch với liều cao.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn. Sau 1 ngày lọc máu và hồi sức tích cực, liều thuốc vận mạch đã được giảm từ 1.2 mcg/kg/phút xuống 0.2 mcg/kg/phút, điểm SOFA giảm từ 15 xuống 10 điểm. Sau 30 giờ lọc máu, bệnh nhân dừng được thuốc vận mạch và sau 36h, người bệnh được dừng lọc máu.

Cũng theo đại diện bệnh viện, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tiểu được, mạch huyết áp ổn định và sau nửa tháng điều trị, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, có thể được xuất viện về nhà.

Nói về bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam – Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc biển (Viện Y học biển) cho biết: Người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng là tình trạng bệnh lý rất nặng, diễn biến cấp tính, tử vong cao nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, đặc biệt là lọc máu liên tục nhằm điều chỉnh nhiễm toan máu, suy tạng. Do đó, việc lọc máu liên tục là phương pháp điều trị hiện đại, được tiến hành liên tục để thải các chất độc trong cơ thể bệnh nhân do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên. (Theo báo SKĐS).

Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua

Mặc dù đã bước sang tháng 11 nhưng số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua vẫn tăng cao hơn tuần trước đó, chưa thấy xu hướng giảm… Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 27-10 đến 3-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó.

Số mắc mới tập trung nhiều nhất ở Hà Đông với 218 ca, tiếp đến là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca)… Các phường, xã có nhiều bệnh nhân mới được phát hiện gồm: phường Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trên 30 bệnh nhân; xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân…

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch SXH mới tại 25 quận, huyện, thị xã, tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó. Các quận huyện có nhiều ổ dịch mới là: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch)…

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động.

Trước tình hình dịch SXH vẫn rất “nóng”, trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, người dân đã có ý thức hơn trong công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…

Ngành y tế kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/ lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài. (Theo báo An ninh thủ đô).

 

Cả ngàn nhân viên y tế tại TP. HCM nghỉ việc

Chiều 6.11, Thường trực HĐND TP.HCM thực hiện giám sát đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai củng cố "Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe toàn dân" trên địa bàn. Sở Y tế TP.HCM báo cáo với đoàn giám sát nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc.

Theo báo cáo, trong các năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 1.024 nhân viên y tế bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc.

Cụ thể, tại bệnh viện quận, huyện nhân viên y tế nghỉ việc là 688 người (năm 2021 nghỉ 240 người, năm 2022 là 306 người và 10 tháng đầu năm 2023 là 142 người), gồm 220 bác sĩ, 327 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và chức danh khác là 141 người.

Tại Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức nghỉ 366 người (năm 2021 nghỉ 130 người, năm 2022 nghỉ 154 và 10 tháng đầu năm 2023 là 82 người). Trong đó bác sĩ nghỉ 79 người; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y nghỉ 116 người và chức danh khác nghỉ 171 người.

Về nguyên nhân nhân viên y tế xin thôi việc thì có nhiều lý do khác nhau và hầu hết thôi việc vì hoàn cảnh gia đình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, việc giải quyết thôi việc theo nguyện vọng cho các viên chức có nhiều lý do. Đó là áp lực công việc, không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19. Mức thu nhập thấp. Nhà xa. Chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

"Lượng nhân viên y tế nghỉ việc khá cao, đặc biệt là bác sĩ, nhưng tuyển dụng bác sĩ về trung tâm y tế được đánh giá là rất khó khăn. Vừa qua có 207 bác sĩ trẻ hoàn thành thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế, nhưng sau đó chỉ có 18 bác sĩ đăng ký về y tế cơ sở (các trung tâm y tế)", đại diện Sở Y tế nói.

Trong nhiều kiến nghị, Sở Y tế có kiến nghị cần có chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế, phù hợp với tình hình TP.HCM; có chính sách đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở. (Theo báo Thanh niên).

 

Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván

Cửa ngõ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván có thể chỉ là các vết thương nhỏ như: gai đâm, xước da, dập móng, bấm lỗ tai…

Uốn ván sau khi cắt trĩ tại nhà

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) thông tin về 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván gần đây.

Khoảng một tuần trước nhập viện, bệnh nhân (BN) V.N (53 tuổi, ở Hòa Bình) nhờ người quen cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, BN xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém, được gia đình chuyển đến BV địa phương. Tại BV địa phương, BN được chẩn đoán mắc uốn ván. Do tình trạng nặng, BN được chuyển đến Khoa Cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể.

Trường hợp khác là BN nữ 68 tuổi ở Sơn La. Trước đó, BN xây xát da ở vùng mông do bị ngã trong chuồng lợn. Mặc dù có các vết thương hở nhưng BN không xử trí vết thương. 3 ngày sau, BN xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, có cơn co cứng, co giật toàn thân. Sau khi nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván, BN được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy; tuy nhiên, tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm nên được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Tại đây, bà được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương mà vi khuẩn xâm nhập có thể nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu, thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn.

Uốn ván gặp ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

Do vậy, việc xử lý ban đầu đối với các vết thương cần được thực hiện đúng cách. Bên cạnh cầm máu, cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Với các vết thương nhiều ngóc ngách, chảy máu, dính nhiều đất cát, đòi hỏi cắt lọc, sử dụng ô xy già, cần xử lý ở cơ sở y tế. Vết thương do động vật cắn cần được rửa lại bằng xà phòng. Sau đó, có thể bôi các dung dịch sát khuẩn phù hợp và băng bó nhẹ nhàng bằng băng y tế vô khuẩn.

Không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi khuẩn uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường kỵ khí, băng bó kín.

Bên cạnh chăm sóc vết thương thì cần tiêm dự phòng uốn ván đối với các vết thương dập nát, tổn thương sâu, bẩn. 

Ca mắc uốn ván tăng hơn 2 lần, 2 trường hợp tử vong

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 25.10, TP.Hà Nội ghi nhận 23 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong; số ca mắc và tử vong do uốn ván đều tăng so với cùng kỳ 2022 (10 ca mắc, không có tử vong).

Trường hợp ghi nhận gần nhất là BN nam 60 tuổi. Trước khi vào viện 14 ngày, BN bị bỏng bình ga ở hai cẳng chân, được điều trị tại BV đa khoa Xanh Pôn, chưa tiêm phòng uốn ván. Ngày 17.10, BN xuất hiện cứng hàm, co cứng 2 chân, hạn chế vận động, được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ, cứng hàm, miệng há 1,5 cm, chẩn đoán uốn ván. (Theo báo Tiền phong).

 

Giun dài 10cm sống trong mắt người phụ nữ

Mới đây một người phụ nữ ở TP. Hải Phòng thấy mắt của mình có hiện tượng đau, cộm, nhìn mờ và đến bệnh viện thăm khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ bất ngờ phát hiện trong mắt của người bệnh có một con giun còn sống dài 10cm.

Đại diện Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ Khoa Mắt của đơn vị đã tiến hành gắp 1 con giun dài 10cm còn sống trong mắt nữ bệnh nhân quê huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng).

Theo thông tin, người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí khám với triệu chứng đau mắt, cộm, nhìn mờ. Sau khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một con giun trong mắt của người bệnh. Theo đó, các bác sĩ đã cẩn trọng dùng dụng cụ chuyên dụng gắp con giun sán ra ngoài. Việc giun, sán ở trong mắt lâu dần sẽ gây ra viêm, chảy nước mắt, cộm ngứa. Nếu để lâu không được phát hiện và lấy ra sẽ khiến cho người bệnh nhìn mờ, khó khăn trong sinh hoạt.

Cũng theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, nguyên nhân khiến người bệnh mắc giun, sán có thể từ đồ ăn, tay chân tiếp xúc với ấu trùng hoặc cũng có thể bị lây từ chó, mèo. Để tránh nhiễm các loại giun, sán nói chung, mọi người cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh môi trường sống xung quanh, tẩy giun định kỳ và hạn chế tiếp xúc với chó, mèo…

Trường hợp mọi người bị những dấu hiệu mờ mắt do nhiễm giun, sán như: Mờ mắt kéo dài không rõ nguyên nhân, mờ mắt có tính chất tái đi tái lại hoặc mờ mắt nhưng không đau, không viêm đỏ; mắt cộm, ngứa mắt, nhìn mờ cảm giác như nhìn qua sương mù, nhìn thấy nhiều bóng đen (hiện tượng ruồi bay) và đôi khi kèm theo dấu hiệu toàn thân mệt mỏi, mẩn ngứa da, nổi mề đay dị ứng... cần đến các cơ sở y tế,  chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. (Theo Báo SKĐS)

 

Sử dụng kỹ thuật 'ngủ đông' cứu bé suy hô hấp, thiếu máu nặng ngay khi chào đời

Sáng 7/11, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BS CKII Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, Bệnh viện vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cứu sống 1 trường hợp bé sơ sinh bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu rất nặng ngay khi chào đời.

Trước đó, khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh tiếp nhận sản phụ N.T.C (trú huyện Đô Lương, Nghệ An) với chẩn đoán suy thai, rau bong non, mất máu cấp. Nhận định đây là một tình huống cấp cứu sản khoa rất nguy hiểm, đặc biệt đe dọa tính mạng thai nhi.

Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh đã liên hệ tuyến trên, nhờ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hỗ trợ. Ngay lập tức 2 bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi đã nhanh chóng lên đường, đến chi viện, phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cùng xử trí ca bệnh khó.

Sau đó, bé gái nặng 2800g chào đời trong tình trạng phản xạ yếu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu rất nặng. Bệnh nhi được ê-kíp bác sĩ liên viện hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản ngay tại phòng sinh và được chuyển thẳng sang Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi, bệnh nhi sơ sinh 1 giờ tuổi, được chỉ định làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim, thở máy, truyền máu và nhanh chóng được tiến hành thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não khỏi bị tổn thương.

Tuy nhiên, diễn biến bệnh của trẻ rất phức tạp, những ngày sau đó bệnh nhi xuất hiện tình trạng suy đa tạng, vô niệu hoàn toàn, nguy cơ tử vong cao.

Không bỏ cuộc và nản lòng, tập thể các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh quyết tâm, dốc hết sức điều trị tích cực, chạy đua từng giây từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhi. Sau thời gian điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi diễn tiến tốt dần, tỉnh táo, tự thở, bú được.

Các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não để kiểm tra tổn thương não, kết quả hết sức khả quan. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.

BS CKII. Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, bác sĩ trực tiếp cấp cứu bé gái ngay từ khi chào đời và điều trị trong thời gian nằm viện cho biết: Sự sống của bé gái con sản phụ N.T.C. thực sự là cuộc chiến với tử thần, mà ngay từ ban đầu, các bác sĩ đã có sự chủ động chuẩn bị phương án cấp cứu tích cực, hiệu quả.

Ngay sau khi chào đời, bé gái được cấp cứu kịp thời bởi các bác sĩ chuyên sâu hồi sức sơ sinh trong vòng 6 tiếng đầu tiên rất quý giá. Đây là quãng thời gian vàng để các bác sĩ tiến hành hạ thân nhiệt cứu sống não và tính mạng trẻ.

Ca điều trị thành công là kết quả của sự phối hợp liên tuyến chặt chẽ, kịp thời giữa Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh trong suốt quá trình cấp cứu, hội chẩn liên viện, điều trị kỹ thuật cao cứu bệnh nhi.

Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã có sự phối hợp điều trị với rất nhiều bệnh viện trong tỉnh Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong các chuyên khoa Sản và Nhi khoa, góp phần chẩn đoán và điều trị thành công, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng. (Theo Báo Thanh Niên).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.997
Tháng 11 : 73.839
Năm 2024 : 2.655.341
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.453.855