• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 08/11/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin về 'cơ chế thanh toán khi người có thẻ BHYT tự mua thuốc'; Tự ý dùng thuốc nam điều trị bệnh, nhiều trường hợp bị dị ứng nặng; Cứu sống bé 10 tuổi nguy kịch sau khi đắp thuốc nam chữa rắn độc cắn...

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin về 'cơ chế thanh toán khi người có thẻ BHYT tự mua thuốc'

Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia BHYT phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết...

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phần trả lời các ĐBQH về những nội dung liên quan đến chính sách BHYT, bổ sung i-ốt.

Về cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc Bộ Y tế đã giao vụ chức năng xây dựng Thông tư

Theo đó, trong phần chất vấn, ĐBQH Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về "giải pháp chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán BHYT?".

Đại biểu Hạnh cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hạnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, có hiện tượng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia BHYT phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh;

Thứ hai, Bộ đề xuất nghiên cứu các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực;

Thứ ba, rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT;

Thứ tư, liên quan đến vấn đề cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc, Bộ Y tế đã giao vụ chức năng của Bộ xây dựng Thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện Thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Nghị định mới về BHYT gỡ vướng việc thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh

Cũng liên quan đến vấn đề BHYT, trong phần chất vấn tiếp theo, trả lời về nội dung liên quan đến thanh toán tổng mức BHYT, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thứ nhất, theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tại Nghị quyết số 144 ngày 5/11/2022 của Chính phủ ban hành đã cho phép tháo gỡ nội dung về tổng mức thanh toán BHYT vượt tổng mức năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế và BHXH Việt Nam đã rà soát các nội dung chi để thực hiện theo đúng quy định.

"Hiện nay trên cơ sở rà soát cho thấy tổng mức thanh toán này khoảng hơn 1.000 tỷ. BHXH Việt Nam đang phối hợp với các cơ sở y tế để tiến hành thanh toán"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Thứ hai, để tháo gỡ liên quan đến tổng mức này của các năm trước đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 19/10/2023, trong đó có nội dung tháo gỡ những vướng mắc về tổng mức của các cơ sở y tế của giai đoạn trước năm 2021. Hiện nay Nghị định này đang được triển khai thực hiện. Đây là nội dung Bộ Y tế phối hợp cùng với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành.

Bổ sung i-ốt là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá lâu dài

Về nội dung liên quan đến muối i-ốt được ĐBQH Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin: Nghị định số 09 năm 2016 về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho người dân đã được triển khai từ năm 2016 đến nay. Trong quá trình triển khai Nghị định này, Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ban ngành đánh giá 5 năm thực hiện và đã có báo cáo đánh giá về bổ sung vi chất trong đó có i-ốt trong thực phẩm đối với người dân.

Đối với các doanh nghiệp, cũng đề xuất việc bổ sung i-ốt chỉ mang tính chất tự nguyện không phải là bắt buộc, tuy nhiên đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá lâu dài.

"Về phía Bộ Y tế đã có những báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phòng, chống rối loạn i ốt trong cuộc sống. Hiện nay tỷ lệ số thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng liên quan đến i ốt vẫn chưa đạt được ngưỡng cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy Bộ Y tế đã có báo cáo 5 năm triển khai Nghị định số 09 với Chính phủ về việc sửa đổi hay không sửa đổi Nghị định số 09"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trên cơ sở báo cáo đánh giá và thực trạng về vấn đề i-ốt đối với sức khỏe của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, các hiệp hội để tạo sự đồng thuận trong vấn đề đảm bảo sức khỏe của người dân và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 09 về tăng cường bổ sung dinh dưỡng.

"Với trách nhiệm của Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và đánh giá những cơ sở khoa học để việc triển khai thực hiện Nghị định 09 trong thời gian tới khi đạt được những tiêu chuẩn, mục tiêu của chúng ta đề ra sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo phù hợp trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của người dân nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói trong phần trả lời chất vấn của ĐBQH Đỗ Đức Hiển về nội dung này chiều 7/11. (Theo báo SKĐS)

 

Tự ý dùng thuốc nam điều trị bệnh, nhiều trường hợp bị dị ứng nặng

Một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị sỏi thận đã uống thuốc nam điều trị. Sau dùng thuốc được 10 ngày bệnh nhân xuất hiện tổn thương da

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y điều trị bệnh. Trong đó, có trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng thể TEN hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc sau dùng thuốc nam điều trị sỏi thận.

Mới đây,  bệnh nhân nữ 60 tuổi bị sỏi thận đã uống thuốc nam điều trị. Sau dùng thuốc được 10 ngày bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân. Trước đấy, bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân đến khám Bệnh viện Da liễu Trung ương được chẩn đoán dị ứng thuốc thể TEN và chỉ định nhập viện điều trị.

Dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tinh trạng hoại tử và mất thượng bì.

Các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm: allopurrinol (thuốc điều trị bệnh Gout), thuốc chống co giật nhân thơm, các loại thuốc kháng sinh, lamotrigine (thuốc chống động kinh), thuốc hạ sốt, giảm đau không steroid, nhóm dẫn xuất oxicam.

Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là kháng sinh nhóm sulfonamid, phenobarbital, carbamazepin và lamotrigine. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý, liên quan đến gen,... Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để  phòng tránh. Các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng, nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.

Các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như: khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước ....nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất. (Theo báo Lao động).

 

Cứu sống bé 10 tuổi nguy kịch sau khi đắp thuốc nam chữa rắn độc cắn

Bị rắn cạp nia cắn vào chân, cháu K. được gia đình đưa đến thầy thuốc gần nhà để chữa bằng thuốc nam dẫn đến nguy kịch phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 7/11, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, điều trị cho một bệnh nhi bị rắn cạp nia cực độc cắn. Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, không để lại di chứng và được xuất viện về nhà.

Trước đó, vào giữa tháng 10/2023, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp nhận cháu N.D.K. (10 tuổi, trú tại huyện Quỳnh Lưu) trong tình trạng trong tình trạng nguy kịch. 

Theo lời kể của bố cháu K., cách thời điểm nhập viện 13 giờ, cháu bị con rắn dài khoảng 1 mét, cắn ở mặt ngoài bàn chân trái. Cháu K. được người nhà đưa đi đắp thuốc nam ở thầy thuốc gần nhà. Sau đó, cháu mệt mỏi, mỏi cơ vùng mắt, lưng. Người nhà lo lắng đưa cháu đến khám ở Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, cháu K. được đặt ống nội khí quản, truyền dịch rồi chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. 

Sau khi thăm khám và quan sát hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, bác sĩ xác định bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn, nhiễm độc nặng gây suy hô hấp, yếu cơ toàn thân.

Bệnh nhi được thở máy, điều trị hỗ trợ. Sau 4 ngày thở máy, cơ lực toàn thân cũng như các cơ hô hấp dần được hồi phục, trẻ được rút ống nội khí quản. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ chi và các cơ hô hấp, không để lại di chứng thần kinh và được xuất viện.

BSCKII. Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cho biết, rắn cạp nia là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, thường gây giãn đồng tử, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, đặc biệt gây liệt cơ hô hấp đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.

Người thân cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết nên mang theo để giúp các bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời. Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc garo phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ bị hoại tử chi bị cắn.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo, khi trẻ bị rắn cắn, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, trấn an để trẻ nằm yên, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. (Theo báo Thanh Niên)

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.058
Tháng 11 : 73.900
Năm 2024 : 2.655.402
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.453.916