• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngành Y tế Hà Tĩnh tích cực trong giảm thải chất thải nhựa

Thay vì sử dụng các vật dụng bằng nhựa, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang hướng đến sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường như: Túi giấy, ly giấy, ly thủy tinh… để giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tại Văn phòng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm sát bệnh tật, trong các cuộc họp, giao ban, tập huấn đã không còn tình trạng sử dụng chai nước khoáng nhỏ thay vào đó là các chai thủy tinh, hoặc các ấm sứ đựng nước. Việc thay đổi này đã giúp giảm thiểu rất nhiều chai nhựa nhỏ.

Các cuộc họp trong ngành y tế không sử dụng chai nhựa đựng nước uống

 

Còn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, việc phân loại rác thải theo từng nhóm riêng đã được các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện thực hiện tốt. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của các khoa cũng thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Bằng nguồn lực của bệnh viện và sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, hiện nay, bệnh viện đã lắp đặt trên 42 máy lọc nước tại hành lang ở các khoa, phòng, giúp người bệnh có nguồn nước uống miễn phí. Điều này không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh, người nhà mà còn hạn chế được số lượng rất lớn các chai nước bằng nhựa mang vào bệnh viện mỗi ngày.

Bệnh nhân Hoàng Văn Anh, chia sẻ: Vào viện, tôi và người nhà được các y, bác sĩ hướng dẫn việc giữ vệ sinh, để rác đúng nơi quy định, đặc biệt hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon. Gia đình tôi cũng đã dùng bình nước, cốc thủy tinh thay cho chai nước, cốc nhựa như trước đây.

Các đồ đựng, bao thuốc cũng được thay đổi

 

Một trong những nguồn phát sinh chất thải nhựa lớn nhất tại bệnh viện là các tấm phim chụp. Theo báo cáo, từ năm 2018 trở về trước, mỗi năm, bệnh viện dùng khoảng hơn 1.700 hộp phim, mỗi hộp 100 tấm phim. Như vậy, mỗi năm, ít nhất phát thải khoảng trên 170.000 tấm phim nhựa. Nhằm giảm thiểu việc in phim, BVĐK tỉnh đã đưa vào hoạt động hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACS). Đây là một công nghệ hình ảnh y tế cung cấp nơi lưu trữ, truy xuất, quản lý, phân phối và trình chiếu hình ảnh. Hệ thống này đã giúp giảm rõ rệt số phim sử dụng hàng năm. Theo thống kê, từ đầu năm 2019 trở lại nay, số lượng phim giảm mạnh. Ước tính năm 2019, bệnh viện chỉ sử dụng khoảng dưới 300 hộp phim. Số phim này phần lớn là sử dụng cho các bệnh nhân phải chuyển viện lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi nilon, hộp cơm bằng xốp và chuyển sang dùng các loại hộp đựng thức ăn bằng inox, hộp nhựa sử dụng nhiều lần hoặc ăn uống tại căng tin để hạn chế các loại túi, hộp đựng thực phẩm chỉ sử dụng một lần.

Đặc biệt tại bệnh viện Phục hồi chức năng, khi phát thuốc cho bệnh nhân đều sử dụng giấy thay vì sử dụng túi nilon. Trên túi giấy được gim sẵn tên bệnh nhân thay vì viết thẳng lên giấy. Bên cạnh đó, cán bộ y tế của bệnh viện cũng động viên, khuyến khích người bệnh thu gom lại các túi giấy này trả lại cho bệnh viện để có thể tái sử dụng nhiều lần.

 Các đơn vị trong ngành ký kết giảm thiểu chất thải nhựa

 

Bác sĩ Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Việc sử dụng các sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần đã trở thành thói quen hàng ngày của đa số người dân, nhất là trong môi trường bệnh viện, nơi mà tính tiện dụng của các sản phẩm này dễ “chinh phục” bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Xác định nếu chỉ tuyên truyền, vận động sẽ không hiệu quả, chỉ khi đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên và người lao động của ngành làm trước thì người bệnh, người nhà bệnh nhân mới thực hiện theo. Do đó ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn ngành. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon tại các buổi giao ban, hội nghị của ngành, các cơ quan, đơn vị. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần được hạn chế dùng ở mức thấp nhất. Vai trò nêu gương của các y, bác sĩ, nhân viên đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong vấn đề này được thực hiện tối đa. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn, bảo đảm các sản phẩm có thể tái chế được phân loại, tái chế theo quy định, giảm thiểu xả thải ra môi trường.

Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với 0,28 đến 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Chính vì vậy, mỗi người trong cộng đồng cần chung tay hành động để giảm thiểu chất thải và rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Thanh Nhàn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 335
Tháng 04 : 180.587
Năm 2024 : 677.806
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.476.320