Hành trình cùng con
Đối với nhiều người, việc được nghe con nói, con gọi mẹ là một điều rất đỗi bình thường. Nhưng với chị Nguyễn Thị Ngọc Quyên - xóm Hương Giang, xã Lộc Yên, Hương Khê đó lại là những giây phút hạnh phúc tột cùng mà chị đã chờ mong, khắc khoải trong suốt cuộc hành trình hơn 4 năm giúp con biết nói, biết hòa nhập cộng đồng.
Bé Nguyễn Minh Đạt (7 tuổi) - con trai thứ hai của chị Quyên được phát hiện mắc mắc chứng tự kỷ năm lên 2 tuổi. Nhắc lại hành trình khi bắt đầu phát hiện ra con bị bệnh, đôi mắt người mẹ đượm buồn: “ Lên 2 tuổi, bé Đạt vẫn chưa biết nói, không nhận biết được người xung quanh, hễ mở cửa nhà là cháu lại chạy đi một cách vô định. Vợ chông tôi đưa con đi khám mới biết cháu bị mắc bệnh phổ tự kỷ. Lúc ấy tôi thực sự hoang mang, tuyệt vọng, tự nhốt mình trong nhà, tự trách bản thân mình đã làm gì sai để con bị bệnh như vậy. Tôi rất lo lắng không biết bệnh tình của con có chữa được không; sau này vợ chồng già rồi mất đi thì ai sẽ thay mình chăm sóc cho con…”. Bao lo lắng cứ đè nặng lên tâm tư của một bà mẹ trẻ.
Rồi những tháng ngày bất ổn dần qua, người mẹ trẻ chấp nhận với thực tế không may mắn của con mình - Một đứa trẻ không có khả năng giao tiếp về ngôn ngữ; sinh hoạt không theo quy luật: không tự chủ trong vệ sinh cá nhân, không ý thức được hành động của mình mà đặc biệt là không biết dừng lại khi tự làm đau mình. Nén nỗi đau, chị đã bắt đầu tìm hiểu và sống với những niềm vui, nỗi buồn trong thế giới đặc biệt của con mình, với một niềm tin về ngày mai tươi sáng.
Chồng thường xuyên công tác xa nhà, con trai đầu còn nhỏ. Chị Quyên đã phải nghỉ việc, ở nhà tập trung chăm sóc và đưa con đi chạy chữa. Hơn 4 năm rong ruổi khắp các bệnh viện, trung tâm dành cho trẻ hòa nhập, hành trình của mẹ con chị Quyên thật lắm gian nan. “Thời gian đầu, tôi phải gửi cháu lớn cho bà nội chăm sóc. 2 mẹ con ra tận TP Vinh (Nghệ An) thuê trọ để chữa trị bệnh. Gần 01 năm điều trị, bệnh tình của Đạt không có dấu hiệu khả quan, tiền bạc thì đã kiệt quệ. Trong lúc bế tắc nhất, tôi được một người quen giới thiệu về bệnh viện Phục Hồi chức năng Hà Tĩnh để điều trị. 2 mẹ con khăn gói trở về và điều trị tại đây”.
Bắt đầu từ thời điểm đó đến nay, dù là nắng lửa hay mưa giông, Sáng nào 2 mẹ con chị cũng đều đặn vượt hơn 120km đi /về trên cung đường Hương Khê - Thành phố Hà Tĩnh và ngược lại, để bé Đạt được chữa trị và học tập tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh. Chiều về bé Đạt lại được mẹ gửi theo học hòa nhập với các bạn cùng trang lứa tại trường mầm non của xã.
Những năm đầu, dù tích cực điều trị nhưng cháu Đạt vẫn không có chuyển biến rõ nét. “Cũng có những lúc tôi thấy nản lòng, cũng có lúc thấy mệt mỏi khi cháu không chịu hợp tác điều trị cùng cô giáo, nhưng nghĩ đến tương lai, tôi lại kiên trì phối hợp với các bác sỹ của bệnh viện Phục hồi Chức năng để đồng hành cùng con trong hành trình học chơi, học nói và nhận biết các vật dụng quanh mình. Mẹ con tôi coi bệnh viện, coi các y bác sĩ tại bệnh viện như người thân, như ngôi nhà thứ hai của mình”.
Khó khăn, vất vả là vậy, hành trình gian khổ ấy của mẹ con chị luôn có sự đồng hành của gia đình, hàng xóm láng giềng, các cô giáo của Đạt … Họ luôn hỗ trợ cùng vợ chồng chị Quyên trong hành trình đưa con hòa nhập cộng đồng. “ Gia đình tôi luôn mang ơn họ. Họ không xem Đạt là người khác biệt hay kỳ thị con. Nhiều lần cháu đi lạc đường , cả xóm chia nhau đi tìm bé Đạt giúp vợ chồng tôi. Những điều giản dị vậy thôi đã khiến tôi rất ấm lòng…”chị Quyên nghẹn ngào chia sẻ.
Sau hơn 4 năm kiên trì, vượt qua những khó khăn vất vả, sự nỗ lực của mẹ con chị Quyên đã được đền đáp. Đạt đã cất tiếng nói đầu tiên ở tuổi thứ 6, trong niềm vui, hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Rồi em cũng biết tự chăm sóc và vệ sinh cá nhân, biết đọc và biết viết thành thạo từng con chữ. Niềm vui, hạnh phúc của gia đình chị tiếp tục được nhân lên khi ở tuổi thứ 7, Đạt đã có thể tự tin mỗi sáng chuẩn bị đồ dùng học tập, tư trang cá nhân và vui vẻ theo anh đến trường để học tập. Đây chính là nguồn năng lượng vô bờ, điểm tựa vững chắc tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng chị Quyên tiếp tục hành trình cùng con điều trị bệnh.
“Chỉ mong con khỏe mạnh, may mắn sau này đỡ hơn có thể theo học nghề ở một trường dành cho trẻ khuyết tật, để Đạt có thể tự lo được cho bản thân mình khi cha mẹ đã già yếu…”, ước mơ nhỏ nhoi ấy làm sáng lên đôi mắt chị Quyên đang âu yếm nhìn Đạt.
Đoàn Loan