• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bỏ ngay thuốc lá để tăng hiệu quả điều trị Hen phế quản – phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Theo thông lệ cứ mỗi tháng 1 lần Tổ Quản lý ngoại trú Hen - COPD, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh lại tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân điều trị ngoại trú hen phế quản – COPD tại bệnh viện. Đây thực sự là những buổi sinh hoạt có ý nghĩa quan trọng, giúp người bệnh được trao đổi với bác sỹ về quá trình điều trị, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều trị tại gia đình.  

Bệnh nhân Nguyễn Tiến Doạt, 66 tuổi ở xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) ông có tiền sử hút thuốc lá gần 50 năm đang được điều trị ngoại trú tại BVĐK tỉnh

 

Tổ Quản lý ngoại trú Hen phế quản - COPD, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập từ năm 2013 và chính thức đi hoạt động từ năm 2015, hiện đang quản lý khoảng 900 bệnh nhân ngoại trú hen phế quản và COPD, số bệnh nhân mới được phát hiện vẫn tăng vài chục trường hợp mỗi tháng.

Bác sĩ Hoàng Yến thành viên tổ Quản lý cho biết: “Qua theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân, cứ 100 bệnh nhân đang theo dõi và điều trị trị thì có đến 90 bệnh nhân liên quan đến thuốc lá. Trong đó, trên 70% là trực tiếp hút thuốc lá, thuốc lào, số còn lại là hút thuốc thụ động. Có những bệnh nhân hút thuốc lá trên 300 bao/năm; thời gian hút thuốc của bệnh nhân cũng kéo dài hàng chục năm, trong đó điển hình có người hút tới 50 năm”.

Một buổi sinh hoạt của CLB Hen phế quản - COPD tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

 

Bệnh nhân nam Phạm Văn Nhuận, 34 tuổi ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê có tiền sử hút thuốc lá 14 năm cho biết: Anh có những triệu chứng của hen phế quản gần 1 năm nay và được quản lý ngoại trú bệnh Hen phế quản tại BVĐK tỉnh. Anh cho biết: “Được quản lý, theo dõi sức khoẻ tại đây, tôi còn thấy tia hy vọng. Khi chưa được quản lý, cứ giao mùa, những lúc lên cơn khò khè, cảm giác khó thở… đặc biệt là khi chơi thể thao thì gần như không thở được. Sau khi được các bác sỹ tư vấn và khuyên bỏ thuốc lá để tăng hiệu quả điều trị bệnh, tôi đã làm theo thì thấy sức khoẻ cải thiện nhiều. Tôi luôn làm theo lời bác sĩ dặn và được sự động viên của gia đình nên hiện tại tôi thấy sức khỏe của mình đã được cải thiện, không còn thở khò khè và có thể chơi thể thao vừa phải được”.

Trong khi đó, bệnh nhân Nguyễn Tiến Doạt, 66 tuổi ở xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) ông có tiền sử hút thuốc lá gần 50 năm. Trước đây, mỗi lần ho nhiều, khó thở, ông lại đi khám, uống thuốc và khỏi. Tuy nhiên, sau một trận ốm nặng, phải điều trị nội trú dài ngày, được các bác sĩ phân tích nguyên nhân do thuốc lá, ông mới quyết tâm cai thuốc. Bỏ hẳn thuốc và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ đã mang lại sức khoẻ cải thiện đáng kể cho ông Doạt. Được quản lý ngoại trú COPD hơn 2 năm nay, chức năng hô hấp của ông Doạt tăng lên. Vấn đề quan trọng nhất là sức khoẻ tốt hẳn lên, tình trạng ho đã giảm. “Các con trai tôi cũng từng hút thuốc, nhưng tôi bảo các con hãy nhìn bệnh của bố mà cai thuốc đi” thì chúng đều tự nguyện bỏ thuốc. Không chỉ với các con, bây giờ tôi thấy ai hút thuốc cũng đều khuyên bỏ” - ông Doạt tâm sự.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có tới 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu TW, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá chiếm 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Những tác động có hại của thuốc lá đến phổi đã được chứng minh. Vì vậy, theo bác sĩ Hoàng Yến, bệnh nhân nào đến khám và điều trị ngoại trú đều được tư vấn bỏ thuốc lá để tăng hiệu quả điều trị, tuy nhiên, ngoài phần lớn bệnh nhân hợp tác và quyết tâm bỏ thuốc, vẫn còn một số ít bệnh nhân không chịu cai thuốc hoặc không cai thuốc thành công. Ở những bệnh nhân này, hiệu quả điều trị kém hơn hẳn so với bệnh nhân cai được thuốc lá.

Nhanh suy giảm chức năng hô hấp, tăng nguy cơ nhập viện là những nguy cơ của bệnh nhân Hen phế quản - COPD nếu không được quản lý. Nhưng theo bác sĩ Hoàng Yến, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị và cai thuốc lá ngay. Đối với người hút thuốc lá thụ động, cần tránh xa khói thuốc.

Tuấn Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.126
Tháng 05 : 118.589
Năm 2024 : 837.888
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.636.402