Điểm báo, ngày 16/11/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin 5 điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; Đầu tư đồng bộ mạng lưới y tế vùng; Cần chính sách gì để khuyến khích chị em sinh con?; Tạo cơ chế để người bệnh trực tiếp mua thuốc, vật tư y tế; Có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân?...
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin 5 điểm mới đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT
Nghị định 75 với 5 điểm mới, được cho là có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Sáng nay, 16/11, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Hội nghị này nối điểm cầu trung ương từ Bộ Y tế đến điểm cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và hàng trăm các bệnh viện trên cả nước.
Trước đó, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Nghị định này được cho là có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh 5 điểm mới của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã có mốt số điểm mới so với Nghị định 146 năm 2018. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; và đối tượng người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, Nghị định 75 cũng đã bổ sung, nâng mức hưởng BHYT trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của TTCP và một nhóm đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ ba, Nghị định 75 đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Nghị định đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 01/01/2019.
Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Thứ tư, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHYT của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT, phòng chống lạm dụng, lãng phí, trục lợi quỹ BHYT.
Thứ năm, Nghị định 75 cũng bổ sung, làm rõ phương thức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, sửa đổi thủ tục khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp với quy định của Chính phủ về sử dụng giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 và xác thực điện tử và sửa đổi một số nội dung mang tính chất kỹ thuật khác.
"Các quy định mang tính chất đổi mới của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thông tin, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ BHYT chủ trì phối hợp với các Vụ/Cục liên quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).
Đầu tư đồng bộ mạng lưới y tế vùng
Hoàn thiện mạng lưới y tế trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (vùng) nhằm nâng cao sức khỏe khám, chữa bệnh cho người dân là một trong các mục tiêu lớn mà các địa phương đang đặt ra. Hợp tác, liên kết trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y học hiện đại, xây dựng bệnh viện vệ tinh vùng... là những việc cần sớm triển khai, thực hiện.
Hệ thống bệnh viện vệ tinh vùng
Mặc dù hệ thống y tế tuyến cơ sở đã được kiện toàn, củng cố, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên; tuy nhiên, phân bổ cơ sở hạ tầng y tế chưa đồng đều; cơ sở hạ tầng y tế của vùng còn thiếu và yếu, phát triển mạng lưới cơ sở y tế chưa đạt mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định: “Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở. Phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố Vinh và thành phố Huế thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu; Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học (ĐH) Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế”. Đây là một trong những nội dung trọng tâm để các địa phương trong vùng tiếp tục hợp tác, kết nối để cùng đầu tư cho lĩnh vực y tế; góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tại từng địa phương; hoàn thiện mạng lưới y tế, chăm lo toàn diện sức khỏe cho nhân dân.
Việc phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu trong vùng cần gắn với việc đầu tư phát triển của bệnh viện tuyến trung ương trong vùng là Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện đảm nhận vai trò là bệnh viện vùng để bảo đảm tính khả thi và tận dụng được các nguồn lực sẵn có.
Hiện nay, các bệnh viện lớn của các địa phương đã thực hiện vai trò nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tại Nghệ An, trong phát triển kỹ thuật, địa phương này đã đạt được ba mục tiêu hết sức quan trọng để trở thành Trung tâm y tế của khu vực là: Xây dựng được Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Ung bướu; thực hiện được kỹ thuật ghép tạng (thận)...
Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập nhiều trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Kỹ thuật cao, Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Ung bướu-Y học hạt nhân, Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình-Phẫu thuật tạo hình.
Thành phố Đà Nẵng chi mạnh tay đầu tư xây dựng tại Bệnh viện Đà Nẵng hai trung tâm gồm: Trung tâm Tim mạch với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng; Trung tâm Ghép tạng và Cấy ghép tế bào gốc với tổng mức đầu tư của dự án gần 500 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ sở y tế hạng 1 như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đang triển khai đồng loạt các đề án bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đồng thời, bắt tay vào triển khai xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, kết nối khu vực vùng.
Thiếu nguồn nhân lực
Theo Bộ Y tế, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hiện có bốn cơ sở đào tạo công lập khối ngành sức khỏe: gồm ĐH Y khoa Vinh, ĐH Y Dược Huế, Khoa Y Dược-ĐH Đà Nẵng, ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Nâng cao chất lượng đào tạo và tăng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo trong vùng nhằm bảo đảm cung cấp đủ số lượng nhân lực y tế của các tỉnh trong vùng còn thiếu hụt so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đến năm 2025, toàn vùng còn thiếu 6.427 bác sĩ, năm 2030 sẽ thiếu 14.066 bác sĩ; đáng lưu ý số lượng điều dưỡng thiếu hụt tương đối nhiều, đến năm 2025 thiếu 39.341 người và đến năm 2030 thiếu 60.155 người. Các bệnh viện cần có tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng đạt ở mức từ 1/2,5-1/3 để bảo đảm thực hiện được chăm sóc toàn diện.
Để bảo đảm nguồn nhân lực, hiện các địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý và có chất lượng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thực hiện chăm sóc toàn diện. Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố với 142 vị trí việc làm. Cụ thể, bác sĩ có trình độ tiến sĩ được hưởng 200 lần mức lương cơ sở; bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hưởng 180 lần mức lương cơ sở; bác sĩ nội trú hưởng 150 lần mức lương cơ sở; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp một hưởng 120 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại giỏi hưởng 100 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa loại khá hưởng 80 lần mức lương cơ sở; bác sĩ đa khoa được hưởng 50 lần mức lương cơ sở.
Năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết 33/2022/NQ-HĐND về “Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ cho ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023-2025”. Dự kiến, trong ba năm, từ 2023-2025, địa phương này sẽ thu hút khoảng 120-150 bác sĩ; kinh phí hỗ trợ khoảng 45,5 tỷ đồng được chi trả trong 5 năm từ nguồn ngân sách của tỉnh. Nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, được hưởng chế độ hỗ trợ cao nhất dự kiến là 300 triệu đồng/năm, thấp nhất là 35 triệu đồng/năm, căn cứ vào trình độ đào tạo và nơi làm việc.
Đầu tư đồng bộ mạng lưới y tế vùng, phần lớn quyết định nhiều thay đổi về an sinh-xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vì sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của toàn vùng. (Theo Nhân dân).
Tạo cơ chế để người bệnh trực tiếp mua thuốc, vật tư y tế
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế trong mọi trường hợp khi đi khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang xây dựng thông tư quy định về thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong phần trả lời chất vấn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về nội dung liên quan đến cơ chế thanh toán cho người bệnh tham gia BHYT mua thuốc trực tiếp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đã giao đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng một thông tư về vấn đề này. Tinh thần chung của thông tư được xác định là quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được bảo đảm trong mọi trường hợp, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết. Theo Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang, bộ phận xây dựng thông tư đang nỗ lực để hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và nhân dân nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của công tác khám, chữa bệnh và quan trọng nhất là để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Việc cơ sở y tế phải bảo đảm đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được quy định trong Luật BHYT và Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như nhiều văn bản khác về khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan cho nên thời gian qua tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Về phía Bộ Y tế cũng tham mưu, xây dựng, sửa đổi trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế; tăng cường cung ứng thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc.
Bộ Y tế xác định, các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm cung ứng thuốc và kê đơn cho người bệnh, bởi việc sử dụng thuốc tại đây vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chất lượng của thuốc; vừa bảo đảm an toàn của người bệnh, xử lý kịp thời các vấn đề tai biến liên quan và trách nhiệm của cơ sở y tế. Do đó, về nguyên tắc, cần cố gắng tối đa thực hiện các quy định để người bệnh không bị thiếu thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, vẫn có những khó khăn, nhất là trong thời điểm hiện nay, thậm chí là trong tương lai khi xảy ra những đại dịch, hoặc biến cố về thảm họa hoặc điều kiện nào đó mà việc cung ứng thuốc bị đứt gãy thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng thiếu thuốc, cho nên khi xây dựng quy định, cần có cơ chế để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế là hợp lý.
Hiện nay, theo quy định của Luật BHYT, tại khoản 2 Điều 31, có ba trường hợp người bệnh được thanh toán chi phí trực tiếp với cơ quan BHXH. Thứ nhất, đó là trường hợp người bệnh phải khám tại cơ sở y tế chưa ký hợp đồng bảo hiểm. Thứ hai, trong một số trường hợp nhất định khi người bệnh đi thanh toán mà có thiếu sót về mặt trình tự thủ tục thì vẫn được thanh toán lại với cơ quan BHXH (nhưng trường hợp này mức thanh toán vẫn rất thấp). Thứ ba, là những trường hợp đặc biệt khác. Như vậy, có thể vận dụng trường hợp này để có thể xây dựng dự thảo các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng, hoặc vì các lý do khách quan...
Tuy nhiên, nếu có thể áp dụng Điều 31 Luật BHYT thì vẫn cần phải khu trú những trường hợp thật sự đặc biệt thì mới cho phép kê đơn, tự mua thuốc; đồng thời vẫn cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm đủ thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Vụ trưởng BHYT Trần Thị Trang cũng cho rằng, cần làm rõ: Nếu cho phép các trường hợp đặc biệt được thanh toán trực tiếp thì mức giá thế nào, cơ chế, trình tự, thủ tục thanh toán ra sao… để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, đồng thời thuận tiện cho cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền của cơ sở y tế để bảo đảm họ vẫn cần tăng cường việc mua sắm, bảo đảm cơ số thuốc; chỉ nên chỉ định cho bệnh nhân mua thuốc ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, khách quan.
Trong dự thảo thông tư đang được xây dựng, ban soạn thảo tập trung quy định các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lý do khách quan, bất khả kháng như: trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mà thuốc hết, hoặc đấu thầu tập trung quốc gia, đấu thấu tập trung địa phương hết, hoặc thuốc hiếm không sẵn có do có nhiều loại không thể mua, không thể dự trù… Khi đáp ứng đủ điều kiện này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới được để cho người bệnh mua thuốc ở bên ngoài, còn về nguyên tắc thì cơ sở vẫn phải bảo đảm cung ứng thuốc.
Đây là vấn đề rất khó để quy định, tuy nhiên đã có cơ sở pháp lý (mặc dù phạm vi hẹp) nhưng ban soạn thảo đang nỗ lực cùng chuyên gia và các đơn vị liên quan bàn thảo tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm đúng, đủ, chặt chẽ và khả thi, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Bộ Y tế cũng lưu ý, thông tư nhằm khắc phục những điều kiện bất khả kháng, khách quan. Về nguyên tắc cần phòng ngừa lạm dụng các quy định này, cho nên đây không phải là điều khuyến khích, mà chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng. Vẫn cần có các biện pháp lâu dài, căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế bảo đảm cung ứng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế, không phải sử dụng quy định này... ( Theo Nhân dân).
Có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp đánh giá sức khoẻ tổng quát và sức khoẻ sinh sản cho các cặp đôi, qua đó có thể phát hiện sớm các bệnh lý di truyền, giúp các cặp đôi có biện pháp sàng lọc trước sinh để sinh ra những đứa con khoẻ mạnh.
Theo thống kê, hàng năm trên cả nước có hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 -23.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh và mắc bệnh lý di truyền. Tại phiên thảo luận ngày 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Chính phủ cân nhắc đưa quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân vào luật và đi kèm chính sách hỗ trợ cho các đối tượng kết hôn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.
Từ Quảng Ninh lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, cặp đôi Nguyễn Tiến Mạnh và Phạm Thị Hương cho biết, họ kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn. Sau khi có kết quả bình thường, Hương sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để xét nghiệm thêm xem cô có mang gene bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hay không. “Chị con bác ruột của em mang gene bệnh này, em thấy mình cần phải xét nghiệm xem có mang gene Thalasimia không. Đây là xét nghiệm chuyên sâu nên chi phí không hề rẻ”, Hương cho biết.
PGS.TS Trần Danh Cường, Chủ nhiệm bộ môn Sản, Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thông thường các bạn trẻ đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu hỏi về việc mang thai và chăm sóc thai nghén. “Mục đích đi khám của các bạn trẻ rất đơn giản, chưa có ý tưởng mình và người bạn đời có bệnh tật gì không, cần phải làm gì khi có bệnh”, PGS Cường nói.
Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện hàng năm đều tiếp nhận nhiều trẻ sơ sinh bị hở van tim, suy tim, suy thận, các bệnh lý di truyền về máu, mang gene bệnh như Thalassemia… Vì vậy, các cặp đôi trước khi kết hôn đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân là rất cần thiết.
Theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, trong thực hành lâm sàng, ông từng chứng kiến những trường hợp tới khi sinh, người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim nặng hoặc suy tim, suy thận và cuối cùng đi đến quyết định cứu mẹ hay cứu con, trong khi tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khoẻ tiền hôn nhân.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Nghị định 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch đều không có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trong khi đó, nếu kết hôn với người nước ngoài thì đây là vấn đề bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa tâm thần. ĐBQH Nguyễn Tri Thức đề nghị Chính phủ cân nhắc đưa quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân vào luật và đi kèm chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hết hôn ở vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển và PGS.TS Trần Danh Cường, khám sức khỏe tiền hôn nhân thì cần phải khám về các bệnh lý mãn tính, đặc biệt những bệnh lý rất trầm trọng và có nguy cơ di truyền cho thế hệ sau như teo cơ, máu khó đông (Hemophilia), tan máu bẩm sinh… để phòng ngừa và sàng lọc sớm, nâng cao chất lượng dân số. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm xem xét người cha, người mẹ tương lai có bệnh lý gì không để có chiến lược sàng lọc gene, tránh hậu quả cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì việc này không dễ thực hiện, bởi để khám các bệnh lý di truyền phải khám chuyên sâu, chi phí tốn kém, không phải ai cũng có tiền chi trả. Khi phát hiện một trong hai người mắc bệnh hoặc cả hai cùng mang gene bệnh thì có cho họ lấy nhau hay không? Trường hợp họ đã yêu nhau tha thiết, hẹn thề kết hôn, khi phát hiện mắc bệnh, họ vẫn quyết tâm lấy nhau thì quản lý và sàng lọc trước khi có thai như thế nào? Đây đều là những vấn đề cần phải tính đến nếu triển khai bắt buộc.
Hiện nay, Bộ Y tế chưa có quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân phải khám những gì. Những sàng lọc bệnh lý di truyền cũng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Chi phí vẫn là gánh nặng lớn và là rào cản nếu bắt buộc thực hiện. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương có cặp đôi đến khám sức khoẻ tiền hôn nhân có nhu cầu xét nghiệm những bệnh lý di truyền, các dịch vụ này hầu như vẫn là tự phát, chưa chuyên sâu.
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Cục Dân số, Bộ Y tế cho rằng, trước khi bước vào đời sống vợ chồng, các bạn trẻ được tư vấn, được khám sức khỏe, được hướng dẫn giáo dục sức khoẻ là điều rất tốt. Nhưng để đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành quy định bắt buộc và để triển khai vào thực tiễn còn cần phải có nhiều yêu cầu như quy định đó có sinh ra các thủ tục hành chính hay không; các luật có mâu thuẫn với nhau hay không… và vẫn cần phải xem xét, có lộ trình.
Cũng có ý kiến cho rằng chưa nên đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân vào quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích thực hiện. Theo khuyến cáo của bác sĩ, với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân nên sàng lọc chức năng của cơ quan sinh sản, khả năng thai nghén để loại trừ những dị dạng của cơ quan sinh dục nữ và những bất thường của nam giới; sau đó là một số bệnh lây qua đường tình dục và một số đột biến gene phổ biến như Thalassimia. (Theo Công an Nhân dân).
Cần chính sách gì để khuyến khích chị em sinh con?
Theo Tổng cục Dân số, mức sinh thay thế trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là 2,1 con. Thế nhưng năm 2022, tỉ lệ sinh giảm mạnh - còn 2,01 con/mẹ. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 11 năm qua.
21 tỉnh thành có tỉ lệ sinh thấp nhất cả nước gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. Vậy cần có chính sách gì để khuyến khích các gia đình trẻ ở những tỉnh thành này sinh nhiều con?
Nhiều phụ nữ miền Tây làm biếng đẻ
Chị Kiều Hân, ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho biết cả hai vợ chồng đều làm cán bộ công nhân viên nhà nước. Mức lương cơ bản chỉ đủ trang trải chi phí thuê nhà, ăn uống và học hành cơ bản. Vì vậy chị không dám sinh thêm con thứ hai, dù con đầu đã hơn 10 tuổi và được hai bên gia đình khuyến khích sinh thêm.
"Chi phí lúc sinh thì chưa đáng kể, còn lâu dài để nuôi được một đứa con mỗi tháng ngoài chi phí học ở trường và còn rất nhiều thứ phải lo khi lớn như chuyện đi học thêm, học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hai vợ chồng đi làm nên việc đưa đón con cái đi học cũng làm đau đầu cho cả hai. Có một đứa đã lo không xong rồi nên không dám sinh thêm", chị Hân bộc bạch.
Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều gia đình trẻ ngày nay, đặc biệt các gia đình trẻ ở thành thị của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bận rộn, không đủ thời gian chăm con, lo lắng về chi phí nuôi con... Tại TP Cần Thơ, trong mấy năm gần đây, thành phố đối mặt với vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho biết tỉ lệ sinh ở Cần Thơ hiện nay ở mức 1,68 con/mẹ là rất thấp (năm 2016 là 2,01 con/mẹ), trong khi chủ trương hiện nay là khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Chia sẻ thêm, bà Đảnh cho rằng trên thực tế, ngày nay nhiều người trẻ chọn lối sống độc thân hoặc chậm kết hôn. Khi kết hôn thì tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn cũng tăng. Kể cả khi đã kết hôn nhiều gia đình cũng ngại sinh con, chỉ sinh một con do lo ngại chi phí nuôi dưỡng... "Đây là những thách thức với những cán bộ làm công tác dân số như chúng tôi trong thời kỳ hiện nay", bà Đảnh nói.
Còn theo bà Võ Thị Hoàng Loan - chi cục trưởng Chi cục Dân số Hậu Giang, năm 2017 tỉ lệ sinh bình quân trong tỉnh đạt 1,59 con/mẹ, nhưng năm 2022 giảm xuống chỉ còn 1,44 con/mẹ, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đến năm 2030 phải đạt mức sinh thay thế 2,1 con/mẹ.
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Thủy, phó chi cục phụ trách Chi cục Dân số tỉnh Sóc Trăng, cho hay theo điều tra chung thì mức sinh của tỉnh là 1,8 con/mẹ. Tại Tiền Giang, mức sinh thay thế trung bình cũng chỉ đạt khoảng 1,88 con/mẹ.
Chị em TP.HCM cũng ngại sinh
Hiện nay, tỉ lệ sinh của chị em phụ nữ tại TP.HCM cũng ở mức rất thấp. Cụ thể, năm 2022 tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con/mẹ, đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên cả nước. Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, thừa nhận mức sinh của TP.HCM ở mức rất thấp.
Theo ông Trung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ở TP.HCM ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Trước hết, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng hiện nay trở nên rất phổ biến tại TP.HCM. Bởi họ bị những áp lực về kinh tế, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp, các cặp vợ chồng và các gia đình đều mong muốn đầu tư, chăm sóc con cái một cách tốt nhất.
Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng (quận Gò Vấp) có một con trai năm nay đang học lớp 3. Thế nhưng khi được hỏi, cả hai vợ chồng anh đều cho biết không dám sinh thêm con thứ hai. Bởi hiện nay cả hai vợ chồng anh Hoàng đều đi làm công ty nước ngoài, dù lương khá cao nhưng áp lực công việc rất lớn. Nhiều hôm đến khuya hai vợ chồng mới về đến nhà.
"Do đó cả hai vợ chồng tôi đã thống nhất không sinh thêm con. Thay vào đó, hai vợ chồng cố gắng làm, mua nhà, chăm sóc thật tốt cho đứa con duy nhất trong việc học hành, kể cả chuyện đi du học sau này", anh Hoàng chia sẻ.
Trước thực trạng trên, ông Chánh Trung cho rằng hiện nay có một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám. Điểm chung của hai nhóm này chính là sự lo lắng cho tương lai của gia đình với những áp lực của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nhóm không dám sinh con thì áp lực lớn nhất chính là về kinh tế.
Còn đối với nhóm không muốn sinh thêm thì có nhiều nỗi lo lắng về gánh nặng việc nhà và gia đình. Bên cạnh đó, họ còn lo lắng về công việc, lo ngại về chất lượng môi trường sống, các điều kiện về y tế, giáo dục và đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình.
Do đó theo ông Trung, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số trẻ được sinh ra mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con.
Từ đó làm thế nào để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất vì đây chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai cũng như phù hợp mục tiêu quan trọng nhất của chính sách dân số chính là nâng cao chất lượng dân số. (Theo Tuổi trẻ).
Thu Hòa tổng hợp