Điểm báo ngày 14/9/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, động viên nạn nhân vụ cháy chung cư mini; Số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng gấp 4 lần; Bệnh bạch hầu quay trở lại khu vực phía Bắc, làm gì để phòng ngừa?...
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế thăm, động viên nạn nhân vụ cháy chung cư mini
Đầu giờ chiều 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi, động viên nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, đang điều trị tại đây.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến từng khoa, phòng: Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm hồi sức tích cực, Trung tâm Nhi khoa hỏi thăm, động viên các nạn nhân của vụ cháy chung cư đang điều trị.
Đang nằm điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm cả hai vợ chồng bệnh nhân không kìm được nước mắt khi kể lại sự việc. Anh chị đang lo lắng không biết tình hình các con đang như thế nào. Thủ tướng gửi lời động viên, chia sẻ hai vợ chồng yên tâm điều trị.
Qua hỏi thăm các y bác sĩ tình hình điều trị, sức khoẻ của các nạn nhân, Thủ tướng động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ 1h sáng 13/9 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 26 nạn nhân, trong đó 7 là bệnh nhi, còn lại là người lớn, có 2 nạn nhân đã tử vong ngoại viện, 1 trường hợp chưa xác định danh tính.
Người cao tuổi nhất là 81 tuổi, bé nhất là nạn nhân 8 tháng tuổi, 3 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Hầu hết các bệnh nhân là ngộ độc khí CO. Ngoài ra, vì bệnh nhân nhảy khỏi đám cháy nên nhiều người bị chấn thương và đa chấn thương hiện đang cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm hồi sức tích cực...
Bệnh viện đã hội chẩn các chuyên khoa cấp cứu cho bệnh nhân trong vụ cháy toàn viện gồm hơn 20 chuyên gia. Thông tin tại buổi hội chẩn cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở các mức độ khác nhau.
Các bệnh nhân chủ yếu ngạt khói, bị chấn thương, nhưng không có trường hợp bệnh nhân bị bỏng.
"Bệnh viện xác định việc cứu chữa người bệnh phải đặt lên hàng đầu và ngay từ đêm qua đã huy động lực lượng cấp cứu nhanh chóng, tối ưu nhất có thể, làm sao để hạn chế tối đa nhất tử vong cho nạn nhân. Bệnh viện bước đầu chỉ đạo tạm thời chưa thu bất kỳ chi phí nào của bệnh nhân, chăm lo dinh dưỡng, tập trung tối đa nhất vì người bệnh" - PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Qua nghe báo cáo bước đầu của Bệnh viện, Thủ tướng cho biết: "Sáng nay Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo sơ bộ về công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần nỗ lực cấp cứu nạn nhân của các y bác sĩ".
Thủ tướng mong các y bác sĩ làm hết sức mình để cứu chữa các nạn nhân, quan tâm động viên tinh thần nạn nhân và người nhà.
Trước đó, như Báo Sức khoẻ & Đời sống đã đưa tin khoảng 23h30 ngày 12/9, tại tòa chung cư mini cao 9 tầng ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ xảy ra cháy. Nguyên nhân vụ cháy hiện đang được cơ quan chức năng điều tra xác định.
Đến khoảng 2h ngày 13/9, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn đám cháy. Các chiến sĩ tiếp tục phun nước từ tầng 3 đến tầng 9, tìm kiếm người mắc kẹt trong tòa nhà.
Lực lượng chức năng đã đưa một số nạn nhân rời hiện trường tới bệnh viên cấp cứu. Nhiều nạn nhân thoát ra trong tình trạng tỉnh táo sau nhiều giờ mắc kẹt trong chung cư.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết ngành y tế đã huy động 15 xe cấp cứu với khoảng 50 nhân viên y tế đến hỗ trợ công tác cấp cứu, vận chuyển các nạn nhân trong vụ cháy chung cư trên.
Các nạn nhân được vận chuyển đến 10 bệnh viện trên địa bàn, trong đó đông nhất là Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 20 người, có 2 người tử vong. Còn lại các bệnh viện khác, mỗi nơi tiếp nhận 1-2 nạn nhân và là các ca nhẹ hơn. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3; An ninh thủ đô, trang 9)
Số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng gấp 4 lần
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp 4 lần.
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận gần 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó, ghi nhận thêm 1 ca tử vong là bệnh nhân nữ 20 tuổi, nâng số ca tử vong do sốt xuất huyết là 3 người.
Trong tuần qua, số bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội tăng nhiều ở các quận, huyện là Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Trì và Hà Đông.
Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của Hà Nội, tích lũy đến nay gần 1.700 bệnh nhân tại 30 quận, huyện, thị xã.
Hà Nội đã ghi nhận 67 điểm dịch sốt xuất huyết ở 15/30 quận, huyện, thị xã. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố ở tất cả các địa bàn của Hà Nội. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội gấp 4 lần
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, các bác sĩ khuyến cáo, sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng…, đặc biệt là với những người có bệnh nền.
Do vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế; tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. (Sức khoẻ & đời sống, trang 2)
Bệnh bạch hầu quay trở lại khu vực phía Bắc, làm gì để phòng ngừa?
Sau rất nhiều năm yên ắng, thì nay dịch bạch hầu đang có nguy cơ trở lại với diễn biến phức tạp, hiện bệnh bạch hầu đã xuất hiện và lây lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc. Vậy nguyên nhân do đâu và chúng ta cần làm gì để ngăn ngừa dịch bệnh?
1. Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?
Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn này có thể sống lâu trong vùng hầu họng của người bệnh. Khi cơ thể bị vi khuẩn xâm nhập và tấn công, sẽ gây ra một số triệu chứng. Tùy vào từng thể bệnh mà các triệu chứng có thể khác nhau.
Các thể bệnh bạch hầu:
Thể bạch hầu họng.
Thể bạch hầu ác tính.
Thể bạch hầu mắt.
Thể bạch hầu mũi
Thể bạch hầu thanh quản.
Thể bạch hầu rốn.
Thể bạch hầu da.
Thể bạch hầu âm đạo.
Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề. Bạch hầu lây lan qua hô hấp, qua sinh hoạt chung, sử dụng chung đồ dùng nên có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.
PGS.TS.Trần Thanh Tú - Giám đốc Trung tâm quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Các biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, huyết khối tim... có thể khiến người bệnh tử vong đột ngột.
Các biến chứng khác như biến chứng thần kinh có thể khiến bệnh nhân liệt màn hầu dẫn đến khó nuốt và nói, liệt bàn tay, liệt hai chân, liệt các cơ quan khác... Biến chứng thận gây tổn thương ở cầu thận và ống thận. Nhưng những biến chứng này có thể hồi phục sau một thời gian, khi bệnh bạch hầu đã được điều trị tốt và bệnh nhân khỏi bệnh.
2. Vaccine có vai trò gì trong phòng bệnh bạch hầu?
Khi chưa có vaccine, bệnh bạch hầu thường rất phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Từ khi có vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh giảm đi rõ rệt và không xuất hiện thành dịch bệnh. Ngoài ra với sự tiến bộ của y học, thì các thuốc điều trị đặc hiệu được phát triển tốt nên hiệu quả điều trị bệnh được cải thiện rõ rệt.
Kể từ năm 1923, khi y học tìm ra vaccine phòng bệnh bạch hầu, thì đến nay, tiêm vaccine vẫn là biện pháp bệnh hiệu quả nhất được thực hiện rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đưa vaccine bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm phòng miễn phí cho trẻ nhỏ toàn quốc.
Cũng theo PGS.TS.Trần Thanh Tú, khi được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ 4 mũi với lịch tiêm đúng hẹn, cơ thể con người tự sản sinh kháng thể đặc hiệu tồn tại lâu dài trong máu. Khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, kháng thể sẽ nhanh chóng tiêu diệt vi khuẩn, nên cơ thể sẽ không bị mắc bệnh. Do đó, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hiệu quả giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng tử vong do bệnh gây ra.
Các vaccine phòng bạch hầu có thể lựa chọn để tiêm cho trẻ đủ 3 liều vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Sau đó tiêm nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ lớn hơn hoặc người lớn tiêm đủ số mũi theo vaccine phòng ngừa và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì kháng thể.
- Vaccine 6 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib.
- Vaccine 5 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib gây viêm màng não mủ/viêm phổi.
- Vaccine 4 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
Trên thực tế trong rất nhiều năm qua, hiệu quả của tiêm vaccine trong phòng các dịch bệnh truyền nhiễm đã được chứng minh. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu đang được kiểm soát rất tốt bởi chiến dịch tiêm phòng nhưng ngay lúc này tình hình dịch bệnh lại đang trở nên phức tạp.
PGS.TS.Trần Thanh Tú cho rằng: Chúng ta vừa trải qua một đợt dịch bệnh khủng khiếp đó là COVID-19. Sau dịch, rất có thể hệ thống miễn dịch của cơ thể bị thay đổi. Hơn nữa, trong thời gian dịch bệnh có thể nhiều trẻ em đã không được tiêm chủng các mũi vaccine phòng bệnh đầy đủ vì lý do khách quan và cả chủ quan.
Ngoài ra, phong trào 'zero vaccine' cũng ảnh hưởng không ít tới việc tiêm phòng cho trẻ. Chính vì thế mà dẫn đến hệ thống miễn dịch cá nhân và miễn dịch cộng đồng đang có vấn đề đã dẫn đến dịch bệnh. Tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp miễn dịch cộng đồng tốt nhất. Nếu trên 80% đối tượng nguy cơ đã miễn dịch thì cộng đồng sẽ được bảo vệ. Khi có miễn dịch cộng đồng sẽ bảo vệ được các các nhóm cá thể dễ bị tổn thương như bệnh nhân suy giảm miễn dịch và không được tiêm phòng đầy đủ khỏi những bệnh có nguy cơ nghiêm trọng.
Trong tình hình hiện nay, để tránh dịch lây lan nhanh chóng, PGS.TS.Trần Thanh Tú khuyến cáo, tại các gia đình có trẻ nhỏ, người bệnh suy yếu, trước hết cần tự bảo vệ mình bằng cách:
- Vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao miễn dịch.
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh.
- Khi có các triệu chứng, dù chỉ là cảm cúm, viêm mũi họng, viêm đường hô hấp… người bệnh cần hạn chế tới nơi đông người. Học sinh nên nghỉ học. Người lao động nên nghỉ làm để tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác.
- Phụ huynh cần cho con đi tiêm phòng đầy đủ 3 mũi và tiêm nhắc lại như đã nêu ở trên. Chỉ có tiêm vaccine mới là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh. (Sức khoẻ & đời sống, trang 14:)
Những thông tin cần biết về chính sách BHYT học sinh, sinh viên năm học 2023-2024
Để các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên (HSSV) hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) HSSV trong năm học 2023-2024, BHXH Việt Nam đã cung cấp những thông tin cần biết về chính sách BHYT học sinh, sinh viên năm học 2023-2024.
Về phương thức đóng và mức đóng
Khi tham gia BHYT, HSSV đăng ký tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi các em đang theo học. HSSV được lựa chọn đóng BHYT định kỳ theo 3 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Số tiền tham gia BHYT của HSSV (sau khi đã trừ đi phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước), cụ thể là:
- Nếu HSSV đóng 3 tháng một lần, mức đóng là: 170.100 đồng.
- Nếu HSSV đóng 6 tháng một lần, mức đóng là: 340.200 đồng.
- Nếu HSSV đóng 12 tháng một lần, mức đóng là: 680.400 đồng.
Về nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu và thủ tục đi KCB BHYT.
HSSV tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB BHYT thuộc tuyến xã, tuyến huyện và tương đương theo quy định. Các em được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào đầu mỗi quý.
HSSV khi đi KCB BHYT phải xuất trình một trong các giấy tờ sau:
- Thẻ BHYT còn hạn sử dụng hoặc Hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số và giấy tờ tùy thân có ảnh.
- Căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID điện tử đã tích hợp thông tin thẻ BHYT.
Thời hạn sử dụng thẻ BHYT
Thứ nhất, thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề
- Đối với HS lớp 1: Giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 1.10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
- Đối với HS lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.9 của năm học.
- Đối với sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ khi nhập học, trừ trường hợp thẻ của HS lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.
- Sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Thứ hai, giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT theo số tháng đã tham gia của HSSV.
Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT
HSSV và phụ huynh có thể tự tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo các cách sau:
- Truy cập vào Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the- bhyt.aspx
- Gọi điện đến Tổng đài 1900.9068 của BHXH Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ.
- Cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để theo dõi, cập nhật thông tin đóng, hưởng BHYT.
Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước và tiệm cận đến mục tiêu độ bao phủ 100%.
Năm học 2022-2023, cả nước có khoảng 18,8 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỉ lệ hơn 97% tổng số HSSV.
Riêng 8 tháng đầu năm 2023, cả nước có trên 5 triệu lượt HSSV đi KCB BHYT đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền hơn 2.174 tỉ đồng. (Sức khoẻ & đời sống, trang 14:)
Làm chủ kỹ thuật mới, cứu người bệnh hiểm nghèo
Đến nay, các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, qua đó cứu chữa được nhiều ca bệnh khó. Những thành công mới đây của các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E mở ra nhiều hy vọng cho các bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai vừa triển khai thành công kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể trên hai bệnh nhân nặng. Hai người bệnh được cứu sống, gồm một trường hợp 76 tuổi, vào viện vì đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có biến chứng tràn khí màng phổi và một trường hợp viêm phổi nặng do biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) trên nền bệnh nhân bị suy thận mạn do viêm cầu thận đã được ghép thận sáu năm và duy trì thuốc chống thải ghép.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Văn Cường (Trung tâm Hồi sức tích cực), với bệnh nhân COPD giai đoạn cấp, phổi đang trong giai đoạn tổn thương nặng, kèm theo có tràn khí màng phổi nên việc cài đặt và điều chỉnh máy thở rất khó khăn, nhất là khi bệnh nhân có tình trạng CO2 trong máu tăng cao.
Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể, để giúp bác sĩ điều chỉnh thông số máy thở dễ dàng hơn, giảm hỗ trợ máy thở cho bệnh nhân và giúp phổi nghỉ ngơi. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, được rút ống nội khí quản; tự thở được khí phòng và đã được chuyển đến Trung tâm Hô hấp để tiếp tục điều trị bệnh phổi mạn tính.
Với trường hợp bị ARDS là bệnh lý nặng và khó trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, giống như những người mắc Covid-19 bị viêm phổi nặng. Khi phổi tổn thương nặng, cần phải thở máy với chiến lược thông khí bảo vệ phổi, tuy nhiên trong trường hợp này máy thở hỗ trợ càng cao thì nguy cơ tổn thương phổi và CO2 trong máu càng tăng và bệnh nhân có nguy cơ nặng lên.
Áp dụng kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể giúp đào thải CO2 ra ngoài, nhờ đó tạo thuận lợi cho bác sĩ dễ dàng cài đặt thông số máy thở thấp xuống, giảm gánh nặng cho phổi và giúp phổi bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bác sĩ Bùi Văn Cường cho biết, kỹ thuật đào thải CO2 qua màng lọc ngoài cơ thể là một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, được chỉ định trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo trong một số bệnh lý.
Hiểu một cách đơn giản, với kỹ thuật này máu tĩnh mạch của bệnh nhân sẽ được hút ra bằng bơm của máy thông qua một catheter hai nòng có kích thước 13-15 F. Máu của bệnh nhân sẽ được đi qua màng bán thấm có tác dụng trao đổi và đào thải CO2; sau trao đổi có nồng độ CO2 thấp sẽ được trả về cho bệnh nhân.
Trên thế giới, kỹ thuật này đã được triển khai một thời gian, thành công tại châu Âu và Mỹ. Qua các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã học hỏi để triển khai và đây là hai bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được thụ hưởng kỹ thuật này. Từ thành công của hai ca bệnh đầu tiên, các bác sĩ sẽ có kinh nghiệm để mở rộng cho các trường hợp cùng nhóm bệnh bị viêm phổi cấp tiến triển và COPD và hoàn toàn có thể triển khai rộng hơn, từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh.
Các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật tim trẻ em thuộc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) cũng vừa tiến hành can thiệp đặt máy tạo nhịp cấp cứu cho một em bé (ở thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa) mới 40 ngày tuổi bị mắc tim bẩm sinh block nhĩ thất, thông liên nhĩ, suy tim nặng. Cháu bé được phát hiện bị tim bẩm sinh trong chuyến đi khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em ở Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cuối tháng 8 vừa qua.
Qua thăm khám trực tiếp tại cơ sở y tế tuyến dưới, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch xác định đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, tình trạng rối loạn nhịp tim nặng, dẫn đến mức độ suy tim nguy hiểm, cháu bé có thể phải thở máy bất kỳ lúc nào… Đây là tình trạng tối cấp cứu, cần được can thiệp đặt máy tạo nhịp cấp cứu càng sớm càng tốt. Ngay lập tức, cháu bé được theo đoàn công tác của Trung tâm Tim mạch ra Hà Nội để can thiệp sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Phong, người trực tiếp thực hiện ca can thiệp đặt máy tạo nhịp cho cháu bé chia sẻ, trước khi tiến hành ca phẫu thuật, các bác sĩ phải tiến hành hội chẩn siêu âm tim với ba bác sĩ để đánh giá các cấu trúc tổn thương trong tim, và hội chẩn với ekip về nhịp học để lên phương án mổ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Bởi vì, ngoài rối loạn nhịp nặng, tim cháu bé còn bị thông liên nhĩ kích thước lớn, nhưng có thể chưa cần phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật “vá” thông liên nhĩ sau khi nhịp tim ổn định và đánh giá sự phục hồi chức năng tim.
Đáng chú ý, cơ thể của cháu bé còn quá nhỏ (3,2 kg), lại trong tình trạng suy tim nặng, buồng tim trái giãn lớn... là các yếu tố khó của ca mổ. Hơn nữa, với tình trạng trẻ suy dinh dưỡng và cân nặng nhỏ như vậy, việc đặt máy tạo nhịp ở vị trí nào cũng là một vấn đề các bác sĩ phải hội chẩn và tính toán rất cẩn thận và chi tiết. Ngoài ra cháu bé còn bị lõm ngực bẩm sinh cho nên việc lựa chọn đường mổ như thế nào cũng là một vấn đề các bác sĩ phải cân nhắc.
Ngay khi mở lồng ngực bộc lộ được quả tim, một điện cực tạo nhịp nhanh chóng được các bác sĩ đặt vào bề mặt tim của bé và kích thích quả tim đập trở lại trong sự vui sướng thầm lặng của cả kíp phẫu thuật. Tiếp theo, các bác sĩ phẫu thuật tim nhẹ nhàng và thận trọng bóc tách thành bụng mỏng như bản giấy để tạo một ổ chứa vừa đủ máy tạo nhịp.
Như vậy, qua một đường mổ ở dưới nách bên trái (không cần cưa xương ức như phương pháp mổ kinh điển), ekip phẫu thuật đã thực hiện được cả hai việc là đặt điện cực vào tim cho bé và cấy máy vào tổ chức thành bụng. Bé được phẫu thuật thành công với đường mổ rất đẹp. Sau ba ngày thở máy tại Khoa Hồi sức ngoại tim mạch, cháu bé đã được rút bỏ máy thở, được nằm trong vòng tay chăm sóc của bố mẹ, dẫu rằng hành trình với bệnh viện vẫn còn tiếp nối. (Nhân dân, trang 8).
Thu Hòa (Tổng hợp)