• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 07/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế; TPHCM ghi nhận 63.309 ca đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm; Ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Điện Biên và Hà Giang, 1 người tử vong; Tiếp tục điều chỉnh thông tin nhân thân để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo căn cước công dân.

Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian vừa qua thì việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV chiều 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tham luận việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh tới toàn dân

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để triển khai thi hành luật, nghị quyết nêu trên, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ và các địa phương để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của 420 đơn vị đến từ các cơ quan trung ương, sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân, Tổng Hội y học Việt Nam, các đối tượng chịu tác động và hơn 2.000 điểm cầu khám, chữa bệnh, người hành nghề…

Theo báo cáo, đã có trên 30 Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai luật, tổ chức các hoạt động phổ biến luật, lồng ghép các hoạt động trong công tác triển khai thi hành luật; tăng cường giới thiệu nội dung mới, đưa tin bài, tổ chức tọa đàm, chuyên gia giới thiệu về các quy định mới của dự án Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về kết quả xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, theo Quyết định số 172 của Thủ tướng Chính phủ, số văn bản quy định chi tiết thi hành hướng dẫn luật gồm 3 Nghị định; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Công an và Quốc phòng.

Hiện Bộ Y tế và các Bộ đang khẩn trương xây dựng các văn bản và chuẩn bị xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trên 22.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tập trung cùng các Bộ, ngành triển khai các nội dung của Nghị quyết, cụ thể kết quả như sau:

Về thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 của các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính rà soát chuyển nguồn phòng, chống dịch và giao dự toán hết năm 2022, đồng thời, chuyển số kết dư sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện.

Đến nay các đơn vị đã gửi báo cáo và đề nghị ngân sách nhà nước hoàn trả các khoản phải chi nhưng chưa chi, các khoản đã sử dụng từ nguồn thu của đơn vị để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 với tổng kinh phí dự kiến là 105 tỷ đồng.

Về việc hướng dẫn việc rà soát, tổng hợp và phương án xử lý số lượng thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 sang công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 129 ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Bộ đang phối hợp cùng các địa phương, cơ sở y tế để triển khai thực hiện.

Về việc hướng dẫn, rà soát, tổng hợp, phương án xử lý số lượng mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch thực hiện dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, Bộ đã cùng với các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, đặc biệt số lượng tồn kho. Đến nay đã có 44 tỉnh có số liệu báo cáo. Sau khi có số liệu tổng hợp, Bộ sẽ có văn bản báo cáo và đề xuất cụ thể các phương án để thanh toán theo quy định.

Về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, tính đến 24/7/2023 Bộ Y tế đã có 9 đợt công bố danh mục thuốc (6 đợt công bố đối với thuốc hóa dược và 3 đợt công bố đối với với thuốc y học cổ truyền).

Trong đó, thuốc hóa dược được công bố là: 11.381 thuốc; thuốc y học cổ truyền được công bố là: 336 thuốc. Đã gia hạn Giấy đăng ký lưu hành tổng số 1.873 thuốc hóa dược. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan

Bảo đảm đủ đáp ứng nguồn cung ứng thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của người dân; cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian vừa qua thì việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị vật tư y tế

Về việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản hoặc văn bản các cấp có thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 80, Bộ đã thực hiện rà soát 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của UBTVQH; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ Y tế và 5 Nghị quyết của Chính phủ.

Về việc triển khai các cơ chế chính sách nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu vi sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế trong nước để đối phó với dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của virus và các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh: Bộ đã hoàn thiện việc lập hồ sơ đề nghị dự án sửa đổi một số điều của Luật Dược, trong đó có nội dung chính sách về phát triển công nghiệp dược và đã được Quốc hội thông qua việc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật vào năm 2024; Đối với việc nội dung phát triển sản xuất trang thiết bị y tế, Bộ cũng đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội xây dựng Luật Thiết bị y tế.

"Tổ chức triển khai Nghị quyết 99 rất nhanh"

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là Nghị quyết được triển khai rất nhanh. Chính phủ đã chủ động tất cả các hồ sơ để triển khai Nghị quyết này.

Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, bố trí các nội dung, ví dụ như: Liên quan đến tiền mua vaccine phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung 550 tỷ năm 2023 giao cho Bộ Y tế mua vaccine… Hiện nay Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Thiết bị, Luật Dược… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99.

Về khó khăn, vướng mắc Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, kinh phí bố trí cho công tác xây dựng pháp luật mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung, đã điều chỉnh mức chi lên khoảng 1,5-2 lần so với các mức chi tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC, tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa nhiều, chưa tạo được chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật như định hướng của Đảng, của Nhà nước.

Cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội cũng như huy động sự tham gia của chuyên gia trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật do nguồn lực hạn chế nên chưa phát huy như mong muốn.

Về kiến nghị đối với Quốc hội, khối lượng công việc xây dựng luật pháp trong nhiệm kỳ khá nhiều nên trong thời gian tới Bộ Y tế mong muốn Quốc hội, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Bộ Y tế trong quá trình xây dựng pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế mong muốn sẽ tiếp tục đề xuất các quy định liên quan đến văn bản hướng dẫn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện từ thời gian luật cũ, bây giờ căn cứ theo quy định luật mới thì chúng tôi phối hợp với Bộ Tư pháp sẽ trình lên Chính phủ theo hình thức rút gọn. (Theo báo Sức khỏe và đời sống).

 

TPHCM ghi nhận 63.309 ca đau mắt đỏ trong 8 tháng đầu năm

Từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8, TPHCM ghi nhận 63.309 ca mắc bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 là 53.573 ca.

Trong đó, có 1.001 ca có biến chứng, chiếm 1,59% (cùng kỳ năm 2022 là 873 ca biến chứng, chiếm 1,63% tổng số ca bệnh). Các biến chứng của bệnh viêm kết mạc thường gặp gồm: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…

Số trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong 15.402 ca trẻ em dưới 16 tuổi bị viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).

Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ, trong đó đặc biệt lưu ý: dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo nhanh khi tình hình bệnh có diễn biến bất thường; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

* Không xông, đắp lá cây để chữa đau mắt đỏ

Ngày 5-9, trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, gần đây các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp bị di chứng do sử dụng các loại lá cây để đắp hoặc xông mắt, gây viêm loét giác mạc, thậm chí để lại sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, một số trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng không đến bệnh viện sớm, tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị nên khi đã bị biến chứng nặng, gây ảnh hưởng nhiều tới thị lực.

Theo bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, người bị bệnh đau mắt đỏ thường có các biểu hiện: ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt... Khi có các biểu hiện trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng các lá cây để đắp hoặc xông mắt vì ít có tác dụng và có thể gây ra những tổn thương cho mắt.

Ngoài ra, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc, gây ra viêm loét giác mạc, khiến việc điều trị rất khó khăn, di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, thậm chí một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Ghi nhận các ca bệnh bạch hầu tại Điện Biên và Hà Giang, 1 người tử vong

Bộ Y tế đã lập đoàn giám sát phòng bệnh bạch hầu tại các tỉnh Điện Biên và Hà Giang sau khi ghi nhận ca bệnh bạch hầu ở 2 địa phương này, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế vừa lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát phòng, chống bệnh bạch hầu do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn. 

Thành phần đoàn có sự tham gia của một số vụ, cục chức năng thuộc Bộ Y tế và các chuyên gia đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư.

Cấp thuốc điều trị dự phòng bạch hầu cho người dân tại bản Pa Ít, xã Huổi Mí, H.Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Các đoàn công tác sẽ làm việc với Điện Biên và Hà Giang về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; kiểm tra việc giám sát xử lý ổ dịch; tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh; công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu; công tác truyền thông và đáp ứng chống dịch.

Đồng thời, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại 2 địa phương trong thời gian tới.

Khẩn trương phòng, chống dịch

Theo Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên phối hợp với Trung tâm Y tế H.Mường Chà (Điện Biên) đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại địa bàn bản Pa Ít (xã Huổi Mí, H.Mường Chà).

Từ ngày 28.8, đoàn công tác tiến hành điều tra các yếu tố dịch tễ (tìm nguồn lây nhiễm) cũng như rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nguy cơ cao, tiếp xúc gần với ca bệnh để xét nghiệm chẩn đoán; tổ chức cấp thuốc kháng sinh uống điều trị dự phòng cho người dân trong bản; phun khử khuẩn tẩy uế môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; giám sát đánh giá nguy cơ trên địa bàn để phát hiện và có các biện pháp xử lý kịp thời.

Trước đó, ngày 25.8, Trung tâm Y tế H.Mường Chà ghi nhận một trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại bản Pa Ít (xã Huổi Mí). Bệnh nhân vào điều trị với các biểu hiện sốt, đau họng, khó nuốt, ho từng cơn, amydal hai bên sưng nề, tấy đỏ có giả mạc trắng, có hốc mủ. Đến ngày 26.8, xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn  bạch hầu.

Chưa xác định được nguồn lây

Tại Hà Giang, đoàn công tác gồm các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư và Sở Y tế tỉnh Hà Giang... đã tới điều tra tình bệnh bạch hầu tại xã Khâu Vai (H.Mèo Vạc). Trên địa bàn H.Mèo Vạc ghi nhận các ca bệnh nghi mắc bạch hầu đầu tiên ngày 21.8 vừa qua. Đến sáng 29.8, huyện ghi nhận 1 trường hợp tại thôn Khâu Vai B (xã Khâu Vai) tử vong do bệnh bạch hầu.

Đoàn công tác phối hợp với Trung tâm Y tế H.Mèo Vạc, Trạm Y tế xã Khâu Vai tiến hành điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho những người có liên quan, tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực quanh nhà người bệnh và các hộ gia đình liền kề; lấy các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm.

 

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã hỗ trợ địa phương về phòng dịch, đặc biệt là điều trị các ca bệnh nặng; giám sát và hướng dẫn phòng bệnh bạch hầu trong trường mầm non, tiểu học trên địa bàn xã Khâu Vai. 

Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lưu ý, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cần chú ý vệ sinh môi trường, khử trùng các bề mặt. Đặc biệt, cần vận động người dân thường xuyên phơi quần áo, chăn màn ra nắng để tiêu diệt mầm bệnh.

Trước đó, từ năm 2004, toàn tỉnh Hà Giang chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Hiện, chưa xác định được nguồn lây cũng như nguyên nhân gây bệnh bạch hầu trên địa bàn H.Mèo Vạc. (Theo Báo Thanh niên).

 

Tiếp tục điều chỉnh thông tin nhân thân để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo căn cước công dân

Bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh thông tin nhân thân đối với người đang hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế căn cứ trên căn cước công dân.

0Nhằm quản lý hiệu quả người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo đảm thống nhất với dữ liệu dân cư quốc gia và giải quyết kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 2754/BHXH-CSXH gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người đang hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng đề nghị cập nhật thông tin nhân thân theo căn cước công dân.

Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ xác định, một trong các nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đó là: Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng quy trình hướng dẫn đồng bộ dữ liệu quản lý người hưởng, cập nhật thông tin nhân thân trên cơ sở dữ liệu quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (gọi chung là người hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng) đối với người đang hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng nhưng thông tin ghi trong hồ sơ hưởng không thống nhất với thông tin trong căn cước công dân. Các thông tin đã được cập nhật thống nhất theo căn cước công dân không dùng làm căn cứ để điều chỉnh lại các chế độ bảo hiểm xã hội đã được giải quyết.

Trong thời gian xây dựng văn bản hướng dẫn chung về nội dung này, để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh thông tin nhân thân đối với người đang hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý để đi khám bệnh, chữa bệnh căn cứ trên căn cước công dân theo quy trình quy định tại Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 và Quyết định số 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Căn cứ đề nghị của cá nhân về việc điều chỉnh thông tin họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính trên thẻ bảo hiểm y tế do có sự khác biệt về thông tin cá nhân tại căn cước công dân mới được cấp và thông tin quản lý người hưởng của cơ quan bảo hiểm xã hội, cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội hướng dẫn người nộp hồ sơ ghi rõ thông tin đề nghị điều chỉnh vào mục 18 của Mẫu tờ khai TK01-TS, thực hiện kiểm tra thông tin trên căn cước công dân với thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ gia đình của ngành bảo hiểm xã hội trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. (Theo Báo Nhân dân).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 271
Tháng 07 : 271
Năm 2024 : 1.139.578
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.938.092