Điểm báo ngày 11/9/2023
Soyte.hatinh.gov.vn: Làm cách nào để giảm cholesterol máu? Nghệ An: Gia tăng bệnh nhi đau mắt đỏ, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh; Bệnh nhân suy đa tạng do mắc sốt xuất huyết; Sinh con tại nhà, bé sơ sinh bị uốn ván rốn nặng.
Làm cách nào để giảm cholesterol máu?
Cholesterol cao có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, hiểu biết nguyên nhân nào làm tăng cholesterol máu và cách giảm cholesterol là vô cùng quan trọng.
Cholesterol thuộc loại lipid, có 2 loại: Cholesterol "xấu" và Cholesterol "tốt"
- Cholesterol "xấu" hay cholesterol tỉ trọng thấp (LDL): có những tác hại sau cho cơ thể như tăng ngưng tụ tiểu cầu; Kích thích làm dày thành mạch máu; Các LDL bị oxy hoá bị các đại thực bào bắt giữ, tạo nên các tế bào bọt tích tụ thành mảng đeo bám vào thành động mạch… lâu ngày dẫn đến xơ vữa động mạch.
- Cholesterol "tốt" hay cholesterol tỉ trọng cao (HDL): Được tổng hợp ở gan và ruột non. HDL có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol từ các mô về gan. Nếu cholesterol "tốt" (HDL) càng nhiều nguy cơ xơ vữa động mạch càng thấp.
Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol máu cao
- Do chế độ ăn uống, chế độ ăn uống không hợp lý, ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc chất có cồn.
- Do thừa cân làm tăng cholesterol máu.
- Do tuổi tác (tuổi càng cao thì cholesterol sẽ càng tăng).
- Do yếu tố giới tính cholesterol của nữ (trước mãn kinh thường thấp hơn nam ở cùng độ tuổi, sau mãn kinh cholesterol "xấu" (LDL) có xu hướng gia tăng).
Ngoài ra, di truyền là yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol máu cao. Người mắc một số bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tự miễn, suy giáp, buồng trứng đa nang… cũng dễ bị cholesterol máu cao.
Cần làm gì để giảm cholesterol máu?
Cholesterol máu cao sẽ rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Chất béo trong máu tích tụ tạo thành mảng, bám vào thành mạch gây tắc nghẽn động mạch, lượng máu và oxy trong máu giảm, dẫn đến xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến tim, gây suy thận, suy gan, đau dạ dày và hơn hết là ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới não bộ. Nhất là tắc mạch vành (nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não (nhũn não) gây đột quỵ.
Với loại triglycerid, khi nào có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan, mỡ sẽ tích lại trong gan, tức là triglycerid tăng sẽ gây nên gan nhiễm mỡ. Gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein, do đó sẽ làm cho lượng axít béo vào gan quá lớn, càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn. Gan nhiễm mỡ từ nhẹ dẫn đến nặng và cuối cùng là xơ gan. Bệnh xơ gan cho đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Ngoài ra, nếu tăng quá cao triglycerid máu sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.
Vì vậy, câu hỏi khiến nhiều người đặt ra là làm thế nào để giảm cholesterol máu. Thực tế ghi nhận, việc tăng cholesterol máu nếu được phát hiện sớm, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thường xuyên để làm giảm nồng độ mỡ trong máu.
Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển, việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm rất dễ tái phát.
Dưới đây là những bí quyết để giảm cholesterol máu
- Về chế độ ăn trong tăng cholesterol máu: Chế độ ăn đóng vai trò trung tâm trong điều trị. Có tác dụng giảm cholesterol "xấu" ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.Chế độ ăn khi bị tăng cholesterol "xấu" (LDL) là cần giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân.
Giảm lượng chất béo: Giảm lượng cholesterol ăn vào < 250mg/ngày. Dùng dầu thực vật như, dầu ôliu, dầu đỗ tương thay cho mỡ và nên bổ sung dầu cá, vì chứa nhiều acid béo không no. Loại bỏ các thức ăn chứa nhiều acid béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt và các thực phẩm nhiều cholesterol như óc, lòng, phủ tạng động vật, trứng, đồ hộp béo.
Cần tăng lượng đạm (protein) ít béo: Thịt bò nạc, thịt gà nạc bỏ da, thịt lợn thăn, cá, đậu đỗ. Giảm lượng đạm giàu mỡ như thịt nửa nạc nửa mỡ. Lượng protein nên chiếm khoảng 12 - 20% tổng năng lượng, bao gồm cả đạm động vật, đạm thực vật.
Chất bột (glucid): 60 - 70% tổng năng lượng. Hạn chế đường mật - tối đa 10 - 20g/ngày. Sử dụng ngũ cốc, kết hợp khoai củ.
Cần tăng cường giàu vitamin, khoáng, vi lượng, chất xơ chủ yếu trong rau quả gạo mì.
Tăng các loại thức ăn có nhiều chất chống oxy hoá (rau xanh, trái cây…): Rau cải, rau dền, dưa chuột, dưa gang, xà lách, mướp, mồng tơi, rau đay, bí xanh, bí đỏ, giá đỗ, măng, carot, xu hào… Cam, quýt, bưởi, mận, đào…
Lưu ý các thức ăn hạn chế là: Gạo khoai, ngũ cốc khác (tối đa ba bát cơm đầy/ngày); Đường ăn, uống dưới 20g/ngày; Trái quả ngọt; Sữa đặc có đường; Trứng 1 – 2 quả/tuần; Các thức ăn muối mặn.
Các thực phẩm không nên sử dụng là thức ăn nội tạng động vật (óc, tim, gan, thận, dạ dày của lợn, bò, dồi lợn…). Thịt mỡ, sò, cua, ốc biển. Mỡ động vật: Mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà, bơ, phômai, sô-cô-la. Dầu dừa. Sữa bột toàn phần (full cream milk powder).
- Tập thể dục nhiều hơn: Mỗi tuần dành ít nhất 150 phút, tương đương 2,5 giờ để tập thể dục. Một số môn thể dục có thể đem lại tốt cho sức khỏe như: Đi bộ, cố gắng đi bộ đủ nhanh để tim đập nhanh hơn; bơi lội, đạp xe, chơi cầu lông, nhảy dây, yoga…
- Bỏ thuốc lá, rượu bia: hút thuốc có thể làm tăng cholesterol và đẩy cơ thể đối diện với đau tim, đột quỵ và ung thư. Người bệnh có thể cai hút thuốc lá bằng nhiều phương pháp và cần sự hỗ trợ từ bác sĩ. Tránh uống nhiều rượu bia, hoặc uống nhiều trong thời gian ngắn.
Theo thống kê trung bình cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có mức cholesterol LDL cao, khiến mỡ trong máu tăng cao. Tình trạng mỡ máu cao gây tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ và các bệnh lý chuyển hóa. Đây là lý do các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống như: Có chế độ tập luyện phù hợp, bỏ thuốc lá, cắt giảm thực phẩm chứa nhiều hàm lượng LDL và tăng thực phẩm có chứa nhiều cholesterol tốt, đồng thời xét nghiệm Lipid máu ở những đối tượng có nguy cơ cao. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)
Nghệ An: Gia tăng bệnh nhi đau mắt đỏ, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh
Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trong khoảng 1 tháng trở lại đây bệnh nhân đau mắt đỏ gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Nhiều trẻ bị biến chứng do bố mẹ tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đình Toàn - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, số lượng trẻ đau mắt đỏ tăng đột biến, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó có rất nhiều trẻ em trong độ tuổi mầm non bị đau mắt đỏ. Hầu hết số trẻ đến bệnh viện khám, điều trị do được phát hiện bệnh sớm nên quá trình điều trị đều diễn ra an toàn, hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, có một số ít trẻ bị biến chứng vào giác mạc (lòng đen) do bố mẹ tự ý mua thuốc điều trị không đúng cách khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, lâu khỏi, có thể để lại hậu quả xấu làm suy giảm thị lực.
Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ (giãn) các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt,…
Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân: do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau, trong đó khoảng 80% viêm kết mạc hiện nay là do Adenovirus.
Viêm kết mạc do Adenovirus, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên vẫn thường có những đợt dịch bùng lên vào thời điểm hè – thu hoặc thu - đông. Adenovirus ngoài việc gây nên bệnh đau mắt đỏ còn gây nên các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi ở trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn biến bất thường và có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng có giả mạc, viêm giác mạc, trợt, loét giác mạc… phải nhập viện điều trị.
Điều trị đau mắt đỏ không quá khó khăn, chủ yếu là vệ sinh mắt, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cùng với các thuốc nhỏ tại chỗ làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh…
Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì nếu điều trị không đúng có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
"Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh cần tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh những tai biến đáng tiếc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sĩ.
Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm. Khi các trường học, gia đình phát hiện trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ ở nhà tránh lây lan dịch bệnh". Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đình Toàn khuyến cáo.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
- Để phòng tránh lây lan, bệnh nhân đau mắt đỏ cần: Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
- Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn-uống, chậu-khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
- Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi...
- Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
- Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)
Bệnh nhân suy đa tạng do mắc sốt xuất huyết
Bệnh nhân nam 32 tuổi mắc viêm gan B, tan máu bẩm sinh nhập viện trong tình trạng bị sốt xuất huyết mức độ nặng gây suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, suy gan cấp.
Vừa qua, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam Nguyễn Văn T. (32 tuổi) cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lơ mơ.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue kèm suy thận, viêm gan. Bệnh nhân được điều trị 3 ngày tại Khoa Truyền nhiễm không đỡ, vẫn sốt cao, tình trạng khó thở tăng dần, tiểu cầu giảm còn 25, thiếu máu nặng, biểu hiện suy thận cấp tăng nặng dần nên được chuyển đến Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc.
BS. Chu Đức Thành (Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc) điều trị trực tiếp cho bệnh nhân T. cho biết: "Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. diễn biến xấu nhanh. Khi đến khoa Điều trị tích cực và chống độc, bệnh nhân chỉ nói được vài câu ngắn nhưng sau 30 phút, suy hô hấp nặng nên các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho thở máy. Đồng thời, tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu vì suy đa cơ quan cấp, viêm phổi nặng".
Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh thiếu máu do tan máu nên truyền máu không đáp ứng, kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy lách to độ 4.
Qua 12 tiếng lọc máu, các bác sĩ cũng tiến hành truyền tiểu cầu và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán hình ảnh… Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết mức độ nặng biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy thận cấp, suy gan cấp trên nền viêm gan B, mắc bệnh tan máu bẩm sinh…
Sau 4 ngày điều trị tại ICU, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, thở oxy. Các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã dừng. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân hồi phục đáng kể, nhất là tình trạng suy hô hấp, tuần hoàn, suy gan, tình trạng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu cũng được cải thiện hơn.
BS Chu Đức Thành nhận định, đây là một ca bệnh có sự hồi phục kỳ diệu. Vì chỉ trước đó 1-2 ngày bệnh nhân luôn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao.
Qua khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho biết 2 năm trước bệnh nhân T. phát hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi nhưng chưa có điều kiện đi khám nên chủ quan bỏ quan. Vừa qua, bệnh nhân ở nhà sốt cao 3 ngày không giảm nên được đưa đến viện cấp cứu.
Sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao. Điều này rất nguy hiểm cho người nhiễm, đặc biệt là những người có bệnh nền bởi diễn biến bệnh khó lường. Thậm chí dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng, tử vong… Do vậy khi có biểu hiện của sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Với những người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền cần tới thăm khám tại cơ sở y tế để được chỉ định điều trị.
Theo BS Chu Đức Thành, bệnh nhân sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong 3 ngày đầu. Ngày thứ 3 đến thứ 5 có thể giảm sốt nhưng đây cũng là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Bởi có thể xảy ra diễn biến giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị hồi sức sẽ dẫn đến hội chứng sốc Dengue gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng.
Các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng có thể gặp như:
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn liên tục.
- Chảy máu lợi và chân răng.
- Nôn ra máu.
- Thở nhanh.
- Mệt mỏi bồn chồn.
Khi có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)
Sinh con tại nhà, bé sơ sinh bị uốn ván rốn nặng
Tự ý sinh con tại nhà, gia đình tự cắt rốn bằng kéo thường, bé trai người dân tộc Mông ở Nghệ An bị uốn ván rốn nặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKII. Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện đã cứu sống bé trai người dân tộc Mông bị uốn ván nặng sau 2 tháng điều trị.
Cụ thể, bệnh nhi X.D.P. là con thứ 4 của một gia đình ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Bé trai chào đời đủ tháng, đẻ tại nhà, người thân tự đỡ đẻ cho sản phụ. Sau sinh, gia đình tự cắt rốn cho trẻ bằng kéo thường. 6 ngày sau, trẻ xuất hiện bú kém kèm ngủ li bì. Trẻ quấy khóc liên tục, bỏ bú, co giật toàn thân, gồng cứng người. Gia đình đưa bệnh nhi vào Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, và bé được chuyển tuyến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, gia đình dùng kéo tại nhà cắt rốn cho bé khi sinh, trong quá trình mang thai, mẹ bé không tiêm phòng uốn ván. Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán, bị uốn ván rốn... và được các bác sĩ cách ly điều trị riêng tại khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh trong môi trường phòng bệnh kín, tránh ánh sáng, tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Do nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao, nên bé X.D.P. được các bác sĩ theo dõi sát sao, chăm sóc, điều trị tích cực bằng các phương pháp thở máy, trung hòa độc tố uốn ván bằng kháng huyết thanh SAT, kháng sinh, kiểm soát co giật và co cứng cơ bằng các loại thuốc an thần kết hợp.
Sau 40 ngày điều trị hồi sức tích cực, bé cai được máy thở. Dần dần, với sự chăm sóc của các y, bác sĩ khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, bé D.P đã tự thở, tự bú được, hết tình trạng nhiễm trùng, hết co giật, còn gồng cứng nhẹ, trẻ đã được ra viện.
"Uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không kịp thời phát hiện và điều trị. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn rất cao do suy hô hấp cấp và nhiễm trùng.
Trường hợp uốn ván rốn xảy ra với bé D.P. có thể do dụng cụ cắt rốn tại nhà không đảm bảo vô trùng, môi trường chăm sóc trẻ sơ sinh không sạch sẽ.
Hiện tại, số lượng bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván đã giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, khi trẻ mắc uốn ván tỷ lệ trẻ được cứu sống rất thấp. Do đó, trong thời kỳ mang thai, sản phụ cần thực hiện khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ và đến thời kỳ chuyển dạ, sản phụ cần đến cơ sở y tế để được các thầy thuốc chăm sóc và đỡ đẻ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Tuyết đối không tự ý sinh con ở nhà". BSCKII. Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh - Bệnh viện Sản nhi Nghệ An khuyến cáo. Theo báo Sức khỏe và đời sống
Thu Hòa (Tổng hợp)