• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 06/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế chấn chỉnh việc cơ sở khám chữa bệnh để người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt; Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lan thành dịch; Thầy giáo hút thuốc vô tình làm nổ bóng bay khiến 10 học sinh nhập viện; Tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tập quán sinh hoạt, ăn thực phẩm tái sống; Hơn 90% trẻ đi khám trầm cảm ở một bệnh viện tại TP.HCM có học lực khá, giỏi; Chi gần 1,2 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân..

Bộ Y tế chấn chỉnh việc cơ sở khám chữa bệnh để người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt

Các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Ngày 29/8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành; Các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông về việc xử lý thông tin báo chí, chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, từ đại dịch COVID-19 đến nay, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế luôn ghi nhận và đánh giá cao sự vất vả, nỗ lực của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện, đã và đang cố gắng, từng bước khắc phục khó khăn về thiếu nhân lực, kinh phí, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng hình ảnh tích cực về người thầy thuốc, sự tin tưởng của người dân đối với ngành y tế.

Tuy nhiên trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông phản ánh một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện K… về tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau: Rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

Đồng thời, quán triệt phương châm "Lấy người bệnh là trung tâm", đẩy mạnh triển khai hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu "Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh", hưởng ứng chủ đề Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023 "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư người bệnh".

Với các đơn vị báo chí, truyền thông, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trân trọng sự chủ động phát hiện và phản ánh các vụ việc tiêu cực trong thời gian qua.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh bày tỏ mong muốn các Quý đơn vị tiếp tục đồng hành cùng hệ thống khám, chữa bệnh trong hành trình cải tiến chất lượng bệnh viện, không chi phát hiện các tiêu cực mà còn ghi nhận, tôn vinh những tấm gương tốt của các cá nhân, tập thể, góp phần nâng cao hình ảnh, chân dung người thầy thuốc "Lương y như từ mẫu". (Theo báo Sức khoẻ & Đời sống).

 

Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ lan thành dịch

Sau khi bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và lây lan ở Hà Nội thì những ngày qua, tại TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp mắc căn bệnh này, có nguy cơ lây lan thành dịch.

Tăng ở người lớn và trẻ em

Ngày 31-8, chị Mai Thị Anh Đào (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đưa con trai 3 tuổi đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 trong tình trạng đôi mắt sưng, đỏ và liên tục đổ ghèn. Trước đó 4 ngày, bé xuất hiện các triệu chứng đổ ghèn, đỏ mắt, chảy nước mắt và dụi mắt liên tục. Dù chị Đào thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho con nhưng tình trạng không thuyên giảm, có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc…

Bác sĩ CKI Nguyễn Đình Trung Chính, chuyên khoa mắt, Khoa Liên chuyên khoa BV Nhi đồng 2, cho biết, thời điểm này, BV thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc cấp, trong đó có những trẻ kèm biểu hiện xuất huyết. Đa phần trẻ bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực.

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, BV Đại học Y Dược TPHCM, thông tin, số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám tại BV có dấu hiệu gia tăng; trung bình mỗi buổi bác sĩ thăm khám cho 15-20 ca bệnh, trong khi trước đó chỉ vài ca.

Tại BV Mắt TPHCM, số bệnh nhân đến thăm khám đau mắt đỏ cũng gia tăng trong những ngày gần đây, nhiều trường hợp phải cấp cứu do biến chứng. Chị Lê Thủy Vân (47 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, cách đây ít ngày, mắt chị sưng đau, đổ ghèn, dù nhỏ thuốc và xông nước muối nhưng vẫn không đỡ. Để tránh ảnh hưởng đến công việc, chị Vân đã đến BV Mắt để được điều trị dứt điểm. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị bị viêm kết mạc cấp, phải điều trị dài ngày.

Dễ lây lan thành dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Luân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus tấn công gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi…. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.

Còn theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết, BV Nhi đồng 2, ở trẻ nhỏ, đau mắt đỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ... Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện giả mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.

“Hiện nay, thời tiết với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu. Khi bị đau mắt đỏ, một số người không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc tự ý điều trị khiến bệnh tiến triển nặng và phức tạp hơn, gây ra một số biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết khuyến cáo.

Các chuyên gia lưu ý, những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…

Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ gia tăng bất thường

Theo bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, BV Nhi Trung ương, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện vào mùa xuân - hè, dễ lây lan thành dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, dịch đau mắt đỏ lại đang gia tăng bất thường, với nhiều trẻ bị mắc bệnh có biến chứng nguy hiểm. Trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt của BV đã tiếp nhận liên tiếp trên 50 bệnh nhi/ngày bị viêm kết mạc cấp, trong đó có tới 20% gặp biến chứng nặng. (Theo báo Sài Gòn giải phóng)

 

Thầy giáo hút thuốc vô tình làm nổ bóng bay khiến 10 học sinh nhập viện

Trường tiểu học Yên Phú (Thanh Hóa) đã có báo cáo vụ việc nổ bóng bay khiến 10 học sinh bị thương phải nhập viện điều trị là do thầy giáo hút thuốc vô tình gây ra

Ngày 6-9, tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết các học sinh bị bỏng tại vụ nổ bóng bay ở Trường tiểu học Yên Phú (huyện Yên Định) đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định xử lý xong. Sức khỏe các em đã ổn định trở lại và đang được theo dõi tại bệnh viện.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Yên Phú, sáng ngày 5-9, nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024.

Tại buổi lễ, nhà trường đã chuẩn bị hai chùm bóng bay để hai bên cánh gà. Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, buổi lễ bế mạc.

Kết thúc lễ tựu trường, một số học sinh và phụ huynh lên khán đài lấy bóng bay chơi, cùng lúc đó thầy C. (giáo viên nhà trường) đi qua, trên tay cầm thuốc lá, không may đụng phải khiến bóng bay phát nổ khiến 10 học sinh (lúc đầu báo cáo 7) bị bỏng ở tay, mặt.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường cùng các thầy giáo cô giáo đã đưa học sinh đến Trạm Y tế xã Yên Phú sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định tiếp tục điều trị, theo dõi sức khỏe. (Theo báo Lao động).

 

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tập quán sinh hoạt, ăn thực phẩm tái sống

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh bị sán 'tấn công' lên não do tập quán sinh hoạt, ăn thực phẩm tái sống, gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống.

Sán lá gan chui từ ống dẫn lưu đường mật do ăn gỏi cá

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 57 tuổi từ Hòa Bình, nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán lá gan nhỏ.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân hay ăn gỏi cá, khoảng một tháng nay, người bệnh xuất hiện tình trạng ngày càng nặng lên, mặc dù đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua các chẩn đoán từ tuyến dưới, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp ổ bụng và phát hiện giãn đường mật trong gan và được chẩn đoán theo dõi u đường mật.

Sau khi được chẩn đoán u đường mật gây tắc mật, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và đã được tiến hành đặt ống dẫn lưu đường mật. Tuy nhiên, sau đó, các bác sĩ phát hiện thấy nhiều con sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5 - 1cm chui ra theo ống dẫn lưu ra ngoài, kèm theo xét nghiệm phân thấy được trứng sán.

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra tắc, nhiễm trùng đường mật, từ đó, vi trùng chui vào máu gây ra nhiễm trùng máu kèm theo nên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng máu hoặc ung thư đường mật.

PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, đây là một trường hợp hy hữu ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì để chẩn đoán sán lá gan nhỏ thường phát hiện khó khăn, phải nhờ vào đặt ống sonde hút dịch tá tràng để xét nghiệm mới tìm thấy trứng sán. Thực tế, chưa bao giờ thấy có nhiều sán trưởng thành chui ra từ đường dẫn lưu mật cũng như trứng sán lá gan nhỏ phát hiện ở trong phân như vậy.

Bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tập quán sinh hoạt hay ăn gỏi cá và các thức ăn nấu chưa chín và có thể gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân H.V.K. (60 tuổi, ở Phú Thọ) trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, kèm theo đó là liệt nửa người phải do thường xuyên ăn tiết canh, rau sống. Ông K. được chẩn đoán có nhiều u nang trong não, có nang kích thước rất lớn. Chính những nang kén này chèn ép nhu mô não khiến ông K. bị liệt nửa người.

Sau đó, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy u (nang sán), giải phóng nang chèn ép não, gửi mô bệnh học và làm giải phẫu bệnh. Kết quả đúng với chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị đa nang kén sán não. Bệnh nhân được điều trị hậu phẫu và dùng thuốc diệt ấu trùng sán.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh sán não hay chính xác hơn là u não do ấu trùng sán dây, thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh với mức độ nguy hiểm rất cao.

Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn.

Cách phòng tránh bệnh

Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân (50 tuổi, tiền sử Goute nhiều năm) trong tình trạng sốt cao, khó thở dữ dội, tiên lượng rất nặng. Qua khai thác từ người nhà, bệnh nhân mệt, sốt cao 2 ngày; không có các biểu hiện đau ngực, đái buốt… Tình trạng khó thở tăng dần.

Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu, sốc nhiễm khuẩn - theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Sau đó, người bệnh được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. Diễn biến tình trạng trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2 giờ vào viện thì ngừng tuần hoàn và cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, người bệnh tử vong.

Đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp người bệnh nói trên thì không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ. Sau 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao.

Rất nhiều biện pháp có thể phòng bệnh bao gồm: Quản lý về nguồn cung cấp thịt lợn, an toàn trong chế biến thực phẩm từ thịt lợn và đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân nên từ bỏ những món ăn có từ lâu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo các bác sĩ, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại cá, ốc, các loại rau sống, rau thủy sinh chưa nấu chín,…. Thực hiện rửa tay vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn cũng như uống thuốc tẩy giun sán định kỳ.

Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, phải đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các bác sĩ tuyến cơ sở cũng cần phải được tập huấn, lưu ý bệnh sử, tiền sử và làm thêm các xét nghiệm khẳng định sán để chẩn đoán và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. (Theo báo Sức khỏe đời sống).

 

Hơn 90% trẻ đi khám trầm cảm ở một bệnh viện tại TP.HCM có học lực khá, giỏi

Khảo sát tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy có đến 13,8% thanh thiếu niên đến khám sức khỏe tâm thần bị trầm cảm. Hơn 90% trong đó là học sinh có học lực khá, giỏi.

Thông tin trên được chia sẻ trong Hội nghị tâm thần toàn quốc 2023, vừa tổ chức vào tháng 8 tại TP.HCM. Khảo sát của bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kiều Tiên và cộng sự tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã chỉ ra những vấn đề của trầm cảm ở thanh thiếu niên, ghi nhận từ quá trình thăm khám thực tế.

Theo đó, bác sĩ nhận thấy lý do nhóm trẻ từ 10-16 tuổi (gọi tắt là thanh thiếu niên) đến khám sức khỏe tâm thần vì các dấu hiệu như ít giao tiếp, học tập giảm sút, cáu gắt, khó ngủ, thậm chí có ý tưởng tự sát hoặc tự hủy bản thân. Đặc điểm chung chiếm tỷ lệ cao nhất (23,3%) ở các em khi đến khám sức khỏe tâm thần là cảm thấy buồn.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán 69,8% người bệnh bị trầm cảm mức độ nặng; 25,6% mức độ trung bình và 4,6% mức độ nhẹ.

Khảo sát cũng chỉ ra có mối liên quan giữa sự gia tăng trầm cảm và một số yếu tố như giới tính, độ tuổi, học lực, tiền sử gia đình… Trong đó, giới nữ mắc bệnh nhiều hơn, độ tuổi chủ yếu từ 14-16 (đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông). Có 69,8% người bệnh có học lực khá và 23,2% có học lực giỏi, trong khi đó, học sinh trung bình chiếm 7%.

Bác sĩ nhận định biểu hiện thường gặp của thanh thiếu niên bị trầm cảm là khí sắc trầm, giảm tập trung chú ý và cảm giác vô dụng. Đa số bệnh nhi đến khám khi triệu chứng xuất hiện hơn 12 tháng và bệnh đã ở mức độ nặng.

Các bác sĩ cũng lưu ý khảo sát trên được thu thập từ phòng khám ngoại trú chuyên khoa của Bệnh viện Tâm thần vào năm 2022, nên không mang tính đại diện cho cộng đồng. Vấn đề đặt ra là vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về trầm cảm trên đối tượng thanh thiếu niên được thực hiện tại Việt Nam, dẫn đến hạn chế trong rút ra những đặc điểm phổ quát.

Bác sĩ nhấn mạnh trầm cảm ở thanh thiếu niên là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình và sự phát triển của xã hội nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Phụ huynh chưa nhận diện được vấn đề của con trẻ

Cuối năm 2022, tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cùng một số đơn vị cũng công bố một báo cáo về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học, khảo sát trên 1.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh. Gần 50% trẻ tham gia khảo sát cho rằng cha mẹ khắt khe và áp lực thất bại trong học tập là hai tác nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Trước đó, tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đã công bố báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam, được nghiên cứu trên quy mô gần 8.000 học sinh từ 13-18 tuổi của 81 trường ở 20 tỉnh, thành.

Kết quả cho thấy có 12,59% học sinh thường xuyên/luôn luôn cảm thấy cô đơn; 16,81% thường xuyên khó tập trung vào làm bài tập về nhà; hơn 15% học sinh thực sự nghĩ đến ý định tự tử.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, Quyền Trưởng chương trình Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường (UNICEF), kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 (trẻ từ 10-17 tuổi) tại Việt Nam đã cung cấp những con số đáng chú ý.

Cụ thể, 21,7% trẻ vị thành niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 3,3% trong đó đáp ứng các tiêu chí về rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu và trầm cảm chiếm đa số. Tuy vậy, chỉ có 5,1% phụ huynh xác định trẻ cần giúp đỡ.

"Việt Nam không có nhân viên tư vấn hoặc nhân viên công tác xã hội tại trường học để hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội cho học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc gặp phải các rối loạn hành vi", bác sĩ Du nói.

“Để chăm sóc tốt hơn và toàn diện hơn cho trẻ thanh thiếu niên, cần có những chương trình cộng đồng với mục tiêu cung cấp thông tin cho phụ huynh và thanh thiếu niên, về đặc điểm và biểu hiện của trầm cảm để nhận diện sớm”, bác sĩ Kiều Tiên và các cộng sự tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM bày tỏ.

Các chuyên gia khẳng định cha mẹ và gia đình là nguồn hỗ trợ tốt nhất cho trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, đặt ra vai trò của khám sàng lọc rối loạn trầm cảm, tầm soát sức khỏe tâm thần phải được lồng ghép trong các dịch vụ y tế đa khoa hoặc trong quá trình khám sức khỏe tổng quát cho nhóm đối tượng này. (Theo báo Vietnamnet)

 

Chi gần 1,2 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân

Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng qua, ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương gần 1,2 nghìn tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trung ương đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước. (Theo báo Công an Nhân dân).

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 288
Tháng 07 : 288
Năm 2024 : 1.139.595
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.938.109