• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 13/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa; Cứu sống nam thanh niên mắc sốt xuất huyết biến chứng suy đa cơ quan; Liên tiếp các trường hợp nhập viện vì bị chó cắn nát má, đứt bàn chân; Bé trai nguy kịch sau 2 ngày sốt nhẹ, cha mẹ nhất định phải biết căn bệnh này; Đau mắt đỏ điều trị thế nào hiệu quả?

Bệnh nhân ung thư đang trẻ hóa

Theo ghi nhận từ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, không ít bệnh nhân ung thư gan, phổi, vú, đại - trực tràng, dạ dày… được phát hiện ở lứa tuổi 30, thậm chí 20 thay vì ngoài 40, 50 như trước.

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam đang trẻ hóa so với các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ. Người mắc bệnh tập trung nhiều và tăng nhanh ở độ tuổi 30-34; ung thư đại - trực tràng đang có xu hướng tăng lên. Trước đây, người bệnh ung thư đại - trực tràng thường ở độ tuổi từ 50 trở lên. Hiện nay, cả những người 12-13 tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, số bệnh nhân đến khám và điều trị vì ung thư qua từng năm đều tăng, nhiều nhất là ung thư phổi, dạ dày, vú, cổ tử cung, đại - trực tràng. Đáng lưu ý, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư ở Việt Nam rất rõ. Bệnh viện K đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi chưa lập gia đình. Bệnh nhân N.A.T (22 tuổi, ở Nam Định) sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng được bác sĩ kết luận bị ung thư vú phải. Nhưng do phát hiện muộn, khối u đã di căn đến gan…

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Gánh nặng ung thư tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia”. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Thống kê của ngành Y tế cho thấy cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư. Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020 cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó.

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lí ác tính có số lượng người mắc và tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Thống kê ung thư toàn cầu GLOBOCAN chỉ ra năm 2020, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14,4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

PGS TS Quảng thông tin, nếu như trước đây, ung thư phổi dẫn đầu trong các bệnh ung thư ở Việt Nam thì vài năm gần đây ung thư gan vươn lên số 1, tuy nhiên, số ca tuyệt đối của ung thư phổi chỉ tăng, không giảm. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ca ung thư phổi mà bệnh nhân còn khá trẻ, các dấu hiệu phát hiệu ung thư phổi sớm rất mơ hồ, có thể chỉ ho, tức ngực nhẹ, nhiều người chủ quan bỏ qua hoặc ho khạc ra ít tơ máu lại nghĩ do ho nhiều hay bệnh lao. Còn đến khi tức ngực nặng nề, khó thở, đi khám thì ung thư phổi thường đã ở giai đoạn 3-4.

“Theo thống kê, 2/3 bệnh nhân ung thư phổi đến khám ở Bệnh viện K đã ở giai đoạn muộn. Khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất luôn… Đó cũng là lí do khiến số bệnh nhân tử vong do ung thư phổi rất cao”, ông Quảng nói.

Những nguyên nhân chính

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, có thể do nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng ung thư có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố bao gồm lối sống lười vận động ảnh hưởng đến sức khỏe, chế độ ăn uống không lành mạnh (ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối...). Bên cạnh đó là các thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... Theo các chuyên gia y tế. người nhiễm virus viêm gan B, C, đồng nhiễm HIV và viêm gan virus, xơ gan do rượu là những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng xơ gan và ung thư gan. Nếu được tầm soát và theo dõi điều trị sớm, số người mắc và tử vong vì ung thư gan và xơ gan sẽ không lên đến con số quá cao như hiện nay. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá và rượu còn là hai yếu tố chính ở Việt Nam gây ra ung thư đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu và ung thư thực quản. Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như: ung thư thực quản, dạ dày, đại - trực tràng, gan, buồng trứng, tụy, vú (sau mãn kinh)…

“Hiện nay, ô nhiễm môi trường sống cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng tỉ lệ mắc ung thư ở người trẻ. Hơn nữa, nhờ trình độ y khoa phát triển, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân tăng lên, có ý thức đi khám sàng lọc, do đó nhiều trường hợp ung thư được phát hiện ở lứa tuổi trẻ hơn. Ngoài ra, tiếp xúc sớm với các tác nhân gây ung thư khiến cho tỉ lệ người trẻ mắc bệnh gia tăng”, PGS.TS Phương nói. Vị chuyên gia này cho rằng, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng và chống ung thư kịp thời để giảm tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong do ung thư gây ra và nhấn mạnh “ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao”.

“Tại Việt Nam, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có tỉ lệ sống thêm 5 năm lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỉ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%”, GS.TS. Thuấn cho hay (Tiền phong, trang 14).

 

Cứu sống nam thanh niên mắc sốt xuất huyết biến chứng suy đa cơ quan

Theo thông tin từ Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, cơ sở này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam N.V.T. (32 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao 3 ngày liên tục không đỡ, lơ mơ, chẩn đoán ban đầu bị sốt xuất huyết Dengue kèm suy thận, viêm gan.

Bác sĩ Chu Đức Thành, Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc – Bệnh viện 19-8 cho biết, bệnh nhân có bệnh nền viêm gan B, tan máu bẩm sinh. Trong quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân diễn biến xấu nhanh, suy hô hấp nặng, suy đa cơ quan cấp nên phải đặt nội khí quản, cho thở máy.

Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh thiếu máu do tan máu nên truyền máu không đáp ứng, các bác sĩ phải chỉ định tiến hành lọc máu liên tục, truyền tiểu cầu và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu… Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết mức độ nặng biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy thận cấp, suy gan cấp trên nền viêm gan B, mắc bệnh tan máu bẩm sinh…

Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, thở oxy, ngừng lọc máu. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân hồi phục đáng kể. Bác sĩ Chu Đức Thành nhận định, đây là một ca bệnh có sự hồi phục kỳ diệu vì trước đó tiên lượng tử vong cao (An ninh thủ đô, trang 6).


Liên tiếp các trường hợp nhập viện vì bị chó cắn nát má, đứt bàn chân

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang ngày 12-9, các bác sĩ viện này vừa tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng rách vùng má phải, phần da bị rách nát lộ cơ, mô mỡ, đau đớn.

Qua lời kể từ người nhà bệnh nhân, trong lúc chó nhà đang ăn, bé gái ba tuổi lại gần xem thì bất ngờ bị con chó tấn công, cắn vào vùng mặt.

Ê kíp cấp cứu của bệnh viện đã tiến hành khâu vết thương phức tạp ngoài mặt, trong miệng và tiêm huyết thanh phòng dại cho trẻ. Hiện, sức khỏe và tâm lý bệnh nhi ổn định.

Trước đó vào hôm qua (11-9), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin về việc phòng tiêm chủng vaccine của bệnh viện tiếp nhận 1 bệnh nhân đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng gần đứt lìa chân cùng nhiều vết cào cắn trên người do chó tấn công.

Qua khai thác, bệnh nhân cho biết bị chó nhà cắn cách đây 3 ngày. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, các gia đình cần tiêm phòng dại cho vật nuôi theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo...

Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút; tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Bé trai nguy kịch sau 2 ngày sốt nhẹ, cha mẹ nhất định phải biết căn bệnh này

Mới đây, bé trai 9 tuổi (ở Đắk Lắk) sau 2 ngày sốt nhẹ phải nhập viện thở máy rất nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc tim do viêm cơ tim, xử trí đặt nội khí quản, vận mạch, thuốc chống loạn nhịp, đặt máy tạo nhịp và được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ, trong đó viêm cơ tim có thể xảy ra thứ phát sau một đợt nhiễm trùng do:

Virus: Virus thường gây viêm cơ tim là virus coxsackie B. Nhưng các virus khác như adenovirus, parvovirus chủng B19, echovirus, virus cúm, virus Epstein-Barr, virus Dengue và virus Rubella đều có thể gây viêm cơ tim. Virus HIV/AIDS có khả năng xâm nhập cơ tim trực tiếp.

- Vi khuẩn: Đó là các chủng vi trùng Staphylococcus aureus. Cầu trùng này còn có thể gây viêm các van tim và nội tâm mạc. Vi khuẩn Borrelia burgdorferi do ve (tick) là tác nhân gây bệnh Lyme. Viêm cơ tim còn xảy ra ở trên 1/4 bệnh nhân bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.

- Ký sinh trùng: Là những ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và Toxoplasma, và ký sinh trùng gây bệnh Chagas, thường gặp ở Trung và Nam Mỹ. Ruồi chích gây bệnh Chagas - nguyên nhân toàn cầu quan trọng nhất gây suy tim sung huyết.

- Nấm: Candida, aspergillus và histoplasma là những nguyên nhân gây viêm cơ tim hiếm gặp.

Viêm cơ tim còn xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với:

- Một số hoá chất như: Arsenic và hydrocarbons.

- Các bệnh hệ thống: Bao gồm lupus, các bệnh khác của mô liên kết, viêm mạch máu (vasculitis), và một số tình trạng viêm hiếm gặp như bệnh Wegener's granulomatosis, hay do quá mẫn với một số loại thuốc…

Tuy nhiên, viêm cơ tim cấp thường do virus gây ra, trong đó hay gặp là virus Coxsackie nhóm B. Theo AHA – Hoa Kỳ tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 - 2/100.000 trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình hàng năm có khoảng 15 trẻ bị viêm cơ tim cấp có sốc tim vào cấp cứu và điều trị.

Viêm cơ tim có biểu hiện giống cảm cúm

Viêm cơ tim biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, thường đa dạng và phức tạp. Bệnh diễn tiến vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng; từ nhẹ không triệu chứng đến đột tử.

Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình. Khởi đầu bệnh nhân có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn...

Trong trường hợp viêm cơ tim cấp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch.

- Viêm cơ tim có thể có triệu chứng nhiễm siêu vi: Sốt, đau cơ, mệt mỏi...

- Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiêu hóa. 

- Các triệu chứng tim mạch: Mệt, khó thở, giảm khả năng khi gắng sức, hồi hộp, đau ngực và ngất.

- Theo nghiên cứu các triệu chứng lâm sàng gồm có:

+ Biểu hiện khó thở là 72%.

+ Biểu hiện đau ngực là 32%.

+ Biểu hiện rối loạn nhịp tim là 18%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân viêm cơ tim (đã được xác định bằng sinh thiết cơ tim) lâm sàng biểu hiện trong 4 tình huống:

+ Giống hội chứng vành cấp.

Suy tim: Khởi phát trong 2 tuần đến 3 tháng.

+ Suy tim mạn: Khởi phát > 3 tháng

+ Trạng thái nguy hiểm tính mạng: Rối loạn nhịp nguy hiểm tính mạng và đột tử; Sốc tim; Chức năng thất (T) giảm nặng.

Điều trị viêm cơ tim

Trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, sẽ khỏi bệnh sau 1 - 2 tuần.

Tuy nhiên, trẻ viêm cơ tim nặng sẽ được hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch duy trì chức năng tim. Nếu có rối loạn nhịp thì dùng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp điều chỉnh tần số tim.

Tỉ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp còn rất cao, khoảng 30 - 40%, nhất là trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, tỉ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo). Ngày nay, với kỹ thuật ECMO, chúng ta có thể hy vọng cứu sống nhiều trường hợp viêm cơ tim tối cấp, mà trước đây hầu hết là tử vong.

Tóm lại: Bệnh cảnh lâm sàng của viêm cơ tim đa dạng và phức tạp. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim, cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)


Đau mắt đỏ điều trị thế nào hiệu quả?

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo "không phải cứ đỏ mắt là đến bệnh viện" và không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng viêm corticoid trị đau mắt đỏ. Không phải cứ đỏ mắt là đến bệnh viện. Hiện số trẻ bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đều tăng cao.

Số liệu thống kê của ngành y tế TP.HCM cho thấy số lượt khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (còn gọi viêm kết mạc) trong ngày 12-9 trên địa bàn là 3.944 ca, trong đó chiếm đa số trẻ em dưới 16 tuổi với 2.663 ca.

Bệnh viện Mắt TP.HCM ghi nhận số ca đến khám và điều trị đau mắt đỏ giảm, trong khi ba bệnh viện chuyên khoa nhi gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM đều tăng.

Trẻ đến bệnh viện 10 ngày qua tăng 3-4 lần

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết tám tháng đầu năm 2023 đơn vị ghi nhận 2.201 ca đau mắt đỏ, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ 830 ca (tăng 153%).

Còn nếu tính từ ngày 1-9 đến 11-9, bệnh viện ghi nhận có 715 ca đau mắt đỏ, trong khi cùng kỳ chỉ khoảng trên 50 ca. Đáng lưu ý, chỉ tính số ca đau mắt đỏ 10 ngày cộng lại đã cao gấp đôi tháng 7, 8; gần gấp 3 tháng 1, 2, 3, 4, 6 và gần gấp 4 tháng 5.

Ngày cao điểm bệnh viện ghi nhận 155 ca, trong khi năm 2022 chỉ ghi nhận 10 ca.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca đau mắt đỏ tính từ ngày 1-9 đến 10-9 tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, cao điểm có ngày ghi nhận 183 ca. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng gấp 6 lần, có ngày ghi nhận đến 194 ca.

Thực tế này là lý do mới đây Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bốn đơn vị, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU), Bệnh viện Mắt TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khảo sát nhanh trên những bệnh nhân đến khám, điều trị vì đau mắt đỏ.

Kết quả xác định enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP.HCM, trong đó chiếm ưu thế là enterovirus (86%).

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục khảo sát thêm một lần nữa để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng viêm corticoid

TS.BS Châu cho biết giữa các loại vi rút nêu trên chỉ khác nhau về mức độ lây, còn độ nặng chưa có bằng chứng nào khẳng định có sự khác biệt. Và trong các loại vi rút này, enterovirus nổi lên với độ lây lan mạnh hơn. Đó cũng chính là lý do trên thế giới từng xảy ra các trận dịch đau mắt đỏ do vi rút này gây ra.

Cụ thể, theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại nhiều nước châu Phi, châu Á và Vương quốc Anh trong giai đoạn từ 1969 - 1971.

Gần đây vào năm 2014, nhóm vi rút này gây đau mắt đỏ xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng ba tháng.

Còn theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học trên thế giới, tác nhân enterovirus gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Bác sĩ Châu khẳng định bệnh đau mắt đỏ không phải mới, hầu như năm nào cũng có và bùng lên một thời gian sẽ từ từ "giảm nhiệt". Trước thực tế số ca đến bệnh viện tuyến cuối có tăng so với cùng kỳ, theo ông có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lây lan khi trẻ nhập học.

Theo khuyến cáo, người bị đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất rửa mắt.

Các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có nhiều loại, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin, tobrex.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo cần được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...) hoặc phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

"Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng viêm corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng" - lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 14).

Thu Hòa (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.452
Tháng 06 : 208.918
Năm 2024 : 1.139.083
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.937.597