• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 12/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Xác định nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine ở Vĩnh Phúc; 15 giờ cân não hồi sinh cho trái tim chiến sĩ biên phòng; Thanh Hóa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore; Cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị chó nhà cắn; Bệnh đau mắt đỏ có lây qua đường nước?

Xác định nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine ở Vĩnh Phúc

- Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong do bị rối loạn chuyển hóa axit béo, đây là bệnh do đột biến gen hiếm gặp chỉ có thể phát hiện bằng phát hiện gen chuyên sâu.

Liên quan đến việc 2 trẻ sơ sinh ở Vĩnh Phúc có dấu hiệu bất thường trong đó 1 bé đã tử vong và 1 bé nguy kịch được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi vaccine viêm gan B, PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trường hợp bệnh nhi sơ sinh nguy kịch sau khi tiêm vaccine viêm gan B được chuyển lên cấp cứu hiện đang được các y bác sĩ bệnh viện tiếp tục theo dõi, điều trị.

Sau khi xét nghiệm gen, nguyên nhân do trẻ bị rối loạn chuyển hoá axit béo một trong 2 thể rối loạn chuyển hoá bẩm sinh. Đây là bệnh do đột biến gen hiếm gặp chỉ có thể phát hiện bằng phát hiện gen chuyên sâu.

Được biết, thời gian gần đây, các chuyên gia Bệnh viện Nhi trung ương đã gặp gần 10 trường hợp tử vong sau tiêm phòng vaccine viêm gan B nhưng nguyên nhân hoàn toàn không phải do tiêm phòng. Chỉ là do thời điểm tiêm viêm gan B thường là sau sinh mà triệu chứng của bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh cũng thường nặng lên lúc trẻ được bú sau 1 ngày.

Trước đó, 2 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc sau khi tiêm phòng vaccine viêm gan B xuất hiện khó thở, suy hô hấp, nguy kịch, trong đó một trẻ đã tử vong, một trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị gây xôn xao dư luận.

Ông Đỗ Trọng Cán - Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã mời cơ quan pháp y vào cuộc để tiến hành khám nghiệm, chẩn đoán để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể bé sơ sinh về để gia đình an táng. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)

 

15 giờ cân não hồi sinh cho trái tim chiến sĩ biên phòng

Với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể - ECMO thức tỉnh, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cứu sống kỳ tích chiến sĩ biên phòng bị viêm cơ tim, nguy kịch tính mạng. 

Mới đây, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu và hồi sinh thành công một thanh niên 19 tuổi đang là chiến sĩ bộ đội biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) bị viêm cơ tim cấp trong tình trạng rất nguy kịch.

Ca cấp cứu được thực hiện ngoạn mục trong vòng 15 tiếng đồng hồ bao gồm cả thời gian vận chuyển bệnh nhân từ đồn biên phòng Xín Cái đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trước đó, bệnh nhân sốt cao 2 ngày, mệt mỏi, khó thở tăng dần. Bệnh nhân nằm tại bệnh xá đồn Biên phòng điều trị với chẩn đoán nhiễm virus cấp. Tình trạng không cải thiện. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân xuất hiện đau ngực nhiều, khó thở, huyết áp xu hướng tụt 90/40, có lúc người bệnh co giật.

Kết quả làm điện tim tại y tế cơ sở phát hiện rối loạn nhịp tim phức tạp, quân y Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang lập tức liên hệ với Tiến sĩ Đặng Việt Đức, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được tư vấn chuyển gấp xuống vì khả năng bệnh nhân mắc bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao.

Sau khi nhận được điện thoại, 23 giờ đêm cùng ngày, toàn bộ hệ thống cấp cứu Hồi sức tim mạch được kích hoạt, báo cáo Hệ thống trực cấp cứu trong Bệnh viện, các bác sĩ và điều dưỡng được huy động tối đa vào đơn vị ngay trong đêm, chuẩn bị sẵn sàng cho can thiệp ECMO.

Trong đêm đó, bệnh nhân đã được các đồng đội là chiến sĩ, y bác sĩ tại bệnh xá biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) vận chuyển bằng đường bộ xuống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bất chấp quãng đường vài trăm km sạt lở do mưa lớn kéo dài hàng tuần, 3 đồng chí quân y thay nhau cõng đồng đội qua nhiều km đường rừng để đưa bệnh nhân kịp tới viện.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Huy, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết: “Tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 5 giờ 30 phút sáng 28/8, chúng tôi đánh giá lại tình trạng bệnh nhân và xác định đây là ca bệnh viêm cơ tim cấp có biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp, nhanh thất bền bỉ bắt đầu có rối loạn huyết động, có lúc vô mạch.

Chỉ định VA-ECMO được thực hiện ngay lập tức tại phòng can thiệp. 6 giờ sáng, bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật ECMO thức tỉnh an toàn với hệ thống Cardiohelp hiện đại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, sau đó các chỉ số dần ổn định”.

Quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân trong 3 ngày tiếp theo tương đối thuận lợi nhờ có máy ECMO hỗ trợ. Do được can thiệp bằng kỹ thuật ECMO thức tỉnh, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nên mô tả được triệu chứng đau chân đột ngột.

Nhờ đó, các bác sĩ phát hiện sớm được biến chứng huyết khối gây tắc cấp tính động mạch khoeo chân trái. Khoa chẩn đoán và can thiệp tim mạch đã thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối thành công.

Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện từng ngày, các rối loạn nhịp được kiểm soát, huyết áp trở về bình thường và bệnh nhân rút ECMO sau 3 ngày, tiếp tục phục hồi chức năng tập đi lại và sẵn sàng chờ ngày ra viện để trở về đơn vị cùng các đồng chí, đồng đội của mình.

Tiến sĩ Đặng Việt Đức, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tim mạch cho hay, so với ECMO truyền thống, việc ECMO thức tỉnh giúp phát huy ưu điểm của việc tự thở và tỉnh táo, giảm tỷ lệ các biến chứng và tỷ lệ tử vong. Theo một nghiên cứu lớn, đa trung tâm trên thế giới mới công bố, tỷ lệ cứu sống bệnh nhân ECMO thức tỉnh cao hơn rõ rệt so với ECMO truyền thống.

Trong tương lai, kỹ thuật ECMO thức tỉnh hứa hẹn đem đến nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới phù hợp với xu thế y học hiện đại.

Bác sĩ Huy khuyến cáo, việc phòng bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Mọi người nên có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi, tiêm phòng cúm, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường. (Theo Nhân dân online)

 

 

Thanh Hóa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore

Chiều 11/9, Sở Y tế Thanh Hóa ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Quảng Xương, cũng là ca mắc bệnh Whitmore đầu tiên tại tỉnh Thanh Hoá trong năm nay.

Nữ bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Brukholderia pseudomallei, sinh năm 2008, ở xã Tiên Trang, đang theo học trung học phổ thông ở huyện Quảng Xương.

Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về ca bệnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quảng Xương đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV/AIDS điều tra và xác minh thông tin.

Qua điều tra ban đầu, một tháng qua bệnh nhân ở cùng bố mẹ và anh trai tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, không đi khỏi địa phương.

Gia đình bệnh nhân ở khu nhà khép kín, không chăn nuôi, không làm nông nghiệp, sử dụng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khoan.

Hiện không rõ tiền sử bệnh nhân có tiếp xúc với đất, nước, bụi, xác động vật chết, đồ ăn bị nhiễm vi khuẩn Whitmore; trên cơ thể bệnh nhân chưa phát hiện các vết trầy xước trên da.

Từ ngày 22 đến 30/8, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt cân (7kg/10 ngày), bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhân đến Phòng khám An Phúc, ở xã Tiên Trang khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh vẫn không đỡ và bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...

Khoảng 14 giờ ngày 2/9, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương ở phường Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa khám và điều trị với lý do sốt nóng từng cơn, nhiệt độ dao động 39-40 độ C, người mệt mỏi.

Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.

Sau 2 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, thở oxy, đường thở tăng tiết đờm, chảy máu chân răng, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu, phổi thông khí 2 bên giảm...

Các xét nghiệm bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu đều tăng cao; xét nghiệm cấy máu kết quả có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore). (Theo Nhân dân online)

 

Cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị chó nhà cắn

 Bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng cấp cứu khi đứt rời bàn chân phải và có nhiều vết cào xé trên người.

Phòng tiêm chủng Vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 1 bệnh nhân đến tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh dại.

Qua khai thác được biết bệnh nhân bị chó nhà cắn cách đây 3 ngày. Bệnh nhân bị đứt rời bàn chân phải và nhiều vết cào xé trên người. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền do virút dại xâm nhập qua các vết cắn, vết cào của động vật đã mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể virus dại gây tổn thương trên hệ thần kinh trung ương ở một số loài động vật như các loại dơi, chuột, dê, cừu, trâu, bò ...

Đặc biệt là loại chó. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn, người đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100 %.

Vì vậy, người dân cần hiểu rõ về bệnh dại và nguy cơ sau khi mắc bệnh. Nếu nuôi chó phải nhốt, không được thả rông, khi ra đường phải có rọ mõm, có người trông. Tiêm phòng và quản lý tốt chó đang ngồi tại khu vực cụm dân cư.

Những người bị chó mèo nghi dại cắn cần chủ động đi tiêm phòng dại ngay, càng sớm càng tốt. (Theo Nhân dân online)

 

Bệnh đau mắt đỏ có lây qua đường nước?

Bệnh đau mắt đỏ do adenovirus, enterovirus gây ra lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh.

Trước những thông tin không chính xác về dịch đau mắt đỏ đang bùng phát tại TPHCM, Sở Y tế TPHCM đã làm rõ các thông tin liên quan tới bệnh viêm kết mạc cấp.

Theo Sở Y tế, có nhiều thông tin cho rằng bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây qua đường nước, nên nếu chất lượng nước uống không tốt thì nguy cơ cả gia đình đều mắc bệnh là rất cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie,…), bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt là các loại thuốc có chứa kháng sinh. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn nên hiện không xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc. Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ),…

Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương đã tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore; giám sát các trường hợp liên quan, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.

Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo Trạm Y tế xã Tiên Trang phối hợp với chính quyền xã truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).

                                                                                        Thu Hòa (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.503
Tháng 06 : 208.969
Năm 2024 : 1.139.134
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.937.648