• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 05/9/2023

Soyte.hatinh.vn: Bé trai 3 tuổi nhập viện do cầm đầu dây điện thoại đang sạc;  Tự ý dùng thuốc chữa viêm tai giữa, nam thanh niên liệt một bên mặt; Quảng Nam: Bốn mẹ con bị đàn ong vò vẽ đốt phải nhập viện; Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết; Bác sĩ thấy đống sỏi rơi ra ngoài khi phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bé trai 3 tuổi nhập viện do cầm đầu dây điện thoại đang sạc

Ngày 3/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cho biết, đơn vị đang điều trị 1 bệnh nhi bị điện giật.

Trước đó, ngày 1/9, Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình đã tiếp nhận bệnh nhân D.B.N (3 tuổi, trú tại Lào Cai) nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng bàn tay phải do bị điện giật.

Theo gia đình cho biết, bé N cầm vào đầu của dây sạc điện thoại vẫn đang cắm vào nguồn điện nên bị giật. Khi phát hiện, người nhà đã kịp thời giải phóng nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

Lúc vào viện, N tỉnh, tiếp xúc được, đau nhiều tại vị trí tổn thương; hoại tử khô một ngón tay phải, sưng nóng đỏ, lộ gân xương vùng ô mô cái tay phải; hoại tử khô đốt xa ngón 2 kèm lộ xương đốt bàn ngón thứ 2 của tay phải.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, cắt lọc, loại bỏ các tổ chức bị hoại tử và rửa vết thương bệnh nhi. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đang nằm điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên sử dụng điện thoại khi đang sạc, cần rút dây sạc ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.

Trường hợp xảy ra tai nạn, gia đình cần đưa bệnh nhân tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. (theo Báo Pháp Luật).

 

Tự ý dùng thuốc chữa viêm tai giữa, nam thanh niên liệt một bên mặt

Sau khi chẩn đoán viêm tai giữa, bệnh nhân mua thêm thuốc ở ngoài về nhỏ vào tai. Sau một thời gian xuất hiện chảy dịch tai, tai đau nhiều và sưng, liệt một bên mặt.

Vừa qua, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (28 tuổi) vào viện thăm khám với lý do sưng đau sau tai, chảy dịch nhiều, sưng một bên mặt. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết có đi khám ở phòng khám tư và chẩn đoán viêm tai giữa. Bệnh nhân được kê thuốc, kèm theo đó là tự ý mua thuốc để dùng nhỏ tai kết hợp thêm. Tuy nhiên, sau một thời gian triệu chứng không đỡ và có dấu hiệu nặng lên mới tới bệnh viện thăm khám.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có khối sưng phồng sau tai, chảy dịch tai liên tục và liệt một bên mặt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm tai giữa chũm mạn tính có cholesteatome gây biến chứng liệt mặt và hồi viêm sau tai. Cholesteatoma là một tổ chức biểu mô tăng trưởng hình thành trong tai giữa, xương chũm, hoặc thượng nhĩ sau khi viêm tai giữa mãn tính. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật giảm áp dây 7 và xử lý phần chũm trong tai để giải quyết tình trạng biến chứng của cholesteatoma. Sau một thời gian bệnh nhân phục hồi tốt. ThS.BSCKII Nguyễn Đình Trường thông tin về ca bệnh và cảnh báo các sai lầm khi chữa viêm tai giữa.

Dấu hiệu viêm tai giữa

Tai giữa là phần nằm phía trong màng nhĩ. Cấu tạo tai giữa bao gồm hòm tai, vòi nhĩ (vòi thông từ tai giữa xuống mũi họng) và sào bào (tế bào lớn nhất ở trong xương chũm). Bệnh nhân mắc viêm tai giữa thường có tiền triệu chứng như:

- Chảy mũi, ngạt mũi kéo dài

- Đi bơi, chọc ngoáy tai hoặc các tác động đến tai không đúng cách

Sau đó thường xuất hiện các biểu hiện đau tai, ù tai. Trong trường hợp nặng hơn có thể chóng mặt, buồn nôn, chảy dịch tai ra ngoài. Ở các trẻ nhỏ thường có triệu chứng sốt về đêm, đau tai (đưa tay lên dụi tai hoặc nghiêng đầu về một bên), quấy khóc nhiều, trước đó có thể xuất hiện ho hoặc sổ mũi.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tai giữa, bệnh nhân nên thăm khám tại các cơ sở y tế, chuyên khoa tai mũi họng để loại trừ các bệnh mạn tính hoặc các biến chứng khi điều trị không đúng cách.

Viêm tai giữa có nguy hiểm không?

Khi xuất hiện có dịch chảy ra khỏi tai thường là dấu hiệu của viêm tai giữa. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân thường tự ý mua thuốc hoặc nhỏ các loại thuốc, bột theo kinh nghiệm dân gian vào tai. Khi người bệnh tự ý dùng thuốc tây, kháng sinh không có dấu hiệu đỡ liền kết hợp thêm cả đông y, vừa uống vừa nhỏ. Điều này có thể để lại các biến chứng không thể phát hiện qua lâm sàng như viêm tai xương chũm.

Việc điều trị viêm tai giữa dai dẳng quá mức hoặc không đúng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước mắt có thể ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt như suy giảm sức nghe tùy theo mức độ viêm. Ngoài ra có thể gây ra các biến chứng tiền đình ốc tai dẫn tới hiện tượng chóng mặt, buồn nôn. Trong một số trường hợp có thể gây biến chứng tại dây thần kinh số 7 dẫn tới méo/liệt mặt.

Trước đây, còn gặp một số biến chứng về viêm màng não, sọ não. Tuy nhiên thời gian gần đây người dân quan tâm hơn tới vấn đề đề sức khỏe nên biến chứng này ít gặp hoặc có thể gặp ở những nơi vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn. (theo Báo sức khỏe và đời sống).

Quảng Nam: Bốn mẹ con bị đàn ong vò vẽ đốt phải nhập viện
Bốn mẹ con ở Quảng Nam đi xe máy về ngoại để chơi lễ thì không may bị đàn ong vò vẽ đốt phải nhập viện, trong đó cháu bé 3 tuổi bị đốt hơn 50 mũi.

Chiều 4/9, lãnh đạo UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ ong vò vẽ đốt 4 mẹ con nhập viện.

Theo đó, ngày 2/9, chị Huỳnh Thị Lượng (40 tuổi, trú xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, Quảng Nam) dẫn theo 3 con nhỏ (bé lớn 8, bé 5 và 3 tuổi) về nhà mẹ ruột ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh chơi.

Khoảng 10 giờ cùng ngày, khi về đến cổng nhà mẹ ruột, 4 mẹ con của chị Lượng bị đàn ong vò vẽ bay vào đốt. Trong đó, con gái 3 tuổi bị đốt nhiều nhất với hơn 50 mũi. Người dân phát hiện sự việc đã đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Hiện người mẹ đang hôn mê, phải lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, còn 3 con của chị được đưa ra Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng theo dõi, điều trị.

Được biết gia cảnh của 4 mẹ con chị Lượng rất khó khăn. Hai vợ chồng làm nông nuôi 3 con nhỏ và chăm mẹ già. Sau khi bị ong đốt, gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi nhưng chưa đủ chi phí điều trị và đi lại, nhiều người đang quyên góp để hỗ trợ gia đình. (Theo Báo Tiên Phong).

 

Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ghi nhận ca tử vong thứ 3 vì sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Công thông tin Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk dẫn báo cáo từ CDC tỉnh xác nhận trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì sốt xuất huyết (SXH).  Như vậy, tính từ đầu năm 2023, Đắk Lắk đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. 

Bệnh nhân thứ 3 sinh năm 2010, trú tại huyện Krông Pắk. Theo người nhà bệnh nhi, ngày 29/8, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục. 

Ngày 30/8, người nhà đưa trẻ đi khám tại phòng khám tư được chẩn đoán SXH Dengue, đã xử trí dịch truyền và thuốc hạ sốt. Ngày 31/8, người nhà đưa trẻ nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk với chẩn đoán sốc – suy tuần hoàn hô hấp/ SXH nặng ngày thứ 4. 

Ngày 01/9, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán suy hô hấp độ IV/ sốc SXH Dengue nặng giữa ngày 4. 

Ngày 02/9, bệnh nhân tử vong lúc 02 giờ 00 phút với chẩn đoán Sốc SXH Dengue nặng đầu ngày 5 có suy đa tạng nặng tổn thương đa cơ quan không hồi phục.

Theo số liệu thống kê của CDC tỉnh, tính đến ngày 2/9, toàn tỉnh ghi nhận 2.272 trường hợp mắc SXH, 3 trường hợp tử vong. Trong đó có 2.238 trường hợp mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 34 trường hợp mắc SXH Dengue nặng.

Tại Hà Nội, ngành y tế cũng vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì sốt xuất huyết trong năm nay. Bệnh nhân tử vong là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội), có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn tính. Ngày 23/8, bệnh nhân sốt 38,5 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.

Sau 3 ngày điều trị tại phòng khám tư hết sốt, đến tối ngày 26/8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen, vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, được chẩn đoán sốc mất máu do sốt xuất huyết Dengue, xuất huyết nặng, suy đa tạng. Bệnh nhân được điều trị tích cực, lọc máu, rửa dạ dày cấp cứu, thở máy, tử vong ngày 29/8.

Trong dịp nghỉ lễ 2/9, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Tại văn bản do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tử đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương ghi nhận số mắc tăng của một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ lan ra diện rộng nếu không được giảm sát, phát hiện và xử trí kịp thời.

Những ca sốt xuất huyết nhập viện thường có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở nữ giới, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa… Một số bệnh nhân có biểu hiện suy nội tạng như suy gan, men gan tăng cao có bệnh nhân men gan tăng hơn 1000. Một số trường hợp viêm não, có biểu hiện sốc, tụt huyết áp sốc giảm thể tích cô đặc máu…

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sốt xuất huyết, nhất là trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác như COVID-19, sốt do viêm phế quản, cúm. (Theo Báo Nhân dân).

Bác sĩ thấy đống sỏi rơi ra ngoài khi phẫu thuật cho bệnh nhân

Mở ổ bụng người đàn ông, các bác sĩ thấy ống gan phải và trái có nhiều sỏi rơi ra ngoài. Tổng cộng hơn 100 viên sỏi, có viên to gần bằng ngón tay út được lấy ra khỏi đường mật, gan.

Bệnh nhân là ông T.V.N (55 tuổi) vào Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng vùng thượng vị và hạ vị, đau quặn cảm giác sốt nóng lạnh từng cơn, cơn đau ngày càng tăng…

Kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bụng mềm, ấn đau tức vùng thượng vị, hạ sườn phải tại vị trí đường mật trong gan giãn chứa nhiều sỏi; ống mật chủ đường kính ngang 35mm có nhiều sỏi tập trung thành đám lớn; thận phải có nang...

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm đường mật độ 1 do sỏi ống mật chủ, sỏi đường mật trong gan. Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện phẫu thuật điều trị viêm đường mật, mở ống mật chủ và gan lấy sỏi được đưa ra.

Bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ, kíp phẫu thuật mổ ổ bụng thấy túi mật, ống mật chủ, dạ dày, tá tràng dính thành đám, tiến hành gỡ dính, kiểm tra cạnh ống mật chủ có nang kích thước 4×4 cm. Mở nang ống mật chủ, bác sĩ thấy có nhiều sỏi, kiểm tra ống gan phải và trái thấy có nhiều sỏi rơi ra ngoài…

Ê-kíp phẫu thuật tiến hành lấy sỏi nang ống mật chủ, ống mật chủ, gan phải, ống gan phải, đồng thời cắt hỗng tràng, nối hỗng tràng, cắt nang ống mật chủ… cho bệnh nhân.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không đau, giảm sốt, có thể được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Vũ Thế Cầu, khoa Ngoại, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, cho biết 100 viên sỏi màu vàng sẫm, nâu đen… chen nhau gây giãn đường mật và gan.

Giải thích về nguyên nhân khiến người bệnh có số lượng sỏi nhiều, bác sĩ Cầu cho biết một phần là do bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị phẫu thuật hơn 20 năm trước, phần khác là do rối loạn chuyển hóa của tuổi tác ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật và dễ hình thành nên sỏi.

Để phòng tránh bệnh sỏi mật, sỏi gan, bác sĩ Cầu khuyến cáo người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm. Nếu bệnh nhân không chữa trị bệnh này, túi mật của bệnh nhân có thể bị viêm, tắc mật, vàng da. Bệnh nhân thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm. (Theo Viet tnam net)

Thực hiện Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 271
Tháng 07 : 271
Năm 2024 : 1.139.578
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.938.092