• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 30/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Hơn 66.000 ca mắc, 14 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, tuýp virus nào gây bệnh này năm nay? Cứu sống người bệnh suy hô hấp kèm di chứng đột quỵ não liệt nửa người; Bị chó cắn gần 4 tháng mới phát dại, bé 8 tuổi tử vong.

Hơn 66.000 ca mắc, 14 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, tuýp virus nào gây bệnh này năm nay?

Bộ Y tế ngày 30/8 cho biết, từ đầu năm đến 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số mắc và tử vong đều giảm, tuy nhiên nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, dự báo số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.

Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng đầu năm thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến 25/8 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong (tại Đồng Nai (4), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Thành phố Hồ Chí Minh (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Long An (1)). So với cùng kỳ năm 2022 (với 172.567 ca mắc, 93 ca tử vong) số mắc giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.

Số mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh (8.628 ca mắc), An Giang (3.161 ca mắc), Đồng Nai (3.114 ca mắc), Bình Dương (2.482 ca mắc), Bình Thuận (3.118 ca mắc), Sóc Trăng (2.481 ca mắc).

Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng đầu năm 2023 là 0,02% (thấp hơn tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Timor Leste 1,2%, Indonesia 0,89%, Philippines 0,51%, Campuchia 0,2%, Lào 0,18%, Malaysia 0,06) và nằm trong chỉ tiêu về giảm tử vong do Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 (≤0,09). 

Tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 ( tháng 6) và tăng cao nhất trong 03 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (Khu vực miền Nam giảm 71%, khu vực miền Trung giảm 44,3%, khu vực Tây Nguyên giảm 34%), riêng khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.

Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Dịch sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp

Về dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua. 

Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao. 

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền. 

Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, hôm qua- 29/8/2023, Bộ Y tế đã gửi công văn số 5480/BYT-DP đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đồng thời cho biết, đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.

Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)

 

Cứu sống người bệnh suy hô hấp kèm di chứng đột quỵ não liệt nửa người

Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu kịp thời trường hợp người bệnh cao tuổi suy hô hấp, viêm phổi kèm di chứng đột quỵ não liệt nửa người.

Người bệnh C.V.P. 79 tuổi, xã Thanh Hà, Thanh Ba, Phú Thọ, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, ho nhiều, khạc nhiều đờm vàng đục, sốt thất thường, đau tức ngực 2 bên, khó thở tăng, môi tím… Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết. Người bệnh được chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi, tăng huyết áp, di chứng đột quỵ não, liệt nửa người phải; chỉ định điều trị: Oxy trợ thở, kháng sinh, giãn phế quản, chống viêm… Sau 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định.

Bác sĩ Phan Thị Nhạn – Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết: "Đây là một trường hợp suy hô hấp nặng, có nguy cơ tử vong cao do người bệnh có nhiều bệnh lý kèm theo, thể trạng gầy yếu. Sau khi xác định được tình trạng bệnh, chúng tôi đã chỉ định điều trị thuốc nội khoa tích cực và chăm sóc toàn diện, đảm bảo tình trạng hô hấp của người bệnh. Tình trạng suy hô hấp thường diễn biến nhanh đặc biệt ở người cao tuổi kèm nhiều bệnh nền sẽ có nguy cơ diễn tiến tình trạng suy hô hấp nhanh hơn."…. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)

 

Cảnh báo sốc nhiễm trùng, tử vong vì liên cầu lợn chỉ sau vài giờ nhập viện

Bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng, tử vong khá đường đột khiến không chỉ gia đình mà nhân viên y tế rất bất ngờ.

Nam bệnh nhân 50 tuổi, tiền sử mắc bệnh gout nhiều năm đến khám tại BV Đại học Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao, khó thở dữ dội. Sau 2 giờ vào viện, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, các bác sĩ nỗ lực cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, bệnh nhân tử vong. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.

Theo BS. Nguyễn Tiến Thành, BV Đại học Y Hà Nội, chẩn đoán ban đầu ở bệnh nhân là sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. "Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình về tình trạng cụ thể. Bệnh nhân trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2 giờ vào viện thì ngừng tuần hoàn, cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, bệnh nhân tử vong" - BS. Thành chia sẻ thêm.

Theo các bác sĩ, đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng, nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp bệnh nhân nói trên thì không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ.

Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis (S.suis). Với xét nghiệm này, các bác sĩ đã có lý giải cho bệnh cảnh lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải.

Trước đó không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 cũng tiếp nhận điều trị thành công người bệnh nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Bệnh nữ Đ.T.P.N (40 tuổi) vào viện trong tình trạng lâm sàng nguy kịch. Người bệnh có tiền sử đau khớp tay, chân và đau lưng nhiều, khoảng 1 tháng nay uống thuốc nam kèm theo thuốc giảm cân. Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, đau mạn sườn phải âm ỉ liên tục, có lúc đau quặn thành cơn.

Sau đó người bệnh diễn biến nặng, tự điều trị tại nhà nhưng đến chiều không đỡ. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện cấp cứu, phát hiện suy chức năng gan, thận, tụt huyết áp, chuyển khoa Hồi sức nội viện 103. Tại đây các bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân sốc nặng, vật vã kích thích, da niêm mạc vàng, xuất huyết dưới da dạng mảng và nốt vùng ngọn chi, ngón cái bàn tay phải có vết thương 1cm đã liền mép nhưng còn sưng màu xanh tím… Ngay lập tức người bệnh được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục và thực hiện điều trị đặc hiệu.

Trong quá trình cấp cứu điều trị và tầm soát căn nguyên, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có biểu hiện: viêm do nhiễm khuẩn kèm theo có ban xuất huyết dưới da tay chân, vàng da, tan máu rõ, đã định hướng căn nguyên là nhiễm liên cầu tan máu và bổ sung thêm kháng sinh Linezolid. Kết quả cấy máu lúc nhập viện (trả kết quả 3 ngày sau đó): Dương tính với liên cầu lợn.

Cùng sự nỗ lực trong điều trị cũng như chăm sóc tích cực của tập thể các y bác sĩ người bệnh dần dần qua cơn nguy kịch, biểu hiện lâm sàng cải thiện tốt, chức năng các tạng về ngưỡng bình thường. Người bệnh tiến triển tốt và ra viện sau 28 ngày điều trị.

Không chủ quan khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn

Theo thông tin Cục Y tế dự phòng, bệnh do liên cầu lợn S.suis rất đa dạng bao gồm: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

S.suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, S.suis có thể lây truyền qua người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương, trầy xước trên da đồng thời qua người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín thịt luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chạo, nem chua…

Hiện nay trong dân cư nhiều nơi vẫn có thói quen cũng như phong tục tập quán ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn. Nếu không được phát hiện kịp thời nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này là rất cao, do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để kịp thời phòng chống bệnh do liên cầu lợn gây ra. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)

 

Bị chó cắn gần 4 tháng mới phát dại, bé 8 tuổi tử vong

Một bé gái 8 tuổi tử vong do bị chó cắn bốn tháng trước. Mới đây bé phát bệnh dại tại huyện Minh Hoá, Quảng Bình khiến người dân hoang mang.

Cách đây gần 4 tháng, gia đình ông P.X.Đ. (trú thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa) mua một con chó.

Sau vài ngày nuôi, con chó trên cắn bé P.T.B.V. (SN 2015) gây ra vết thương ở chân trái, chảy lượng máu ít. Bé V. không được xử trí vết thương, không tiêm vaccine phòng dại, gia đình mua thuốc nam về cho cháu uống.

Con chó cắn bé  V. bị đánh chết, hơn 3 tháng cháu bé không có biểu hiện gì bất thường.

Ngày 21/8, bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị bệnh Thalassemia (là một nhóm các bệnh thiếu máu tan máu di truyền) theo liệu trình điều trị.

Đến ngày 25/8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, nhức đầu, sợ nước, sợ ánh sáng, co giật. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh dại. Đến ngày 28/8, bé đã tử vong trên đường về quê.

Ngày 29/8, Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa tiến hành điều tra dịch tễ, chỉ đạo Trạm Y tế xã Hóa Thanh tăng cường giám sát địa bàn để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời những tình huống cần thiết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)

Nhật Minh (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 288
Tháng 07 : 288
Năm 2024 : 1.139.595
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.938.109