Thách thức trong công tác giảm sinh
Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đạt mức sinh thay thế, tiến tới thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống thì Hà Tĩnh vẫn loay hoay trong thực hiện mục tiêu giảm sinh.
10 năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã đạt mức sinh thay thế và tỷ lệ bình quân cả nước là 2,1 con/1 bà mẹ. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, giảm sinh vẫn đang là nhiệm vụ hết sức gian nan khi mức sinh thay thế vẫn còn cao (dao động từ 2,75 - 2,9 con/1 bà mẹ).
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Tĩnh, những tháng đầu năm 2016, số trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên 3.150 cháu, tương ứng tỷ lệ sinh trên 2 con 22,08%, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước dao động từ 12-15%. Một số địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao như: Lộc Hà 29,38%, Cẩm Xuyên 27,25%, thị xã Kỳ Anh gần 29%, Hương Khê 26,38%... Cùng với sự biến động về tỷ lệ sinh trên 2 con thì tỷ số giới tính khi sinh trong những tháng đầu năm cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ - 112,03 bé trai/100 bé gái (tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ và tăng 0,74 điểm phần trăm so với cả năm 2015).
“Đến tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền vẫn là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tỷ lệ gia tăng dân số.
Những con số trên đã cho thấy thách thức lớn đang đặt ra trên lộ trình thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ gia tăng dân số để nâng cao chất lượng cuộc sống mà ngành dân số tỉnh đã xây dựng. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. “Mặc dù công tác dân số đã được tỉnh và các ban ngành cùng vào cuộc chia sẻ khó khăn nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn...”.
Ngoài những khó khăn không mới trong công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân thì nguồn ngân sách hạn hẹp cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác dân số chưa đạt kết quả như mong đợi. TP Hà Tĩnh là một trong những “điểm nóng” về tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, nguồn ngân sách dành cho hoạt động dân số cũng hết sức eo hẹp. Theo chị Mai Thị Hà Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số TP Hà Tĩnh: “Nếu như được bố trí nguồn ngân sách hoạt động theo tinh thần nghị quyết của HĐND tỉnh thì mỗi năm, chúng tôi phải được cấp từ 250-300 triệu đồng. Thế nhưng, thực tế mỗi năm chỉ được bố trí khoảng 50-60 triệu đồng. Khi đột xuất vẫn có thể xin thêm nhưng cũng không đáng là bao”.
Tương tự, tại Đức Thọ, nếu bố trí kinh phí cho công tác dân số theo Nghị quyết 78 của HĐND tỉnh thì mỗi năm, Trung tâm Dân số huyện sẽ có khoảng 240 triệu đồng phục vụ các hoạt động. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tính cả nguồn bổ sung thì ngành dân số huyện mới được cấp 193 triệu đồng. “Vậy mà, nguồn kinh phí này còn bị trừ phần trăm nên thực nhận chẳng còn bao nhiêu. Công tác tuyên truyền theo đó cũng hết sức khó khăn” - chị Phạm Thị Hồng Thanh - Giám đốc Trung tâm Dân số Đức Thọ cho biết.
Để giải quyết những khó khăn này không thể một sớm một chiều. Vì thế, ngoài việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, chủ động rà soát đối tượng để xây dựng chỉ tiêu kế hoạch ngay từ đầu năm thì sự quan tâm, chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền để tiếp sức cho ngành dân số thực hiện các chương trình, mục tiêu đề ra được xem là giải pháp thiết thực hàng đầu. “Điều mong muốn của ngành đó là trong thời gian chờ BCH Trung ương ban hành nghị quyết mới thì vẫn nên giữ nguyên tổ chức bộ máy của ngành như hiện tại. Bởi việc xáo trộn sẽ gây tâm lý bất ổn trong đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và sẽ tạo thêm nhiều rào cản trên con đường thực hiện mục tiêu kế hoạch vốn đã nhiều khó khăn” - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Huy Tú cho hay.
Theo: Báo Hà Tĩnh