Lộc Hà “điểm nóng” sinh con thứ 3
Được tách ra từ 6 xã vùng biển cửa huyện Thạch Hà và 7 xã khó khăn vùng hạ Can Lộc, do đặc thù của vùng miền và quan niệm của người dân còn lạc hậu nên sau 9 năm kể từ ngày thành lập, đến nay, mặc dù cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc tích cực nhưng “điểm nóng” về sinh con thứ 3 ở Lộc Hà vẫn chưa có chiều hướng “hạ nhiệt”.
Theo báo cáo của Trung tâm Dân số huyện Lộc Hà, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn có 902 trẻ được sinh ra, trong đó có 265 cháu là con thứ 3 trở lên (chiếm tỷ lệ 29,38%). Dù so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm 2,16% nhưng so với mức bình quân của tỉnh là 22,35%, thì Lộc Hà vẫn đang là huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng người dân là một trong những biện pháp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Anh Biện Lương Hiền - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện chia sẻ: “Công tác dân số ở Lộc Hà đã được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Nhiều nghị quyết, chương trình hành động về công tác dân số đã được ban hành. Nguồn kinh phí theo nghị quyết của hội đồng được phân bổ kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, trong mỗi lần thực hiện chiến dịch, các xã cũng đã thực sự quan tâm vào cuộc, hỗ trợ thêm kinh phí. Thế nhưng, do đặc thù vùng miền, cơ cấu dân số... nên tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Lộc Hà vẫn giảm chậm”.
Thống kê chưa đầy đủ của ngành dân số địa phương cũng cho thấy, thời gian qua, sự thay đổi về cơ cấu dân số cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Cụ thể, toàn huyện có khoảng 5.000 lao động trong độ tuổi sinh đẻ, có hộ khẩu trên địa bàn nhưng lại đi xuất khẩu lao động, hoặc làm việc tại các khu công nghiệp. Đây là lực lượng dân số vàng và tỷ lệ sinh từ 1-2 con tập trung ở độ tuổi này. Đó cũng là một trong những lý do để Lộc Hà trở thành 1 trong 3 huyện có mức sinh thấp nhất toàn tỉnh (15,4%o) nhưng lại có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất.
Ngoài ra, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm chậm còn là do suy nghĩ của người dân. Chị Nguyễn Thị Tuyết - cán bộ dân số xã Thạch Bằng cho biết: “Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên sâu sát, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình, từng người và cũng rất kịp thời trong tuyên truyền, vận động. Thế nhưng, người nói cứ nói, còn người nghe cứ việc nghe và để làm chuyển biến hành động của họ, thực không dễ chút nào. Do đó, việc vận động bà con thực hiện các biện pháp KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn”. 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Thạch Bằng chiếm tỷ lệ 42,34%, tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước và là địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất huyện.
Tương tự, hành trình giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Bình Lộc cũng hết sức gian nan. Theo chị Lê Thị Nhung - cán bộ dân số xã: “Dù đã cố gắng hết sức nhưng hiện tại, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn gần 30%”. Người dân chưa hưởng ứng các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và chưa ý thức được trách nhiệm của mình, luôn đưa ra lý do không hề mới: “Do xã hội ngày càng có nhiều rủi ro nên không thể đẻ ít”... Cũng có không ít gia đình sinh nhiều do áp lực con trai trưởng, con trai độc nhất. Thế mới có những câu chuyện cười ra nước mắt như: chị D. ở Thạch Châu cố gắng sinh cho được con trai nhưng đến lần thứ 7 vẫn là con gái; chị L.Q. ở Mai Phụ sinh đến lần thứ 5 vẫn chưa được như mong muốn...
Lời ru buồn vẫn còn cất lên sau những lũy tre làng như gửi gắm tâm tư của biết bao người phụ nữ về áp lực sinh con trai để nối dõi tông đường. Và phía sau số liệu sinh con thứ 3 trở lên không chỉ là nỗi buồn của những người làm công tác dân số mà tương lai không xa, đó chính là gánh nặng về an sinh xã hội từ áp lực gia tăng dân số.
Theo: Báo Hà Tĩnh