Bộ Y tế ban hành công văn về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở
Hiện nay, một số tỉnh/thành phố trên cả nước đã và đang tổ chức sáp nhập Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện. Để đảm bảo thống nhất và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 4480/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh/TP về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.
Theo đó, tại tuyến tỉnh, giữ nguyên tổ chức Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc “Hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” đến khi có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lại. Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh/thành phố bảo đảm việc vận hành, chuyển nhận dữ liệu, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp tỉnh/thành phố và cấp huyện trực thuộc an toàn và bảo mật.
Tại tuyến huyện, khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế thì thực hiện thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm DS-KHHGĐ. Cụ thể, Phòng Dân số sẽ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về DS-KHHGĐ và truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên cơ sở kế hoạch của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế và tình hình thực tế trên địa bàn huyện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ cũng như các hoạt động truyền thông giáo dục, vận động phổ biến các sản phẩm về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hoạt động về DS-KHHGĐ của Trạm Y tế xã và cộng tác viên dân dân số thôn, bản; quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu về Y tế - Dân số, các dự án khác được Chi cục DS-KHHGĐ phân công. Ngoài ra, tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số thôn, bản. Đồng thời, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực DS-KHHGĐ…
Khi thực hiện sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố giao Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ, triển khai thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện; tiếp nhận nguyên trạng (trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mền và cơ sở dữ liệu), bảo đảm việc vận hành, khai thác kho dữ liệu điện tử DS-KHHGĐ cấp huyện an toàn và bảo mật.
Còn tại tuyến xã, Trạm Y tế xã thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Ở những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì có thể giao cho Trạm Y tế quản lý. Những nơi chưa tuyển dụng được viên chức dân số xã thì cử viên chức của Trạm Y tế hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã.
Về kinh phí hoạt động, ngoài nguồn ngân sách từ Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh/thành phố bố trí kinh phí để duy trì ổn định đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở; khuyến khích cộng tác viên dân số kiêm cộng tác viên các ngành hoạt động tương đồng.
Thanh Nhàn