Từng bước thực hiện xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh
Từ năm 2009 đến nay, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh" (Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh) đã được triển khai rộng khắp tại 191 xã thuộc 13 huyện, thị, thành phố, với hàng trăm trường hợp được sàng lọc. Qua đó góp phần phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh là một trong những địa bàn có triển khai đề án và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Chị Dương Thị Thu H. (26 tuổi, ở tổ dân số 3) mới sinh đứa con đầu lòng gần 5 tháng cho biết: “Tôi được cán bộ dân số vận động khi sinh lấy mẫu máu gót chân cho con để sàng lọc một số bệnh tật. Qua sàng lọc, kết quả con tôi nghi ngờ thiếu men G6PD, tuy nhiên sau đó qua thăm khám lại thì may mắn là không sao. Tôi cũng khuyên các bà mẹ chuẩn bị sinh hãy thực hiện sàng lọc sơ sinh để yên tâm con mình không bị bệnh thiếu men G6PD, suy tuyến giáp bẩm sinh”. Chị Trịnh Thị Thương M. (25 tuổi, ở tổ dân phố 8) mang thai cho biết: nhờ cán bộ dân số đến tuyên truyền nên khi mang thai chị áp dụng thăm khám, siêu âm định kỳ, tiêm phòng một số bệnh cần thiết… Hiện nay, em bé phát triển tốt. Chị cũng sẽ sàng lọc sơ sinh khi bé chào đời để phòng ngừa được bệnh cho con sau này.
Y sỹ Trần Thị Mận - Trưởng Trạm Y tế phường Nam Hà cho biết, nhờ địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc thường gặp về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại trạm; truyền thông nhóm nhỏ tại các tổ dân phố cho phụ nữ đang mang thai, chuẩn bị mang thai, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn… nên nhận thức của người dân về thực hiện vấn đề này ngày càng nâng lên. Từ lúc triển khai đề án đến nay, số bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh ngày càng cao. Các cháu được sàng lọc sơ sinh đều khỏe mạnh, chỉ có 01 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tuy nhiên rất may mắn là kết quả cuối cùng bình thường.
Từ năm 2009, Đề án được triển khai tại 115 xã, phường thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh và tành phố Hà Tĩnh. Đến năm 2011, Đề án được duy trì, mở rộng lên 129 xã và đến năm 2014, số xã triển khai là 160 xã, phường, thị trấn. Năm 2015, Đề án tiếp tục được mở rộng thêm 31 xã, thị trấn thuộc 05 huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, Lộc Hà, Cẩm Xuyên nâng tổng số xã thực hiện lên 191 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố. Với 205 cơ sở y tế (Bệnh viện tỉnh, huyện, trạm y tế) tham gia việc tuyên truyền, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Trong 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh 2.540 ca, đạt 50,5% kế hoạch năm; Việc thực hiện lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh 6 tháng đầu năm được đẩy mạnh, đã lấy mẫu máu và xét nghiệm cho 2.150 trẻ sơ sinh, đạt 30,7% kế hoạch năm tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2017, đã phát hiện 61 trường hợp nghi ngờ bị bệnh, tật và thông báo cho gia đình đưa các cháu lên tuyến trên để xét nghiệm lại và thăm khám.
Ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (sau đây gọi tắt là Chi cục) tỉnh cho biết, thời gian đầu triển khai đề án, các bà mẹ và gia đình chưa hiểu được việc cần thiết của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Cán bộ dân số có chuyên môn chưa sâu nên gặp nhiều khó khăn trong truyền thông, vận động. Trước tình hình đó, Chi cục đã chỉ đạo Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình các huyện, thị xã, thành phố triển khai tổ chức, phối hợp với cán bộ y tế tổ chức tư vấn trực tiếp, thăm khám tại trạm; tạo điều kiện cho cán bộ y tế, cán bộ dân số tham gia các lớp tập huấn tại tỉnh; hướng dẫn cộng tác viên biết cách tư vấn sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; đồng thời tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là hội phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên về sự cần thiết của việc làm này; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện, tỉnh thực hiện quy trình sàng lọc sơ sinh… Dần dần, nhận thức của người dân được nâng cao nên việc kiểm tra thai kỳ và sàng lọc sơ sinh được nhiều bà mẹ quan tâm.
Thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Với những lợi ích, ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, các gia đình, đặc biệt là những phụ nữ có ý định mang thai, sinh con hãy quan tâm hơn, chủ động đi khám sàng lọc ngay từ khi mang thai để cho ra đời những em bé khỏe mạnh, thực hiện đúng trách nhiệm người làm cha mẹ bảo vệ, chăm sóc tốt cho con.
* Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18) và dị tật ống thần kinh… * Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh…ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm.Nếu được điều trị trẻ có thể sống và phát triển bình thường. Sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh từ ngày 2 đến ngày 6, tốt nhất 48 giờ sau sinh. |
Thanh Nhàn