Cách lựa chọn rau, thịt an toàn
Rau, thịt là những thực phẩm chủ lực trong bữa ăn hằng ngày của từng gia đình, tuy nhiên để sử dụng các loại thực phẩm này vừa đủ chất dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trường Sinh, Phó Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) về cách chọn mua rau, thịt an toàn.
- Thưa bác sĩ, một số người tiêu dùng cho rằng khi chọn mua các loại thịt gia súc chỉ cần ấn ngón tay vào miếng thịt thấy dính và mềm là thịt còn tươi. Như vậy có đúng không, đã đủ tiêu chuẩn chưa?
BS Nguyễn Trường Sinh: Một số người tiêu dùng khi chọn mua các loại thịt gia súc chỉ cần ấn ngón tay vào miếng thịt thấy dính và mềm là khẳng định thịt còn tươi là đúng nhưng chưa đủ. Để tránh mua phải các loại thịt không đảm bảo ATTP thì người tiêu dùng cần kiểm tra các tiêu chuẩn khác như: Thịt còn tươi khi màng ngoài thịt khô, không bị nhớt; không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh; thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đỏ sẫm, thịt trâu màu tím; thịt có độ dính và mềm; mỡ màu trắng; trên mặt bì(da) không có những chấm đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu; gân có màu trong, mặt khớp láng và trong, dịch hoạt trong, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra; tủy thịt tươi, có màu trong, bám chặt vào thành ống tủy. Bên cạnh đó, thịt còn tươi khi cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô; kiểm tra phần thịt nạc và lưỡi không có những ấu sán nhỏ bằng hạt gạo màu trắng.
- Trong thời đại hiện nay vì quá bận rộn nên nhiều người tiêu dùng thường chọn mua thịt gia cầm làm sẵn. Xin bác sĩ cho biết cách chọn gia cầm làm sẵn đảm bảo ATTP.
BS Nguyễn Trường Sinh: Thịt gia cầm làm sẵn, có thể tươi ngon như gia cầm còn sống nếu đạt được những yêu cầu sau: có màu sắc tự nhiên từ trắng ngà đến vàng tươi; da kín lành lặn, không có vết bẩn, vết móc meo hoặc có vết lạ gì khác; mùi vị bình thường, không có phẩm màu; khi nấu hoặc rán mùi vị thơm ngon bình thường, không có mùi mốc, ôi thiu hoặc mùi vị lạ gì khác; không nên mua gia cầm có dấu vết bầm hoặc tụ máu trên da; đối với gia cầm là gà, vịt, dùng tay bóp vào chỗ cuống họng, nếu thấy cứng là gà, vịt già. Bên cạnh đó, nhận biết gia cầm bị tiêm nước bằng cách: trước tiên hãy lật cánh lên, nếu thấy có nốt kim màu đen tức là loại gia cầm đã bị tiêm nước; dùng tay vỗ vào cơ thịt của gia cầm sẽ nghe âm “bồm bộp”; nhìn lớp da thấy độ bong rõ rệt, lớp da trên thân không được phẳng đều, sờ tay vào như bị phù; cho ngón tay vào chỗ cuống họng thấy có chỗ thắt gút, vì người bán đưa nước ngoài vào gia cầm bằng cách kéo dài cuống họng ra ngoài, đổ nước vào rồi buộc gút lại.
- Thưa bác sĩ, nhiều người nội trợ hàng ngày đi chợ đều băn khoăn không biết lựa chọn rau, quả như thế nào để vừa đủ chất dinh dưỡng vừa ít bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Xin bác sĩ tư vấn cách lựa chọn rau, qủa đảm bảo ATTP?
BS Nguyễn Trường Sinh: Hiện nay tại các chợ trên thị trường rau, quả chủ yếu nhập từ các tỉnh khác về nên khó khăn trong việc kiểm soát ATTP. Người kinh doanh vì lợi nhuận nên sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, xem thường tính mạng của người tiêu dùng. Vì thế, người tiêu dùng khi chọn mua rau, quả để đảm bảo ít bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật cần chú ý chọn: rau, quả còn tươi, có màu sắc và trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không bị úa, không có vết màu lạ, không có mùi lạ. Đặc biệt, không mua rau, quả đã bị thâm hoặc nhũn ở đầu dù phần vỏ của rau, quả còn đẹp, vì phần vỏ nhìn vẫn tươi, đẹp là do hóa chất bảo vệ thực vật nhưng thực chất bên trong hoa quả đã bị hỏng. Không mua Rau, quả có các hiện tượng bất thường như: rau non, xanh; quả chín quá đều, quá đẹp, đẹp không bình thường là dễ có hóa chất bảo vệ thực vật. Bất cứ loại rau, quả nào đều phải rửa thật kỹ, gọt võ sạch sẽ trước khi dùng.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thanh Loan