Tác hại của thuốc lá đối với thẩm mỹ cơ thể
Cũng như bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, làn da của chúng ta cũng sẽ dần dần bị lão hoá theo tuổi tác. Nhưng tại sao nhiều người tuổi còn trẻ mà da đã bị lão hoá, nhìn mặt lại già trước tuổi?
Thuốc lá ảnh hưởng đến các bệnh về da
Da và tóc thường xuyên tiếp xúc với nhiều tác nhân độc hại có trong môi trường bao gồm cả khói thuốc lá. Khói thuốc lá chứa hàng ngàn chất gây hại cho da, trong đó đáng chú ý nhất là Nicotin.
Ngoài những liên quan giữa hút thuốc lá với ung thư, bệnh phổi và tim, hút thuốc có liên quan đến lão hóa da sớm, chậm lành vết thương và tăng nhiễm trùng, cũng như một số rối loạn da, đặc biệt là vẩy nến, viêm tuyến mồ hôi nung mủ và lupus ban đỏ da. Một quan sát chung cho thấy những người hút thuốc có xu hướng mắc các bệnh lý da bao gồm cả mụn trứng cá trầm trọng và khó đáp ứng điều trị hơn so với người không hút thuốc lá.
Người hút thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của da, nhất là đối với vùng da mặt
Bác sỹ Lê Viết Long, Phó trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Khói thuốc lá gây ra stress oxy hóa do đó không cung cấp đủ oxy cho da dẫn đến thiếu máu cục bộ mô và tắc mạch máu. Nó làm giảm đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch mắc phải, tăng tạo metallo-proteinase MMP-1, một loại enzyme đặc biệt làm suy giảm collagen.
Nguyên nhân của sự lão hoá chủ yếu do các yếu tố nội tại như gen di truyền, nhưng cũng có rất nhiều các yếu tố bên ngoài tác động và ảnh hưởng đến sự lão hoá của da. Một số yếu tố như: ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng… làm da nhanh bị lão hoá. Hút thuốc lá là thủ phạm gây ra rất nhiều biến đổi xấu cho da, ngoài ra còn gây ung thư tế bào gai ở môi, niêm mạc miệng.
Chị Nguyễn Thị Loan (37 tuổi, phường Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: tôi không hút thuốc lá nhưng mấy năm nay tôi làm việc trong môi trường thường tiếp xúc với khói thuốc. Trong khoảng mấy năm trở lại đây, tôi nhận thấy da mình bị xỉn màu và có dấu hiệu lão hóa hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa. Trước đây tôi không nghĩ đến nhưng sau khi đi khám da liễu được bác sỹ tư vấn có thể có liên quan đến thuốc lá thì tôi mới nhận ra.
Thuốc lá ảnh hưởng đến các bệnh về răng miệng
Thuốc lá không chỉ tác động đến các bộ phận trong cơ thể mà còn ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ, nhất là ở da, răng miệng, hơi thở,…
Khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó các độc chất có trong thuốc lá như nicotin, monoxyd de carbon và Acid cyanhydrid là nguyên nhân gây hại cho tổ chức nha chu và implant nha khoa. Các chất này phá hoại hệ miễn dịch trong khoang miệng, tạo nên những lỗ sâu trong lợi từ đó tấn công xương quai hàm. Hút thuốc nhiều dẫn tới rối loạn vi khuẩn khoang miệng, giảm tuần hoàn máu trong xương ổ răng, phá hủy hệ miễn dịch làm giảm nồng độ kháng thể trong máu và nước bọt.
Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng bệnh vùng quanh răng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn, có nhiều mảng bám răng và cao răng ở cả trên và dưới lợi. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng, lâu dài sẽ dẫn đến co lợi, mất bám dính, tiêu xương và thậm chí mất răng.
Bên cạnh đó, thuốc lá ám khói lên răng, làm đổi màu răng, đổi màu hàm giả, đổi màu các chất trám răng. Hút thuốc lá quá nhiều sẽ làm các gai lưỡi phát triển quá mức, có màu xám, tạo nhiều nếp gấp giúp vi khuẩn dễ bám gây hôi miệng. Những người hút thuốc dễ bám cao răng hơn người không hút, cao răng bám nhiều mặt ngoài của răng làm giảm thẩm mỹ nghiêm trọng; những người ngậm tẩu nhiều sẽ làm mòn răng ở chỗ cắn tẩu thuốc, làm cho hàm răng không đều…
Tác hại của thuốc lá đã được chứng minh, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và người xung quanh, hãy bỏ thuốc lá. Mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Thanh Nhàn