• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bỏ thuốc lá để phòng ngừa biến chứng của COPD

COPD là bệnh mạn tính, hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh cũng như hạn chế tối đa biến chứng. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao và ngăn ngừa biến chứng COPD nguy hiểm, vấn đề quan trọng nhất là người bệnh cần bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc.

Ông N.V.T xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu-Bệnh viện TTH Hà Tĩnh hơn nửa tháng nay. Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng sức khỏe ông tiến triển chậm, ông vẫn phải thở máy và ăn qua xông. BsCKII. Mai Văn Lục – Trưởng khoa Hồi Sức cấp cứu, Bệnh viện TTH cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ và tập cai máy thở cho bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình diễn ra chậm, do bệnh nhân bị biến chứng nặng do COPD”. Bà N.T.H – vợ bệnh nhân, chia sẻ: “Ông nhà tôi bị COPD gần 20 năm nay, nguyên nhân chính là do ông nghiện thuốc lá, nhưng không chịu bỏ thuốc. Đến khi bệnh nặng, chức năng phổi kém, thở khó khăn thì mới chịu bỏ thuốc. Trước thì thỉnh thoảng mới lên cơn khó thở, nay tuổi cao, sức yếu, thì hầu như ông phải thở oxy tại nhà. Đợt vừa rồi lên đợt cấp, tưởng không qua khỏi, may cấp cứu, điều trị kịp thời”.

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD điều trị tại bệnh viện

Không riêng trường hợp ông N.V.T, nhiều trường hợp mắc COPD đã có những biến chứng nguy hiểm do người bệnh không bỏ thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc lá.

Bs. Lục cho biết thêm: “Biến chứng của bệnh COPD nguy hiểm nhất là tràn khí màng phổi. Biến chứng này có thể gây ra xẹp phổi, suy hô hấp nặng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Tăng áp lực động mạch phổi cũng thường gặp trên biến chứng của bệnh COPD. Việc chít hẹp đường thở kéo dài ở bệnh COPD khiến cơ thể không cung cấp đủ oxy, làm các tiểu động mạch bị co thắt và tăng áp lực động mạch phổi. Khi áp lực động mạch phổi tăng, làm gia tăng tần xuất và mức độ các cơn khó thở, khiến việc điều trị trở lên vô cùng khó khăn.Không dừng lại ở đó, áp lực động mạch phổi tăng cùng với tình trạng thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn tới suy tim. Đây cũng là một biến chứng của bệnh COPD mà người bệnh phải lưu ý. Bệnh suy tim khiến người bệnh COPD thường xuyên bị khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơ thể không cung cấp đủ oxy nên đã bù đắp bằng việc tăng nhịp tim, làm người bệnh có cảm giác trống ngực, hồi hộp, nặng ngực, ngộp thở. Người bệnh COPD vừa bị chít hẹp đường thở, lại bị suy tim khiến cơ thể khó cung cấp oxy nên cơ thể bị thiếu oxy trầm trọng. Cơ thể sẽ cố gắng bù đắp bằng tăng lượng hồng cầu nhanh chóng, dẫn đến nguy cơ tắc mạch và huyết khối. Sức khỏe suy giảm lại mắc kèm theo nhiều bệnh nên sức đề kháng cơ thể ngày một giảm, bệnh COPD diễn biến càng nhanh, tái phát càng nhiều và bệnh ngày càng nặng. Người bệnh rơi vào vòng xoáy bệnh lý khiến việc chữa trị trở nên khó khăn rất nhiều. Ngoài ra, bệnh COPD còn gây một vài biến chứng khác như: trào ngược dạ dày thực quản, loãng xương, tăng nồng độ men chuyển angiotensin trong máu…”

Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh COPD, các chuyên gia về hô hấp khuyến cáo người bệnh ngay khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường nên đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bên cạnh việc tuân thủ điều trị bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải bỏ thuốc lá một cách tuyệt đối, bởi thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh và cũng là nguyên nhân khiến bệnh trầm trọng hơn; hạn chế tiếp xúc với người hút thuốc và không nên đến những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi và chất độc hại. Nếu phải làm việc ở môi trường khói bụi, người bệnh cần mặc đồ bảo hộ để bảo đảm an toàn cho đường hô hấp, giúp ngăn chặn các biến chứng COPD. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện tiêm phòng, bởi đây là chìa khóa đơn giản nhưng lại cực hữu hiệu trong việc phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp như cúm mùa, viêm phổi. Việc tiêm phòng đầy đủ cũng giúp người bệnh ngăn chặn các biến chứng COPD nguy hiểm. Xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, giúp ngăn ngừa COPD biến chứng và hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Bên cạnh đó, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên kiểm soát cân nặng tốt, tránh để tăng cân nhanh và béo phì vì có thể gây khó thở hơn. Bên cạnh đó, hãy vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, tập các bài tập thở tốt cho hệ hô hấp.

Thu Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.359
Tháng 01 : 100.919
Năm 2025 : 100.919
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 11.928.203