Tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong trường học: Nâng cao nhận thức của học sinh
Hiện một bộ phận thanh thiếu niên hiểu chưa đúng về tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lứa tuổi học sinh dễ bị kẻ xấu lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường cần tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các môn học để nâng cao hiểu biết cho học sinh.
Hút thuốc lá là một thói quen xấu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người hít phải khói thuốc thụ động và môi trường xung quanh. Hiện nay, nhiều sản phẩm thuốc lá mới có màu sắc, hương vị rất bắt mắt, lôi cuốn giới trẻ nên nguy cơ thuốc lá điện tử xâm nhập học đường là rất lớn.
Em Đậu Xuân Q. học sinh lớp 10, trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, chia sẻ: “Em có nhiều bạn cũng hút thuốc nhưng chỉ dám hút thuốc ở ngoài chứ không dám đưa vào trường học. Hơn nữa, chúng em thường xuyên được các thầy cô nhắc nhở về tác hại của thuốc lá và nên tránh xa khói thuốc lá nên bạn bè ngoài rủ rê thì em cũng không hút”.
Để học sinh không bị lợi dụng, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử, ông Nguyễn Thanh Hùng, Thư ký chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá tại Hà Tĩnh, nhấn mạnh: “ Nhà trường cần tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa. Mặt khác, hiện một bộ phận thanh thiếu niên hiểu chưa đúng về tác hại của thuốc lá thế hệ mới và cho rằng thuốc lá nung nóng có thể dùng để thay thế thuốc lá điếu truyền thống vì ít có hại hơn. Điều này là không đúng. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường. Nicotine và nhiều chất hóa học trong dung dịch điện tử và khói thuốc lá điện tử là chất gây hại đối với sức khỏe”.
Nhận thức được tác hại của thuốc lá, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn thuốc lá xâm nhập vào trường học, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là các loại thuốc lá thế hệ mới, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động, xây dựng môi trường học tập không có khói thuốc lá.
Cô Trần Thu Huyền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân) cho biết: “Ở lứa tuổi dậy thì, các em có những thay đổi về tâm sinh lý… Để giúp học sinh tránh xa các tệ nạn, đặc biệt là tình trạng thuốc lá điện tử đang ngày càng thâm nhập vào giới trẻ học đường, chúng tôi đã rất linh hoạt trong tuyên truyền. Trong đó, việc lồng ghép trong một số môn học để các em hiểu rõ những tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đối với sức khỏe là hết sức cần thiết; giúp các em nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, với kỷ luật, kỷ cương trường học”.
Ngoài ra, ngay từ đầu mỗi năm học, các trường đã phối hợp với phụ huynh và học sinh thực hiện việc ký cam kết không hút thuốc lá trong và ngoài trường học. Giao cho đoàn thanh niên tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; duy trì và hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ để học sinh hướng đến các hoạt động lành mạnh.
Để ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng hút thuốc lá xâm nhập vào nhà trường, các trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các cuộc thi tìm hiểu, trải nghiệm sáng tạo; chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch năm học, đưa tiêu chí không hút thuốc lá trong trường học vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường; thực hiện môi trường trường học không khói thuốc lá; treo biển báo cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Đoàn thanh niên của nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp giám sát và phát động học sinh tự giác báo cáo với giáo viên nếu phát hiện hành vi hút thuốc lá trong và ngoài nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng em trong lớp, giúp quản lý học sinh sát sao, tránh để các em sa ngã vào các tệ nạn. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT để lôi cuốn học sinh vào các hoạt động lành mạnh.
Với nhiều biện pháp vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết cùng với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và gia đình học sinh, phong trào phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn tỉnh. Góp phần xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, tạo ra nếp sống văn minh cho cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, giảm tỷ lệ mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.
Thanh Nhàn