• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 28/9/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Lần đầu tiên điều trị thành công ung thư hạch tái phát bằng cùng lúc 2 kỹ thuật cao; Nhiều quy định về an toàn thực phẩm được Bộ Y tế sửa đổi, bãi bỏ; 64 ca tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm; Không lợi dụng dịch bệnh đau mắt đỏ để tăng giá thuốc; Hậu quả khi tự ý đắp thuốc chữa bệnh.

Lần đầu tiên điều trị thành công ung thư hạch tái phát bằng cùng lúc 2 kỹ thuật cao

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho bệnh nhân ung thư hạch.

Ngày 27/9, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện này đã phối hợp thực hiện 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư hạch. Đó chính là phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy bằng phương pháp xạ trị toàn thân (TBI).

Đây là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho bệnh nhân ung thư hạch.

Bệnh nhân được điều trị thành công là nữ bệnh nhân N.H.O (46 tuổi ngụ Bình Dương).

Trước đó, ngày 6/7/2022, khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân O. với chẩn đoán u lympo không Hodgkin vỏ nang tái phát kháng trị với nhiều phác đồ điều trị trước đó.

Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân phát hiện vùng cổ xuất hiện hạch nên đi khám, kết quả chẩn đoán cho thấy đó là ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma).

Tại cơ sở y tế đầu tiên, bệnh nhân đã được điều trị đầu tiên bằng phương pháp hóa trị đơn thuần. Sau 2 năm, bệnh nhân bị tái phát lần 1 và được hóa trị. Tuy nhiên, sau 2 năm, bệnh nhân lại tiếp tục tái phát lần 2, được hóa trị lần 2 và đáp ứng điều trị. Năm 2021, bệnh nhân tái phát lần 3 nhưng liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp ung thư hạch tái phát và kháng trị nên ê-kip điều trị quyết định chọn những phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân. Vì vậy, sau hội chẩn, ê-kip điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh. Đó là ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI).

Theo TS.BS Trần Thanh Tùng - Trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu muốn xử lý triệt để các tế bào ung thư, trước tiên, bệnh nhân cần được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được (chữa khỏi) ổn định.

Bệnh nhân H.O. đã được áp dụng phác đồ điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần (sáng và chiều), mỗi lần từ 35 - 40 phút. Sau điều trị, bệnh nhân được theo dõi và triển khai ghép tế bào gốc đồng loài. Sau ghép tế bào gốc 30 ngày, bệnh nhân được đánh giá là ghép thành công và 45 ngày sau ghép thì được xuất viện. Hiện nay, sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày. (Báo sức khỏe và đời sống)

 

Nhiều quy định về an toàn thực phẩm được Bộ Y tế sửa đổi, bãi bỏ

Thông tư mới của Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung một số Thông tư, Quyết định đã ban hành trước đó liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trước đó.

Theo đó, Thông tư số 17/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/11/2023: Theo nội dung Thông tư này, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung một số Thông tư, Quyết định đã ban hành trước đó liên quan đến vấn đề ATTP, bao gồm:

- Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8//2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm;

- Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

- Thông tư số 48/2015/TT-BYT ngày 1/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

- Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng

- Thông tư số 49/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá.

Ngoài ra, Thông tư số 17/2023/TT-BYT đã bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 14/2011/TT-BYT ngày 01/04/ 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn lấy mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng, VSATTP; Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/ 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm".

Thông tư số 17/2023/TT-BYT đã bãi bỏ một phần 02 văn bản: Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành và Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. (Pháp luật)

64 ca tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca và Tây Nguyên 15 ca. Riêng Gia Lai, từ đầu năm đến nay, dịch xuất hiện và tăng cao đột biến với 11 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước đến thời điểm hiện tại).

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, tổng đàn chó cả nước trên 7,4 triệu con được nuôi tại 4,7 triệu hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên cả nước đạt trên 47%.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vaccine và tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. Đây là hai vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại năm 2022-2023 nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do dại tại Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, khi bị chó, mèo cắn cần đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, bởi người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%. (Công an nhân dân)

 

Không lợi dụng dịch bệnh đau mắt đỏ để tăng giá thuốc

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo hình thức phù hợp; bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh.

Đồng thời, sở y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi; Chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cùng với đó, sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý…

Trước đó, cũng liên quan đến dịch bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ… (Đại đoàn kết)

Hậu quả khi tự ý đắp thuốc chữa bệnh

Dù có rất nhiều lần cảnh báo về tác hại của việc tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng. Thế nhưng, các bệnh viện vẫn tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện điều trị do nhiễm trùng vết thương mà nguyên nhân là tự đắp thuốc tại nhà.

 

Một ca bệnh điển hình vừa được ghi nhận tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, bệnh nhân L.V.B. (59 tuổi, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện với vết thương vùng lưng trái nhiễm trùng tấy đỏ, chảy dịch. Bệnh nhân cho biết, trước đó có đi châm cứu do đau vùng thắt lưng. Sau khoảng 10 ngày thấy vùng châm cứu sưng đau nhiều. Thay vì đến viện để thăm khám và điều trị, người bệnh đã tự đắp thuốc theo nhiều người mách. Sau đắp thuốc tình trạng đau nhức không thuyên giảm mà còn tấy đỏ, chảy dịch. Lúc này người bệnh mới đến bệnh viện để khám và điều trị.

Theo BS Vũ Trung Kiên - phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí), việc bệnh nhân B. tự điều trị bằng cách châm cứu tại các cơ sở y tế không đảm bảo đã là một nguy cơ tiềm ẩn nhiễm trùng, hơn nữa lại tự ý đắp thuốc vào các vết thương hở lại càng nguy hại. Tại bệnh viện đã có những trường hợp nhập viện với các vết thương hở bị nhiễm trùng biến chứng nhiễm trùng máu do tự đắp thuốc.

Đáng ngại hơn khi tình trạng tự chữa bệnh tại nhà dẫn tới hậu quả phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch không chỉ xảy ra ở người lớn, thực tế cho thấy không ít trẻ em đã phải gánh chịu hậu quả. Một trường hợp cụ thể, bệnh nhi K.T.N.V. (8 tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) bị bỏng điện 1% độ IV gây tổn thương bỏng mô cái và ngón 4 bàn tay phải. Sau khi con bị bỏng điện, gia đình đã tự đắp thuốc nhưng không đỡ nên đã nhập viện điều trị.

BS Nguyễn Văn Thưởng - Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết: Trẻ bị bỏng điện, nhưng do người nhà tự ý điều trị tại nhà nên trẻ bị nhiễm trùng nặng, ngón tay lộ xương dẫn tới việc điều trị rất khó khăn, dễ để lại hậu quả đáng tiếc cho trẻ.

BSCKII Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Chuyên gia lý giải, đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…

“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này” – BS Sáng cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, không nên coi thường những vết thương nhỏ, đặc biệt đối với các tổn thương hở tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn, đi kèm với đó là rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, gây khó khăn cho điều trị. (Đại đoàn kết)

Thanh Loan tổng hợp

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.376
Tháng 07 : 21.573
Năm 2024 : 1.160.880
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.959.394