• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 02/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Vì sao không nên nhỏ sữa, xông lá trầu khi điều trị đau mắt đỏ;  Kiên Giang: Cứu 2 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn; Thành phố Hồ Chí Minh: Thêm 1 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; Phẫu thuật nối liền bàn tay bị đứt rời cho bệnh nhi gần 18 tháng tuổi; 6 điều nên làm để phòng bệnh mùa thu - thời điểm dễ ốm trong năm; Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết, Quảng Bình khống chế không để lây lan; Bệnh Zona có xu hướng tăng sau đại dịch COVID-19;

Vì sao không nên nhỏ sữa, xông lá trầu khi điều trị đau mắt đỏ

Nhỏ sữa, xông lá trầu không khi trẻ đau mắt đỏ sẽ tạo ra những biến chứng cho trẻ, có thể làm trẻ bị mất thị lực.

Những sai lầm cần tránh khi điều trị đau mắt đỏ

Từ đầu tháng 8 đến nay, số lượng trẻ mắc bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đang có chiều hướng gia tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi ngày Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 50-60 trẻ đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Trong đó có 10-20% trường hợp gặp biến chứng nặng như: viêm giác mạc, có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Hiện nay, trẻ em đã quay trở lại trường học nên việc giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn, do đó nguy lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ càng cao khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, có nhiều xử trí sai lầm của bố mẹ khiến con có thể đối diện với tình trạng mắt bị đau nặng hơn có thể làm giảm thị lực của trẻ.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi con đau mắt đỏ, cha mẹ không nên nhỏ sữa hoặc dùng lá trầu không.

Theo chuyên gia này, khi kết mạc bị viêm, sữa là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Do đó, việc cha mẹ nhỏ sữa làm tình trạng viêm kết mạc của trẻ diễn biến nặng lên.

Trong khi đó, lá trầu không có chứa tinh dầu, khi xông phải dùng hơi nóng để tinh dầu trầu không bay hơi. Khi kết mạc bị viêm, giác mạc đang bị thương, hơi nóng của tinh dầu trầu không có thể làm cho giác mạc, kết mạc bị viêm nặng nề hơn.

“Chúng tôi từng tiếp nhận bệnh nhân đến khám dùng lá trầu không bị bỏng cả giác mạc, kết mạc. Như vậy, lá trầu không làm nặng lên tình trạng viêm giác mạc, có thể làm sẹo đục giác mạc vĩnh viễn, có thể làm mất thị lực của trẻ”, bác sĩ Quỳnh Anh khuyến cáo.

Viêm kết mạc cấp 80% do virus, do vậy không có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và phát hiện sớm biến chứng để điều trị, tránh biến chứng giảm hoặc mất thị lực của trẻ.

Phòng, chống trẻ lây nhiễm đau mắt tại trường học

Nhiều trẻ đến lớp bị đau mắt đỏ. Với trẻ ở môi trường trường học chưa kiểm soát biện pháp phòng lây nhiễm cho bản thân, lây truyền cho cộng đồng nên cho trẻ viêm kết mạc và tình trạng bệnh lý lây nhiễm ở nhà trong giai đoạn trẻ mắc bệnh.

Với trẻ bị đau mắt đỏ, có thể phát hiện từ dấu hiệu đầu tiên: chảy nước mắt, mắt đỏ, mi mắt nề, thấy đau, mỏi mắt. Đây là giai đoạn trẻ bị lây bệnh đau mắt đỏ. Tình trạng lây nhiễm này kéo dài suốt trong giai đoạn trẻ còn triệu chứng đau mắt đỏ.

Trẻ em đang trong quá trình hình thành thị giác, nên khi viêm kết mạc, cha mẹ cần hạn chế tối đa cho trẻ xem tivi, dùng điện thoại.

Về nguy cơ bị lây nhiễm lại, con có thể mắc lại bệnh viêm kết mạc do các nguyên nhân khác gây nên tình trạng bệnh này. Với căn nguyên virus, vi khuẩn mắc đợt này chỉ có thời gian miễn dịch nhất định, trẻ có thể bị lại viêm kết mạc do các nguyên nhân khác hoặc tái nhiễm.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, khả năng lây mạnh nhất của người đau mắt đỏ là khi có các triệu chứng toàn phát, thời điểm mắc ngày thứ 5-7. 3 ngày trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khỏi vẫn có khả năng lây, do đó tổng thời gian mất 2 khoảng tuần.

"Thời gian này trẻ em nên nghỉ học, vì đến lớp rất dễ lây nhiễm cho các bạn. Mỹ và châu Âu thường cho trẻ nghỉ 1 tuần với các ca đau mắt đỏ", bác sĩ Cương cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, giai đoạn trẻ bị đau mắt không nên đi bơi vì bệnh phẩm sẽ lẫn trong nước bể bơi. Hóa chất khử khuẩn nước bể bơi có thể không đủ nồng độ để diệt virus. Các điểm công cộng như: siêu thị, rạp phim dễ lây, vì có thể do tiếp xúc gần, khoảng cách gần (từ 1 mét) đã có thể bị lây nhiễm virus gây đau mắt đỏ, vì virus có trong nước bọt.

Bác sĩ Cương nhấn mạnh, miễn dịch với virus đau mắt đỏ trong 2 tháng, do đó, một người có thể mắc lại bệnh sau 2 tháng, có khi bị 2 lần viêm kết mạc cấp trong 1 vụ dịch.. (Theo báo nhandan.vn)

Kiên Giang: Cứu 2 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Trong 2 ngày liên tục, Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc, ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã kịp thời cứu 2 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Sáng 1/10, ông Huỳnh Văn Khái, Giám đốc Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc cho biết, nơi đây vừa cứu 2 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 30/9, ông H.V.L. (43 tuổi), ngụ xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc đến Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc trong tình trạng đau nhức, sưng tấy ở vết cắn trên ngón tay do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ông L. cho hay, ông bị rắn cắn khoảng 17 giờ cùng ngày trong lúc đi làm thợ hồ.

Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 29/9, ông L.H.N. (47 tuổi), ngụ phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc đến Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc cũng trong tình trạng đau nhức, sưng tấy ở vết cắn trên bàn chân trái. Ông N. cho hay bị rắn cắn trên đường đi làm về và khi đến phòng khám, ông còn cẩn thận mang theo cả con rắn đã được đập chết.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám và xác định vết cắn được tạo ra từ rắn lục đuôi đỏ. Ngay sau đó, nhân viên của Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc đã đến Trại rắn Đồng Tâm 2, ở xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc lấy huyết thanh về tiêm cho bệnh nhân. Bệnh nhân ở lại phòng khám theo dõi đến khi sức khỏe ổn định mới cho về nhà.

Một quản lý của Trại rắn Đồng Tâm 2 cho biết, thời gian qua, đơn vị đã cung cấp khá nhiều huyết thanh kháng độc rắn cho Phòng khám đa khoa S.O.S Phú Quốc, đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ. Nếu các bác sĩ không nhận dạng được vết cắn, phía trại rắn sẽ giúp nhận dạng, xác định vết cắn là của loài rắn nào để cung cấp đúng loại huyết thanh tiêm cho bệnh nhân. (Theo báo nhandan.vn)

 

Thành phố Hồ Chí Minh: Thêm 1 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 1/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, ngay sau khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh đã được cách ly và điều trị, sức khỏe ổn định.

Ngày 28/9, một bệnh nhân nam, 34 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh với các dấu hiệu nghi ngờ mắc Mpox. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi-rút Mpox. Bệnh nhân hiện đã thực hiện cách ly điều trị.

Sau khi có kết quả mắc Mpox, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Sau khi được chẩn đoán bệnh Mpox, bệnh nhân thông báo cho các người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho Trạm Y tế.

Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Trường hợp bệnh nhân mắc Mpox trước đó tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp gần với người này tại Bình Dương đã mắc Mpox thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh Mpox.

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tính đến ngày 27/9/2023, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca Mpox được xác định.

Được biết, sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố Báo cáo tình hình số ca mắc Mpox vào ngày 14/8/2023 thì đến ngày 11/9/2023, WHO đã nhận được báo cáo về 1131 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh Mpox và 5 trường hợp tử vong mới.

Cũng theo báo cáo của WHO, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh Mpox mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Tại Việt Nam, Mpox là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca Mpox đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh (Công văn số 8284/SYT-NVY ngày 29/9/2023 về tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ).

Ngành Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan. (Theo báo nhandan.vn)

 

Phẫu thuật nối liền bàn tay bị đứt rời cho bệnh nhi gần 18 tháng tuổi

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhi N.M.A gần 18 tháng tuổi ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) trong tình trạng bị đứt rời bàn tay phải vào trưa ngày 29/9. Sau hơn 5 giờ tập trung phẫu thuật vi phẫu với quyết tâm cao, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã nối thành công bàn tay cho bệnh nhi.

Trong lúc đang vui chơi, bé N.M.A đã vô thức đưa bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cắt đứt lìa. Sau khi được sơ cấp cứu, bệnh nhân được nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng tỉnh và tiếp xúc được, các khoa chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ, tiến hành hội chẩn và lập tức thực hiện phẫu thuật nối ghép bàn tay cho bệnh nhi.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, người trực tiếp phẫu thuật cho biết: “Phẫu thuật nối liền bàn tay, bàn chân bị đứt rời nói chung hay các chi đều phải làm theo một trình tự nhất định. Đầu tiên phải làm mẫu khung, rồi đến nối gân, nối thần kinh và nối mạch”.

“Với trường hợp bệnh nhi gần 18 tháng tuổi là ca bệnh hiếm, bị đứt lìa bàn tay, đã đứt toàn bộ gân, khối xương cổ tay, bó mạch thần kinh quay, trụ, thần kinh giữa và đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay nên mọi công đoạn phẫu thuật đều khó, trong đó khó nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh.

Để thực hiện được ca phẫu thuật, công tác gây mê phải được bảo đảm, các phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu và bàn tay nên chúng tôi đã thực hiện thành công”, bác sĩ Tùng chia sẻ thêm.

Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhi đã tỉnh, uống sữa, giao tiếp được với người thân, bàn tay được nối dần phục hồi. Đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao của các y, bác sĩ.

Với thành công này, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục khẳng định trình độ, chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị các ca bệnh khó, phức tạp. (Theo báo nhandan.vn).

 

6 điều nên làm để phòng bệnh mùa thu - thời điểm dễ ốm trong năm;

 

 

Mùa thu được coi là mùa đẹp nhất, tuy nhiên với nhiều người, sức khỏe lúc giao mùa từ hạ sang thu lại là lúc cơ thể dễ mắc bệnh nhất. Nên chủ động phòng bệnh mùa thu, tăng cường đề kháng để sức khỏe được nâng cao.

1. Thời tiết thuận lợi cho vi sinh vật phát triển vì vậy cần phòng bệnh mùa thu

Mỗi khi chuyển mùa, nhiều người dễ bị nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, chất nhầy chảy từ mũi xuống cổ họng, sốt cao, đau nhức cơ bắp, mỏi khớp…

Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm là hai lý do quan trọng.

Theo Ths.BS Hà Hùng – BV Lão khoa Trung ương, mặc dù thời tiết mùa thu được coi là giai đoạn dễ chịu nhất trong năm nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Trong đó phổ biến là các nhóm bệnh như sốt và cảm lạnh, cảm cúm; bệnh tim mạch gia tăng do cơ thể thay đổi để thích ứng với thời tiết thay đổi đột ngột làm quá tải hệ thống tim mạch; nhóm các bệnh đường hô hấp dễ bùng phát; đau nhức xương khớp và bệnh dị ứng cũng rất dễ mắc.

Đặc biệt sự gia tăng virus và chất gây dị ứng trong không khí gây nhiều phiền toái, khó chịu và cả sự sa sút về sức khỏe.

Bị ho hoặc cúm khi thay đổi theo mùa thường là do sự thay đổi nhiệt độ tạo điều kiện cho virus phát triển. Ví dụ, rhinovirus và coronavirus là hai loại virus chính gây cảm lạnh thông thường. Những loại virus này nhân lên nhanh chóng khi chuyển mùa, do đó làm tăng số người bị cảm lạnh thông thường và sốt theo mùa. Theo các chuyên gia nguyên nhân chính gây bệnh không phải do sự thay đổi nhiệt độ mà là sự phát triển của một số loại virus trong thời gian này. Điều này xảy ra chủ yếu khi mùa hè chuyển sang thu hoặc từ thu sang đông…

2. Các cách chủ động phòng bệnh mùa thu

Theo ThS.BSCKII Hà Phan Thắng, có một số yếu tố khác nhau có thể khiến nhiều người dễ bị ốm khi chuyển mùa. Do đó, để phòng bệnh mùa thu và các bệnh giao mùa khác, nên thực hiện các thói quen tốt trong lối sống giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh theo mùa.

Uống nhiều nước: Giữ nước cho cơ thể trong hầu hết các thời điểm là rất quan trọng, nhất là khi không khí khô hơn. Việc hydrat hóa sẽ giúp ích về lâu dài vì uống đủ nước giúp loại bỏ các độc tố, loại bỏ chất nhầy ra khỏi cơ thể và giữ ẩm cho đường mũi, cổ họng, tạo ít cơ hội cho vi khuẩn bám vào.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu và giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp chống lại virus và giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi thời tiết chuyển mùa.

- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cân bằng: Kết hợp trái cây và rau quả tươi trong bữa ăn, bổ sung lượng vitamin và khoáng chất lý tưởng, sau đó ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi sức khỏe, giúp cơ thể luôn trong tình trạng ổn định và tạo sức mạnh chống lại bệnh tật. Tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin C. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm ổi, ớt ngọt đỏ, cam và nước ép bưởi. Tiêu thụ thực phẩm giàu kẽm để chống nhiễm trùng.

- Thực hành vệ sinh đúng cách: Đại dịch toàn cầu đã dạy chúng ta tầm quan trọng của việc vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi… Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Nên sử dụng khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa hữu ích để giữ ấm, giữ sạch vùng mũi để tránh nhiễm virus và nâng cao khả năng phòng vệ miễn dịch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng cũng là cách để ngăn vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể một cách hiệu quả.

- Tiêm phòng: Khi chuyển từ mùa này sang mùa khác, virus liên tục thay đổi và thường không rõ nguồn gốc, tốt nhất nên tiêm phòng cúm để phòng ngừa.

- Chẩn đoán kịp thời: Hầu hết các bệnh gây viêm đều có thể dẫn đến sốt. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp. Hàng năm, với những thay đổi theo mùa xảy ra ở các vùng miền thường khác nhau sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh, ví dụ ở thời điểm này người dân miền Bắc đang bị ảnh hưởng do sốt xuất huyết gia tăng.

Ngoài ra, hãy ngủ đủ 8 tiếng, ở trong nhà khi bị ốm, tham khảo ý kiến bác sĩ khi dị ứng kéo dài… là một số biện pháp có thể giúp mọi người tăng sức miễn dịch, giảm nguy có mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa.

3. Dinh dưỡng tốt giúp phòng bệnh mùa thu như thế nào?

Mùa thu là mùa của nhiều loại rau củ và trái cây hoàn hảo, thơm ngon có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, chế độ ăn nhiều rau, trái cây cùng với protein, ngũ cốc và các loại đậu sẽ hỗ trợ một trái tim khỏe mạnh. Với việc chọn các thực phẩm theo mùa, bạn sẽ tăng cường lợi ích sức khỏe bản thân vì tận dụng được nhiều dinh dưỡng từ thực phẩm.

Các loại quả dưới đây rất tốt trong việc giúp tăng cường sức khỏe phòng bệnh mùa thu:

- Táo: Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một quả táo cỡ trung bình có gần 4,8 g chất xơ. Nên để nguyên vỏ táo vì chứa rất nhiều chất xơ cũng như polyphenol được gọi là flavonoid (hợp chất có lợi), vỏ táo còn cung cấp rất nhiều vitamin C (mỗi quả táo cỡ vừa có tới 9,2 mg). Táo còn được chứng minh là có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường type 2 cùng với việc phục hồi tổn thương phổi do hút thuốc - theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu năm 2017.

- Lê: Một quả lê cỡ trung bình có 5,5 g chất xơ và chỉ chứa 101 calo. Theo USDA, bạn cũng sẽ nhận được gần 8 mg vitamin C và 206 mg kali trong một quả lê cỡ trung bình. Kali rất quan trọng để giúp các tế bào hoạt động tốt, điều hòa tim và giữ cho cơ bắp cũng như dây thần kinh hoạt động bình thường.

- Quả nam việt quất: Nửa cốc quả nam việt quất cắt nhỏ chứa khoảng 2 g chất xơ, khoảng 7,5 mg vitamin C. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những con số này làm cho quả nam việt quất trở thành một loại thực phẩm tốt cho tim, có thể cải thiện huyết áp và cholesterol. Ngoài ra, anthocyanin tạo nên màu đặc trưng cho những loại trái cây nhỏ màu đỏ này có thể làm giảm căng thẳng oxy hóa.

- Khoai lang: Khoai lang chứa nhiều vitamin A và C giúp tăng cường miễn dịch. Khoai lang chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, vitamin A và vitamin C. Trên thực tế, một củ khoai lang cỡ vừa chứa 3,6 g chất xơ; 1.150 mcg vitamin A; 18,2 mg vitamin C.

- Súp lơ xanh: Bông cải xanh chứa sulforaphane, một hợp chất có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Một chén bông cải xanh cắt nhỏ cung cấp 2,3 g chất xơ; 78,5 mg vitamin C và 92,8 mcg vitamin K.

- Bí ngô: Bí ngô rất giàu beta carotene được chuyển hóa thành vitamin A, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho cơ thể. Theo USDA, một cốc bí ngô sống cắt khối cung cấp 3.600 mcg beta- carotene. Bạn cũng sẽ nhận được tổng cộng 494 mcg vitamin A mỗi cốc. Bí ngô cũng cung cấp 10,4 mg vitamin C mỗi cốc, 7,1 g chất xơ...

- Tỏi tây: Tỏi tây là thực phẩm chống viêm giúp chống lại bệnh tật. Tỏi tây là một loại thực phẩm mùa thu bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe nhờ có hàm lượng flavonoid cao, đặc biệt là kaempferol, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim. Theo USDA, 1 cốc tỏi tây cung cấp khoảng 1,6 g chất xơ và chỉ 54 calo. Theo Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ, bạn cũng sẽ nhận được khoảng 1.690 mcg lutein và zeaxanthin khiến tỏi tây trở thành nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa này có thể giúp ngăn ngừa bệnh về mắt, bao gồm đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết, Quảng Bình khống chế không để lây lan

Để chủ động khống chế, không để dịch bùng phát ra diện rộng, ngành y tế Quảng Bình phối hợp với các đơn vị tiến hành phun hóa chất, vệ sinh môi trường và tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, sau khi ghi nhận mốt số ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) nhỏ trên địa bàn, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm khống chế, không để dịch bùng phát ra diện rộng.

Theo báo cáo của ngành y tế, trên địa bàn thành phố Đồng Hới hiện ghi nhận gần 70 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó các ca bệnh tập trung tại các phường Bắc Lý, Đức Ninh Đông. Qua điều tra dịch tễ, phát hiện chỉ số bọ gậy tại các khu vực dân cư có dịch rất cao, vượt ngưỡng cảnh báo.

Xác định một số ổ dịch sốt xuất huyết, CDC Quảng Bình phối hợp với các đơn vị chủ động xử lý, khống chế không để dịch lây lan. Trong đó, công tác phun hóa chất xử lý ổ dịch và tuyên truyền các biện pháp chống dịch được đẩy mạnh.

Những ngày qua, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Hới tiến hành phun hóa chất. Cùng với đó phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt lăng quăng/bọ gậy… Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tự bảo vệ sức khỏe, cách nhận biết dấu hiệu của sốt xuất huyết.

Trước đó, vào đầu tháng 9, tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch cũng xuất hiện ổ dịch SXH. Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch đã nhanh chóng phối hợp cùng chính quyền địa phương, trạm y tế xã triển khai phun hóa chất diệt muỗi.

Cùng với đó, phối hợp tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống sốt xuất huyết; vận động người dân tại các thôn làm tổng vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư và trong từng gia đình, thau rửa dụng cụ chứa nước, che đậy thức ăn, nước uống, đồ dùng trước khi phun hóa chất diệt muỗi.

BS. Đỗ Quốc Tiệp cho biết thêm, tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển và lây lan. Để chủ động phòng, chống, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, đơn vị đã cử đoàn công tác cùng với hóa chất, phương tiện máy móc và trực tiếp giám sát, hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ các địa phương.

Bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Biện pháp chủ yếu để phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết.

UBND tỉnh này cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Các cơ sở y tế bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời.

Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

600 thân nhân chiến sĩ Hải quân vùng 4 được chăm sóc sức khỏe

Trong hai ngày 30/9 và 01/10/2023, tại khu Đô thị Căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp cùng Hải quân vùng 4, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và đối tác đã tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho gần 600 vợ chiến sĩ Hải quân.

Đây là hoạt động đầu tiên triển khai chương trình phối hợp giữa Công đoàn Y tế Việt Nam và Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân Khu đô thị Căn cứ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Đến dự Lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ Trưởng Bộ Y tế, Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Trong 2 ngày qua, đoàn công tác đã phối hợp với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã cung cấp 8 dịch vụ thăm khám chuyên sâu, chất lượng

Sau khi khám được phát thuốc miễn phí, những trường hợp cần thiết sẽ hỗ trợ khám điều trị tại Hà Nội. Đợt thăm khám này, các chi em còn nhận được quà tặng từ đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế với trị giá 200 triệu đồng. Công đoàn Y tế Việt Nam tặng 3 máy lọc nước trị giá 23 triệu đồng cho 2 trường mầm non và tiểu học tại khu căn cứ; Công ty Deloitte Việt Nam tặng 3 máy quạt hơi nước trị giá 40 triệu đồng.

Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm gắn kết, tô thắm tình hậu phương, quân đội với những "Chiến sĩ áo trắng", phát huy hiệu quả chương trình "Hậu phương vững, Biển đảo an"; đặc biệt có ý nghĩa trong tháng hành động vì Phụ nữ và chào mừng nhân kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam.

Chăm sóc sức khỏe cho thân nhân các chiến sĩ cũng là thể hiện sự trân quý cho những hy sinh thầm lặng của những người lính Trường Sa thời bình, giúp họ yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc thân yêu.

Chị Lê Thị Thuỷ, vợ chiến sĩ Hải quân xúc động cho biết: Được tham gia thăm khám, chăm sóc sức khoẻ lần này, chị em chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và coi đây như ngày hội lớn của chị em, với sự tận tâm, tư vấn, thăm khám tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội giúp chúng tôi được chữa trị và có thêm kiến thức chăm sóc sức khoẻ bản thân ngày một tốt hơn. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

 

Bệnh Zona có xu hướng tăng sau đại dịch COVID-19

Bs Nguyễn Thu Hằng cho biết, bệnh Zona có xu hướng tăng sau đại dịch COVID-19, việc điều trị bệnh cần tiến hành sớm cùng với đó là khuyến cáo người dân dùng vaccine phòng bệnh càng sớm, càng tốt.

Báo cáo của BS. Nguyễn Thu Hằng – BVĐK Xanh-Pôn với chủ đề "thách thức trong chẩn đoán và điều trị bệnh Zona trong giai đoạn cấp tính" cho thấy, số ca mắc bệnh Zona (Herpes zoster) tại BV da liễu Trung ương năm 2022 là 3.700 ca, 6 tháng năm 2023 là 1.700 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh Zona tại BVĐK Xanh-Pôn năm 2022 là 600 ca, 8 tháng năm 2023 là 500 ca.

Theo BS. Nguyễn Thu Hằng, bệnh Zona là tình trạng nhiễm trùng do sự tái hoạt của Varicella zoster virus (VZV) tiềm ẩn ở hạch thần kinh rễ sau cạnh sống từ sau lần tái nhiễm virus nguyên phát (thuỷ đậu). Bệnh này được dân gian gọi với tên "giời leo" và hay nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc kích ứng. Bệnh Zona sẽ gây tổn thương da cơ bản (ban đỏ, mụn nước, bọng nước).

Về chẩn đoán bệnh, khi bệnh khởi phát sẽ có cảm giác bất thường tại 1 vùng da, khoảng 10% bệnh nhân đồng thời đau và có tổn thương da. Vùng da đau xuất hiện mảng đỏ, nề nhè, gờ cao, phân bố theo đường phân bố thần kinh và dần nối với nhau thành dải; Toàn phát: Mụn/ bọng nước thành chùm trên nền dát đỏ, thời gian lành tổn thương 2 tuần. Thường chỉ ở 1 bên, với bệnh nhân có suy giảm miễn dịch tổn thương da lan toả. Zona vùng ngực chiếm 50%, cổ 20%, đầu mặt (TKV) 15%, thắt lưng cùng 10%.

Về nguyên tắc điều trị bệnh Zona trong giai đoạn cấp tính, BS. Hằng cho biết, phải dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt; Điều trị thương tổn da, niêm mạc; Giảm đau; Chống nhiễm trùng; Giảm nguy cơ biến chứng đau sau Zona. Để phòng bệnh, người dân có thể dùng vaccine để phòng bệnh càng sớm càng tốt.

Trên đây là 1 trong nhiều báo cáo của hàng chục thầy thuốc, nhà khoa học tại Đại hội Hội chống đau Hà Nội lần thứ III – Nhiệm kỳ 2023 – 2028 vừa được tổ chức tại BVĐK Xanh-Pôn. Đây là một sự kiện của Hội Chống đau Hà Nội và có ý nghĩa quan trong trong đời sống khoa học của các chuyên gia nghiên cứu đau trong khu vực.

Trong khuôn khổ Đại hội, Hội nghị khoa học "Thực hành tiếp cận đau trong lâm sàng" cũng đã được tổ chức. Các nhà khoa học đã tập trung thông báo những thành tựu nghiên cứu, truyền đạt các thông tin tổng quan kiến thức cập nhật và trao đổi kinh nghiệm thực hành tiếp cận quản lý, chẩn đoán và điều trị đau trong lâm sàng. (Theo Báo suckhoedoisong.vn).

Huy Hoàng tổng hợp

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.466
Tháng 07 : 20.663
Năm 2024 : 1.159.970
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.484