• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường và cách ứng phó

Hiện nay, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang gia tăng, khó kiểm soát, biến chứng nặng nề, làm tăng chi phí y tế. Chính vì thế, phát hiện sớm, nhận biết nguy cơ bệnh ĐTĐ để biết cách ứng phó, quản lý, điều trị và làm chậm sự xuất hiện, tiến triển các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh nhân Lê Danh Phương được bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám

 

Bệnh nhân Lê Danh Phương, 53 tuổi, Tổ dân phố 15, Thị trấn Thạch Hà vào nhập viện tỉnh trong tình trạng mắt mờ, chân sưng mủ do biến chứng của bệnh ĐTĐ, ông Phương bộc bạch: “tôi phát hiện ra bệnh ĐTĐ đến nay hơn 10 năm, thời gian mới bị, tôi thường chủ quan không đi khám, ăn uống không theo hướng dẫn của bác sỹ nên bệnh tiến triển nặng, nay người mệt, mắt mờ, chân sưng mủ rất đau, đi lại khó khăn”.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại khoa Nội tiết, trong đó hầu hết là có biến chứng. Theo bác sĩ Thái Thọ, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Trong số bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết có 5% ĐTĐ tuýp I và 95% ĐTĐ tuýp II. Và có đến hơn 90% bệnh nhân ĐTĐ có các biến chứng và bị các chứng kèm theo như: nhồi máu cơ tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não, tách mạch chi, có nhiều bệnh nhân bị tràn dịch màn phổi”.

Bác sỹ Khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh thăm khám sức khỏe cho bé gái 9 tuổi bị hôn mê sâu, nhiễm toan ceton đái tháo đường/nhiễm khuẩn nặng.

 

Ngoài những bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại khoa Nội tiết thì còn có gần 1.400 bệnh nhân ĐTĐ đang điều trị ngoại trú tại Phòng khám ngoại trú Nội tiết – ĐTĐ (bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Trước thực trạng bệnh ĐTĐ ngày càng gia tăng, các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã làm tốt công tác quản lý, điều trị bệnh nhân ĐTĐ. Bệnh viện Đa khoa thành phố là đơn vị đã có 15 năm triển khai hiệu quả Phòng quản lý điều trị ngoại trú bệnh ĐTĐ. Đến nay đã quản lý và triệu trị ngoại trú cho hơn 3.000 bệnh nhân ĐTĐ trong địa bàn thành phố và bệnh nhân các huyện lân cận như Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc đến khám và điều trị.

Bệnh nhân Trần Ngọc Thanh, 78 tuổi, ở phường Nam Hà, Thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Tôi bị bệnh ĐTĐ đã 20 năm, từ khi phát hiện đến nay tôi định kỳ đến khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ tại bệnh viện thành phố nên đến nay sức khỏe vẫn ổn định”.

Bệnh nhân Trần Ngọc Thanh luôn thực hiện khám định kỳ, chế độ ăn uống, luyện tập theo hướng dẫn của bác sỹ

 

Một thực tế hiện nay có nhiều trẻ em mắc ĐTĐ, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, luỹ tích từ năm 2021 đến nay tại Việt Nam có khoảng 1.750 trẻ em ĐTĐ tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm. Điển hình, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cứu thành công ca bệnh hôn mê nhiễm toan ceton do ĐTĐ ở trẻ 4 tuổi. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cứu thành công trường hợp bé gái 9 tuổi bị hôn mê sâu, nhiễm toan ceton đái tháo đường/nhiễm khuẩn nặng.

Theo bác sĩ Thái Thọ, Trưởng khoa Nội Tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Bệnh ĐTĐ ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Điểm khó ở trẻ này là tình trạng ĐTĐ của trẻ chưa hề được phát hiện từ đầu, đến lúc phát hiện ra thì trẻ đã trong tình trạng rất nặng”.

Cũng theo bác sỹ Thái Thọ, bệnh ĐTĐ tuýp 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc ĐTĐ tuýp 1, cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin. Vì thế, các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, điều trị đúng cách tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.

Bác sỹ BVĐK Thành phố tư vấn cho bệnh nhân ĐTĐ tại Phòng quản lý và điều trị ngoại trú bệnh ĐTĐ

 

Bệnh ĐTĐ tuýp 2 phổ biến hơn ở người lớn và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp ĐTĐ. Khi mắc ĐTĐ tuýp 2, cơ thể không sử dụng tốt lượng insulin mà nó tạo ra. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, bệnh ĐTĐ tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực. Vì thế, người trên 40 tuổi cần định kỳ kiểm tra đường huyết phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những người ĐTĐ có các triệu chứng khá rõ như: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân… nhưng chưa đi khám bệnh, thì cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.  

Với bệnh nhân ĐTĐ cần tuân thủ uống thuốc theo phác đồ điều trị của bác sỹ trực tiếp điều trị hướng dẫn. Đồng thời, cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, vận động hàng ngày để giữ đường huyết đạt mục tiêu. Ngoài ra, người dân cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh ĐTĐ. Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.774
Tháng 05 : 26.634
Năm 2024 : 745.933
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.544.447